Khổ qua dưỡng tim hạ hỏa, hạ đường huyết

Canh khổ qua hầm gà, khổ qua trứng muối, khổ qua trộn…., đều là những món ăn phổ biến từ khổ qua (mướp đắng). Tuy nhiên, cách sử dụng khổ qua không giống nhau, có khổ qua trắng, khổ qua xanh và khổ qua núi. Cho dù là loại khổ qua nào, từ quan điểm Trung y hay dinh dưỡng học hiện đại, thì đều mang lại rất nhiều lợi ích đối với cơ thể con người.

3 loại khổ qua với hàm lượng dinh dưỡng và vị khác nhau

Khổ qua có thể chia thành khổ qua trắng, khổ qua xanh và khổ qua núi. Khổ qua trắng có kích thước tương đối lớn, khổ qua xanh có vẻ ngoài khá nhiều hình dạng, khổ qua núi có kích thước nhỏ nhất và màu sẫm hơn. Điều này làm cho chúng cũng khác nhau về hương vị và hàm lượng dinh dưỡng.

Khổ qua trắng: Có nhiều nước, ít xơ, thịt mềm, ít đắng nên thích hợp để chế biến các món ăn như canh, xào, kho, hấp.

Khổ qua xanh: Các giống khổ qua xanh khác nhau sẽ có màu sắc đậm nhạt, gai lồi trên bề mặt trái cũng khác nhau. Nhưng có điểm chung là vị khá đậm, đắng hơn khổ qua trắng, thường được cắt thành lát mỏng xào với trứng muối, hoặc làm món trộn.

Khổ qua núi (Khổ qua rừng): Chứa nhiều chất xơ, Vitamin C, β-carotene, Vitamin E nhất. Ông Hoàng Dĩ Lăng (Huang Yiling), chuyên gia dinh dưỡng của Trung tâm tư vấn dinh dưỡng Khả Dĩ tại Đài Loan cho biết, khổ qua núi có mật độ dinh dưỡng cao nhất trong 3 loại khổ qua. Hàm lượng Vitamin C trong 100gr khổ qua núi tươi thậm chí còn cao hơn trong 100gr cam.

Khổ qua núi có vị đắng nhất nhưng rất giòn, có thể làm món trộn, ép nước hoặc cắt lát sấy khô làm trà pha uống.

  • Độ đắng: khổ qua trắng ít đắng, khổ qua xanh khá đắng, khổ qua núi đắng nhất.
  • Độ giòn: khổ qua trắng xốp mềm, khổ qua xanh tương đối giòn, khổ qua núi giòn nhất.
  • Mật độ chất dinh dưỡng: Khổ qua núi có hàm lượng chất dinh dưỡng nhiều nhất, khổ qua trắng có ít dinh dưỡng nhất, khổ qua xanh nhiều hơn khổ qua trắng.
Khổ qua dưỡng tim hạ hỏa, hạ đường huyết
Khổ qua trắng ít đắng nên có khá nhiều cách chế biến, thích hợp chế biến các món ăn như canh, xào, kho, hấp. (Ảnh: Shutterstock)

Là dược thiện tốt trong mùa hè

Theo Trung y, khổ qua có vị đắng, tính mát, công dụng thanh nhiệt, giải độc, dưỡng tim, giải nóng, cải thiện thị lực, giảm huyết áp, thích hợp dùng làm món ăn trị liệu vào mùa hè và những người thức đêm, hoặc người bị miệng đắng lưỡi khô.

Bác sĩ Lại Duệ Hân (Lai Ruixin), Giám đốc phòng khám Trung y Hàn Minh Đường tại Đài Loan cho biết, Tâm (tim) thuộc tạng hỏa, mùa hè thuộc hỏa, dễ gây hại đến tim. Mặt khác, thời tiết nóng bức cũng sẽ làm cho cơ thể ra nhiều mồ hôi, khiến cơ thể hư yếu, từ đó ảnh hưởng đến tim.

Vì vậy Trung y thường giảng “Hạ dưỡng tâm” (mùa hè dưỡng tim), “Khổ nhập tâm” (đắng vào tim), vào mùa hè ăn khổ qua có thể giúp trừ hỏa khí, dưỡng tim thanh huyết.

Mùa hè ăn khổ qua còn có thể phòng được cảm nắng, tiêu chảy. Bác sĩ Lại Duệ Hân nói rằng: “Đối với những người tiêu chảy do dạ dày không tốt tiêu thụ những thức ăn bị hư, thì ăn khổ qua rất tốt”, nhưng ăn quá nhiều thực phẩm lạnh mà dẫn đến tiêu chảy thì không thích hợp.

Tương tự như vậy, dưới đây là 3 loại thể chất thiên hàn không thích hợp dùng khổ qua làm dược thiện, cần lưu ý lượng dùng:

  1. Người dễ bị tiêu chảy.
  2. Phụ nữ có nhiều khí hư.
  3. Người đi tiểu nhiều lần, đi tiểu đêm; một số người mắc bệnh đi tiểu đêm cũng có thể chất hư hàn.

Người thức khuya trong thời gian ngắn thường có các triệu chứng hỏa khí gây ra như mụn trứng cá, miệng đắng lưỡi khô, thì có thể ăn khổ qua để cải thiện. Người thức đêm làm việc trước máy tính dễ bị tăng nhãn áp, tăng huyết áp, ăn khổ qua có tác dụng sáng mắt, giảm áp cho mắt.

Bác sĩ Lại Duệ Hân cũng nhắc nhở rằng, những triệu chứng ngắn hạn này có thể được cải thiện bằng cách thay đổi lịch sinh hoạt, dùng khổ qua như một món ăn trị liệu, nhưng hỏa khí kéo dài phần lớn liên quan đến thể trạng, thì nên đi khám và điều trị.

Khổ qua dưỡng tim hạ hỏa, hạ đường huyết
Khổ qua vị đắng tính mát, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, dưỡng tim tiêu nóng, giúp mắt sáng, hạ huyết áp. (Ảnh: Shutterstock)

Giảm lượng đường trong máu, giảm mỡ máu, chống virus

Các nghiên cứu hiện đại đã phát hiện ra rằng, trong khổ qua có chứa các peptide, có tác dụng giống như insulin, có tác dụng chống viêm, hạ đường huyết và giảm mỡ máu. Dùng 4.5gr bột khổ qua núi khô hoặc 75gr khổ qua núi tươi mỗi ngày, có thể ngăn ngừa hiệu quả các bệnh như tăng insulin máu, cholesterol tích tụ ở gan.

Chuyên gia dinh dưỡng Hoàng Dĩ Lăng cho biết, dùng 100gr khổ qua núi có thể đạt lượng peptide được khuyến nghị hàng ngày. Hàm lượng peptide trong khổ qua trắng ít hơn gấp khoảng 2-3 lần so với khổ qua núi.

Nhưng peptide trong khổ qua sẽ bị mất đi khi đun nóng, tương tự, khổ qua núi thái lát sau khi phơi khô có hàm lượng peptide ít hơn, khổ qua núi tươi thì có nhiều hơn. Hiện nay trên thị trường có nhiều sản phẩm chăm sóc sức khỏe peptide chiết xuất từ khổ qua, có thể bổ sung trực tiếp.

Mặc dù peptide trong khổ qua có thể giúp bệnh nhân tiểu đường, bệnh nhân tiền tiểu đường kiểm soát lượng đường trong máu, nhưng còn phải phụ thuộc vào thể chất của từng người. Bác sĩ Lại Duệ Hân giải thích, trong số các bệnh nhân tiểu đường, những người có thể chất nhiệt ẩm thì có thể dùng khổ qua như một món dược thiện, những người có thể chất hư hàn thì thích hợp dùng các sản phẩm bảo vệ sức khỏe peptide chiết xuất từ khổ qua hơn.

Khổ qua dưỡng tim hạ hỏa, hạ đường huyết
Peptide có nhiều trong khổ qua núi, nhưng khổ qua núi cắt lát phơi khô làm thành trà thì hàm lượng peptide rất ít. (Ảnh: Shutterstock)

Bề ngoài của trái khổ qua lồi lõm gồ ghề, dễ bám bụi bẩn, khi rửa nên dùng bàn chải nhỏ lông mềm hoặc dùng miếng xơ mướp khô cọ sạch dưới vòi nước chảy. Ông Hoàng Dĩ Lăng chia sẻ, “trước tiên tôi sẽ dùng khăn nhà bếp chà nhẹ, sau đó cọ rửa sạch.”

Khi chế biến món khổ qua, cách giảm vị đắng trực tiếp nhất là cho thêm đường, ví dụ như khi xào khổ qua với dầu, ngoài nước tương thì đường cũng là một trong những gia vị cần thiết. Nước sốt dứa dùng trong món canh gà nấu khổ qua cũng làm cho món ăn thêm ngọt. Ngoài ra, lớp thịt bao quanh bên ngoài của hạt khổ qua sẽ chuyển sang màu đỏ khi trái khổ qua chín và tương đối ngọt, nấu chung cũng có thể cân bằng vị đắng của khổ qua.

Với món khổ qua trộn, nên cắt lát mỏng và để lạnh làm giảm vị đắng. Khi làm món khổ qua núi trộn, thường cắt thành lát mỏng rồi ướp lạnh, sau đó cho dầu mè, tương Thiên Đảo vào trộn. Khổ qua cũng có thể kết hợp cùng với những loại trái cây ngọt khác để ép nước.

Khổ qua dưỡng tim hạ hỏa, hạ đường huyết
Khổ qua nấu chung với hạt của nó, có thể cân bằng vị đắng, lại còn có thể hấp thụ được chất dinh dưỡng trong hạt khổ qua. (Ảnh: Shutterstock)

Bác sĩ Lại Duệ Hân nhắc nhở, khổ qua là thực phẩm có tính thiên hàn, món khổ qua trộn tuy ăn ngon, nhiều chất dinh dưỡng, nhưng đối với người có thể chất thiên hàn, thì tốt nhất là nấu chín rồi ăn. Bà khuyên, khi nấu khổ qua hãy cho hạt khổ qua vào nấu cùng nhằm cân bằng độ đắng. Khác với tính thiên hàn của thịt khổ qua, hạt của nó có tính khá ôn bổ. Trong “Bản thảo cương mục” có nhắc đến rằng: hạt khổ qua có khả năng ôn bổ thận dương, trị liệu chứng thận dương bất túc, ví như chứng đi tiểu đêm nhiều lần, đái dầm, liệt dương.

Bản thân hạt khổ qua có chứa chất phytochemical, việc nấu khổ qua chung với hạt của nó cũng phù hợp với khái niệm ăn kiêng toàn thực vật rất lưu hành ở hiện nay. Nhưng nếu chúng ta muốn hấp thu các chất dinh dưỡng của khổ qua, thì vẫn phải chiết xuất hoặc xay thành bột để có thể dùng đủ liều lượng.

Lý Thanh Phong biên tập
Lam Yên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Tô Quán Mễ
BTV Epoch Times Hoa Ngữ
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn