Những câu chuyện không thể tưởng tượng đằng sau phác đồ điều trị COVID-19 tại bệnh viện

Sau sự ra đi của chồng mình mà cô Joanne Eyerly tin rằng nguyên nhân là do phác đồ điều trị COVID-19 tại bệnh viện, cuộc đời của cô đã chìm trong đau buồn và mông lung.

Cô đã phải bán hết đồ đạc và ngôi nhà của mình ở Oregon để chuyển đến Ohio, nơi cô đang cố gắng kết nối các mảnh ghép để tìm ra sự thật.

Có một điều mà cô Eyerly rất chắc chắn: “Họ đã làm anh ấy tử vong,” cô nói với The Epoch Times. “Tôi biết rằng chính họ đã làm điều đó.”

Anh Greg Eyerly nhập viện vào ngày 22/09/2021. Cô Eyerly không được phép ở cùng chồng mình, cô chỉ liên lạc với anh qua tin nhắn điện thoại.

Có vẻ tình trạng của anh ấy đã trở nên tốt hơn, cô nói, cho đến khi Greg nhắn rằng anh đã không được cung cấp đủ dịch trong vòng một tuần. “Anh nghĩ rằng họ đang ngừng chăm sóc cho mình,” anh Greg nhắn tin cho vợ.

Cô Eyerly gọi cho bác sĩ, yêu cầu cung cấp những dung dịch cơ bản và điều trị bằng vitamin D, C và kẽm cho anh Greg, cô nói.

“Vị bác sĩ đã hét vào mặt tôi và nói, ‘Tôi không biết cô đã xem những nghiên cứu gì, nhưng chúng tôi không làm vậy. Đó không phải những gì chúng tôi sẽ làm,” cô Eyerly kể lại.

Anh Greg nhắn cho cô rằng anh đang sụt cân nghiêm trọng và hoàn toàn không được cho ăn.

“Em hãy giúp anh, hãy chắc rằng em có một kế hoạch giúp anh ra khỏi đây,” anh Greg nhắn.

Trong suốt thời gian nằm viện, anh Greg nói rằng anh ngày càng ít thấy các nhân viên y tế, và cô Eyerly cũng nhận được ít thông tin hơn về tình trạng của chồng.

‘Chúng tôi phải cho anh ấy một cơ hội’

Vào ngày 30/09, cô Eyerly cho biết anh Greg đã thực hiện một cuộc gọi kéo dài 39 giây tới Sở cảnh sát Tualatin, nhưng cơ quan này không có bản ghi âm về cuộc gọi.

Ngày hôm sau, cô Eyerly được thông báo rằng anh Greg được chỉ định máy thở, nếu không anh sẽ có thể tử vong.

“Chúng tôi đã đồng ý,” cô nói. “Chúng tôi phải cho anh ấy một cơ hội.”

Vào ngày 01/10, nhân viên y tế gọi điện cho cô để nói rằng anh Greg cần bổ sung thêm protein. Vì không có protein đường uống trong ICU, cô Eyerly cần đi ra ngoài và mua cho chồng, cô nói.

Do có Vệ binh Quốc gia chắn ở lối vào phía trước, nên cô Eyerly vẫn không được vào trong và phải để đồ ở quầy lễ tân.

Khi về đến nhà, cô nhận được cuộc gọi từ nhân viên bệnh viện thông báo rằng xảy ra trường hợp khẩn cấp và anh Greg cần được thở máy ngay lập tức.

Sau đó, cô nói chuyện với bác sĩ đặt máy thở cho anh Greg, và bác sĩ cho biết chồng cô sẽ không gặp vấn đề gì, và “phổi của anh ấy chỉ cần nghỉ ngơi một chút.”

Tuy nhiên, vào ngày 05/10, nhân viên bệnh viện đã thông báo với cô rằng máy thở đã không còn hiệu quả, cô và các con cần đến gặp anh [lần cuối].

“Tôi không hiểu chuyện gì đã diễn ra từ ngày 01/10 đến ngày 05/10,” cô nói. “Các bác sĩ không cung cấp bất kỳ thông tin nào.”

‘Điều này hoàn toàn vô lý’

Không có thông tin nào được bổ sung thêm, và cô không có thời gian để xem xét bất kỳ báo cáo nào trong nhiều báo cáo không nhất quán từ các nhân viên bệnh viện.

Cô nói: “Tôi phải đến đó thật nhanh, nếu không muốn người chồng chung sống với mình trong 30 năm ra đi trong cô độc. Tôi và các con nhìn đã nhìn anh trút hơi thở cuối cùng. Cô con gái 21 tuổi của chúng tôi quá quẫn trí, phải ngồi xe lăn để rời bệnh viện.”

Khi họ rời bước sau khi anh ấy ra đi vào ngày 05/10, cô Eyerly cho biết một nhân viên bệnh viện đã hét lên với họ rằng “hãy mau chích ngừa vaccine.”

Cô Eyerly cho biết anh Greg đã do dự khi đến bệnh viện, vì anh đã nghe nhiều câu chuyện về việc điều trị yếu kém, đặc biệt với người chưa được chích ngừa.

Anh Greg không thể chích ngừa vaccine COVID-19 vì có tiền sử dị ứng với vaccine cúm, cô nói.

Đó là khoảng thời gian khi Tổng thống Joe Biden bắt buộc chích ngừa vaccine cho tất cả nhân viên ở tất cả ngành nghề: doanh nghiệp tư nhân, nhà thầu liên bang và nhân viên chăm sóc sức khỏe.

Khi cô Eyerly có được hồ sơ y tế của chồng, cô đã phát hiện thấy anh được cho dùng kết hợp các thuốc như morphine và fentanyl.

Cô nói: “Hồ sơ y tế đã ghi lại nhiều lần về việc anh đã sụt cân và phải tự mình ăn uống. Anh cũng bị liệt vào dạng có nguy cơ té ngã, nên họ đã trói tay anh xuống và cho anh dùng thuốc an thần. Làm thế nào để bạn tự mình ăn uống trong khi được an thần? Điều này hoàn toàn vô lý.”

Cô Eyerly cho biết anh đã sụt 25 pound (11kg) trong vòng 12 ngày.

Hiện giờ, cô Eyerly đang cố gắng tìm ra sự thật, cô nói.

Cô đã kết nối với một y tá đã nghe câu chuyện của mình, người đã chứng kiến nhiều bệnh nhân COVID-19 cũng bị đối xử tương tự, và hầu hết sẽ luôn kết thúc bằng việc người bệnh tử vong.

Tất cả bệnh nhân đều bị coi thường vì chưa chích ngừa và phải dùng thuốc an thần kết hợp với thuốc kháng virus remdesivir. Họ cũng bị cách ly, suy dinh dưỡng và cuối cùng phải dùng máy thở trước khi thiệt mạng.

Mặc dù cô Eyerly không tìm thấy việc sử dụng remdesivir trong hồ sơ y tế của Greg, nhưng mô hình điều trị với sự kết hợp các loại thuốc như Ativan, Dilaudid, fentanyl, morphine, và nhiều loại thuốc an thần và chống lo âu khác, gợi ý cho cô và nữ y tá rằng anh Greg đã phải tuân theo các phác đồ điều trị tại bệnh viện COVID-19 đi ngược với Lời thề Hippocrate về việc “Không gây hại.”

Mặc dù chưa hiểu hết những gì đã xảy ra, cô nói rằng linh tính mách bảo với cô rằng “đó không phải là cái chết bình thường.”

“Sau khi kiểm tra hồ sơ y tế, tôi thấy rõ là anh ấy không được đáp ứng các nhu cầu cơ bản,” cô nói. “Thức ăn và nước uống không phải là liệu pháp điều trị gây tranh cãi. Đó là những nhu cầu và quyền cơ bản của con người.”

‘Tôi có thể chứng minh những sơ suất này chỉ trong giây lát’

Cô Gloria Kniesler nói với The Epoch Times rằng, cô đã xem xét hàng nghìn tài liệu y tế mô tả trường hợp tương tự như của cô Eyerly.

Cô Kniesler, một y tá có 22 năm kinh nghiệm ở New Jersey đã bị chấm dứt hợp đồng vì từ chối vaccine COVID-19. Cô tình nguyện xem xét các trường hợp như cô Eyerly trên protocolkills.com, một trang web được thiết lập để thông báo với mọi người về những nguy hiểm của các phác đồ điều trị tại bệnh viện.

“Họ thậm chí còn không cho những bệnh nhân này được ăn uống tử tế,” cô Kniesler nói. “Họ để bệnh nhân chết đói, và tôi có thể chứng minh những sơ suất này chỉ trong giây lát.”

Các phác đồ điều trị như được mô tả bởi một số bác sĩ nội khoa, y tá và gia đình bệnh nhân thường bao gồm cách ly bệnh nhân sau khi nhập viện, không cho phép tiếp xúc với gia đình, cho bệnh nhân dùng một số loại thuốc an thần và giảm đau, để bệnh nhân bị suy dinh dưỡng, và cuối cùng khiến bệnh nhân phải dùng máy thở trước khi tử vong.

Sau đó, bệnh viện ghi nhận đó là trường hợp tử vong do COVID-19, và được liên bang bồi thường thông qua Trung tâm Dịch vụ Medicare và Medicaid (CMS).

Phản hồi từ Viện Y tế Quốc gia

The Epoch Times đã liên hệ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) và Viện Y tế Quốc gia (NIH) để làm rõ việc tổ chức nào đã viết và thiết lập cụ thể những điều mà một số người gọi là “phác đồ tử thần” do liên bang tài trợ, hiện đang được nhiều bệnh viện sử dụng để điều trị COVID-19. 

Trong khi WHO và CDC đã không phản hồi ngay lập tức, NIH đã đưa ra phản hồi bằng cách tuyên bố việc cáo buộc NIH là nguồn gốc của phác đồ là “một sai lầm nghiêm trọng”, bổ sung thêm rằng tổ chức này không hề khuyến nghị “sử dụng fentanyl, thuốc an thần hoặc gây ra tình trạng suy dinh dưỡng.”

NIH cho biết: “NIH là một cơ quan nghiên cứu và không ban hành các phác đồ điều trị COVID-19 trong bệnh viện. NIH là một phần của Ban Hướng dẫn Điều trị COVID-19 gồm các thành viên có kinh nghiệm lâm sàng và chuyên môn về quản lý bệnh nhân, khoa học lâm sàng và dịch thuật, và/hoặc phát triển các hướng dẫn điều trị. Hướng dẫn Điều trị COVID-19 cung cấp cho các bác sĩ lâm sàng hướng dẫn về cách chăm sóc bệnh nhân bị COVID-19.”

Trong hướng dẫn điều trị COVID, NIH cho biết remdesivir là loại thuốc duy nhất được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ chấp thuận để điều trị COVID-19

Những người chỉ trích remdesivir, một loại thuốc có thể gây suy thận đã trích dẫn một nghiên cứu trên Tạp chí Y học New England. Trong đó, hội đồng an toàn tuyên bố đây là loại thuốc kém hiệu quả nhất và nguy hiểm nhất trong cuộc thử nghiệm, trước khi remdesivir bị ngưng sử dụng khi gây tử vong ở 53% số người dùng thuốc.

Cô Kniesler đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm y tế của mình về remdesivir, rằng đây “là một loại thuốc độc hại.”

Chỉ riêng ở New Jersey, CMS đã hoàn trả cho các bệnh viện 17,000 dollar cho việc sử dụng remdesivir trên mỗi bệnh nhân, cô nói, nhưng khoản tiền này có sự chênh lệch giữa các tiểu bang.

“Đó là lý do tại sao điều này đang diễn ra ở các bệnh viện do liên bang tài trợ,” cô nói.

Trong hầu hết trường hợp, bệnh nhân trải qua các phác đồ điều trị đều chưa chích ngừa, và nguyên nhân khiến họ tử vong, mặc dù được ghi nhận là COVID nhưng thực chất lại là suy đa tạng, cô cho biết.

Phác đồ điều trị covid
Ông Joseph Occhipinti. (Ảnh: Được sự cho phép của cô Therese Hernandez)

‘Có điều gì đó không ổn ở đây’

Trong bài đánh giá về trường hợp của ông Joseph Occhipinti, cha của cô Therese Hernandez, một cựu chiến binh trong Chiến tranh Việt Nam, cô Kniesler cho biết ông Occhipinti đã đến bệnh viện ở New Jersey để được điều trị kháng thể đơn dòng.

Tuy nhiên, khi bệnh viện phát hiện ông vẫn chưa được chích ngừa, các phác đồ điều trị đã thay đổi từ kháng thể đơn dòng sang remdesivir, cô Hernandez nói với The Epoch Times.

Cô Hernandez cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng tình trạng của cha đã cải thiện hơn, nhưng đột nhiên cha tôi bắt đầu nói rằng họ đã quên cho ông ấy ăn. Họ quên mang thức ăn và nước uống cho ông ấy. Tôi nói với cha rằng không phải họ đã quên chuyện đó. Có điều gì đó không ổn ở đây. Họ đang bỏ mặc ông ấy.”

Cô Hernandez nói rằng cha mình đã bị suy thận khi các cơ quan của ông bắt đầu mất dần chức năng.

Tương tự như trường hợp của cô Eyerly và nhiều trường hợp khác, cô Hernandez nhận được cuộc gọi thông báo rằng cha cô cần đặt máy thở, nếu không ông sẽ không thể qua khỏi.

Cô Hernandez nói: “Họ khiến chúng tôi sợ hãi khi nói sẽ đặt máy thở cho cha tôi. Vào thời điểm đó, thận của ông đã hoàn toàn bị thương tổn.”

Ông Occhipinti bị cách ly từ khi nhập viện vào ngày 03/09 cho đến khi qua đời vào ngày 29/09.

“Họ gọi cho chúng tôi và nói, ‘Tốt hơn hết cô nên đến đây ngay, vì tình trạng có vẻ không ổn.’ Chỉ một ngày trước, họ nói rằng ông ấy đang dần bình phục. Vậy là, họ đã nói dối chúng tôi khá nhiều trong suốt thời gian ông ấy ở bệnh viện,” cô Hernandez đưa ra cáo buộc.

Ngoài việc cơ thể của cha đã bị tàn phá, cô Hernandez cho biết cô cũng cảm thấy “có điều gì đó không ổn.”

Cô nói: “Cha tôi đã 68 tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh và không có vấn đề gì về sức khỏe. Ông vừa nghỉ hưu và đang tận hưởng cuộc sống. Nhưng giờ đây ông không thể tiếp tục mà không có lý do [chính đáng]. Ông đã chiến đấu vì đất nước nhưng đất nước này lại khiến phải ông thiệt mạng.”

Một cuộc gặp gỡ tình cờ

Ngay sau khi bị sa thải, khi cô Kniesler đang đứng xếp hàng tại Cửa hàng UPS địa phương để gửi điện thư cho số 401(k), cô đã gặp cô Hernandez cũng đang đứng xếp hàng.

Họ bắt đầu nói chuyện cùng nhau và cô Hernandez đã chia sẻ câu chuyện của mình, cô Kniesler nói.

“Một trong những điều quan trọng nhất mà tôi nhận thấy ở trường hợp của ông Occhipinti là lượng hemoglobin chỉ còn một nửa so với bình thường,” cô nói. “Điều đó nghĩa là ông ấy không có một nửa lượng [tế bào máu cần thiết] ở trong cơ thể, và họ đã không làm điều gì cả. Họ thậm chí còn không thừa nhận điều đó. Tại sao họ không truyền máu để giúp ông ấy có thể thở tốt hơn và ngăn ngừa nguy cơ ngừng tim?”

Cô Kniesler cho rằng ông Occhipinti đã bị ngừng tim vì cô tin rằng tim của ông đã phải làm việc quá sức để đưa oxy đến các tế bào, “và trái tim không thể duy trì điều đó mãi được.”

“Nếu họ truyền máu cho ông ấy, kết cục có thể đã khác,” cô nói. “Nhưng điều này thậm chí cũng không quan trọng nếu kết cục có khác đi; ông Occhipinti vẫn luôn xứng đáng có được tiêu chuẩn chăm sóc hàng đầu, nhưng lại không nhận được điều đó.”

Hai ngày trước khi ông Occhipinti qua đời, khi cô Hernandez được thông báo rằng cha mình đang dần bình phục, bác sĩ đã viết đơn yêu cầu y tá liên hệ với một tổ chức hiến tặng nội tạng, cô Kniesler nói.

“Điều đó cho thấy bác sĩ không hề có ý định cứu chữa cho ông Occhipinti,” cô Kniesler nói. “Người ta sẽ chỉ làm điều này khi một bệnh nhân đã thật sự thiệt mạng.”

Ông Occhipinti được phân loại là “mã toàn phần (full code),” nghĩa là ông cần phải được hồi sức khi tim ngừng đập, cô Kniesler nói.

Cô Kniesler cho biết: “Vào thời điểm bác sĩ viết đơn yêu cầu, bệnh nhân đã được đặt nội khí quản và thở máy với một nửa lượng máu có trong cơ thể. Vậy thì, điều đó có cho thấy bác sĩ đang cố gắng cứu chữa cho ông ấy không?”

Điều này quả thực không thể tin nổi’

Mức độ thờ ơ [trong chăm sóc y tế] mà cô Kniesler chứng kiến ở trường hợp của ông Occhipinti và nhiều hồ sơ y tế khác là “điều rất đáng đau lòng,” cô nói.

“Có rất nhiều điều mà họ đang làm và rất nhiều điều mà họ không làm,” cô cho biết.

Cô Kniesler nói rằng các bài tập nhẹ nhàng, chẳng hạn như tập thở sâu và đi bộ đã không được khuyến khích khi cần. Họ để bệnh nhân buộc phải nằm trên giường ngay cả khi có dấu hiệu cải thiện sức khỏe.

“Bỏ qua tình trạng nhiễm COVID, phác đồ điều trị và việc sử dụng remdesivir sang một bên, tôi đang chứng kiến rất nhiều điều mà tôi thậm chí không thể tin rằng mình đang đọc được,” cô Kniesler nói. “Điều này quả thực không thể tin nổi.”

Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Matt McGregor
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Ông Matt McGregor đưa tin từ North và South Carolina cho The Epoch Times. Quý vị có thể gửi những ý tưởng về câu chuyện của mình cho ông ấy tại: [email protected].
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn