Những thách thức mà Cục Dự trữ Liên bang phải đối mặt
Tổng thống (TT) Joe Biden đã thông báo rằng ông sẽ đề cử Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang hiện tại, ông Jerome Powell, cho nhiệm kỳ 4 năm thứ hai. Thông báo này được đưa ra sau nhiều tháng suy đoán và do dự khi chính phủ của ông Biden chống lại lời kêu gọi từ các phe phái khác của Đảng Dân Chủ nhằm loại bỏ ông Powell.
Với việc ông Powell có khả năng đã được xác nhận, giờ đây ông phải đối mặt với nhiệm vụ không thể tránh khỏi là điều hướng sự gia tăng lạm phát hiện tại và dập tắt mọi khả năng vượt ngoài tầm kiểm soát của lạm phát.
Đầu tháng này, Cục Thống kê Lao động (BLS) đã báo cáo rằng lạm phát chạm mức 6.2% trong 12 tháng qua, mức tăng hàng năm lớn nhất trong hơn 30 năm.
Sự gia tăng lạm phát này, ít nhất một phần, là do đại dịch gây ra. Với sự gián đoạn chuỗi cung ứng và sự phục hồi kinh tế trên toàn cầu hiện tại tạo ra cơn bão lạm phát hoàn hảo trên toàn cầu. Tại Hoa Kỳ, những khu vực có biến động lớn nhất trong lạm phát là những khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp bởi những nguyên nhân này với giá năng lượng, và giá xe hơi và xe tải đã qua sử dụng, tăng 30% và 26.4% trong 12 tháng qua.
Nhưng mặc dù giá năng lượng cao hơn và tắc nghẽn nguồn cung là một hiện tượng toàn cầu, lạm phát của Mỹ vẫn cao hơn hầu hết các nước phát triển khác. Điều này cho thấy các điều kiện trong nước cũng đóng một vai trò nhất định. Đặc biệt, Cục Dự trữ Liên bang đã tích cực mở rộng bảng cân đối tài khóa từ khi đại dịch bùng phát và sự mở rộng này đã được khuếch đại bởi một đợt mở rộng tài khóa chưa từng có, bắt đầu là các đợt phát chi phiếu kích thích của cựu TT Trump đầu tiên và tiếp theo là Kế hoạch Giải cứu người Mỹ của TT Biden. Tổng mức mở rộng tài khóa có nghĩa là tổng thâm hụt tài khóa từ năm 2020 và 2021 đã lên tới gần 6 ngàn tỷ USD (hay 27% GDP).
Hiện nay ngày càng có nhiều nhà kinh tế lo ngại rằng đà tăng lạm phát hiện nay sẽ trở nên dai dẳng. Nổi bật nhất, cựu Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ, Larry Summers đã sớm đưa ra cảnh báo về khả năng lạm phát và hiện đã trực tiếp chỉ trích chính sách trong nước của Hoa Kỳ.
Ông Summers đã cảnh báo vào tháng Ba, “Nếu quý vị cho quá nhiều nước vào bồn tắm, nước sẽ bắt đầu tràn ra ngoài.”
Fed sẽ kiềm chế lạm phát như thế nào?
Cục Dự trữ Liên bang giờ đây phải quyết định làm thế nào để xoay chuyển lại việc mở rộng tiền tệ mạnh mẽ của mình. Không còn nghi ngờ gì nữa, Fed có các công cụ để chống lại lạm phát, nhưng làm thế nào Fed thực hiện chúng mà không làm nền kinh tế đình trệ mới là câu hỏi quan trọng. Thắt chặt quá nhanh thì có nguy cơ cản trở sự phục hồi kinh tế. Thắt chặt quá chậm thì có nguy cơ lạm phát vượt quá xa.
Fed đã bắt đầu thay đổi sự nhạy bén. Nhận thức được mối đe dọa ngày càng tăng của lạm phát vào đầu tháng này, Cục Dự trữ Liên bang đã quyết định giảm 10 tỷ USD mua Trái phiếu Kho bạc mỗi tháng. Nhưng bất chấp sự phục hồi kinh tế, chính sách vẫn rất nới lỏng với lãi suất thực hiện nay vẫn ở mức -1%.
Liệu việc cắt giảm có đủ để kiềm chế lạm phát và tạo ra một “hạ cánh mềm” hay không là một câu hỏi mở. Các chỉ báo thị trường hiện đang đưa ra một số tín hiệu trái chiều. Kỳ vọng lạm phát thị trường tin rằng lạm phát sẽ ở mức trung bình 3% trong 5 năm tới (Cục Dự trữ Liên bang đặt mục tiêu lạm phát trung bình 2%). Nhưng kỳ vọng dài hạn lại tiếp tục cho thấy niềm tin vào Cục Dự trữ Liên bang với kỳ vọng lạm phát kỳ hạn 5 năm, 5 năm (đo lường lạm phát trung bình trong 5 năm bắt đầu từ 5 năm tới) vẫn chỉ ở mức trên 2%.
Ông Powell và Cục Dự trữ Liên bang tương lai
Ngoài lạm phát, ông Jerome Powell cũng sẽ cần tìm cách giải quyết một số vấn đề mang tính sinh tồn hơn mà Cục Dự trữ Liên bang phải đối mặt. Các vấn đề này xảy ra vì việc tái bổ nhiệm ông Powell, dù được mong đợi, nhưng không được bảo đảm. Một phần trong Đảng Dân Chủ ủng hộ việc loại bỏ ông Powell do nhận thức rằng ông mềm mỏng trong các quy định đối với ngân hàng và biến đổi khí hậu.
TNS. Elizabeth Warren (Dân Chủ-Massachusett) hồi đầu năm đã gọi ông Powell là “kẻ nguy hiểm” khi làm chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang, cho rằng việc rút lại một số quy định ngân hàng đã gây bất ổn cho hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ.
Có thông tin cho rằng những người theo chủ nghĩa cấp tiến đã ủng hộ bà Lael Brainard, người được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Fed. Mặc dù ông Powell và bà Brainard có những quan điểm tương đồng về chính sách tiền tệ, quan điểm của bà Brainard về các khía cạnh khác của Cục Dự trữ Liên bang khác với ông Powells. Ví dụ, bà Brainard đã không đồng tình với giảm nhẹ các quy định tài chính, nhấn mạnh sự cần thiết phải xem xét biến đổi khí hậu khi thực hiện các bài kiểm tra tình trạng các ngân hàng và muốn Fed phát triển đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình.
4 năm tới của ông Powell trên cương vị Chủ tịch Fed sẽ rất quan trọng trong việc xác định phương hướng và vai trò của ngân hàng trung ương trong các lĩnh vực mang tính chính trị và luôn thay đổi này.
Do Edward Cheng thực hiện
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: