Cải thiện tình trạng thiếu máu bằng cách thay đổi thói quen ăn uống và lối sống

Điều chỉnh thói quen ăn uống kết hợp liệu pháp ăn kiêng và nghỉ ngơi có thể cải thiện tình trạng thiếu máu.

Thiếu máu có thể do nhiều yếu tố gây ra, bao gồm: thiếu sắt, acid folate [vitamin B9] hoặc vitamin B12 và thậm chí cả một số loại thuốc. Tình trạng này cũng có thể do các bệnh về tủy xương, tiêu hóa, thận hoặc gan. Trung y coi ruột và dạ dày là trung tâm tạo máu. Do đó, Trung y cho rằng việc điều chỉnh thói quen ăn uống và kết hợp liệu pháp ăn kiêng có thể giúp cải thiện tình trạng thiếu máu.

Các tế bào hồng cầu (RBC) trong máu có nhiệm vụ vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Số lượng hồng cầu hoặc huyết sắc tố [hay hemoglobin] trong hồng cầu quá thấp, có thể dẫn đến việc cung cấp oxy không đủ cho các cơ quan trong cơ thể, gây ra tình trạng thiếu máu. Về mặt định lượng, thiếu máu được xác định khi nồng độ hemoglobin dưới 13.5 g/dL (gam trên decilit) ở nam giới trưởng thành và dưới 12.0 g/dL ở phụ nữ không mang thai.

Tự kiểm tra các triệu chứng thiếu máu

Các triệu chứng thường gặp là suy nhược, khó thở, chóng mặt, nhịp tim nhanh hoặc không đều, nhói tai hoặc ù tai, nhức đầu, tay chân lạnh, đau ngực, da xanh xao hoặc vàng vọt.

Ngoài ra, thiếu máu còn có các biểu hiện như gầy cơ, khô da, rụng tóc, tê bì chân tay, cử động không linh hoạt, hay quên, mất ngủ, mơ màng, dễ cáu kỉnh, đánh trống ngực và thậm chí có thể rơi vào trạng thái hôn mê, mê sảng (hội chứng rối loạn tâm thần cấp tính) và các triệu chứng khác.

Cơ thể tạo ra máu như thế nào

Y học hiện đại cho rằng tủy xương tạo ra các tế bào hồng cầu và bạch cầu trong máu, còn tiểu cầu được hình thành do sự vỡ ra của các tế bào polyme hóa trong tủy xương. Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng ruột cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo máu.

Bác sĩ người Nhật Keiichi Morishita đã đề xuất lý thuyết tạo máu ở ruột. Lý thuyết này cho rằng sau khi thức ăn bị enzyme phân hủy thành các phân tử nhỏ hơn sẽ tiếp tục bị nghiền nát do sự co bóp của nhu động ruột và bị phân hủy do vi khuẩn đường ruột thành một hỗn hợp nhão. Hỗn hợp này tiếp tục di chuyển xuống ruột non, tinh chất trong thức ăn được hấp thu bởi tế bào nhung mao của ruột non sẽ trải qua một loạt thay đổi để tạo ra tế bào tiền thân hồng cầu. Các tế bào này sẽ bám vào thành mao mạch và sau đó được tiết ra dưới dạng hồng cầu.

Một nghiên cứu năm 2019 được công bố trên tập san Cell Stem Cell (Tế bào gốc), quan sát những bệnh nhân đã tiến hành cấy ghép ruột, phát hiện rằng ruột của họ chứa các tế bào gốc tạo máu cũng như các tế bào tiền thân khác nhau. Sau 5 năm kể từ khi cấy ghép, tế bào gốc tạo máu và tế bào tiền thân từ người hiến tặng đường ruột vẫn tồn tại trong niêm mạc ruột, hạch bạch huyết, gan, các mô và cơ quan khác. Nghiên cứu cho thấy các tế bào máu từ ruột của người hiến tặng có thể cùng tồn tại hòa hợp với các tế bào máu gốc của bệnh nhân. Nghiên cứu này chỉ đơn giản là củng cố thuyết chức năng tạo máu của ruột.

Ngoài ra, hệ vi sinh vật đường ruột cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình tạo máu. Một nghiên cứu năm 2017 trên tạp san Blood (Máu) cho thấy chuột được nuôi trong điều kiện vô trùng và chuột dùng kháng sinh, không có vi khuẩn đường ruột bình thường và cả hai đều phát triển các triệu chứng tương tự của bệnh thiếu máu, tăng tiểu cầu và giảm bạch cầu.

Quan điểm của Trung y về việc tạo máu

Lý thuyết về máu của Trung y không chỉ tập trung vào chức năng tạo máu của thận và tủy xương mà còn cho rằng ruột và dạ dày là trung tâm tạo máu. Các chất chủ yếu tạo ra máu là “nước và tinh chất ngũ cốc” và “tinh chất thận.” Tinh chất của nước và ngũ cốc là chất vi tế được tạo ra bởi quá trình tiêu hóa và hấp thu thức ăn ở ruột và dạ dày, còn tinh chất của thận là chất thiết yếu và năng lượng dự trữ trong thận. Những chất này được chuyển hóa thành máu dưới tác động chung của gan, tim, lá lách, phổi, thận và dạ dày. Trong Trung y, lá lách và dạ dày là một hệ thống và chịu trách nhiệm chung cho việc tiêu hóa và hấp thu thức ăn.

Thức ăn đi vào dạ dày và được tiêu hóa bởi lá lách, dạ dày và gan, túi mật và các cơ quan khác. Trung y gọi bộ phận này là “trung tiêu.” Trong cuốn y thư cổ “Hoàng Đế Nội Kinh” viết rằng: “Trung tiêu nhận khí (dưới dạng năng lượng) để chiết xuất ra dịch, thay đổi và trở thành màu đỏ, gọi là máu.” Điều này có nghĩa là sau khi Trung y nhận được tinh chất và nước của thức ăn, sẽ biến đổi để tạo ra chất lỏng màu đỏ, được gọi là máu. Quá trình này được thực hiện dưới sự hiệp đồng của lá lách, dạ dày, tim và phổi.

Một lý thuyết quan trọng khác của Trung y về tạo máu là “tinh thận hóa máu.” Tinh chất bao gồm tinh chất bẩm sinh từ cha mẹ và tinh chất thu được từ ăn uống và hô hấp. Phần lớn tinh chất này đều được tích trữ trong thận.

Y học hiện đại đã phát hiện ra rằng thận tiết ra chất erythropoietin. Khi thận bị tổn thương sẽ không tạo ra đủ erythropoietin và không tạo đủ hồng cầu. Do đó, bệnh nhân bị bệnh thận mạn tính dễ bị thiếu máu. Một khảo sát cho thấy 15.4% bệnh nhân bị bệnh thận mạn tính bị thiếu máu và 53.4% bệnh nhân bị bệnh thận mạn tính giai đoạn 5 bị thiếu máu.

Trung y cho rằng thận chứa tinh chất và gan chứa máu, vì vậy bệnh gan cũng có thể gây thiếu máu. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng 75% bệnh nhân bị bệnh gan mạn tính bị thiếu máu do xuất huyết tiêu hóa, thiếu máu tán huyết, và nhiều nguyên nhân khác. Để bảo vệ gan, điều quan trọng nhất là phải nghỉ ngơi nhiều hơn. Trung y cho rằng máu sẽ bảo vệ gan trong khi ngủ.

Tóm lại, theo lý thuyết của Trung y, các cơ quan quan trọng nhất có chức năng tạo máu là lá lách, dạ dày và thận. Ngoài ra, gan, tim và phổi cũng không thể thiếu trong quá trình tạo máu.

Cải thiện tình trạng thiếu máu bắt đầu từ cách ăn uống

Vậy làm thế nào chúng ta có thể tránh bị thiếu máu? Đầu tiên, hãy bắt đầu với cách ăn uống để giữ sức khỏe đường ruột:

1. Cân bằng lượng dinh dưỡng nạp vào

Cuốn “Hoàng Đế Nội Kinh” đề cập đến “năm loại ngũ cốc bổ dưỡng,” có nghĩa là ăn các loại ngũ cốc khác nhau có thể làm dồi dào thêm hàm lượng năng lượng cho các cơ quan nội tạng khác nhau. Vì vậy, bạn nên ăn nhiều ngũ cốc nguyên cám, tức là ngũ cốc chưa tinh chế, cũng như rau, trái cây, thịt và hải sản tươi theo mùa để cân bằng dinh dưỡng.

2. Ngừng ăn khi no khoảng 70%

Ăn quá nhiều sẽ gây tổn thương dạ dày và làm cạn kiệt năng lượng của cơ thể. Hãy ngừng ăn khi no khoảng 70-80% mỗi bữa ăn và luôn duy trì trạng thái hơi đói để khuyến khích sự hấp thụ tốt nhất trong dạ dày.

3. Nhai kỹ

Khi ăn, bạn nên nhai càng kỹ càng tốt để nước bọt và thức ăn hòa quyện hoàn toàn thành dạng sệt trước khi nuốt, nhằm giúp cho cơ thể hấp thụ gần như toàn bộ chất dinh dưỡng từ thức ăn. Nước bọt chứa các enzym cần thiết cho quá trình tiêu hóa thức ăn. Nếu không nhai kỹ, chất dinh dưỡng trong thức ăn sẽ khó hấp thụ và thối rữa trong đường ruột, sinh ra độc tố.

Việc nhai thức ăn nhìn có vẻ đơn giản nhưng thực chất lại là bước đầu tiên quan trọng nhất để duy trì sức khỏe tốt. Việc chăm sóc sức khỏe của Đạo gia đặc biệt chú trọng đến nước bọt, gọi nó là “kim tân ngọc dịch.” Theo Trung y, nước bọt là một phần của hệ thận và việc nuốt nước bọt tương đương với việc bảo tồn năng lượng của thận.

4. Thực phẩm nuôi dưỡng dạ dày

Dữ liệu lâm sàng cho thấy nhiều bệnh nhân thiếu máu cũng có các triệu chứng như đầy hơi và khó tiêu. Họ có thể dùng một số loại thảo dược như táo gai, gạo lên men koji và mạch nha để hỗ trợ tiêu hóa. Tuy nhiên, cần lưu ý phụ nữ có thai nên tránh ăn táo gai. Vỏ quýt, phật thủ, cỏ gấu, chỉ xác và vỏ cây hoa Mộc lan đều hữu ích trong việc làm giảm chướng bụng.

Đối với người thường xuyên bị táo bón nên ăn nhiều rau củ quả và uống nhiều nước. Thịt chỉ nên ăn ở mức độ vừa phải và luôn tránh ăn quá nhiều. Ngoài ra, tập thể dục nhiều hơn cũng có thể thúc đẩy nhu động ruột và ngăn ngừa chất độc tích tụ trong ruột.

Hai món canh bổ máu

Trung y gọi năng lượng lưu thông liên tục trong cơ thể con người là khí. Người ta tin rằng bồi bổ khí có thể tăng cường tạo máu và việc dùng thuốc bổ khí (ví dụ: nhân sâm, hoàng kỳ) cũng tăng cường sức sống của tế bào, mô và cơ quan trong cơ thể, đồng thời tăng cường chức năng tạo máu.

Nhìn chung, tất cả các loại thực phẩm có màu đỏ như táo, cà rốt, kỷ tử, thịt bò, v.v. đều có thể bổ máu. Trong đó, thịt bò có tác dụng bổ máu hiệu quả nhất và đuôi bò vốn là bộ phận hoạt động tích cực nhất, cũng có công hiệu trong việc tăng cường tạo máu.

1. Công thức canh bổ máu 1

Nguyên liệu:

30g hoàng kỳ
6g bạch chỉ
10g gừng (tùy khẩu vị)
6-8 miếng đuôi bò đã chần qua nước sôi

Cách thực hiện:

Cho tất cả nguyên liệu vào 1.25 lít nước, đun sôi rồi đun nhỏ lửa trong 30 phút.
Lọc bỏ xác, sau đó thêm đuôi bò vào.
Đun sôi và thưởng thức.

2. Công thức canh bổ máu 2

Đối với bệnh nhân ung thư, không nên ăn thịt đỏ vì có thể gây tái phát ung thư, vì vậy họ có thể thử món súp bổ máu sau đây để thay thế:

Nguyên liệu:

10g nhân sâm (nhân sâm Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ hoặc Đẳng sâm)
3–5 trái long nhãn
10g kỷ tử

Cách thực hiện:

Cho tất cả nguyên liệu vào nước đun sôi.
Uống sau khi đun sôi.
Nếu cảm thấy miệng khô sau khi uống, bạn có thể thêm 10g Mạch môn hoặc Ngọc trúc.

Các loại nhân sâm khác nhau phù hợp với người có thể trạng khác nhau. Đối với những người có thể chất yếu, lạnh, tức là những người dễ cảm thấy mệt mỏi, khó thở, sợ lạnh thì nhân sâm Hàn Quốc hoặc Trung Quốc (Chinese Shizhu panax) sẽ phù hợp hơn. Những người dễ bị kích động, rối loạn thần kinh tự chủ, dễ cáu kỉnh, ngủ kém có thể dùng nhân sâm Mỹ, có tác dụng ổn định hệ thần kinh tự chủ.

Lưu ý: Một số thảo dược kể trên nghe có vẻ lạ nhưng có rất nhiều loại được bán tại các cửa hàng thực phẩm sức khỏe và các siêu thị Á Châu. Công thức thuốc chủ yếu phục vụ mục đích chăm sóc sức khỏe hàng ngày. Vì thể chất của mỗi người khác nhau nên vui lòng tham khảo ý kiến ​​bác sĩ để có các phương pháp điều trị cụ thể.

Công Thành biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Dr. Wu Kuo-Pin
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Bác sĩ Wu Kuo-pin (Ngô Quốc Bân) là giám đốc Phòng khám Trung y Tâm y đường, Đài Loan. Năm 2008, ông bắt đầu học chuyên ngành Trung y và lấy bằng cử nhân tại Đại học Trung Y ở Đài Loan.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn