Bạn bị đau ngực? Có thể không phải là triệu chứng của bệnh tim mạch

Đau ngực là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất khiến bệnh nhân phải đến khoa cấp cứu (ED) ở các quốc gia có thu nhập cao. Đau ngực chịu trách nhiệm cho hơn 8 triệu lượt khám cấp cứu ở Hoa Kỳ mỗi năm, khiến triệu chứng này trở thành nguyên nhân thường gặp thứ hai trong các ca cấp cứu sau đau dạ dày và đau bụng.

Đau ngực có thể bắt nguồn từ các vấn đề liên quan đến tim, nhưng các nguyên nhân khác như nhiễm trùng phổi, căng cơ, tổn thương xương sườn hoặc cơn hoảng loạn cũng có thể gây đau ngực. Một vài trong số này là các tình trạng sức khỏe nghiêm trọng và cần được chăm sóc y tế.

Một nguyên nhân chính gây đau ngực không do tim là bệnh trào ngược dạ dày thực quản, còn được gọi là GERD, xảy ra khi acid dạ dày hoặc mật từ dạ dày chảy ngược trở lại thực quản, gây đau và khó chịu ở ngực và cổ họng.

Các triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản

Đau hoặc tức ngực có thể cho thấy các vấn đề về tim, chẳng hạn như suy cơ tim, xơ vữa động mạch hoặc rối loạn nhịp tim. Viêm xương sườn và đau dây thần kinh liên sườn cũng có thể gây đau ngực. Những triệu chứng này nên được xem xét khi một người xuất hiện cơn đau tim hoặc đau ngực.

Một trong hai triệu chứng phổ biến của bệnh trào ngược dạ dày thực quản là cảm giác đau rát ở ngực. Trong trường hợp thông thường, dạ dày sản xuất acid để tiêu hóa thức ăn. Acid là chất ban đầu giúp tiêu hóa và phân hủy thức ăn. Nếu acid trào ngược lên thực quản, nó sẽ kích thích niêm mạc thực quản và gây đau rát vùng xung quanh ngực.

Triệu chứng thứ hai là cảm giác trào ngược dịch dạ dày. Những người bị GERD có thể cảm thấy chất lỏng trào lên thực quản, và tình trạng này có thể tệ hơn vào ban đêm hoặc khi nằm.

Ngoài ra, bệnh trào ngược dạ dày thực quản cũng có một số triệu chứng không điển hình khác. Ví dụ, khi bị trào ngược kinh niên, người bệnh có thể gặp tình trạng đau họng hoặc viêm họng kinh niên. Một triệu chứng khác là co thắt phế quản. Trong một số trường hợp, acid dạ dày trào ngược sẽ làm nghẹt phế quản, gây ra các triệu chứng tương tự như bệnh hen suyễn kích thích khí quản và gây ho.

Những người bị GERD cũng có xu hướng bị nấc cụt do acid trong dạ dày gây kích thích thực quản. Khi một số người bị nấc, thức ăn và acid dạ dày có thể trào lên cùng nhau, gây ra cảm giác khó chịu, khàn giọng, khó nuốt và các triệu chứng khác.

Nguyên nhân và hậu quả của trào ngược dạ dày thực quản

Một số loại thực phẩm nhất định có thể kích thích gây tăng tiết acid dạ dày. Ví dụ, mì ống và đường có thể làm tăng các triệu chứng của bệnh trào ngược acid dạ dày.

Các triệu chứng có thể trở nên trầm trọng hơn ở những người ăn uống gần thời gian đi ngủ khi thức ăn chưa được tiêu hóa kịp thời. Ăn quá nhiều cũng có thể gây ra bệnh trào ngược dạ dày thực quản.

Nếu trào ngược dạ dày thực quản trở thành bệnh kinh niên, căn bệnh này sẽ dần làm tổn thương niêm mạc thực quản, dẫn đến viêm loét và chảy máu, thậm chí có thể phát triển thành ung thư thực quản.

Cách kiểm soát trào ngược dạ dày thực quản

Bạn nên làm gì nếu bị trào ngược dạ dày thực quản?

  • Bạn có thể giảm bớt cơn đau do GERD bằng cách uống nước ấm để tống dịch vị có tính acid còn lại trong thực quản ra ngoài.
  • Khi ngủ, cố gắng nằm nghiêng về bên trái. Ở tư thế này, acid dịch vị ít có khả năng trào ngược lên thực quản.
  • Bạn cần điều chỉnh cách ăn uống của mình như không ăn quá nhiều thức ăn và tránh caffeine, chocolate, thực phẩm nhiều đường, chất béo và gia vị.
  • Bỏ hút thuốc. Hút thuốc lá sẽ làm suy yếu sức căng của cơ vòng thực quản khiến acid dạ dày dễ bị trào ngược, đồng thời làm giảm tiết nước bọt khiến tình trạng bệnh càng trầm trọng hơn.
  • Duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý. Béo phì có thể làm tăng áp lực lên dạ dày, khiến bạn dễ bị mắc các bệnh kinh niên.
  • Khi ăn nên nhai chậm, tránh nằm quá sớm, cố gắng không ăn trong vòng hai hoặc ba giờ trước khi ngủ để dạ dày ở trạng thái tương đối rỗng.
  • Bạn cũng có thể làm giảm nguy cơ trào ngược acid dạ dày bằng cách kê cao gối khi ngủ.
  • Mặc quần áo rộng để giảm áp lực lên dạ dày.
  • Thư giãn cơ thể và tinh thần, giải tỏa căng thẳng tinh thần, giảm lo âu, phiền muộn trong cuộc sống thông qua các bài tập thể dục, thiền định, giãn cơ và nếu cần có thể nhờ tư vấn tâm lý.

Cơ thể con người là một hệ thống năng lượng tích hợp hoàn chỉnh với chu trình năng lượng định hướng. Năng lượng trong dạ dày nên di chuyển xuống dưới để thức ăn có thể được tiêu hóa, hấp thụ và chuyển hóa. Nhưng nếu năng lượng trong dạ dày di chuyển ngược lên trên, điều này sẽ dẫn đến các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản, đầy hơi, thậm chí là thoát vị dạ dày.

Theo Trung y, loại hiện tượng này được gọi là “khí” (năng lượng sống) trong dạ dày di chuyển theo hướng ngược lại (sai cách). Và điều này chủ yếu là do sự mất cân bằng và tắc nghẽn năng lượng.

Theo Trung y, dòng năng lượng làm cho khí dạ dày di chuyển lên trên có liên quan đến kinh mạch của Gan và Túi mật. Gan giám sát quá trình thanh lọc và điều chỉnh hướng chuyển động của khí và huyết xuyên suốt cơ thể. Khí dạ dày thăng lên thường liên quan đến tình trạng ứ khí ở gan.

Trong Trung y, khí (năng lượng sống), huyết và dịch cơ thể là những chất cần thiết cho hoạt động sống, tất cả đều bắt nguồn từ các cơ quan nội tạng và chảy không ngừng bên trong cơ thể. Việc bảo đảm cung cấp đầy đủ các chất thiết yếu này và sự lưu thông trên khắp cơ thể là điều rất quan trọng đối với sức khỏe và tinh thần. Bệnh tật hay các chứng bệnh khác nhau đều là do tình trạng ứ đọng hay thiếu hụt các chất này.

Hai loại cảm xúc ảnh hưởng đến trào ngược dạ dày thực quản

Điều gì ảnh hưởng đến khí ở gan và dạ dày? Câu trả lời nằm ở hai loại cảm xúc—tức giận và lo lắng. Tức giận có thể làm tổn thương gan, khiến khí ở gan bị ngưng trệ, từ đó ảnh hưởng đến dạ dày. Bản thân dạ dày bị ảnh hưởng bởi cảm giác lo lắng và chán nản. Lá lách và dạ dày được kết nối với nhau, vì vậy lo lắng cũng ảnh hưởng đến lá lách.

Trong Trung y, cảm xúc và sức khỏe thể chất có mối liên quan mật thiết với nhau. Cách tiếp cận tích hợp tâm trí – cơ thể đối với sức khỏe và việc chữa bệnh hoạt động trong một vòng lặp năng động, trong đó cảm xúc tác động đến sức khỏe cơ thể và ngược lại.

Bảy loại cảm xúc (thất tình) trong Trung y là đau buồn, u sầu, sợ hãi, hoảng sợ (đột ngột và bất ngờ, không giống như sợ hãi), tức giận, vui mừng và lo lắng (lo âu). Đây là những cảm xúc tự nhiên và không mang lại hậu quả bệnh lý trong nhiều trường hợp. Tuy nhiên, sự xuất hiện đột ngột, nghiêm trọng hoặc kinh niên có thể gây ra bệnh. Cảm xúc quá độ dẫn đến khí huyết bị rối loạn, ảnh hưởng trực tiếp đến các cơ quan nội tạng bên trong. Vì lý do này, bảy cảm xúc trên là những yếu tố chính gây ra bệnh nội sinh.

Theo Trung y, cảm xúc thái quá dẫn đến những ảnh hưởng cụ thể đến các cơ quan nội tạng: đau buồn và u sầu làm tổn thương phổi; sợ hãi và hoảng sợ làm tổn thương thận; tức giận làm tổn thương gan; vui mừng làm tổn thương tim; lo lắng/lo âu làm tổn thương lá lách (dạ dày).

Khi một người có thể điều hòa cảm xúc để giải tỏa khí gan và làm dịu khí dạ dày, vấn đề trào ngược dạ dày thực quản có thể được giải quyết.

Đồng thời, chúng ta có thể kết hợp thêm các liệu pháp xoa bóp huyệt đạo để giảm trào ngược dạ dày thực quản, như huyệt như Hợp Cốc tương ứng với kinh mạch đại tràng ruột già, Túc Tam Lý tương ứng với kinh mạch dạ dày, cùng với Trung Quản, Nội Quan và Thái Xung.

Bạn bị đau ngực? Có thể không phải là triệu chứng của bệnh tim mạch
Huyệt Hợp Cốc hay còn gọi là Đại Trường 4. (Ảnh: Shutterstock)

Trung y cho rằng cơ thể người có một hệ thống “kinh mạch” chịu trách nhiệm vận chuyển “khí” và “huyết” đi khắp cơ thể. Hai chất khí và huyết lưu thông để duy trì sự cân bằng và ổn định trong các mô và cơ quan khác nhau. Trung y có thể điều trị các bệnh bằng cách kích thích các huyệt đạo tương ứng thông qua xoa bóp và châm cứu.

Trên đây là những nguyên nhân gốc rễ và các phương pháp phòng ngừa quan trọng liên quan đến GERD.

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn