Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ: Trẻ em từ 4 tuổi trở lên có thể học cách thực hiện một số việc trong trường hợp cấp cứu y tế

Việc dạy trẻ nhỏ các kỹ năng sinh tồn cơ bản, chẳng hạn như gọi 911 và thực hiện hô hấp nhân tạo, có thể bắt đầu từ khi trẻ lên 4 tuổi, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) và các chuyên gia đưa ra lời khuyên trong một tuyên bố khoa học mới đây vào ngày 17/05.

Với việc đào tạo thường xuyên về kỹ năng duy trì cuộc sống cơ bản ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em có thể thành thạo những hành động này khi các em lên cấp hai.

Theo AHA, Ủy ban Liên lạc Quốc tế về Hồi sức (ILCOR) và Tổ chức Y tế Âu Châu, một đứa trẻ 4 tuổi nếu xác định được thời điểm cần gọi số điện thoại khẩn cấp thì khi lên 10, chúng có thể bắt đầu thực hiện ép tim hiệu quả.

Nhóm viết bài gồm các nhà khoa học hồi sức đã xem xét hơn 100 bài nghiên cứu về đào tạo sinh viên hồi sức tim phổi (cardiopulmonary resuscitation – CPR). Bài đánh giá, được công bố trên tập san Circulation, cho thấy trẻ em ở độ tuổi đi học không chỉ có động lực cao để học hỏi các kỹ năng sinh tồn mà còn thường truyền đạt lại điều này cho người khác, giúp tăng gấp bội lợi ích.

“Việc đào tạo sinh viên đã trở thành yếu tố quan trọng để tăng số người sẵn sàng thực hiện CPR khi một người bị ngừng tim bên ngoài bệnh viện, và có thể làm tăng tỷ lệ CPR và tỷ lệ sống sót sau ngừng tim trên toàn cầu,” Tiến sĩ Bernd Böttiger, trưởng nhóm viết bài tuyên bố trong một thông cáo báo chí.

“Bài đánh giá nhằm mục đích nhắc nhở các bác sĩ lâm sàng, nhà hoạch định chính sách, quan chức trường học địa phương và công chúng nói chung nên có hành động nhanh chóng khi một trường hợp cấp cứu liên quan đến tim mạch xảy ra.”

Ngừng tim, mất đột ngột toàn bộ hoạt động của tim do rối loạn nhịp tim, là nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong trên toàn thế giới.

“Mặc dù trẻ nhỏ không đủ sức để thực hiện ép tim đúng cách, nhưng chúng có thể tìm hiểu thông tin cơ bản về những việc cần làm nếu ai đó đột nhiên ngã xuống,” Tiến sĩ Comilla Sasson— bác sĩ cấp cứu đang hành nghề và là thành viên của ủy ban viết bài, đồng thời là phó chủ tịch phụ trách khoa học sức khỏe tại AHA—tuyên bố trong một email gửi tới CNN.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (pdf), vì mọi người không quen với việc phải làm gì trong trường hợp có người ngừng tim, khoảng 70–90% những người trải qua sự kiện này bên ngoài bệnh viện đã tử vong trước khi đến viện.

Tỷ lệ sống sót khi ngừng tim bên ngoài bệnh viện nằm trong khoảng từ 2% đến 20% trên toàn cầu. Tỷ lệ sống sót đặc biệt thấp nếu người ngoài cuộc không biết điều gì đang xảy ra và không hành động ngay lập tức.

“Vì hầu hết các ca ngừng tim bên ngoài bệnh viện thường xảy ra tại nhà, điều quan trọng là tất cả thành viên trong gia đình cần hiểu phải làm gì nếu ai đó ngừng tim,” cô Sasson nói, theo tuyên bố của AHA.

Tuyên bố khoa học cho biết, chúng ta nên “dạy trẻ nhỏ cách đánh giá tình trạng ý thức và nhịp thở bình thường,” một phần trong giáo dục trẻ về các kỹ năng sinh tồn.

Các nhóm y tế từ lâu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dạy trẻ cần làm gì trong trường hợp cấp cứu y tế tại nhà, trong trường học hoặc tại môi trường khác. Năm 2018, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ đã đưa ra một báo cáo thường niên ủng hộ việc đào tạo trẻ em, phụ huynh, người chăm sóc, nhân viên nhà trường và cộng đồng về các kỹ năng sinh tồn cơ bản cũng như cách dùng AED (Automated External Defibrillator – Máy khử rung tim tự động) phù hợp.

Cô Sasson cho biết, AHA cũng đóng một vai trò nhất định trong việc khiến hơn 40 tiểu bang yêu cầu một số loại hình giáo dục về ngừng tim và CPR như một điều kiện tiên quyết để học sinh trung học tốt nghiệp.

“Nhưng chúng tôi hiểu rằng khi mọi người càng thường xuyên tiếp xúc với thông tin này, áp dụng các phương pháp này với tần suất cao và cách quãng, thì càng có nhiều khả năng họ sẽ hành động trong trường hợp khẩn cấp. AHA tin rằng không ai là quá trẻ hoặc quá già để tìm hiểu về CPR, AED và ngừng tim,” cô Sasson nói với CNN. “Chúng tôi tin rằng tuyên bố này có thể giúp cho học sinh, phụ huynh, giáo viên, nhân viên và ban lãnh đạo hiểu được tầm quan trọng của việc dạy trẻ nhỏ cách để cứu sống người khác.”

Thanh Ngọc biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Jane Nguyen
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn