Nghiên cứu: Căng thẳng làm suy giảm hệ miễn dịch

Các phát hiện này sẽ gợi ý về cách chống lại những căng thẳng kinh niên, từ đó duy trì khả năng sẵn sàng phản ứng của các tế bào miễn dịch.

Tất cả chúng ta đều nghe nói rằng căng thẳng quá mức có thể làm tổn hại sức khỏe, đặc biệt là đối với hệ miễn dịch. Căng thẳng góp phần gây ra các bệnh như tăng huyết áp, tim mạch và tiểu đường.

Gần đây, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences (PNAS) vào ngày 13/06, đã cho thấy căng thẳng tích tụ nhiều năm có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa của hệ miễn dịch. Những phát hiện này có thể giải thích cho sự chênh lệch về các kết cục sức khỏe ở những người có cùng độ tuổi, từ đó cung cấp cái nhìn sâu sắc để giúp những người đang bị ảnh hưởng bởi căng thẳng.

Hệ miễn dịch cùng với sự tăng sinh tế bào bạch cầu sẽ dần suy giảm cùng với tuổi tác, trong khi các tế bào mới “ngây thơ” sẵn sàng chống lại các tác nhân xâm nhập gây hại cũng dần giảm xuống. Quá trình lão hóa bình thường của hệ miễn dịch gọi là ‘suy giảm miễn dịch tự nhiên’. Nhưng tốc độ của sự suy thoái là khác nhau giữa những người cùng tuổi.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Nam California (USC) đã tiến hành phân tích các câu trả lời từ 5,744 người trưởng thành trên 50 tuổi, khi hỏi về trải nghiệm của họ với năm loại căng thẳng xã hội: biến cố gây căng thẳng trong cuộc sống, căng thẳng kinh niên, phân biệt đối xử hàng ngày, phân biệt đối xử suốt đời, và tổn thương trong cuộc sống. Sau đó, họ sẽ tiến hành kiểm tra mẫu máu của những người tham gia, bằng cách sử dụng phương pháp đếm tế bào dòng chảy, trong đó các tế bào máu đi qua một dòng chất lỏng được chiếu tia laser để đếm và phân loại tế bào.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy các biến cố căng thẳng trong cuộc sống có thể làm tăng dấu hiệu lão hóa của hệ miễn dịch. Những người trải qua quá nhiều căng thẳng có ít tế bào miễn dịch sẵn sàng phản ứng hơn, khiến họ dễ mắc một loạt các bệnh liên quan đến tuổi tác, bao gồm ung thư, bệnh tim mạch và nhiễm trùng nặng do virus như COVID-19.

Mặc dù nghiên cứu này chỉ xét trên những người lớn tuổi, nhưng người trẻ tuổi cũng có thể bị ảnh hưởng tương tự. Một nghiên cứu trên tạp chí Brain, Behavior, and Immunity, đã phát hiện ra những dấu hiệu tương tự, khi quá trình lão hóa của hệ miễn dịch diễn ra nhanh hơn ở những bà mẹ căng thẳng trong độ tuổi từ 20 đến 50.

Điều thú vị là, sự khác biệt về quá trình lão hóa của hệ miễn dịch đã giảm đáng kể sau khi các nhà nghiên cứu kiểm soát cách ăn uống kém dinh dưỡng và thiếu tập luyện, tác giả chính của nghiên cứu Eric Klopack, một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Trường Lão khoa USC Leonard Davis, đã lưu ý trong một tuyên bố.

“Như vậy, những người gặp nhiều căng thẳng có xu hướng ăn uống và tập luyện kém hơn. Điều này đã giải thích một phần lý do họ bị lão hóa miễn dịch nhanh hơn so với người khác.”

Mọi người đều từng trải qua một số mức độ căng thẳng nhất định, nhưng không phải tất cả căng thẳng đều có hại. Một số căng thẳng là “tốt”, mà các nhà tâm lý học gọi là “căng thẳng tích cực”, thậm chí có thể có lợi. Tuy nhiên, nói chung, những căng thẳng nghiêm trọng hoặc kéo dài nên được quản lý tốt.

“Tôi biết điều này có thể khó khăn hoặc không thể thực hiện, nhưng nghiên cứu cho thấy có một cách có thể bù đắp ảnh hưởng của căng thẳng lên quá trình lão hóa miễn dịch. Đó là tránh xa các hành vi không lành mạnh như hút thuốc lá và uống rượu, cố gắng tập luyện thường xuyên và ăn uống lành mạnh.”

Những kết quả này mang đến niềm hy vọng mới dành cho mọi người, rằng những thay đổi lối sống đơn giản và dễ thực hiện có thể trì hoãn hoặc giảm đáng kể tác hại của căng thẳng lên hệ miễn dịch ở người lớn tuổi.

Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn