Thiền định: Cách trị bệnh đường ruột đơn giản, miễn phí—Không có tác dụng phụ

Thông qua hiệu quả điều chỉnh hệ thống miễn dịch, thiền định có thể giúp bệnh nhân phục hồi nhiều bệnh lý đường tiêu hóa như viêm dạ dày, hội chứng ruột kích thích, bệnh viêm ruột Crohn, trào ngược dạ dày thực quản, giảm đau v.v…

Đường ruột là cơ quan tiêu hóa chính và là “bộ não thứ hai” của chúng ta. Đường ruột mất cân bằng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ thể, điều hòa lượng đường trong máu, khả năng miễn dịch và thậm chí cả tâm trạng của chúng ta.

Và có một phương pháp miễn phí giúp chữa lành bệnh đường ruột của bạn: thiền định.

Bác sĩ Sunjya K. Schweig là một chuyên gia về các bệnh mãn tính phức tạp và là người hành nghề y học tích hợp và chức năng trong gần ba thập niên. Theo kinh nghiệm lâm sàng của ông, thiền định có thể làm giảm căng thẳng, từ đó có tác động tích cực đến đường ruột thông qua một số con đường.

Rất quan trọng, thiền định có thể điều chỉnh hệ thống miễn dịch đường ruột và tình trạng viêm toàn thân, do đó tạo điều kiện phục hồi các bệnh lý đường ruột.

Thiền định có thể tăng cường hệ lợi khuẩn đường ruột

Một nghiên cứu gần đây được công bố trên BMJ General Psychiatry đã phân tích các thành phần vi sinh vật đường ruột của 56 nhà sư Phật giáo Tây Tạng và một số cư dân không thường xuyên thiền định.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các nhà sư thực hành thiền định sâu trong thời gian dài có hệ lợi khuẩn phong phú đáng kể trong hệ thống đường ruột của họ, giúp “giảm nguy cơ lo lắng, trầm cảm và bệnh tim mạch”.

Thiền định: Cách trị bệnh đường ruột đơn giản, miễn phí—Không có tác dụng phụ
Sự khác biệt giữa hệ vi sinh vật của các nhà sư tây Tạng và người dân địa phương. (Ảnh: The Epoch Times)

Cụ thể, tỷ lệ lợi khuẩn Prevotella và Bacteroides của các nhà sư Tây Tạng lần lượt là 42.35% và 29.15%, trong khi tỷ lệ ở người dân địa phương là 6.21% và 4.07%. Các nhà sư cũng có một lượng lớn vi khuẩn đường ruột Megamonas và Faecalibacterium – là vi khuẩn tốt –nhiều hơn so với người dân địa phương.

Căng thẳng và trầm cảm tạo điều kiện cho tình trạng rối loạn hệ vi sinh vật đường ruột, và thiền định có thể làm giảm căng thẳng và nguy cơ trầm cảm, từ đó giúp cho hệ vi sinh vật đường ruột tốt hơn.

Ngoài ra, theo một phân tích gộp, thiền định có thể giúp điều chỉnh phản ứng căng thẳng và duy trì chức năng hàng rào ruột khỏe mạnh. Các nhà nghiên cứu đã đề nghị tích hợp thiền định vào các mô hình chăm sóc sức khỏe hiện có để cải thiện hiệu quả.

Các nhà khoa học cũng đề nghị sử dụng thiền định như một công cụ hiệu quả trong việc điều chỉnh sức khỏe đường ruột, vì thiền định có thể cải thiện đáng kể chỉ số chất lượng cuộc sống đường tiêu hóa (GIQLI).

Hơn nữa, theo một blog của Harvard, thiền định có thể kích hoạt hệ thống thần kinh đối giao cảm, từ đó thúc đẩy nhu động ruột.

Khi nhu động ruột chậm, vi khuẩn và nấm men không thể được loại bỏ khỏi cơ thể kịp thời, dẫn đến sự tích tụ của vi khuẩn và/hoặc nấm men trong ruột non, được gọi là sự phát triển quá mức của vi khuẩn đường ruột (SIBO).

SIBO có thể dẫn đến tiêu chảy mãn tính và kém hấp thu chất dinh dưỡng, làm cạn kiệt một số vitamin tan trong chất béo như A, D, E và K.

Thiền định có thể cải thiện bệnh đường ruột và các bệnh tiêu hóa khác

Khi chúng ta căng thẳng, hệ tiêu hóa của chúng ta không thể hoạt động tốt.

Do những thay đổi đáng kể về lối sống trong những thập niên gần đây, số người mắc chứng rối loạn tiêu hóa trên toàn thế giới đang gia tăng. Theo Viện Quốc gia về Bệnh tiểu đường và Tiêu hóa và Bệnh thận, 60 đến 70 triệu người Mỹ bị ảnh hưởng bởi các bệnh về tiêu hóa. Tuy nhiên, thiền định có thể là một công cụ hiệu quả trong việc giảm bớt một số bệnh đường ruột thông thường và các bệnh tiêu hóa khác.

Kross đã phát hiện ra trong quá trình thực hành của mình rằng khi vấn đề căng thẳng được giải quyết bằng các can thiệp như thiền định, sức khỏe đường ruột của khách hàng của bà sẽ cải thiện đáng kể.

Bà cho biết: “[Thiền] chánh niệm kết hợp với những thay đổi trong cách ăn uống sẽ có tác động mạnh mẽ hơn và lớn hơn.

Tiến sĩ Daniel A. Monti, chủ tịch Khoa Y học Tích hợp & Khoa học Dinh dưỡng tại Đại học Thomas Jefferson và Giám đốc điều hành của Viện Sức khỏe Tích hợp Marcus cho biết, thông thường bệnh nhân có các triệu chứng về đường tiêu hóa sẽ cải thiện khi họ tham gia vào một chương trình thiền định, “vì thiền định đã được chứng minh là làm giảm mức độ căng thẳng” và nó cũng làm thay đổi hệ thần kinh của họ, do đó thay đổi đường ruột của họ theo chiều hướng tốt hơn.

Thiền định và hội chứng ruột kích thích (IBS)

Một trong những khách hàng của Kross bị đau dạ dày và các triệu chứng IBS trong hơn một thập kỷ, nhưng sau khi anh ấy bắt đầu thực hành thiền định, bệnh đau dạ dày và IBS của anh ấy đã sớm được cải thiện.

Và khi kết hợp với dinh dưỡng hợp lý, anh ấy bắt đầu đi tiêu đều đặn và các vấn đề về đường ruột của anh ấy đã biến mất.

Hội chứng ruột kích thích là một rối loạn tương tác giữa ruột và não và một nhóm các triệu chứng, bao gồm đau bụng, đầy bụng, tiêu chảy và táo bón. Mười đến 15 phần trăm người Mỹ trưởng thành bị các triệu chứng IBS.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy việc thực hành thiền định có thể làm giảm các triệu chứng IBS và thời gian bệnh nhân ở trong nhà vệ sinh với chứng bệnh tiêu hóa.

Thiền định cũng có thể làm giảm mức độ căng thẳng và lo lắng của bệnh nhân, trong khi lượng serotonin trong cơ thể họ tăng lên. Serotonin là một hormone quan trọng trong việc điều chỉnh hệ thống tiêu hóa của chúng ta.

Trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Tiêu hóa Hoa Kỳ, 75 bệnh nhân nữ IBS được chỉ định ngẫu nhiên vào tám buổi thiền nửa ngày hàng tuần. Những bệnh nhân tham gia vào các buổi này đã giảm đáng kể mức độ nghiêm trọng và đau khổ của các triệu chứng IBS, cũng như chất lượng cuộc sống được cải thiện.

Ngoài ra, hiệu quả điều trị có lợi như vậy kéo dài ít nhất ba tháng sau các buổi trị liệu.

Trong một nghiên cứu tiếp theo khác, 10 bệnh nhân IBS đã thực hành thiền đáp ứng thư giãn trong một năm đã giảm đáng kể các triệu chứng IBS so với tình trạng trước khi điều trị, bao gồm đau bụng, tiêu chảy, đầy hơi và chướng bụng. Các nhà nghiên cứu cho rằng việc tiếp tục sử dụng thiền định là một phương pháp điều trị hiệu quả cho IBS về lâu dài.

Thiền định và bệnh Crohn

Bệnh Crohn là một loại bệnh viêm ruột. Các triệu chứng chính bao gồm đau bụng, tiêu chảy nặng, sốt, mệt mỏi, tắc ruột và sụt cân. Bệnh nhân bệnh Crohn có nguy cơ ung thư đại tràng cao hơn.

Bằng chứng cho thấy rằng thiền định có thể hỗ trợ cân bằng nội môi chủ quan cho bệnh nhân bệnh Crohn, đó là quản lý có hệ thống những cảm xúc tích cực về bản thân. Điều này có thể là do thiền định có khả năng giúp bệnh nhân điều chỉnh cảm xúc của họ.

Trong một nghiên cứu khác của Đức năm 2022, bệnh nhân bệnh Crohn được phân ngẫu nhiên vào hai nhóm. Một nhóm nhận được một buổi thiền sáu giờ hàng tuần trong 10 tuần. Sau đó, những người tham gia nghiên cứu đã trả lời bảng câu hỏi về các triệu chứng bệnh viêm ruột vào tuần thứ 12 và sau đó là tuần thứ 36.

Những bệnh nhân thường xuyên tham gia các buổi thiền sau đó vô cùng hài lòng với trải nghiệm của họ. Vào cuối cuộc nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã đề nghị thiền định như một cách tiếp cận toàn diện để điều trị bệnh nhân mắc bệnh Crohn.

Thiền định và bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)

GERD là một loại bệnh đường tiêu hóa trên, trong đó acid dạ dày thường xuyên trào ngược lên thực quản. Các triệu chứng chính bao gồm ợ nóng, khó nuốt, đau khi nuốt và đau ngực không do tim.

Các triệu chứng của GERD có thể trở nên trầm trọng hơn do căng thẳng và trầm cảm, và thiền định có thể giúp giảm bớt cả hai, do đó cải thiện tích cực các triệu chứng GERD.

Trong một nghiên cứu cắt dọc trong ấn phẩm chính thức của Hiệp hội Tiêu hóa Ấn Độ, nhóm những người tham gia thực hành thiền định cho thấy mức độ trầm cảm của họ giảm nhiều hơn so với nhóm đối chứng. Kết quả là, các nhà nghiên cứu coi thiền là một liệu pháp hiệu quả cho bệnh nhân GERD.

Thiền định và bệnh viêm dạ dày kinh niên

Viêm dạ dày là tình trạng viêm, kích ứng hoặc xói mòn niêm mạc dạ dày. Các triệu chứng có thể bao gồm đau thượng vị, buồn nôn, nôn, đầy bụng và ợ chua.

Trong một nghiên cứu năm 2021, 146 bệnh nhân viêm dạ dày và loét dạ dày mãn tính được chia thành hai nhóm. Một nhóm được can thiệp điều dưỡng tiêu chuẩn, trong khi nhóm còn lại được đào tạo thiền định về chăm sóc tiêu chuẩn. Phân tích cho thấy tỷ lệ hiệu quả điều dưỡng, tỷ lệ hài lòng về điều dưỡng và thang điểm tự tin về năng lực chung của nhóm thiền định cao hơn.

Hơn nữa, thang điểm lo lắng và trầm cảm tự đánh giá của nhóm đầu tiên thấp hơn. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng sự kết hợp giữa can thiệp điều dưỡng tiêu chuẩn và thiền định có tác dụng chữa bệnh đối với những bệnh nhân này.

Thiền định giúp giảm đau

Thiền định cũng có thể giúp giảm đau cho bệnh nhân mắc các bệnh về tiêu hóa.

Thiền định có thể làm dịu hệ thống thần kinh giao cảm, theo blog của Harvard, nên có thể làm giảm cơn đau mãn tính. Hệ thần kinh giao cảm có xu hướng làm trầm trọng thêm các triệu chứng thực thể của bệnh như đau. Do đó, thiền có thể được sử dụng như một công cụ hiệu quả và an toàn để kiểm soát cơn đau.

Bệnh nhân mắc các bệnh về tiêu hóa, bao gồm bệnh celiac, bệnh viêm ruột, bệnh trĩ và nứt hậu môn có thể được hưởng lợi từ việc giảm đau do thiền định mang lại.

‘Không có tác dụng phụ’

Dược phẩm có thể cần thiết để điều trị các bệnh về đường ruột, nhưng chắc chắn sẽ mang lại tác dụng phụ. Thiền định có thể là một phương pháp điều trị thay thế tốt để kết hợp.

Tiến sĩ Sony Sherpa, một bác sĩ y học chỉnh thể từ công ty chăm sóc sức khỏe hữu cơ Nature’s Rise, cho biết: “Thông thường, thiền định có thể làm giảm nhu cầu dùng thuốc, cho phép bệnh nhân giảm đau một cách tự nhiên hơn mà không có tác dụng phụ của dược phẩm.

Thiền định cũng không có tương tác thuốc. Thực sự không có bằng chứng nào cho thấy rằng thiền sẽ ảnh hưởng đến bất kỳ loại thuốc nào hoặc bất kỳ can thiệp (y tế) nào khác.” Paul Harrison, một huấn luyện viên thiền cá nhân của công ty có trụ sở tại Ontario, Canada, cũng đồng tình.

Những cách khác để có một đường ruột khỏe mạnh

Ngoài thiền định, còn có nhiều cách khác để giữ cho hệ tiêu hóa khỏe mạnh.

Ví dụ, duy trì cách ăn uống cân bằng với nhiều chất xơ rất quan trọng đối với sức khỏe đường ruột của chúng ta.

Chúng ta cần tiêu thụ 25 đến 35 gam chất xơ mỗi ngày. Chất xơ tốt nhất nên từ ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau, các loại đậu và hạt. Để giúp cơ thể tiêu hóa chất xơ và các chất dinh dưỡng khác tốt hơn, chúng ta cũng cần uống đủ nước, tức là bốn đến sáu cốc nước mỗi ngày đối với hầu hết mọi người.

Chúng ta cũng cần tập thể dục thường xuyên để cung cấp thêm lưu lượng máu cho ruột.

Và cuối cùng là bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều lợi khuẩn như sữa chua, dưa cải bắp (cải bắp lên men cắt nhỏ), kim chi (rau lên men kiểu Hàn Quốc), miso (gia vị kiểu Nhật làm từ đậu nành lên men), kombucha (trà xanh hoặc trà đen lên men), dưa chua, bánh mì bột chua và một số loại phô mai cũng có thể giúp ích cho sức khỏe của hệ vi sinh vật đường ruột của chúng ta.

Lan Hoa biên dich

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Mercura Wang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Mercura Wang là ký giả của thời báo The Epoch Times. Liên lạc với cô qua email: [email protected]
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn