Hoài niệm Tết Đoan Ngọ: Tinh thần bất khuất vì nước vì dân của các bậc trung thần xưa
“Giác thử bao kim, hương bồ phiếm ngọc, phong vật y nhiên kinh sở.” (Tạm dịch: Bánh ú bọc vàng, hương xương bồ bồng bềnh tựa ngọc, phong cảnh vẫn như Kinh Sở thuở xưa). Đây là câu thơ trích trong bài “Tề Thiên Nhạc – Đoan Ngọ” của Chu Bang Ngạn triều Tống.
Trong vô số tập tục lễ tiết truyền thống, Tết Đoan Ngọ là lễ tiết mà cảnh vật và biểu tượng phía sau gắn liền với anh linh bất khuất của hai vị trung thần – Khuất Nguyên và Ngũ Tử Tư. Điều đặc biệt ở đây chính là, cả hai vị trung thần này đều là người nước Sở, có chung đặc điểm đều là bề tôi trung thành dám khẳng khái khuyên can, cũng đều vì nghĩa mà bỏ thân vào ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch. Nhìn lại lịch sử, nếu những lời can gián thẳng thắn chân thành nhưng không thuận tai của hai vị trung thần này có thể được Quân vương tiếp thu, thì lịch sử chắc hẳn sẽ được viết lại.
Khuất Nguyên: Bị lưu đày vì lời nói thẳng, tấm lòng trung trinh không đổi
Khuất Nguyên (họ Mễ, thuộc dòng tộc Khuất thị, tên Bình, tự là Nguyên, sống vào khoảng năm 340 TCN – 278 TCN) là quý tộc của Sở quốc sau thời Chiến Quốc. Ông đảm nhiệm chức Tả Đồ, Tam Lư đại phu dưới thời Sở Hoài Vương. Khuất Bình nổi tiếng tài năng uyên bác, am hiểu việc trị loạn, văn giỏi thơ hay, lời nói việc làm luôn ngay thẳng chính trực, tận tâm tận lực trung thành phò trợ Quốc quân Sở Hoài Vương. Thế nhưng, ông bị lời gièm pha của các thượng quan đại phu tranh sủng ghen ghét gây chia rẽ, từ đó bị Vua xa lánh, đẩy đi sứ nước Tề. Đáng tin dùng mà bị nghi ngờ, tấm lòng trung lại bị vu cáo hãm hại, bởi vậy Khuất Nguyên ôm mối ưu sầu mà sáng tác bài thơ “Ly Tao,” giãi bày thế sự, thể hiện đạo trị loạn, nói lên chí hướng hưng quốc của mình, nhưng cuối cùng vẫn là không thể làm gì. Hoài Vương không biết nhìn người, không phân biệt được trung thần, lại tin dùng tiểu nhân, nghe lời xằng bậy, không nghe lời can gián của Khuất Nguyên, kết quả binh bại đất mất, bị đoạt mất sáu quận, cuối cùng bị lừa chết tha hương trên đất Tần, làm trò cười cho thiên hạ.
Đến khi Khoảnh Tương Vương lên kế vị, Khuất Nguyên lại gặp vu cáo hãm hại, lần thứ hai bị lưu đày. Trong suốt hơn hai 21 năm bị lưu đày, Khuất Nguyên không được phép trở về triều, không được bước vào nhà dù một bước. Thế nhưng, tấm lòng son của ông dành cho quê hương, đất nước không hề thay đổi. Dù có người khuyên ông không nên cố chấp, cứ theo con sóng mà xuôi dòng, hà tất tự chuốc khổ làm chi? Ông bèn dùng “Sở Từ – Ngư Phụ” để tự bạch:
“Cử thế giai trọc ngã độc thanh,
Chúng nhân giai túy ngã độc tỉnh”
Tạm dịch:
Cả thế gian đều đục mình ta trong,
Mọi người đều say riêng ta tỉnh.
Năm 278 TCN, tướng Bạch Khởi của nước Tần đánh chiếm kinh đô Sở quốc, khiến nước Sở phải dời đô thành đến đất Trần (nay là Hoài Dương, tỉnh Hà Nam). Lúc này, Khuất Nguyên vẫn đang bị lưu đày. Nhìn thấy đất nước như tổ trứng đang tràn ngập nguy cơ, nhưng bản thân chẳng thể ra sức vì nước, ông vô cùng đau đớn, ôm đá nhảy xuống sông Mịch La. Sau đó, thế nước của Sở quốc ngày càng suy giảm, mấy chục năm sau bị Tần quốc tiêu diệt.
Khuất Nguyên mất vào ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch, người dân nước Sở không muốn một vị đại hiền thần như Khuất Nguyên mất đi, họ dùng thuyền để tìm vớt ông. Từ đó hình thành và lưu truyền phong tục đua thuyền để tưởng nhớ Khuất Nguyên. (Theo “Kinh Sở tuế thời ký”: “Phong tục đua thuyền ngày mùng 5 tháng 5 bắt nguồn từ việc Khuất Nguyên nhảy xuống sông Mịch La bỏ mình vào ngày này, và người dân đã dùng thuyền để cứu vớt ông”). Phong tục này đã tồn tại suốt hàng trăm ngàn năm, tựa như chí khí yêu nước của Khuất Nguyên ngàn năm như một, không hề thay đổi. Ngày nay, các thế hệ con cháu người Trung Hoa đều ghi nhớ và tưởng niệm Khuất Nguyên vào ngày mùng 5 tháng 5 hàng năm. Nếu Khuất Nguyên sau khi qua đời mà biết, có lẽ ông sẽ hy vọng các thế hệ đời sau không nên học theo mình tự vẫn tuẫn tiết, mà hãy làm theo tấm gương lương thiện chân thành của ông, thà làm một vị cô thần suốt đời “trung ngôn nghịch nhĩ,” chứ không làm kẻ u mê xuôi theo dòng nước.
Mỗi thời kỳ lịch sử đều có thơ tưởng niệm Khuất Nguyên. Bài thơ “Đoan Ngọ” là sự tiếc thương đồng thời bày tỏ chí hướng do Văn Thiên Tường, một vị trung thần bất khuất thời Nam Tống, đã mang lại ấn tượng vô cùng mạnh mẽ và sâu sắc:
Ngũ nguyệt ngũ nhật ngọ, huân phong tự nam chí.
Thí vi vấn đại quân*, cử bôi tam lỗi địa.
Điền Văn đương nhật sinh, Khuất Nguyên đương nhật tử.
Sinh vi tiết thành quân, tử tác Mịch La quỷ.
Cao đường hồ thỏ du, Ung môn phát bi thế.
Nhân mệnh thảo đầu lộ, vinh hoa phong quá nhĩ.
Duy hữu liệt sĩ tâm, bất tùy thủy câu thệ.
Chí kim Kinh Sở nhân, giang thượng niên niên tế.
Bất tri sinh giả vinh, đãn tri tử giả quý.
Vật vị tử khả tăng, vật vị sinh khả hỉ.
Vạn vật giai hữu tẫn, bất diệt duy thiên lý.
Bách niên như nhất nhật, nhất nhật hoặc thiên tuế.
Thu phong Phần thủy từ, xuân mộ Lan đình ký.
Mạc tác lưu liên bi, cao ca vũ hòe thúy.
Tạm diễn nghĩa:
Trưa ngày mùng 5 tháng 5, hương cỏ thơm theo gió nam đưa tới.
Thử hỏi Trời xanh, nâng ba chén rượu tế tưới xuống đất.
Ngày này Điền Văn sinh, Khuất Nguyên mất.
Người sinh thành Quân vương đất Tiết, người mất thành quỷ sông Mịch La.
Trên triều đầy cáo thỏ, Ung môn rơi lệ buồn thương.
Mạng người tựa giọt sương đầu ngọn cỏ, vinh hoa nào khác gió qua tai.
Chỉ có lòng kẻ liệt sĩ, không theo dòng nước trôi.
Đến tận nay người dân Kinh Sở, hàng năm vẫn tế trên sông.
Không biết người sống là vinh, chỉ biết người mất là quý.
Chớ bảo chết là đáng tiếc, sống là đáng mừng.
Vạn vật đều có ngày cuối cùng, đạo Trời là bất diệt.
Trăm năm như một ngày, một ngày có thể thành ngàn năm.
Gió thu cáo biệt nước sông Phần, chiều xuân nhớ Lan đình.
Đừng bi thương lưu luyến, hát vang điệu hòe thúy.
Nửa đầu bài thơ là những lời thương tiếc đối với Khuất Nguyên, còn nửa sau là tự thuật về chí hướng của Văn Thiên Tường. Văn Thiên Tường cũng là một bề tôi trung kiên bất khuất, sinh vào ngày Đoan Ngọ, cũng gặp phải thời loạn rối ren, đau đáu sự tồn vong của đất nước. Ông đặc biệt cảm khái sâu sắc về lòng trung kiên bất khuất của Khuất Nguyên! Văn Thiên Tường than thở “trên triều đầy cáo thỏ,” đúng với bối cảnh lịch sử khi Khuất Nguyên bị lưu đày do những kẻ xu nịnh bên cạnh Quân vương vu khống hãm hại. “Mạng người tựa giọt sương đầu ngọn cỏ, vinh hoa nào khác gió qua tai. Chỉ có lòng kẻ liệt sĩ, không theo dòng nước trôi. Đến tận nay người dân Kinh Sở, hàng năm vẫn tế trên sông,” nói lên rằng sau khi Khuất Nguyên mất, ông được người đời sau hàng năm tế bái; “tấm lòng liệt sĩ” của ông trường tồn, tinh thần ấy vẫn sống mãi! Ở trong đó còn lồng vào mối đồng cảm nhân sinh sâu sắc của Văn Thiên Tường: “Vạn vật đều có ngày cuối cùng, đạo Trời là bất diệt”! Hai vĩ nhân Khuất Nguyên và Văn Thiên Tường đều có tiết khí trung trinh giống nhau, lưu lại cho hậu thế khí khái hiên ngang không sợ chết.
Ngũ Tử Tư: Lời thật khó nghe, chết thành chính nghĩa
Ngũ Tử Tư (tên thật là Ngũ Viên, thế kỷ thứ 6 TCN-năm 484 TCN) sống trong thời đại sớm hơn Khuất Nguyên. Ông cũng là một trung thần dám thẳng thắn can gián. Ngũ Tử Tư là người nước Sở, tính tình kiên cường, ân oán phân minh, có thể nhẫn nhục gánh vác trọng trách làm nên đại sự. Phụ thân của ông là Ngũ Xa, làm quan trong triều của Sở Bình Vương, giữ chức Thái Tử Thái Phó. Vì can gián nói lời công đạo cho Thái Tử mà bị gièm pha hãm hại, sau đó bị sát hại trong nhà ngục. Huynh trưởng của ông là Ngũ Thượng vì cứu phụ thân cũng bị giết. Bản thân Ngũ Tử Tư cũng rơi vào tình thế nguy hiểm bị truy sát. Vì vậy, ông liều mạng tìm nơi nương thân ở Ngô quốc. Ở nước Ngô, ông đã giúp Công tử Quang trở thành Ngô Vương (Ngô Hạp Lư), đồng thời đánh hạ kinh đô Sở quốc, báo được mối thù giết cha.
Trong cuộc tranh bá, hai nước Ngô-Việt đã kết mối thù truyền kiếp với nhau. Trong cuộc chiến với Việt Vương Câu Tiễn, Ngô Vương Hạp Lư bị thương nặng và không qua khỏi. Thái tử Phù Sai lên ngôi, hai năm sau đánh bại nước Việt tại trận chiến Phù Tiêu. Năm nghìn tàn binh còn lại của Câu Tiễn chạy đến Hội Kê, bị quân Ngô vây hãm. Câu Tiễn “xin làm hạ thần, vợ làm thiếp” để cầu sống, Ngũ Tử Tư khuyên Ngô Vương không nên đồng ý, nhưng Ngô Vương bỏ ngoài tai không nghe. Về sau, Câu Tiễn dùng lời lẽ khiêm nhượng và lễ hậu để cầu hòa, đồng thời dùng lợi mua chuộc tể tướng của nước Ngô, cho nên tránh được mối họa sát thân, được ân xá trở về nước. Sau khi trở về nước Việt, Câu Tiễn nằm gai nếm mật, ăn uống kham khổ, đồng cam cộng khổ với bách tính, đề ra kế hoạch tăng nhanh dân số, tập trung huấn luyện chuẩn bị thực lực cho chiến tranh, điều này đều được người đời sau biết đến.
Ngô Vương Phù Sai liên tiếp chiến thắng, tự kiêu tự đại bắt đầu nảy sinh tâm lý khinh địch. Ngũ Tử Tư luôn nhắc nhở Phù Sai rằng, Việt quốc là mối họa lớn của Ngô quốc, nhưng “trung ngôn nghịch nhĩ” (lời khuyên chân thành thường khó nghe). Phù Sai đắc ý khinh địch, không thèm nghe lời khuyên của ông. Đồng thời, bên cạnh Phù Sai luôn có kẻ nịnh thần thông đồng với nước Việt, dùng kế hãm hại, nói lời gièm pha với Phù Sai, cuối cùng Ngũ Tử Tư bị Phù Sai ban chết. Ngũ Tử Tư mất vào ngày mùng 5 tháng 5, sau khi qua đời, thi thể ông bị ném xuống sông Tiền Đường. Trong bài “Ai thời mệnh,” Trang Kỵ người thời Hán đã cảm thán “Tử Tư tử nhi thành nghĩa hề,” ý rằng Tử Tư chết đã trở thành chính nghĩa!
Trong cuốn “Ngô Việt Xuân Thu” ghi lại rằng, vào năm Câu Tiễn thứ 21, khi đại quân nước Việt tiến đánh nước Ngô, hồn phách của Ngũ Tử Tư “không đành lòng” nhìn Ngô quốc sắp bị diệt vong, trong đêm nổi gió dữ mưa rền, sấm giật chớp lóe như điện, đá bay cát thổi muốn dọa lui quân Việt. Sau đó, hồn phách của Ngũ tử Tư biết rằng Ngô quốc diệt vong là Thiên ý, lúc này mới buông xuống chấp niệm. Về sau, Ngô quốc quả nhiên bị Việt Vương Câu Tiễn tiêu diệt. Trước khi Phù Sai tự sát, đã vô cùng hối hận vì không nghe lời khuyên thẳng thắn của Ngũ Tử Tư, cảm thấy rằng không còn mặt mũi để gặp ông. Người dân nước Ngô cảm phục trước tấm lòng trung nghĩa của Ngũ Tử Tư, từ đó về sau vào ngày giỗ của ông, tức ngày mùng 5 tháng 5 hàng năm đều tổ chức đua thuyền trên sông lớn để tưởng nhớ ông.
Trong “Sử Ký” và “Hán Thư” đều có ghi chép về các trường hợp “Độc dược khổ khẩu lợi bệnh, trung ngôn nghịch nhĩ lợi hành” (Thuốc hay tuy đắng nhưng có lợi cho trị bệnh, lời nói ngay thẳng khó nghe nhưng có lợi cho công việc). Hai vị trung thần Khuất Nguyên và Ngũ Tử Tư này, chỉ cần mang lại lợi ích đối với việc trị quốc, cho dù Quân vương không thích nghe, họ vẫn không ngại kiên trì cố gắng khuyên ngăn! Đáng tiếc là, Quân vương của họ đều không thích nghe trung ngôn, bởi vậy chỉ có thể đi vào con đường diệt quốc! “Độc dược khổ khẩu lợi bệnh, trung ngôn nghịch nhĩ lợi hành,” quả thực không sai!
Lời kết: Trung ngôn nghịch nhĩ, hạnh lưu thần thính
Từ thời đại của Khuất Nguyên và Ngũ Tử Tư, chúng ta hãy nhìn lại hiện nay. Đại dịch virus Trung Cộng làm rung chuyển cuộc sống yên bình trên toàn thế giới bất ngờ truyền ra từ Vũ Hán, chính là vùng đất Kinh Sở xưa kia. Kinh thành của Trung Thổ lại lần nữa tái diễn tình huống “trung ngôn nghịch nhĩ.” Nhìn nay xét xưa càng khiến chúng ta cảm khái sâu sắc!
“Giang thượng nhật đa vũ, tiêu tiêu Kinh Sở thu” (Trên sông ngày mưa nhiều, mùa thu đất Kinh Sở đìu hiu). Trung Thổ hôm nay đã bị tà linh cộng sản đỏ từ phương Tây đến xâm chiếm. Người Trung Quốc bị lời dối trá lừa gạt nhìn nhận tà linh cộng sản là tổ tiên, cắt đứt mạch máu chính thống truyền thừa, rời xa văn hóa truyền thống, tai họa gặp phải càng vô cùng khủng khiếp.
Tết Đoan Ngọ đang đến gần, nếu hồn thiêng ngàn năm của hai vị trung thần Khuất Nguyên và Ngũ Tử Tư này sống lại, điều họ mong muốn nhất là lưu lại cho con cháu Trung Hoa lời từ tận đáy lòng, đó chính là “Trung ngôn nghịch nhĩ, hạnh lưu thần thính” (Tạm dịch: Lời nói ngay thẳng không thuận tai, phải lấy làm may mắn mà cẩn thận lắng nghe)! Sinh mệnh vô cùng trân quý! Vào thời mạt thế khi tà linh cộng sản làm bại hoại nhân gian, lời khuyên chân thành dành cho con cháu dân tộc Trung Hoa trong ngoài nước Trung Quốc chính là bảo vệ sinh mệnh, cũng chính là lời khuyên hành thiện, khuyên thoái xuất khỏi các tổ chức của tà linh Đảng cộng sản Trung Quốc. Ai có thể nghe theo lời khuyên này thì chính là may mắn được Thần chiếu cố!
Trong bài “Chiết dương liễu hành” của Nhạc Phủ thời Lưỡng Hán hát rằng: “Phù Sai lâm mệnh tuyệt, nãi vân phụ Tử Tư” (Phù Sai sắp mất mạng, mới nói phụ Tử Tư!) Nhìn lại đoạn lịch sử có liên quan đến phong tục Tết Đoan Ngọ trong dân gian, chúng ta hiểu được rằng Thần thời gian sẽ cho con người cơ hội, nhưng cơ hội sẽ không mãi đợi ở đó! Chỉ có sáng suốt đưa lựa chọn điều thiện, quay trở về với văn hóa đạo đức chính thống, tránh xa tà ác, mới có thể vượt qua đại nạn.
Tài liệu tham khảo: “Sử ký”, “Ngô Việt Xuân Thu”, “Hán Thư”, “Sở Từ”.