Cách giúp gan tự chữa lành tổn thương

Gan có khả năng tự sửa chữa đáng ngạc nhiên. Ngay cả sau khi loại bỏ tới 90%, lá gan vẫn có thể tăng trưởng lại kích thước đầy đủ và tiếp tục hoạt động bình thường.

Giống như phượng hoàng tái sinh từ đống tro tàn, lá gan của con người gần như không lão hóa nhờ khả năng tự tái tạo đáng kinh ngạc.

Khả năng tự phục hồi đặc biệt

Là cơ quan nội tạng lớn nhất của cơ thể chúng ta, gan có khả năng tự sửa chữa vượt trội. Ngay cả sau khi loại bỏ tới 90%, lá gan vẫn có thể tăng trưởng lại kích thước đầy đủ và tiếp tục hoạt động bình thường. Hơn nữa, phần gan được cấy ghép sẽ phát triển hoàn thiện trong vòng vài tuần.

Theo một nghiên cứu gần đây của Đức, bất kể tuổi tác của con người là bao nhiêu, gan luôn có tuổi thọ trung bình ít hơn 3 tuổi. Gan luôn trẻ trung do quá trình đổi mới tế bào không bị ảnh hưởng bởi lão hóa. Với một sức khỏe hoàn hảo, ngay cả người già cũng có thể có lá gan “trẻ.”

Khả năng tái tạo này là rất then chốt đối với nhiều vai trò quan trọng của gan, bao gồm sản xuất mật, tổng hợp protein và cholesterol trong huyết tương, điều hòa đường máu, thoái hóa huyết sắc tố, thải độc, điều hòa đông máu, và loại bỏ vi khuẩn khỏi máu.

Làm thế nào gan có khả năng tái sinh?

Tiến sĩ Brian Kessler, chuyên gia về y học thể thao, kiểm soát cơn đau, và y học phục hồi chức năng, nói với The Epoch Times: Khả năng tái tạo của gan bắt nguồn từ cấu trúc tế bào độc đáo và sự phân chia thành các thùy.

Các bộ phận của gan có thể tái sinh độc lập

Gan có bốn thùy: trái, phải, đuôi và vuông. Mỗi thùy đều có thể tái sinh độc lập.

Nếu một hoặc nhiều thùy bị cắt bỏ, chúng sẽ không phát triển lại. Các thùy còn lại sẽ tăng sản bù trừ, tăng sinh và mở rộng kích thước cho đến khi gan lấy lại khối lượng ban đầu để đảm nhận chức năng của những thùy đã bị cắt bỏ. Hình dạng tổng thể của gan sẽ thay đổi vĩnh viễn sau khi tái tạo, nhưng chức năng được phục hồi hoàn toàn.

Tế bào gan phân chia để tái tạo nhu mô bị tổn thương

Khả năng tái tạo của lá gan nằm ở các tiểu thùy của gan, vốn là cấu trúc nền tảng tạo nên nhu mô gan. Các tiểu thùy bao gồm các tế bào gan sắp xếp theo hình lục giác xung quanh tĩnh mạch trung tâm. Mỗi thùy có ba vùng với vai trò riêng biệt.

Cách giúp gan tự chữa lành tổn thương
(Ảnh: Designua/Shutterstock)

Các nhà nghiên cứu cũng xác định được một con đường truyền tín hiệu kích hoạt các tế bào vùng 2 để phục hồi mô tổn thương ở các vùng khác. Việc phân theo vùng này cho phép tái tạo một cách hiệu quả các vùng bị tổn thương, giúp tăng khả năng tái tạo của gan. Mặc dù giống nhau về loại [tế bào] nhưng sự phân vùng cho phép tế bào gan thay đổi chức năng theo vị trí.

Các yếu tố kích thích tăng trưởng tế bào

Theo tiến sĩ Kessler, khả năng tái tạo của gan còn phụ thuộc vào các yếu tố tăng trưởng chuyên biệt được phóng thích khi cơ quan này bị tổn thương.

Yếu tố tăng trưởng tế bào gan (HGF) và thụ thể chuyên biệt của nó (MET) là những nhân tố chính. HGF kích hoạt MET để kích thích sự tăng sinh tế bào, di cư và hình thành các mạch máu mới trong các cơ quan, bao gồm cả gan. Con đường này tạo điều kiện cho sự phát triển, tái tạo và giảm sẹo nhu mô.

Các hệ thống trợ giúp khác

Gan dựa vào một số hệ thống trợ giúp khác để tự tái tạo.

Theo một nghiên cứu năm 2021, các tế bào gan vùng 1 và 3 sản xuất các enzyme chuyển hóa chịu trách nhiệm cho sự sinh tồn và cân bằng nội môi.

Ví dụ, mạng lưới mạch máu rộng khắp của gan ảnh hưởng lớn đến khả năng tái tạo, điều này phụ thuộc vào việc tạo ra các mạch máu mới. Tiểu cầu tập trung trong gan sau chấn thương có chứa các yếu tố tăng trưởng. Protein fibrinogen đông máu phát tín hiệu tập trung tiểu cầu và mức độ fibrinogen có thể dự đoán sự tái tạo thành công.

Các tế bào miễn dịch trong gan, bao gồm tế bào T diệt tự nhiên, tế bào diệt tự nhiên, và tế bào T điều hòa, làm giảm viêm để trợ giúp quá trình lành mô.

Ngoài ra, chất nền ngoại bào (ECM), một hệ nâng đỡ năng động xung quanh tế bào gan, trải qua quá trình tu sửa liên tục, đặc biệt là trong quá trình sửa chữa chấn thương. ECM có cấu trúc trợ giúp các tế bào gan, bao gồm nước, protein và proteoglycan.

Gan tự tái tạo như thế nào

Tái tạo gan xảy ra theo hai hướng.

Cắt bỏ một phần gan

Phẫu thuật cắt một phần gan để điều trị khối u hoặc ung thư hoặc để lấy một phần gan cho cấy ghép. Mục tiêu là tái tạo lại tổng số lượng và khối lượng tế bào gan thông qua sự tăng sinh và tăng kích thước tế bào.

Trong ca ghép gan từ người hiến tặng còn sống, gan bị bệnh của người nhận được thay thế bằng một phần gan khỏe mạnh của người hiến tặng.

Sau phẫu thuật, cả gan của người cho và người nhận đều sẽ tái tạo lại kích thước đầy đủ trong vòng vài tuần.

Hoạt hóa tế bào gan để sửa chữa mô

Tổn thương gan do độc tố, virus, hoặc miễn dịch gây ra tình trạng viêm và kích hoạt các tế bào miễn dịch phóng thích các cytokine và các yếu tố tăng trưởng để bắt đầu quá trình tái tạo. Gần vị trí tổn thương, tế bào gan phân chia nhanh chóng để thay thế các tế bào đã mất.

Gan cũng tạo ra các tế bào biểu mô nhỏ có khả năng biệt hóa để tái tạo các mô bị tổn thương.

Trong trường hợp nghiêm trọng, nếu tế bào gan không đủ, các tế bào tiền thân của gan sẽ kích hoạt và biệt hóa để sửa chữa gan.

Gan biết khi nào cần tăng trưởng và thu nhỏ

Gan có thể kiểm soát chính xác sự phát triển và kích thước của nó, thậm chí co lại khi cần thiết.

Ví dụ, một nghiên cứu của Anh cho thấy gan chuột giảm trọng lượng khi nhịn ăn xen kẽ trong một tuần, ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất. Nhưng khi tiếp tục ăn uống bình thường, sự tăng trưởng tăng lên và gan lấy lại kích thước ban đầu.

Tương tự, cách ăn ít đường làm cạn kiệt glycogen, gây co rút gan tạm thời.

Khi nào tổn thương gan không thể phục hồi được?

Một số bệnh và chất độc có thể lấn át cơ chế sửa chữa và gây ra tổn thương vĩnh viễn bất chấp khả năng tái tạo của gan.

Mặc dù gan chuyển hóa thuốc và chất độc, dùng quá liều hoặc dùng chung một số loại thuốc với rượu có thể gây hại cho gan vượt quá khả năng tự chữa lành, bao gồm NSAID như ibuprofen, amiodarone (thuốc điều trị loạn nhịp tim), thuốc tránh thai, statin, thuốc chống động kinh và niacin liều cao (vitamin B3).

Tổn thương nặng lặp đi lặp lại gây ra tích tụ mô sẹo gọi là xơ hóa, có thể tiến triển thành xơ gan – tổn thương vĩnh viễn làm suy giảm chức năng gan.

Cách giúp gan tự chữa lành tổn thương
(Ảnh: Andrii Bezvershenko/Shutterstock)

Duy trì sức khỏe gan nhờ sự điều độ và hiểu biết là rất quan trọng trong việc bảo tồn tiềm năng tái tạo suốt đời của cơ quan này.

Cách trợ giúp gan tái tạo

Tiến sĩ Kessler cho biết: “Để tăng tốc độ tái tạo gan, dù bất kể nguyên nhân gây tổn thương là gì, trước tiên bạn cần phải ngừng làm tổn thương gan.” Áp dụng lối sống lành mạnh theo những cách sau sẽ giúp ích:

  • Tránh uống rượu: Tiến sĩ Saurabh Sethia, bác sĩ chuyên khoa gan được đào tạo tại Harvard và Stanford, nói với The Epoch Times: “Hạn chế uống rượu là rất quan trọng, vì uống quá nhiều rượu có thể dẫn đến tổn thương gan và làm giảm khả năng tái tạo của gan.”
  • Tránh hút thuốc: Hút thuốc làm tăng nguy cơ bị bệnh gan nhiễm mỡ – bệnh gan mạn tính phổ biến nhất.
  • Tránh các chất bất hợp pháp: Sử dụng các chất như amphetamine, cocaine và khat (một loại thảo dược kích thích) có thể gây rối loạn chức năng gan từ rối loạn chức năng nhẹ đến suy gan cấp.
  • Kiểm soát cân nặng: Cân nặng quá mức làm tăng nguy cơ bị bệnh gan nhiễm mỡ, ảnh hưởng đến 90% những người béo phì nặng.
  • Ăn uống lành mạnh: Tiến sĩ Sethi cho biết việc áp dụng một lối sống lành mạnh là điều cần thiết để duy trì lá gan trẻ trung. “Điều này bao gồm việc áp dụng một cách ăn uống cân bằng, nhiều trái cây, rau và ngũ cốc.” Tỏi cũng chứa các hợp chất cải thiện sức khỏe gan.

Các liệu pháp

Các liệu pháp mới giúp tăng tái tạo gan bao gồm:

  • Công nghệ mô gan: Phương pháp y học tái tạo này nhằm mục đích sửa chữa, tái tạo hoặc thay thế mô bị tổn thương để tái tạo chức năng gan và điều trị các bệnh gan cấp tính hoặc mạn tính.
  • Thuốc phân tử nhỏ: Những thuốc này trợ giúp quá trình tái tạo tế bào gan được cấy ghép bằng cách kích thích sự tăng sinh, khắc phục tình trạng cấy ghép hạn chế. Đây là một lựa chọn điều trị tiềm năng cho bệnh gan giai đoạn cuối.
  • Yếu tố Yamanaka: Những chất này giúp làm cho tế bào gan trẻ hơn, đẩy nhanh quá trình lành vết thương. Những yếu tố tế bào gốc phôi thai này có thể làm cho tế bào gan trẻ hơn bằng cách tái lập trình tế bào trong cơ thể.
  • Túi ngoại bào tế bào gốc: Tế bào gốc phóng thích các hạt nano sinh học được gọi là túi ngoại bào, giúp giảm thiệt hại và gia tăng sửa chữa.

Thanh Long biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times.

Mercura Wang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Mercura Wang là ký giả của thời báo The Epoch Times. Liên lạc với cô qua email: [email protected]
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn