Những thực phẩm bổ sung sắt mà Trung y khuyên dùng

Một cơ thể khỏe mạnh đòi hỏi nhiều chất dinh dưỡng khác nhau, một trong số đó là sắt, nó có chức năng quan trọng là vận chuyển oxy đến toàn bộ cơ thể. Thiếu sắt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của cơ thể con người. Có rất nhiều cách để bổ sung sắt, nhưng Trung Y cho rằng cách an toàn nhất là bổ sung bằng thực phẩm.

Sắt là nguyên tố không thể thiếu đối với cơ thể con người, nó là thành phần quan trọng cấu tạo nên hemoglobin, myoglobin, cytochrom và nhiều loại oxidase. Tuy nhiên, cơ thể con người không thể tự sản xuất ra sắt mà phải lấy từ thức ăn. Nếu lượng sắt đưa vào quá thấp, cơ thể sẽ thể bù đắp lượng sắt mất đi hàng ngày và có thể dẫn đến thiếu máu.

Các triệu chứng thiếu sắt bao gồm mệt mỏi, tay chân lạnh, tim đập nhanh, hụt hơi, chán ăn, móng tay dễ gãy v.v. Thiếu sắt ở trẻ em dưới 02 tuổi còn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sự phát triển của não bộ. Thiếu sắt ở phụ nữ mang thai có thể ảnh hưởng đến sự phát triển nhận thức sau này của trẻ, thậm chí dẫn đến thiếu máu, sinh con nhẹ cân và sinh non.

Bác sĩ Lý Thanh (Li Qing), bác sĩ Trung Y sống tại Nhật Bản nói với Epoch Times vào ngày 28/02 rằng, sắt trong cơ thể con người chủ yếu được hấp thụ qua đường tiêu hóa, rồi được vận chuyển và lưu trữ trong máu, sau đó thông qua máu cung cấp cho các mô và cơ quan có nhu cầu. Dưới tình huống thông thường, chỉ cần có cách ăn uống cân bằng là quý vị đã có thể nhận đủ sắt.

Tuy nhiên, những người bị thiếu máu do các yếu tố như phẫu thuật, chấn thương nặng, xuất huyết tiêu hóa, ung thư đường tiêu hóa v.v. thì phải bổ sung sắt dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.

Thực phẩm chứa nhiều sắt

Bên cạnh việc bổ sung thực phẩm, quý vị nên chọn những thực phẩm giàu sắt để cải thiện tình trạng thiếu máu do thiếu sắt. Thực phẩm giàu sắt trong thực đơn thường ngày bao gồm (được tính dựa trên hàm lượng sắt có trong 100g thức ăn nấu chín):

Đậu: đậu đỏ, đậu Hà Lan, đậu nành, đậu đen, váng đậu v.v. Trong số đó, đậu đen chứa 7.2mg sắt, còn váng đậu là 16.5mg.

Hải sản: hến, nghêu v.v. Trong đó hến chứa 27.5mg sắt.

Rau: rau chân vịt chứa 3.6mg sắt, bông cải xanh chứa 1.0mg. Rau chân vịt rất giàu vitamin C, có thể thúc đẩy quá trình hấp thụ sắt.

Các loại hạt: hạt phỉ, hạnh nhân, óc chó v.v., hàm lượng sắt của chúng lần lượt là 3.2mg, 3.0mg và 2.9mg.

Hoa quả sấy khô: nho khô, táo đen, táo đỏ v.v., hàm lượng sắt của chúng lần lượt là 3.8mg, 3.7mg và 2.3mg.

Gan lợn: chứa 17mg sắt. Hầu hết gan động vật và các phủ tạng khác đều giàu chất sắt, nhưng do hàm lượng cholesterol và chất béo cao nên không nên ăn quá thường xuyên.

Bác sĩ Lý Thanh gợi ý rằng để hấp thụ tốt hơn thực phẩm có hàm lượng sắt cao, quý vị có thể dùng đồng thời với các loại trái cây và rau quả giàu vitamin C, chẳng hạn như kiwi, cam, dâu tây, cà chua, rau lá xanh v.v.

Ngoài ra, nấu thức ăn trong nồi sắt cũng có thể giúp bạn bổ sung sắt hàng ngày. Trước đây người ta thường dùng chảo sắt để xào nấu, nếu có sắt trên thành chảo thì dùng thìa cạo, những vụn nhỏ rơi ra sau khi tiếp xúc với các chất có tính acid trong thực phẩm sẽ xảy ra phản ứng hóa học, biến thành ion sắt hòa vào thức ăn làm tăng hàm lượng sắt trong thức ăn. Ngoài ra, cơ thể con người cũng sẽ thường được bổ sung các nguyên tố sắt vi lượng.

Cuối cùng, bác sĩ Lý Thanh nhắc nhở rằng nếu cơ thể không có vấn đề như thiếu máu do thiếu sắt, thì không nên ăn nhiều thực phẩm có hàm lượng sắt cao để tránh thừa sắt gây ảnh hưởng đến chức năng gan.

Vương Giai Nghi thực hiện

Liên Thư Hoa biên tập

Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn