Thời gian xem TV của trẻ em có liên quan đến hội chứng chuyển hóa và các vấn đề sức khỏe khác ở tuổi trưởng thành

Theo một nghiên cứu kéo dài 50 năm, xem TV quá nhiều trong thời thơ ấu có liên quan đến nguy cơ bị hội chứng chuyển hóa cao hơn khi trưởng thành.

Hội chứng chuyển hóa là hội chứng gồm 3 hay nhiều tình trạng, chẳng hạn như mỡ thừa trong cơ thể, huyết áp cao, đường máu cao, và mức cholesterol bất thường, làm tăng nguy cơ bị bệnh tim, tiểu đường, và đột quỵ.

Nghiên cứu của Đại học Otago, được công bố vào hôm 24/07 trên tập san Nhi khoa phát hiện rằng những trẻ em từ 5 đến 15 tuổi dành nhiều thời gian xem TV và màn hình điện tử có huyết áp cao hơn, tỷ lệ béo phì cao, giảm khả năng dùng oxy trong lúc tập thể dục, và các yếu tố nguy cơ khác của hội chứng chuyển hóa khi bước sang tuổi 45.

Giáo sư Tiến sĩ Box Hancox, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, “Những người xem nhiều nhất có nguy cơ bị hội chứng chuyển hóa cao hơn khi trưởng thành. Thời gian xem TV nhiều hơn vào thời thơ ấu có liên quan đến nguy cơ thừa cân và béo phì, thể lực thấp hơn.”

Các nhà nghiên cứu đã dùng dữ liệu từ hơn 800 người sinh ra ở Dunedin, New Zealand, từ năm 1972 đến 1973. Người tham gia cho biết thời gian xem TV được báo cáo vào 2 năm/lần từ 5 đến 15 tuổi và sau đó 1 lần nữa vào năm 32 tuổi.

Trung bình, những người tham gia đã xem TV hơn 2 giờ mỗi ngày trong tuần. Nam giới xem nhiều hơn một chút và có tỷ lệ bị hội chứng chuyển hóa cao hơn so với nữ giới. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết mối liên quan giữa việc xem TV và hội chứng chuyển hóa có thể mạnh hơn ở phụ nữ.

Tác giả nghiên cứu viết rằng, “Kết quả là mối liên hệ giữa việc xem TV của những người trẻ tuổi và nguy cơ bị hội chứng chuyển hóa không phụ thuộc vào việc xem TV khi trưởng thành, điều này cho thấy thời thơ ấu có thể là giai đoạn nhạy cảm khi xem TV quá nhiều có ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe ở tuổi trưởng thành.”

Hơn nữa, có rất ít bằng chứng cho thấy việc xem TV ít hơn khi trưởng thành giúp làm giảm mối liên quan giữa việc xem TV vào thời thơ ấu và sức khỏe của người trưởng thành.

“Xem TV tiêu tốn ít năng lượng và có thể thay thế hoạt động thể chất và làm giảm chất lượng giấc ngủ. Thời gian xem màn hình cũng có thể kích thích việc hấp thu nhiều năng lượng hơn, trong đó trẻ em tiêu thụ quá nhiều đồ uống có đường và các sản phẩm có hàm lượng chất béo cao với ít trái cây và rau xanh hơn. Những thói quen này có thể tồn tại đến tuổi trưởng thành.”

Các nhà nghiên cứu đề nghị giảm thời gian xem màn hình ở trẻ em và thanh thiếu niên có thể mang lại những lợi ích sức khỏe lâu dài.

Trong một nghiên cứu khác được công bố vào tháng 11/2021 trên tập san Nhi khoa JAMA, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng thời gian sử dụng thiết bị điện tử nhiều hơn ở thanh thiếu niên có liên quan đến các rủi ro về sức khỏe tinh thần, trong khi giúp đỡ xã hội và hành vi đối phó tốt hơn có liên quan đến tổng thời gian xem màn hình điện tử thấp hơn.

Nghiên cứu tập trung vào các hoạt động giải trí như phát sóng trực tuyến, chơi trò chơi điện tử, mạng xã hội, nhắn tin, trò chuyện video, và lướt web.

Hơn 5,400 thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 10 đến 14 tuổi được hỏi về thời gian xem màn hình của họ. Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng trẻ dành thời gian trung bình 7.7 tiếng mỗi ngày trước màn hình.

Ông Jason Nagata, tác giả nghiên cứu tại Đại học University of California, San Francisco, cho biết trong thông cáo báo chí, “Khi thời gian sử dụng thiết bị điện tử tăng lên, thanh thiếu niên trở nên lo lắng và căng thẳng, đồng thời khả năng ứng phó cũng kém đi. Mặc dù mạng xã hội và trò chuyện qua video có thể khuyến khích kết nối và trợ giúp xã hội, chúng tôi phát hiện rằng hầu hết việc sử dụng thiết bị điện tử ở thanh thiếu niên trong thời kỳ đại dịch không giúp ích cho mục đích này.”

Vân Hi biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Jane Nguyen
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn