Kim tự tháp ẩn giấu bí mật về thiền định

Nhắc đến Tưởng Giới Thạch, Tưởng Trung Chính tiên sinh, điều mọi người nghĩ đến sẽ là, đây là một chính trị gia kiệt xuất, một nhà quân sự nổi tiếng, tổng thống của Trung Hoa Dân Quốc v.v., nói chung không liên quan gì đến việc dưỡng sinh, chăm sóc sức khỏe.

Đúng vậy, Tưởng Giới Thạch xuất thân trong quân ngũ và sống rất giản dị, ông không hút thuốc, không uống rượu hay dùng bất kỳ thực phẩm bổ dưỡng nào. Người ta thường nói rằng cơm trà đạm bạc, nhưng ông thậm chí không dùng trà, chỉ dùng nước đun sôi. Hơn nữa mấy chục năm như một, dù cuộc sống có sóng gió thế nào, hoàn cảnh khắc nghiệt ra sao, ông vẫn giữ nề nếp sinh hoạt nghiêm khắc của một quân nhân.

Tưởng Giới Thạch thọ 88 tuổi. Nói theo cách của ông, thì vụ tai nạn xe hơi ở Dương Minh Sơn năm 1969 đã giảm mất hai mươi năm tuổi thọ của ông. Nhưng dù nói thế nào, vào những năm 70 của thế kỷ trước (vì Tưởng Giới Thạch mất năm 1975), thì tuổi này cũng đã được xem là trường thọ. Điều này là do ông đã duy trì một thói quen phi thường tốt trong nhiều thập niên, không hề gián đoạn, đó chính là thiền định.

Ảnh chụp Tưởng Giới Thạch trong phòng làm việc của mình. (Ảnh: Tài sản công)
Ảnh chụp Tưởng Giới Thạch trong phòng làm việc của mình. (Ảnh: Tài sản công)

Mỗi ngày ngồi thiền ba lần

Khi trời còn chưa sáng, Tưởng Giới Thạch đã thức dậy. Sau khi tắm rửa sạch sẽ, ông uống một chút nước ấm, thực hiện một số động tác trên ban công, hát Thánh ca, sau đó trở lại thư phòng để ngồi thiền trong 40 phút. Sau khi thiền định, ông sẽ bắt đầu viết nhật ký, đọc báo và dùng bữa sáng.

Sau đó ông đi làm, bắt đầu công vụ của một ngày, bàn bạc thương thảo, tiếp khách và phê duyệt công văn. Buổi trưa ông nghỉ ngơi một chút, sau đó ngồi thiền khoảng 20 phút, rồi bắt đầu làm việc buổi chiều. Buổi tối trước khi lên giường, ông cũng tĩnh tọa 40 phút rồi mới đi ngủ.

Mỗi ngày ông đều ngồi thiền ba lần. Người ta nói rằng ông ngồi thiền đã đạt đến cảnh giới nhập định, nhân viên làm việc đi lại bên cạnh, thậm chí con muỗi đậu trên mặt, ông vẫn hoàn toàn không cảm giác thấy. Hơn nữa, ông không cần tính thời gian, đến thời điểm sẽ tự nhiên kết thúc, chính xác đến nỗi khiến người ta cảm thấy không thể tưởng tượng nổi.

Thiền định. (Ảnh: Fotolia)
Thiền định. (Ảnh: Fotolia)

Thiền định và Kim tự tháp

Trung Y giảng điều khí, khí đại biểu cho năng lượng, khí của lục phủ ngũ tạng đại biểu cho chức năng của tạng phủ đó. Vậy nên, sự vận hành của khí cơ rất quan trọng đối với cơ thể con người.

Khi một người ngồi xếp bằng đả tọa, hai chân giao nhau sẽ khiến sáu đường kinh mạch Túc tam âm, Túc tam dương chồng lên nhau, bổ sung năng lượng cho nhau. Hai tay kết ấn sẽ khiến sáu đường kinh mạch Thủ tam âm, Thủ tam dương liên kết và lưu chuyển năng lượng. Đầu lưỡi đặt lên hàm trên sẽ nối hai mạch Nhâm Đốc với nhau, khiến hai mạch âm dương của cơ thể liên thông, đây gọi là “tháp thước kiều” (dựng cầu Ô Thước). Lúc này, kinh mạch trên cơ thể sẽ càng thông suốt, khí trong cơ thể hội tụ, trường năng lượng cực mạnh, bảo trì thể trạng khỏe mạnh và tinh thần dồi dào. Lúc này, cơ thể con người cũng tạo thành hình dáng điển hình của kim tự tháp.

Kim tự tháp là một trong bảy kỳ quan của thế giới và còn chứa rất nhiều bí ẩn chưa có lời giải.

Vào những năm 40 của thế kỷ 20, các nhà nghiên cứu đã phát hiện cấu trúc của kim tự tháp sinh ra một loại năng lượng vô hình, đặc thù, và họ gọi nó là “năng lượng kim tự tháp” (Pyramid power). Loại năng lượng này có thể làm cho thi thể không bị thối rữa, bảo trì ở trạng thái “xác ướp.” Bao gồm cả xác động vật trong tháp cũng biến thành xác ướp, thức ăn cũng không dễ bị ôi thiu, lưỡi kiếm vẫn giữ được độ sắc bén, hoa tươi có thể nở mãi không tàn, v.v. Những người có tình trạng sức khỏe không tốt sau khi đi vào, sẽ phát sinh những chuyển biến tốt. Các khoa học gia đã bắt đầu khám phá trường năng lượng kỳ lạ bên trong kim tự tháp. Có người thậm chí lợi dụng hình dạng kim tự tháp để tạo ra năng lượng và điều trị bệnh.

Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, vật thể với bất kỳ hình dạng nào cũng đều có thể nhận năng lượng và thông tin từ các thiên thể, hay còn gọi là sóng vũ trụ. Mà kiến trúc hình kim tự tháp giống như máy thu khuếch đại, có thể hấp thụ một cách tốt nhất sóng điện từ, các tia vũ trụ, sóng hấp dẫn và các năng lượng khác trong không gian. Những năng lượng này được tập hợp từ mọi hướng, đi vào trong và tạo thành một trường năng lượng hình cầu trong tháp. Trung tâm của năng lượng chính là nằm ở vị trí 1/3 của tháp.

Khi ngồi thiền, đỉnh đầu hướng lên trời, hai lòng bàn tay và hai lòng bàn chân cũng hướng lên trên, đây gọi là “ngũ tâm triều thiên.” Tư thế này có thể thu nhận trọn vẹn khí của thiên thể. Khí của các kinh mạch trong cơ thể luân chuyển theo hình tròn sinh ra năng lượng cực lớn. Nơi tích trữ năng lượng mạnh nhất chính là vị trí tương ứng với đan điền nằm ở phần bụng dưới của cơ thể.

Theo trắc định của các nhà địa vật lý, tầng điện ly trên bầu trời cộng hưởng với Trái đất sẽ tạo ra sóng Schumann. Tần số của nó rất giống với sóng não khi cơ thể con người đang trong ngồi thiền nhập tĩnh. Vì vậy trong trạng thái nhập định, cơ thể con người và thiên thể sẽ tự nhiên tương dung, đạt đến trạng thái Thiên nhân hợp nhất.

Kim tự tháp ẩn giấu bí mật về thiền định
Phần tích trữ năng lượng mạnh nhất trong lúc thiền định tương ứng với vị trí của đan điền ở phần bụng dưới của cơ thể. (Ảnh: AFP/Epoch Times tổng hợp)

Những thay đổi của cơ thể sau khi thiền định

Trong trường năng lượng mạnh mẽ này, những thay đổi nào sẽ xảy ra với cơ thể con người?

Các nghiên cứu ở Mỹ quốc cho thấy, khi ngồi thiền trong thời gian ngắn, mức độ tân trần đại tạ (thay cũ đổi mới) của cơ thể con người sẽ giảm xuống, lượng máu bơm ra từ tim giảm, nhịp tim đập chậm lại, huyết áp cũng giảm, mức tiêu thụ oxy của não giảm đáng kể. Điều này tương đương với tình trạng sau một giấc ngủ sâu, tất cả các cơ quan đều được nghỉ ngơi.

Đồng thời, các hợp chất hóa học trong mạch máu gây hại nghiêm trọng đến các cơ quan của con người, chẳng hạn như lactate và các chất trong rượu gây mệt mỏi sẽ bị loại bỏ, nồng độ sẽ giảm xuống.

Hơn nữa, cường độ sóng não đại diện cho sự yên tĩnh trong não tăng lên rất nhiều, có nghĩa là thiền định có thể khiến con người trở nên bình tĩnh, thư thái, thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực như trầm cảm và lo lắng.

Những thay đổi trong cơ thể con người sau khi ngồi thiền trong thời gian ngắn đã thu hút sự quan tâm của các khoa học gia. Họ đã tiến hành nghiên cứu những người thường xuyên ngồi thiền trong thời gian dài và phát hiện ra rằng, tế bào thần kinh liên quan đến hạnh phúc trong não của những người như vậy hoạt động tích cực hơn rất nhiều lần so với người bình thường. Hơn nữa vỏ não (nơi kiểm soát lực chú ý và khả năng nhận thức của con người) còn dày lên, mật độ chất xám ở vùng hải mã (một vùng quan trọng chịu trách nhiệm về học tập và trí nhớ) cũng tăng lên. Nói cách khác, thiền định trường kỳ có thể khiến não bộ con người phát sinh những biến đổi về chất.

Vào năm 2016, các khoa học gia từ Đức, Hoa Kỳ và Úc đã so sánh hình ảnh não bộ của những người có thói quen ngồi thiền trường kỳ với những người bình thường. Họ phát hiện ra rằng, thiền định có thể khiến não bộ của những người trung niên trẻ hơn bảy năm rưỡi.

Khoa học hiện đại cho rằng, con người chỉ sử dụng một phần nhỏ của đại não, khoảng từ 3~10%, và hơn 90% đại não ở trạng thái “ngủ đông.” Vậy làm thế nào để kích hoạt phần não bộ không hoạt động này? Điều gì sẽ xảy ra khi những phần này được kích hoạt?

Thiền định và dưỡng sinh

Vào năm 2009, ba khoa học gia của Đại học California ở Mỹ quốc đã đạt giải Nobel Y học nhờ phát hiện ra rằng telomerase, còn được gọi là “enzym bất tử” trong cơ thể con người có thể làm chậm quá trình lão hóa của tế bào.

Đến năm 2015, một trong những vị đạt giải Nobel đó và các khoa học gia từ Đại học California, Los Angeles đã cùng nhau nghiên cứu và phát hiện ra rằng, ngồi thiền 12 phút mỗi ngày trong tám tuần có thể tăng hoạt tính của telomerase lên 43%. Điều này cho thấy, thiền định có thể cải thiện đáng kể tình trạng lão hóa.

Nói cách khác, không cần tốn một xu hay uống một viên thuốc nào, chỉ cần ngồi thiền mỗi ngày là có thể giúp bạn duy trì vẻ ngoài trẻ trung.

Phương pháp thiền định dưỡng sinh trong truyền thống Trung Hoa xuất hiện sớm nhất có thể bắt nguồn từ thời Hoàng Đế cách đây 5,000 năm. Theo cuốn “Trang Tử”, Hoàng Đế đã từng hỏi Quảng Thành Tử về đạo trường sinh. Quảng Thành Tử thưa với Hoàng Đế rằng, đả tọa tĩnh tâm không chỉ có thể dưỡng sinh và kéo dài tuổi thọ, mà còn có thể khai mở và tăng cường trí tuệ.

Phương pháp thiền định dưỡng sinh trong truyền thống Trung Hoa xuất hiện sớm nhất có thể bắt nguồn từ thời Hoàng Đế cách đây 5,000 năm. (Ảnh: Tài sản công/Epoch Times tổng hợp)
Phương pháp thiền định dưỡng sinh trong truyền thống Trung Hoa xuất hiện sớm nhất có thể bắt nguồn từ thời Hoàng Đế cách đây 5,000 năm. (Ảnh: Tài sản công/Epoch Times tổng hợp)

Lục Du nhiều năm tọa thiền, ở độ tuổi 90 vẫn viết văn chương lưu loát. Bạch Cư Dị hơn 80 tuổi vẫn tai thính mắt tinh. Tĩnh tọa cũng đã trở thành trào lưu trong xã hội phương Tây. Nhà sáng lập công ty Apple Steve Jobs, cựu Phó Tổng thống Hoa Kỳ Al Gore, nam tài tử nổi tiếng người Mỹ Richard Gere v.v. đều có hứng thú với thiền định, hơn nữa thu được rất nhiều lợi ích.

Chỉ khi tự thực hiện, mới có thể trải nghiệm ý cảnh của thiền định. Hãy dành một ít thời gian mỗi ngày và kiên trì thực hiện, nhất định sẽ mang lại cho chúng ta một sức khỏe tuyệt vời. Cảm giác quên hết sự vật ngoài thân khi nhập định cũng kỳ diệu không thể tả xiết.

Bài viết do Bác sĩ Tiễn Huệ (Bác sĩ Trung Y với hơn 30 năm kinh nghiệm lâm sàng, chuyên trị các bệnh nan y) thực hiện

Tùy Phong biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn