Mè đen bổ thận, dưỡng huyết và ngăn ngừa tóc bạc

Mè đen có chứa lượng dinh dưỡng phong phú, không chỉ bổ thận, bổ máu, còn có thể bổ sung canxi và ngăn ngừa tóc bạc. Nhưng có 3 nhóm người không nên ăn mè đen quá nhiều. Ngoài ra, mè đen có hàm lượng dầu cao, vậy nên có những điểm cần phải lưu ý khi ăn và bảo quản.

Mè đen tác dụng bổ thận, bổ máu, lại ngăn ngừa tóc bạc

Mè còn gọi là vừng, và được chia làm hai loại: mè đen và mè trắng. Trong “Bản Thảo Cương Mục” của Trung y viết rằng: “Mè trắng dùng để lấy dầu, mè đen dùng để ăn”, câu này đã nói lên điểm khác nhau của hai loại mè đen và mè trắng.

Bác sĩ Hứa Trung Nghiêm (Xu Zhongyan) của phòng khám Trung Y Hán Bổ Thế Gia ở Đài Loan cho biết, thuyết Ngũ hành của Trung Y giảng rằng mè trắng vào phổi, mè đen vào thận. Mè trắng được quy về thực phẩm bổ phổi. Phổi chủ bì mao (da, lông, tuyến mồ hôi), hơn nữa hàm lượng dầu của mè trắng rất cao, cho nên có tác dụng dưỡng ẩm cho da tốt hơn so với mè đen. Còn mè đen bổ thận, dùng để bồi bổ cơ thể tốt hơn.

Trung y giảng thận tàng tinh, chủ sinh trưởng, chủ cốt sinh tủy, thông với não, biểu hiện ra ở tóc. Bởi vậy, mè đen có tác dụng bồi bổ đối với các bộ phận có liên quan đến thận như tóc, xương v.v…

Ăn mè đen thường xuyên có những lợi ích sau:

Bổ thận, nhuận ngũ tạng: Bác sĩ Hứa Trung Nghiêm cho biết, các tạng phủ tâm, phế, can, tỳ (tim, phổi, gan, lá lách) đều dựa vào thận khí kích hoạt, ăn mè đen bổ thận, bởi vậy sẽ có tác dụng bồi bổ đối với ngũ tạng, cũng chính là bổ dưỡng toàn thân.

Bổ sung canxi, phòng ngừa loãng xương: Trẻ nhỏ, thanh thiếu niên ăn mè đen có tác dụng hỗ trợ sự sinh trưởng và phát triển. Theo dinh dưỡng học hiện đại, hàm lượng canxi trong mè đen đứng đầu trong các loại hạt vỏ cứng và hạt giống. Người lớn tuổi, phụ nữ tuổi mãn kinh có thể dùng nó làm thực phẩm để ngăn ngừa chứng thoái hóa xương và loãng xương.

Bổ máu, ngăn ngừa bạc tóc: Mè đen chứa lượng sắt cao, có tác dụng bổ máu, mà lượng máu đầy đủ thì tự nhiên sẽ không dễ mọc tóc bạc. Bác sĩ Hồ Nãi Văn (Hu Naiwen) của phòng khám Trung y Đồng Đức Đường Thượng Hải ở Đài Bắc, Đài Loan khuyên rằng: Nếu như phát hiện màu tóc không còn đen nhánh như trước, thì có thể ăn mè đen thường xuyên, ví dụ như bánh mì ăn với tương mè đen, hoặc cháo bột yến mạch với mè đen. Sau một thời gian tóc có thể sẽ được cải thiện.

Bổ não, nâng cao tinh thần: Ăn mè đen giúp tăng cường trí óc và nâng cao tinh thần ở mức nhất định, những người hay quên cũng có thể ăn tăng lượng mè đen. Ví dụ, mỗi ngày dùng một chén cháo mè đen vào bữa sáng, có thể nâng cao tinh thần và hiệu suất làm việc.

Cải thiện thính lực và ù tai: Thính lực trở nên kém, xuất hiện hiện tượng ù tai tần số thấp… là do thận khí không đủ, có thể ăn bổ sung mè đen để làm giảm triệu chứng.

Dưỡng ẩm cho da: Mè đen rất giàu chất dầu, có tác dụng giữ ẩm cho da.

Bảo vệ tim mạch: Hạt mè rất giàu khoáng chất Kali và vitamin E. Kali giúp điều hòa huyết áp, vitamin E có khả năng chống oxy hóa rất tốt, có thể ức chế cholesterol tỷ trọng thấp trong máu và bám vào thành mạch gây tắc nghẽn mạch máu. Bác sĩ Hứa Trung Nghiêm cho biết, trong dược lý học thì hạt mè có tác dụng làm sạch mạch máu, bảo vệ tim mạch.

Mè đen bổ thận, dưỡng huyết và ngăn ngừa tóc bạc
Mè đen có thể bổ thận, thuộc loại bổ dưỡng toàn thân. (Ảnh: Shutterstock)

Ăn mè đen lâu dài có tác dụng rất tốt, nhưng có 3 nhóm người không nên ăn

Thường ăn mè đen trong thời gian dài, sẽ đem lại hiệu quả rõ rệt trong dưỡng sinh. Tuy nhiên, mè đen rất giàu chất dầu, nhiệt lượng cao, không nên ăn quá nhiều, mỗi ngày chỉ cần ăn 10gr là đủ.

Ngoài ra có 3 nhóm người không nên ăn mè đen quá nhiều:

1. Những người có dạ dày và đường ruột không khỏe

Những người có chức năng tiêu hóa không tốt, dễ trướng bụng, tiêu chảy kinh niên, nếu ăn quá nhiều hạt mè, sẽ vì cơ thể hấp thu lượng dầu quá nhiều mà làm nặng thêm chứng bệnh.

2. Người bị huyết áp thấp hoặc uống thuốc hạ huyết áp

Lượng Kali trong mè đen có thể làm giảm huyết áp, vì vậy người có chứng huyết áp thấp hoặc đang uống thuốc hạ huyết áp cần chú ý lượng dùng.

3. Người có bệnh về thận

Lượng kali và phospho trong mè đen khá cao, nếu chức năng của thận kém thì khó duy trì sự cân bằng chất điện giải trong cơ thể qua đường tiết niệu, cho nên phải cẩn thận khi ăn mè đen.

Có thể bảo quản mè đen trong tủ lạnh

Mè đen tươi là thực phẩm tính bình, nhưng hạt mè đen được bán trên thị trường đã được trải qua các quá trình gia công như phơi sấy, nên đã trở nên khô ráo. Bác sĩ Hứa Trung Nghiêm cho biết: “Bản thân tôi thích mua hạt mè tươi về nấu”, và có thể cho thêm chè đậu đỏ, bột yến mạch, hoặc cho vào cháo.

Ngoài ra, Bác sĩ Hứa Trung Nghiêm còn nhấn mạnh: “Sau khi mua mè đen về, cần phải bảo quản trong tủ lạnh”. Bởi vì hạt mè đen có lượng dầu cao, đặc biệt sau khi bị cọ xát tróc vỏ thì càng dễ bị hư. Nếu mè đen xuất hiện mùi dầu, thì tốt nhất không nên ăn để tránh ảnh hưởng đến dạ dày.

Lý Thanh Phong biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Tô Quán Mễ
BTV Epoch Times Hoa Ngữ
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn