Gan không khỏe thường dễ nổi nóng, 4 cách đơn giản để cải thiện

Y học hiện đại đã chứng minh rằng cảm xúc có quan hệ mật thiết với sức khỏe. Ví dụ, chứng trầm cảm có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh kinh niên; cảm xúc tiêu cực và căng thẳng có thể dẫn tới rối loạn chức năng thần kinh tự chủ, gây ra nhiều khó chịu; các vấn đề về cảm xúc cũng liên quan đến tốc độ phục hồi khi bị bệnh tật. [1] [2] [3] [4]

Trung y từ lâu đã phát hiện ra rằng, các loại cảm xúc và ngũ tạng cũng như sức khỏe toàn thân sẽ có ảnh hưởng lẫn nhau. Bệnh nhân đã trải qua điều trị Trung y có thể đồng thời cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần, Trung y cũng có một số phương pháp để điều chỉnh cảm xúc.

Thường tức giận có thể là tín hiệu của gan không khỏe

Một nữ bệnh nhân đến điều trị tại Phòng khám Trung y Thượng Tỷ tại Đài Loan vì mất ngủ, kinh nguyệt không đều. Trong phòng khám, cô đã kể với Viện trưởng – bác sĩ Dư Nhã Văn (Yu Yawen) rằng, cô thường hay cãi nhau với chồng vì những chuyện trong gia đình, không chỉ khiến gia đình bất hòa mà thân thể cũng trở nên không khỏe. Cô cũng tự trách mình vì điều đó.

Bác sĩ Dư Văn Nhã phát hiện, can khí (gan khí) của bệnh nhân này bị ngưng trệ làm mất cân bằng nội tiết tố, mới dễ tức giận vì những chuyện vặt vãnh. Bác sĩ khuyên bệnh nhân đừng quá tự trách mình, và giải thích rằng cơ thể không khỏe cũng sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc. Sau đó, nữ bệnh nhân đã trải qua quá trình điều trị điều hòa nội tiết, không chỉ kinh nguyệt bình thường trở lại, mà cảm xúc cũng thay đổi trở nên hòa nhã, không dễ bị buồn bực nữa.

Can khí ngưng trệ là chỉ việc tức giận mà gây tổn thương đến gan, khiến khí cơ bị ứ tắc, từ đó có những triệu chứng như vậy.

Cảm xúc ảnh hưởng tới ngũ tạng trong cơ thể

Tác phẩm y học sớm nhất của Trung y “Hoàng Đế Nội Kinh” có đề cập, thất tình (bảy cảm xúc) của con người ảnh hưởng đến các chức năng nội tạng khác nhau: “Hỉ thương Tâm; Nộ thương Can; Tư thương Tỳ; Bi thương Phế; Khủng, kinh thương Thận”. Có nghĩa là quá vui mừng dễ gây tổn thương đối với tạng Tâm; tức giận dễ gây tổn thương đối với tạng Can; tư lự suy nghĩ quá độ dễ gây tổn thương đối với tạng Tỳ; bi thương, âu sầu quá độ dễ gây tổn thương đối với tạng Phế; sợ hãi quá độ dễ gây tổn thương đối với tạng Thận. Những triệu chứng biểu hiện ra của ảnh hưởng cảm xúc cũng khác nhau.

1. Nộ thương Can (Tức giận tổn thương gan)

Trung y cho rằng Can phụ trách sơ thông và phát tán khí, huyết, tân dịch toàn thân, bảo đảm các thành phần này được vận chuyển thông suốt. “Can” ở đây là một khái niệm hệ thống, nó không chỉ có gan, còn bao gồm hệ thống nội tiết, hệ thống sinh sản, tất cả đều do “Can” phụ trách.

Thường xuyên tức giận, cảm xúc dễ bất ổn sẻ ảnh hưởng đến Can khí. Bác sĩ Quách Thế Phương (Guo Shifang), Giám đốc Phòng khám Trung y Quách Thế Phương tại Đài Loan cho biết, “Người hiện đại phải chịu áp lực về cảm xúc quá lớn, thực sự rất nhiều người bị bệnh Can khí”.

Can khí bị ảnh hưởng dễ dẫn đến bệnh Can khí ứ trệ, không chỉ xuất hiện tình trạng trên thân thể, mà sẽ ảnh hưởng ngược lại tới cảm xúc.

Lấy chứng trầm cảm làm ví dụ, bác sĩ Chu Ân Lập (Zhu Enli), Giám đốc Phòng khám Trung y Thừa Ân (Đài Nam, Đài Loan), người thường xuyên điều trị cho những bệnh nhân bị trầm cảm cho biết: người bị trầm cảm là do Can khí ngưng trệ nghiêm trọng, khiến cảm xúc tự trở nên sa sút. Có một nữ sinh trung học vì mắc chứng trầm cảm nên không thể đến trường, đã đến khám bệnh. Bác sĩ Chu Ân Lập thông qua biện pháp châm cứu và uống thuốc nhằm khai thông gan, sau 2-3 tháng nữ sinh này đã có thể quay trở lại trường học.

Chứng Can khí ngưng trệ không chỉ ảnh hưởng đến cảm xúc, mà còn làm tăng khả năng mắc bệnh ung thư, chẳng hạn như ung thư vú và ung thư nội mạc tử cung.

Bác sĩ Quách Thế Phương, người có nhiều năm kinh nghiệm điều trị ung thư trên lâm sàng, quan sát thấy rằng nhiều bệnh nhân ung thư vú có vấn đề về cảm xúc, Can khí cũng bị tắc nghẽn.

Một phân tích tổng hợp mới vào năm 2022 cho thấy những cảm xúc tiêu cực như u buồn, lo lắng và các yếu tố tâm lý khác có ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ mắc bệnh ung thư vú. Trầm cảm làm tăng nguy cơ ung thư vú lên 30%, những người có cảm xúc tiêu cực có nguy cơ ung thư vú cao gấp 1.59 lần so với người bình thường. [5]

Ngoài ra, rối loạn hệ thần kinh tự chủ cũng liên quan đến gan. Bác sĩ Dư Nhã Văn cho biết, các rối loạn của hệ thần kinh tự chủ phần lớn là do Can khí bị ngưng trệ tạo thành, hơn nữa gan sẽ ảnh hưởng đến các phủ tạng khác, từ đó dẫn đến các bệnh trạng khác nhau.

Gan không khỏe thường dễ nổi nóng, 4 cách đơn giản để cải thiện
Rối loạn của hệ thần kinh tự chủ sẽ gây ra rất nhiều vấn đề, phần lớn là do Can khí ngưng trệ tạo thành. (Ảnh: Shutterstock)

Can (gan) chủ gân cốt, Can khí không thông thuận cũng gây đau nhức gân cốt, chuột rút hoặc căng đau mạn sườn. Nếu Can khí chuyển hóa thành hỏa, thì sẽ bị viêm ở vùng đầu mặt hoặc cơ hoành ngực trên.

2. Hỉ thương Tâm (Vui mừng tổn thương tim)

Mọi người luôn cho rằng giữ tâm trạng vui vẻ là có ích đối với sức khỏe, vậy tại sao “vui mừng” lại có thể tổn thương tạng Tâm (tim) được?

Thì ra, “hỷ thương tâm” (vui mừng tổn thương tim) mà Trung y nói đến là chỉ sự hưng phấn quá mức, dẫn đến tâm khí không thông, gây tức ngực, choáng đầu.

Bác sĩ Trung y Lưu Tân Sinh (Jonathan Liu), giáo sư giảng dạy Trung y tại Trường Đại học Công lập Canada cho biết, con người có các loại cảm xúc và điều đó là bình thường, các cảm xúc đó ở trong một mức độ nhất định sẽ không tổn thương đến cơ thể. Nhưng cảm xúc quá độ thì sẽ không tốt. Ví dụ như, có người mua vé số trúng giải thưởng lớn, vui mừng quá độ, xuất hiện tình trạng huyết áp tăng cao, thậm chí là đau thắt cơ tim.

Bác sĩ Lưu cho biết, có những ghi chép thời cổ đại về các trường hợp vui mừng quá mức dẫn đến tổn thương tim, ngày nay tương đối ít hơn. Nhưng người hiện đại thích tụ tập đông người để vui chơi, dễ phát sinh các vấn đề khác. Ông cho biết, người tham gia trong đám đông chịu ảnh hưởng môi trường chung và dễ dàng mất khống chế, ví như uống rượu bia quá đà, hút ma túy, như vậy sẽ gây tổn hại vô cùng lớn cho cơ thể.

3. Tư thương Tỳ (Lo lắng tổn thương lá lách)

Y học hiện đại coi tạng Tỳ (lá lách) là cơ quan miễn dịch, có liên quan đến tạng Can (gan). Theo Trung y, “Tỳ” có liên quan đến các chức năng tiêu hóa, vận chuyển và chuyển hóa, liên quan đến cơ quan tiêu hóa.

Mọi người có thể gặp phải tình huống như thế này: vì quá lo lắng cho việc nào đó, hoặc quá nhớ nhung một ai đó mà ăn không ngon. Trung y cho rằng, lo lắng quá mức, nhớ nhung hoặc suy nghĩ quá mức, không chỉ ảnh hưởng đến chức năng bình thường của tỳ vị, mà sẽ còn tạo thành chứng táo bón hoặc tiêu chảy. Ngoài ra, Trung y còn có khái niệm “Can khắc tỳ thổ” (gan hành mộc khắc tỳ hành thổ), chính là nói áp lực và cảm xúc cũng sẽ ảnh hưởng tới chức năng của hệ tiêu hóa.

Bác sĩ Quách Thế Phương cho biết, vì bị ảnh hưởng bởi loại cảm xúc này trong thời gian lâu dài mà tỳ vị không thể duy trì chức năng bình thường, lâu dần sẽ làm tăng nguy cơ xuất hiện các khối u ở đường ruột, tuyến tụy và các cơ quan liên quan đến hệ thống tiêu hóa. Tạng Tỳ còn liên quan đến việc tái chế lượng đường trong máu, nên cũng sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định đường huyết.

4. Bi thương Phế (U sầu tổn thương phổi)

Khi mọi người cảm thấy quá buồn, đau khổ, thì khóc với lượng vừa phải có thể giải tỏa căng thẳng và đau khổ về mặt cảm xúc, là có chỗ tốt cho sức khỏe. Bởi vì khi khóc sẽ tiết ra Oxytocin và Endorphin, giúp làm dịu thống khổ trên thân thể và về mặt cảm xúc. [6]

Tuy nhiên, đau buồn quá mức lại là một vấn đề khác. Bởi vì, khi người ta khóc lóc thảm thương nức nở, hít vào và thở ra tương đối ngắn, thì sẽ ảnh hưởng đến chức năng của phổi. Cách hô hấp có lợi cho phổi là hít vào và thở ra dài.

Phế trong Trung y chủ yếu quản hô hấp và tuyên hóa, tuyên hóa là chỉ điều hòa khí và lượng nước (thúc đẩy thủy dịch phân bố ra toàn thân, sau khi trao đổi chất hình thành mồ hôi và nước tiểu bài tiết ra ngoài). Thường xuyên khóc lóc sẽ ảnh hưởng đến chức năng bình thường của phổi, chức năng của tim phổi kém, lâu ngày sẽ dễ bị hen suyễn, ho khan, tức ngực, phù thũng và các triệu chứng ngoài da.

Bác sĩ Dư Nhã Văn cho biết, cô thường thấy một số phụ nữ dễ buồn rầu, hay suy nghĩ ưu sầu dẫn đến tâm tình bi thương, làm tổn thương đến tỳ, phổi.

5. Khủng, kinh thương Thận (Sợ hãi tổn thương thận)

“Thận” trong Trung y có liên quan đến loại cảm xúc sợ hãi, cũng liên quan đến nội tiết, xương, cột sống, bàng quang và nước trong cơ thể. Theo quan điểm của Tây y, hoảng sợ và thận cũng có liên quan với nhau. Khi con người cảm thấy sợ hãi, thận sẽ tiết ra Adrenaline.

Người có thận yếu không chỉ dễ bị đau thắt lưng hoặc đi tiểu nhiều lần, mà còn dễ bị sợ hãi. Bác sĩ Dư Nhã Văn cho rằng, một số trẻ em lớn lên trong hoàn cảnh bị đánh đập, mắng mỏ thì Thận khí sẽ bị ảnh hưởng, tính cách rụt rè, dễ bị sợ hãi. Cô thường thấy những cô gái tuổi đôi mươi tay chân lạnh, sắc mặt tái nhợt, âm thanh hơi lớn một chút sẽ khiến họ sợ hãi, điều này có liên quan đến Thận khí và khí huyết không đủ.

Gan không khỏe thường dễ nổi nóng, 4 cách đơn giản để cải thiện
Trung y cho rằng, người có thận yếu dễ bị đau thắt lưng hoặc đi tiểu nhiều lần. (Ảnh: Shutterstock)

Mặc dù cảm xúc khác nhau sẽ tương ứng với các tạng phủ khác nhau, nhưng tất cả các bộ phận trong cơ thể sẽ ảnh hưởng lẫn nhau. Bác sĩ Dư Nhã Văn nói rằng, những cảm xúc hỉ, nộ, ai, lạc này đều sẽ ảnh hưởng đến sự tuần hoàn của khí huyết trong cơ thể, đồng thời dẫn đến rối loạn chức năng các tạng phủ, như rối loạn về nội tiết, miễn dịch và khí huyết, khiến con người già đi nhanh chóng.

4 cách đơn giản cải thiện cảm xúc, giúp tạng phủ khỏe mạnh

Trong tình huống bình thường, con người có thể tự điều chỉnh cảm xúc của mình. Tuy nhiên, những người đa sầu đa cảm, khí huyết kém, sẽ không dễ tự điều hòa. Nếu nhận thấy bản thân có vấn đề về sức khỏe tinh thần và cảm xúc, thì trị liệu tâm lý không phải là lựa chọn duy nhất, bởi vì có thể là do cơ thể có vấn đề, gây ảnh hưởng đến khả năng khống chế cảm xúc.

Bác sĩ Dư Nhã Văn khuyên rằng, trước tiên phải điều trị, sử dụng châm cứu hoặc uống thuốc nhằm cải thiện tuần hoàn khí huyết và chức năng các tạng phủ để khôi phục lại trạng thái bình thường, “Điều này tương đối quan trọng”.

Trong sinh hoạt hàng ngày, có một số phương pháp đơn giản giúp điều chỉnh mối quan hệ giữa cảm xúc và các cơ quan nội tạng:

  • Ăn ngon ngủ tốt, bài tiết sẽ bình thường

Bác sĩ Dư Nhã Văn nói rằng: “Con người có ba con đường là ăn, ngủ và bài tiết, nếu một trong ba con đường bị ngăn chặn, lục phủ ngũ tạng nhất định sẽ mất cân bằng, từ đó ảnh hưởng đến cảm xúc”.

Thường xuyên ngủ không ngon, nhất định sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và cảm xúc, phần lớn người hiện đại đều từng gặp phải vấn đề này. Tuy nhiên, mọi người thường không chú ý đến ăn uống sẽ ảnh hưởng đến tỳ vị, từ đó ảnh hưởng đến cảm xúc.

Nghiên cứu hiện đại đã phát hiện ra rằng, ăn uống có liên quan đến sức khỏe tâm lý. Một nghiên cứu năm 2020 được công bố trên “Tạp chí Y khoa Anh” (British Medical Journal) cho thấy, các phương thức ăn uống lành mạnh, chẳng hạn như ăn kiêng kiểu Địa Trung Hải, có thể làm cho sức khỏe tâm lý khỏe mạnh hơn. Còn kiểu ăn có hại (chẳng hạn như kiểu ăn carbohydrate tinh chế), hậu quả của nó bao gồm béo phì và bệnh tiểu đường, cũng được chứng minh là có liên quan đến sức khỏe tâm lý kém. [7]

Thực phẩm có tác dụng chữa bệnh có thể cải thiện các tình trạng này. Theo quan điểm của Trung y, những người tỳ vị không khỏe có thể dùng “Tứ Thần Thang”, đồng thời uống men vi sinh để điều hòa đường ruột.

Người có phổi không khỏe có thể dùng hoàng kỳ, sâm Mỹ pha trà uống, hoặc dùng ‘Thu lê cao’.

Hạt sen, anh đào và trái dâu tằm đều là những thực phẩm tốt cho tim. Trái việt quất có thể bổ tim, thận. Câu kỷ đỏ rất tốt cho gan và thận. Sơn dược (của mài) bổ phổi, lá lách và thận.

  • Nghe nhạc sóng α: Nhạc sóng α (alpha) không chỉ có thể xoa dịu cảm xúc mà còn có hiệu quả thư giãn về mặt sinh lý.

Có một nghiên cứu đã cho những người tham gia lắng nghe nhạc sóng α trong 30 phút mỗi ngày, để huấn luyện não của họ tạo ra nhiều sóng điện α hơn. Kết quả cho thấy, âm nhạc sóng α có tác dụng xoa dịu, trấn an lâu dài đối với tâm lý và sinh lý của những người tham gia thí nghiệm. [8]

  • Uống trà thảo mộc: Các loại trà thảo mộc có mùi thơm dịu đều rất tốt để làm dịu, thanh lọc gan, cải thiện tình trạng Can khí ứ trệ.

Bác sĩ Quách Thế Phương cho biết, ông sẽ khuyên bệnh nhân có vấn đề về Can khí không nên dùng caffeine và đồ ăn cay, đồng thời nên uống trà thảo mộc, trong đó hoa oải hương và hoa hồng màu đỏ tím là những lựa chọn hàng đầu.

Gan không khỏe thường dễ nổi nóng, 4 cách đơn giản để cải thiện
Hít ngửi tinh dầu giúp xoa dịu cảm xúc. (Ảnh: Shutterstock)
  • Ngửi tinh dầu: Ngửi tinh dầu có thể ảnh hưởng đến phần cảm xúc của não (hệ thống Limbic), từ đó làm dịu cảm xúc.

Có rất nhiều loại tinh dầu, Bác sĩ Dư Nhã Văn khuyên rằng, khi muốn cải thiện cảm xúc, nâng cao tinh thần, thì có thể chọn các loại hương liệu cay hoặc tinh dầu cam quýt, như tinh dầu cam ngọt, tinh dầu phật thủ.

Khi tức giận, có thể sử dụng tinh dầu gỗ như cây thông, cây bách hoặc tinh dầu hoa oải hương, có thể giúp người đang tức giận trấn tĩnh lại.

Lý Thanh Phong biên tập
Lam Yên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Tô Quán Mễ
BTV Epoch Times Hoa Ngữ
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn