Châm cứu và Trung Y điều trị bệnh tiểu đường

Châm cứu và các bài thuốc thảo dược trị tiểu đường của Trung Y tập trung vào việc điều hòa lưu thông khí huyết, đồng thời cân bằng các hệ cơ quan để cải thiện chức năng tụy và ngăn mất dịch do mức đường máu cao.

Tiểu đường là một nhóm bệnh kinh niên khiến cơ thể không thể điều chỉnh mức đường máu một cách hợp lý. Trong đó bệnh tiểu đường loại 2 chủ yếu ảnh hưởng đến người lớn là phổ biến nhất.

Bệnh nhân tiểu đường có tình trạng kháng insulin hoặc không tạo ra đủ insulin để duy trì mức đường máu phù hợp.

Trên toàn thế giới có khoảng 420 triệu người đang chung sống với bệnh tiểu đường. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh tiểu đường là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ chín trên toàn cầu. Tại Hoa Kỳ, đây là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ bảy.

Bệnh tiểu đường ước tính tiêu tốn hơn 320 tỷ USD chi phí cho y tế, mất việc làm và tiền lương. Các biến chứng của bệnh tiểu đường bao gồm các vấn đề về mắt, suy thận, bệnh lý hệ thần kinh, và các vấn đề về tim, v.v.

Việc quản lý bệnh tiểu đường đúng cách đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện, từ lựa chọn lối sống lành mạnh đến một nhóm chuyên gia trợ giúp chăm sóc sức khỏe. Những chuyên gia chăm sóc sức khỏe này bao gồm các bác sĩ, y tá, chuyên gia dinh dưỡng, chuyên gia châm cứu được cấp phép, và các chuyên gia có liên quan khác.

Trung Y và bệnh tiểu đường

Trong lịch sử Trung Hoa, bệnh tiểu đường đã được ghi nhận và điều trị trong hơn 2000 năm qua. Trung Y gọi bệnh tiểu đường là “Xiao-Ke” hay bệnh tiêu khát. Theo Trung Y, các triệu chứng phổ biến của bệnh tiêu khát là đi tiểu thường xuyên, khát nước, đói cồn cào, và sụt cân. Những triệu chứng này tương tự như bệnh tiểu đường loại 1 và một số bệnh tiểu đường loại 2 không sản xuất đủ insulin. Tuy nhiên, các triệu chứng “tiêu” không phổ biến trong bệnh tiểu đường loại 2.

Theo Trung Y, bệnh tiểu đường là kết quả của sự mất cân bằng lưu thông Khí (chỉ sức mạnh của năng lượng hoặc sinh lực chảy trong cơ thể) trong các kinh mạch, nơi khí huyết và dịch lưu thông, và trong các hệ cơ quan. Sự mất cân bằng này tạo ra nhiệt làm cạn kiệt dịch của cơ thể.

Các lý thuyết Trung Y phân loại bệnh tiểu đường thành ba loại theo khái niệm Tam Tiêu. Tam Tiêu mô tả các khoang cơ thể có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác chủ yếu thông qua sự chuyển động tự do của Khí.

Thể thượng tiêu (chủ yếu ở phế) thường có triệu chứng khát nước và uống nhiều nước. Thể trung tiêu (chủ yếu ở tỳ) thường có triệu chứng đói và ăn nhiều, trong khi thể hạ tiêu (thận) thì khát nước, tiểu nhiều, nước tiểu đục.

Trung Y có phương pháp giải quyết độc đáo cho từng bệnh nhân tiểu đường. Từ châm cứu, thuốc thảo dược, các bài tập năng lượng, và thay đổi lối sống v.v. Có nhiều phương pháp điều trị khác nhau để thầy thuốc lựa chọn, tùy thuộc vào từng bệnh nhân.

Việc điều trị tập trung vào điều hòa lưu thông khí huyết, đồng thời cân bằng các hệ cơ quan để cải thiện chức năng tuyến tụy và ngăn mất dịch do mức đường máu cao.

Dùng châm cứu để điều trị bệnh tiểu đường

Tổ chức Y tế Thế giới công nhận châm cứu là một phương thức điều trị hiệu quả đối với một số bệnh: đau kinh niên, đau nửa đầu, và tiểu đường.

Châm cứu là một phần thiết yếu của Trung Y, sử dụng những chiếc kim rất nhỏ và chủ yếu không gây đau để châm vào các điểm cốt yếu trên cơ thể.

Huyệt Tuỵ du – một điểm ở phía sau cạnh đốt sống ngực thứ 8, thường được dùng và đã được chứng minh là khá hữu ích trong điều trị bệnh tiểu đường. Ngoài ra có thể châm cứu một số kinh mạch khác trên khắp cơ thể để điều trị bệnh tiểu đường.

Châm cứu giúp điều chỉnh chức năng tuyến tụy và do đó điều chỉnh lượng insulin. Phương pháp này cũng có hiệu quả điều trị đau thần kinh do bệnh tiểu đường, nhờ kích thích endorphin là chất dẫn truyền thần kinh ngăn cảm giác đau.

Ngoài ra, châm cứu làm giảm sản xuất cortisol bằng cách tăng chức năng gan và thận để đào thải nhanh chóng lượng dư thừa của loại hormone gây căng thẳng này. Cortisol có tác dụng làm tăng lượng đường trong máu. Vì vậy, châm cứu sẽ giúp cân bằng các bộ phận của cơ thể vốn không thể tự điều chỉnh lượng đường.

Trong điều trị bệnh tiểu đường, có thể dùng các hình thức châm cứu khác nhau tùy thuộc vào từng bệnh nhân cụ thể, bao gồm: châm cứu truyền thống, điện châm, châm cứu cổ tay-mắt cá chân và châm cứu thảo dược.

Châm cứu truyền thống trị bệnh nhờ kích thích các huyệt cụ thể trên cơ thể. Tiền sử bệnh, tuổi tác và mức độ trầm trọng của bệnh ảnh hưởng đến cách dùng hình thức châm cứu này.

Một số nghiên cứu cho thấy điện châm là một giải pháp hiệu quả để kiểm soát mức đường máu và điều trị đau do bệnh thần kinh gây ra bởi tiểu đường. Đây là hình thức châm cứu điều trị bệnh tiểu đường tiêu biểu nhất. Chuyên gia châm cứu sẽ châm kim vào những huyệt cụ thể và kết nối chúng với một thiết bị truyền xung điện từ kim này sang kim khác.

Châm cứu cổ tay-cổ chân sẽ kích thích các huyệt xung quanh cổ tay và mắt cá chân, chủ yếu để giảm đau do bệnh thần kinh ngoại biên gây ra bởi tiểu đường.

Châm cứu thảo dược là một hình thức châm cứu phổ biến trong các nhà châm cứu. Phương pháp này giúp làm giảm lượng đường trong máu. Thầy thuốc sẽ chích các chất chiết xuất từ thảo mộc thiên nhiên vào các huyệt vị. Tùy thuộc vào các triệu chứng và độ tuổi của người bệnh mà dùng các loại thảo mộc khác nhau.

Thảo dược Trung Y cho bệnh tiểu đường

Tầm quan trọng của thuốc thảo dược Trung Quốc không được nhấn mạnh quá nhiều trong điều trị bệnh tiểu đường. Trong bệnh tiểu đường, người bệnh bị rối loạn chuyển hóa làm kinh mạch tắc nghẽn, vô tình khiến khí huyết lưu thông kém. Kết quả là làm tắc nghẽn khí huyết trong kinh mạch. Do đó, tuyến tụy bị mất dinh dưỡng và làm bệnh nặng hơn, dẫn đến các biến chứng.

Khi điều trị bệnh tiểu đường, các thầy thuốc dùng những bài thuốc khác nhau có hiệu quả cho từng người bệnh cụ thể. Trong đó có Lục Vị Địa Hoàng và Đại Bổ Âm Hoàn. Tác dụng của những bài thuốc này thường thể hiện rõ rệt trong vòng chưa đầy hai tháng.

Một trong số bài thuốc trên chứa Sơn Dược, Hoàng Kỳ, Phục Linh, và Thương Truật, giúp giảm mức đường máu bằng cách cải thiện quá trình sản xuất insulin của tuyến tụy. Điều này là nhờ tác dụng bồi bổ tụy từ khí và huyết nhờ tuần hoàn mạnh mẽ. Kết quả là chức năng của các tế bào beta tuyến tụy được sửa chữa và phục hồi.

Một bài thuốc khác tên là Ngọc Tuyền Hoàn, có tác dụng ích phế khí, giúp bổ phế và sử dụng đường thích hợp.

Là cơ quan chủ quản chuyển hóa dịch, thận đóng một vai trò quan trọng trong bệnh tiểu đường. Do đó, việc kiện thận là vô cùng cần thiết. Lục Vị Địa Hoàng là một bài thuốc đặc biệt chuyên bổ thận can. Bài thuốc này cũng hỗ trợ tuyến thượng thận điều chỉnh mức đường máu.

Các nghiên cứu còn cho thấy nhân sâm Hoa Kỳ giúp cải thiện khả năng dung nạp glucose, do đó thường được thêm vào trong các bài thuốc thảo dược. Các loại thảo mộc khác cũng có thể điều trị các biến chứng của bệnh tiểu đường như bệnh thần kinh ngoại vi và mờ mắt.

Một bài thuốc khác bao gồm Đan Sâm, Tam Lăng, Nghệ và Thương Truật làm giảm tình trạng ứ trệ hay sung huyết, cải thiện tuần hoàn, nuôi dưỡng tụy và khai mở các kênh vận chuyển dưỡng chất.

Cách bắt đầu

Bắt đầu điều trị bằng cách tìm một thầy thuốc châm cứu giỏi là rất quan trọng. Thầy thuốc sẽ nói cho bạn trong cuộc hẹn đầu tiên về các triệu chứng cụ thể và thảo luận về lối sống, cách ăn uống và mục tiêu sức khỏe. Vì việc điều trị cần một cách tiếp cận toàn diện, thầy thuốc sẽ muốn tìm hiểu thêm về các khía cạnh khác trong cuộc sống của bạn, vốn có thể là nguyên nhân gây căng thẳng.

Dựa trên đặc thù của bệnh, thầy thuốc sẽ đề xuất một kế hoạch điều trị cụ thể từng bước, có thể là điều trị hàng ngày hoặc hai lần một tuần nếu cần.

Các nghiên cứu cho thấy có rất ít rủi ro liên quan đến châm cứu và các loại thảo dược truyền thống của Trung Y điều trị bệnh tiểu đường. Ngoài các tác dụng phụ nhỏ như đau nhức, thỉnh thoảng bị bầm tím hoặc chảy máu nhẹ, châm cứu bằng kim vô trùng đa số là an toàn.

Tuy nhiên, các tình trạng chảy máu như bệnh ưa chảy máu hoặc thiếu vitamin K, không phù hợp với hình thức điều trị này vì nguy cơ bầm tím sẽ tăng lên.

Nhiều chuyên gia châm cứu Trung Y cũng được đào tạo bài bản về y học hiện đại, và một số là bác sĩ Tây Y được cấp phép. Tuy nhiên, bạn có thể cần thông báo cho các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác trước khi bắt đầu châm cứu.

Bạn cũng nên biết rằng châm cứu có thể bổ sung cho các loại thuốc tân dược và đem lại hiệu quả tốt hơn nữa. Tuy nhiên, bạn nên thông báo bất kỳ tác động hoặc thay đổi bất thường nào mà bạn gặp phải với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của mình.

Thiên Vân biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Dr. Jingduan Yang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Tiến sĩ Dương Cảnh Đoan (Jingduan Yang) có bằng M.D (Bác sĩ y khoa), là thành viên của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (F.A.P.A.) và là bác sĩ tâm thần có chứng nhận chuyên về Trung y cho các bệnh mạn tính về tâm thần, hành vi và thể chất. Ông đã đóng góp cho các cuốn sách "Tâm thần học tích hợp," "Các vấn đề về thuốc," và "Liệu pháp tích hợp cho bệnh ung thư." Đồng tác giả "Hướng về phương Đông: Bí quyết cổ xưa về sắc đẹp+sức khỏe cho thời hiện đại" của HarperCollins và "Châm cứu lâm sàng và Trung y" của Oxford Press. Tiến sĩ Dương cũng là người sáng lập Viện Y học Tích hợp Dương và Viện Châm cứu Lâm sàng Hoa Kỳ, đồng thời là Giám đốc điều hành của Northern Medical Center, Middletown, New York, kể từ tháng 7/2022.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn