Các chuyên gia về Trung Quốc được cho là rút khỏi phiên điều trần trước Quốc hội vì lo sợ phản ứng dữ dội của ĐCSTQ
Nhiều nhân chứng tiềm năng đã rút khỏi một phiên điều trần của một ủy ban quốc hội về mối liên hệ kinh tế Mỹ-Trung vì lo ngại phản ứng dữ dội từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), theo Dân biểu Brad Sherman (Dân Chủ-California), Chủ tịch Tiểu ban Bảo vệ Nhà đầu tư, Doanh nhân, và các Thị trường vốn.
Ông Sherman tiết lộ điều này ngay từ đầu phiên điều trần vào ngày 26/10, được triệu tập để xem xét rủi ro do các công ty Trung Quốc và các tổ chức phát hành ngoại quốc khác gây ra đối với các nhà đầu tư Hoa Kỳ.
Ông nói: “Chúng ta có những nhân chứng tuyệt vời ở đây hôm nay, nhưng những nhân chứng [có thể] nói ra một cách rõ ràng nhất lại là những người không có mặt ở đây hôm nay. Quyết định rút khỏi phiên điều trần này của họ do áp lực — áp lực kinh tế — nói lên sức mạnh kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc đối với chính trị và kinh tế ở đây, ở Hoa Kỳ.”
Dân biểu Bill Huizenga (Cộng Hòa-Michigan), thành viên cao cấp của Đảng Cộng Hòa trong ủy ban, bày tỏ sự sửng sốt trước khẳng định của ông Sherman, và yêu cầu cung cấp thêm chi tiết. Ông Sherman từ chối xác định danh tính các nhân chứng tiềm năng, nhưng cho biết họ đều đến từ lĩnh vực tài chính.
Ông Sherman trả lời: “Tôi không đến đây để kết thúc bất kỳ sự nghiệp nào ở Wall Street bằng cách nêu tên một cách rõ ràng.” “Có những người mà chúng tôi đã thảo luận cùng, một số người thực sự đã đồng ý đến làm chứng. Nhưng rồi họ thông báo cho chúng tôi rằng họ quyết định sẽ không xuất hiện trước chúng tôi vì lợi ích sự nghiệp của họ.”
Các nhân chứng đã xuất hiện là ông Karen Sutter, một chuyên gia về tài chính và thương mại Á Châu tại Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội; bà Samantha Ross, người sáng lập AssuranceMark, Hiệp hội các Nhà đầu tư vì Sự bảo đảm; ông Eric Lorber, một giám đốc tại Quỹ Bảo vệ các Nền dân chủ; và nhà phân tích cao cấp Claire Chu của Nhóm Cố vấn RWR.
Phiên điều trần đề cập đến một loạt các chủ đề về Trung Quốc — bao gồm đánh cắp IP, gián điệp, và cách đối xử của Trung Cộng với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ — nhưng tập trung vào việc các nhà đầu tư Hoa Kỳ mua cổ phiếu của các công ty Trung Quốc. Phiên điều trần diễn ra sau đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng thảm hại của công ty ứng dụng gọi xe Trung Quốc Didi Global Inc. Hồi tháng Sáu, khi công ty này huy động được 4.4 tỷ USD tại các thị trường Hoa Kỳ chỉ để nhà cầm quyền Trung Cộng bắt đầu điều tra công ty vài ngày sau đó — khiến cổ phiếu của Didi giảm giá.
Các nhân chứng cho biết các cơ cấu doanh nghiệp và hệ thống luật pháp không rõ ràng của Trung Quốc khiến việc đầu tư vào các công ty Trung Quốc trở thành một hoạt động kinh doanh rủi ro.
Những hạn chế của Trung Quốc đối với quyền sở hữu ngoại quốc trong các công ty của họ được coi là nguyên nhân chính dẫn đến phần lớn rủi ro này.
Vì họ không thể chấp nhận các khoản đầu tư sẽ dẫn đến sở hữu ngoại quốc, các công ty Trung Quốc sử dụng cách huy động vốn thông qua các cấu trúc doanh nghiệp ở ngoại quốc, các nhân chứng cho biết. Ví dụ: một công ty được giao dịch ở Hoa Kỳ có thể sở hữu một công ty vỏ bọc ở Quần đảo Cayman có một liên kết hợp đồng với công ty Trung Quốc.
“Những cấu trúc này được cho là khiến các nhà đầu tư Hoa Kỳ khó đánh giá rủi ro tiềm ẩn,” ông Sutter nói. “Các cấu trúc công ty phức tạp này cũng tách biệt công ty đằng sau và các hoạt động cũng như tài sản của nó khỏi các nhà đầu tư Hoa Kỳ. Điều này có khả năng hạn chế khả năng của các nhà đầu tư Hoa Kỳ trong việc thực hiện các quyền của họ, bao gồm cả quyền tìm kiếm sự truy cứu đầy đủ về mặt pháp lý nếu cần thiết.”
Bà Ross cho biết một vấn đề đặc biệt nổi cộm là các công ty Trung Quốc không tiết lộ kiểm toán thích hợp cho Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC). Bà Ross đang đề cập đến thực tế là chính quyền Trung Cộng bị cáo buộc đã chặn không cho các công ty kiểm toán của nước này để các cơ quan quản lý của Hoa Kỳ kiểm tra công việc của họ.
Bà nói: “Các công ty có trụ sở tại Trung Quốc tự do hoạt động trên thị trường Hoa Kỳ mà không tuân thủ các quy định kiểm toán của Hoa Kỳ, làm tăng rủi ro gian lận đối với các nhà đầu tư [đầu tư] vào các công ty đó.”
Quốc hội đặt mục tiêu giải quyết vấn đề này vào tháng 12/2020 khi thông qua Đạo luật về Trách nhiệm Giải trình đối với các Công ty Ngoại quốc, yêu cầu các công ty ngoại quốc phải bị hủy niêm yết khỏi thị trường Hoa Kỳ nếu họ không đáp ứng các yêu cầu công bố thông tin kiểm toán trong ba năm liên tiếp.
Luật cũng có thể tiết lộ những công ty Trung Quốc nào có quan hệ trực tiếp với ĐCSTQ. Khi SEC đã hoàn thiện quy định về luật, các công ty Trung Quốc “sẽ được yêu cầu tiết lộ tỷ lệ cổ phần thuộc sở hữu của các tổ chức chính phủ mà dựa trên đó công ty được thành lập và liệu các tổ chức chính phủ này có lợi ích tài chính kiểm soát trong công ty hay không,” theo một bản ghi nhớ của tiểu ban về luật pháp.
“Các công ty này cũng sẽ phải tiết lộ thông tin liên quan đến bất kỳ thành viên hội đồng quản trị nào là quan chức của ĐCSTQ và liệu các điều khoản thành lập công ty cổ phần có chứa bất kỳ điều lệ nào của ĐCSTQ hay không.”
Đạo luật về Trách nhiệm Giải trình Đối với các Công ty Ngoại quốc — được đưa ra tại phiên điều trần của tiểu ban hôm 26/10 — sẽ giảm thời hạn hủy niêm yết của luật ban đầu xuống còn hai năm.
Ông Ken Silva đưa tin về các vấn đề an ninh quốc gia cho The Epoch Times. Kinh nghiệm đưa tin của ông cũng bao gồm cả an ninh mạng, tội phạm và tài chính hải ngoại — kể cả ba năm làm phóng viên ở Quần đảo Virgin thuộc Anh và hai năm ở Quần đảo Cayman. Quý vị có thể liên lạc với ông tại [email protected]
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: