Lòng trung thành, tài năng và chủ nghĩa ái quốc Ba Lan: ‘Gặp gỡ’ Bá tước Stanislaw Kostka Potocki
WARSAW, Ba Lan—Tôi nhìn thấy Ngài ngay khi vừa bước vào Bạch Sảnh của Cung điện Wilanow. Ở phía xa của căn phòng, một nhà quý tộc đầy tự tin, vận sơ mi trắng giản dị, vest nhung, quần da và khăn quàng xanh, khuôn mặt nhân hậu và phong thái cởi mở, dễ gần đang ngồi trên lưng một chú kỵ mã. Ngài có sự đĩnh đạc khiến tôi không thể bỏ qua. Vì vậy, tôi tiến về phía Ngài .
Tôi trân quý những khoảnh khắc như vậy, vì người đàn ông mà tôi đang tiến lại được vẽ trên một tấm vải canvas có kích thước 301cm x 217cm —Tôi đang đề cập đến bức chân dung Bá tước Stanislaw Kostka Potocki. Đối với tôi, tác phẩm này là điển hình của sức mạnh tuyệt vời từ mỹ thuật tượng trưng: Quý vị cảm thấy rằng quý vị nhìn thấy bản chất của một người mình chưa từng gặp và thường thì, sẽ không bao giờ được gặp.
Ngài Potocki (1755–1821) là một một chính trị gia, nhà sưu tập, nhà bảo trợ nghệ thuật và nhà bình phẩm văn học. Ông sống tại Ba Lan trong thời kỳ Khai sáng. Ông thấy bản thân có trách nhiệm phải mở cửa cho công chúng [chiêm ngưỡng] ngôi nhà Cung điện Wilanow của mình, nơi từng thuộc về vị vua chiến binh nổi tiếng của Ba Lan, Vua Jan III Sobieski (1629–1696).
Tôi đã không thể chiêm ngưỡng bức chân dung của Ngài Potocki nếu ông không quyết định như vậy. Ngài Potocki để cho công chúng xem miễn phí các bộ sưu tập của mình bằng cách biến Cung điện Wilanow trở thành bảo tàng nghệ thuật đầu tiên, mở cửa vào năm 1805.
Giám đốc nghệ thuật phụ trách [bộ sưu tập], ông Marta Golabek nói: “Ngài Potocki là một chính trị gia rất tận tâm, người đã giành lấy bất kỳ khả năng nào để giữ gìn truyền thống vào thời điểm nó bị cấm,”. (Ông Golabek làm việc trong bộ phận nghệ thuật của Bảo tàng Cung điện của Vua Jan III tại Wilanow.)
Thông qua các bộ sưu tập của mình, Ngài Potocki giữ cho lịch sử Ba Lan tồn tại. Khi họa sĩ David họa chân dung Ngài Potocki vào năm 1781, Warsaw là thủ đô của Khối thịnh vượng chung Ba Lan-Litva. Nhưng sau năm 1795, Warsaw trải qua nhiều thay đổi. Năm 1795, thành phố trở thành một phần của Công quốc Warsaw (Ba Lan thời Napoléon). Sau đó từ năm 1815 (sau Đại hội Vienna), Đế quốc Nga cai trị Warsaw.
Một kiệt tác của họa sĩ người Pháp
Họa sĩ tân cổ điển người Pháp Jacques-Louis David (1748–1825) vẽ bức chân dung hùng tráng này của Ngài Potocki vào năm 1781. Đây là bức tranh duy nhất của nghệ sĩ ở Ba Lan và là một ví dụ tuyệt vời về hội họa của ông trước khi ông xác lập phong cách tân cổ điển vĩ đại của mình.
Họa sĩ David gặp Ngài Potocki ở Ý, sau khi ông giành được học bổng danh giá Prix de Rome (học bổng một năm của Học viện Pháp tại Rome). Một ấn phẩm giới thiệu về bộ sưu tập Wilanow từ năm 1834 ghi chép rằng bức chân dung “lấy từ bản phác thảo vẽ tại một manège [đấu trường kỵ mã] ở Naples, được chuẩn bị và trưng bày tại một triển lãm mỹ thuật ở Paris năm 1781, có thể coi là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của họa sĩ David.”
Họa sĩ David nổi danh với phong cách tân cổ điển, [các tác phẩm của ông] loại bỏ sự cầu kỳ và phù phiếm thường thấy trong phong cách Rococo (cuối Baroque) trước đây, ông ưa thích những bức tranh thể hiện những lý tưởng và sự hài hòa của nghệ thuật La Mã cổ đại.
Bức chân dung Ngài Potocki của ông phản ánh phong cách năng động của họa sĩ người Flemish theo trường phái Baroque, ông Peter Paul Rubens (1577–1640), người đã khéo léo vẽ những bức tranh đầy màu sắc, chuyển động và đong đầy cảm xúc. Chân dung Ngài Potocki của họa sĩ David gần giống với bố cục mà họa sĩ Rubens sử dụng trong bức phác thảo chân dung Ngài George Villiers, Công tước xứ Buckingham.
Bức họa này của họa sĩ David mang lại cảm giác vô cùng sống động, chân thực: Khi Ngài Potocki lấy nón ra, tuấn mã dường như đang cúi đầu. Nhưng khi nhìn gần hơn; hướng theo ánh nhìn của chú tuấn mã, chúng ta có thể thấy rằng chú đang bị giật mình bởi một chú chó đang sủa. Nhìn chung, loài chó tượng trưng cho lòng trung thành và chú chó săn được vẽ ở đây biểu thị địa vị cao quý của Ngài Potocki. Họa sĩ David đã ghi ngày và ký tên trên vòng cổ của chú chó.
Thiên Thư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times