Phương pháp cấp cứu của Trung y gần như bị thất truyền: ‘Thuật chích máu’

Thuật chích máu thuộc nhánh châm cứu, có hiệu nghiệm tức thì được dùng trong cấp cứu, nhưng hiện nay phương pháp này gần như thất truyền.

Từ thời cổ đại, Trung y có rất nhiều phương pháp trị bệnh, bao gồm sử dụng thảo dược, châm cứu, điểm huyệt, khí công chữa bệnh… Trong đó, châm cứu có một nhánh gọi là “thuật chích máu”, chính là dùng kim sau khi đã khử trùng châm vào huyệt vị để lấy máu. Vì thao tác thủ thuật khá thuận tiện, đặc biệt dùng trong cấp cứu cho hiệu quả ngay lập tức, nên thuật chích máu được lưu truyền rộng rãi qua các thời đại. Nhưng đến ngày hôm nay thì có rất nhiều tinh hoa đã gần như bị thất truyền, những gì còn lưu truyền trong dân gian thì khó phân biệt thật giả.

Ngự y của Đại Đường trị bệnh phong huyễn cho Đường Cao Tông

Thuật chích máu không chỉ phổ biến ở dân gian, mà còn từng được sử dụng để trị bệnh cho hoàng đế. Lúc Đường Cao Tông – Lý Trị bị chứng phong huyễn làm cho chóng mặt hoa mắt, đau đớn không chịu nổi. Mỗi lần phát bệnh, Đường Cao Tông đều cảm thấy chân thì nhẹ, mà đầu thì nặng, trời đất xoay chuyển khiến ông đứng không vững, không nhìn thấy gì.

Lúc này, Đường Cao Tông mới triệu ngự y Tần Minh Hạc đến xem bệnh. Ngự y Tần xem xong thì nói: “Bẩm bệ hạ, bệnh này là do gió độc tấn công. Nếu như dùng kim châm đâm vào đỉnh đầu, chích ra một chút máu sẽ khỏi”.

Võ Tắc Thiên đang ngồi buông rèm chấp chính ở phía trong, vừa nghe châm lên đỉnh đầu hoàng đế thì lập tức nổi giận lôi đình và lớn tiếng: “Người này đáng chém! Đầu của Thiên Tử là nơi để ngươi chích máu hay sao?”.

Tần Minh Hạc quỳ lạy xin tha mạng. Đường Cao Tông không để ý Võ Tắc Thiên, ông nói với ngự y: “Ngươi cứ châm cho ta, chích ra một chút máu, nói không chừng có thể khỏi”.

Tần ngự y lấy kim châm vào huyệt Bách Hội và hai huyệt vị ở trên đầu vua Đường Cao Tông để thoát ra một ít gió độc. Quả nhiên sau khi chích máu ra thì Đường Cao Tông nói: “Mắt của ta bây giờ tốt nhiều rồi”.

Vận dụng Thuật chích máu trong cấp cứu

Lý luận y học của Thuật chích máu là châm vào huyệt vị khiến cho “khí huyết” bị tắc nghẽn được khai thông, giúp chỗ không thông trở nên thông suốt, như vậy đạt được hiệu quả tức thì và rõ rệt.

Thuật chích máu thường phát huy hiệu quả rất tốt trong cấp cứu, ví dụ các chứng bệnh hậu sản của phụ nữ, bị cảm nắng vào mùa hè, đột nhiên ngất đi do buồn bã hay hoảng sợ quá độ, say tàu xe đều có thể dùng Thuật chích máu.

Phương pháp cấp cứu của Trung y gần như bị thất truyền: ‘Thuật chích máu’
Lý luận y học của Thuật chích máu là châm vào huyệt vị khiến cho “khí huyết” bị tắc nghẽn được khai thông, giúp chỗ không thông trở nên thông suốt… (Ảnh: STR / AFP / Getty)

Nếu người già bị bệnh ở não, trúng độc… làm cho sắc mặt tái nhợt, tay chân lạnh, hai hàm răng cắn chặt lại với nhau, thậm chí mất ý thức, rơi vào sốc hôn mê, dù kích thích mạnh cũng không có phản ứng, những trường hợp này cũng có thể dùng Thuật chích máu để cấp cứu. Dùng bộ kim đã được khử trùng châm vào các huyệt Nhân Trung, Thái Dương, Bách Hội, Dũng Tuyền, Nội Quan, Túc Tam Lý, sau khi châm xong, dùng tay nặn ra một ít máu.

Tuy nhiên, phương pháp này phải do thầy thuốc Trung y chuyên nghiệp thực hiện. Cũng giống như việc người chưa từng được huấn luyện Tây y thì không thể dùng ống tiêm, người bình thường không thể tự mình thao tác phương pháp châm cứu, chích máu này.

Thuật chích máu cải thiện tình trạng cấp cứu ở trẻ nhỏ

Nếu trẻ nhỏ bị phong hàn, chán ăn, nóng sốt, cũng có thể dùng Thuật chích máu. Phương pháp cổ đại có thể dùng Tam Lăng Châm châm vào các huyệt trên tay: Thiếu Thương, Thương Dương, Trung Xung, Quan Xung, Thiếu Trạch hai bên để chảy ra một chút máu. Hoặc dùng Mai Hoa Châm nhẹ nhàng đâm chích các huyệt Nội Quan, Túc Tam Lý để cho máu chảy ra.

Trẻ em nhỏ hơn 3 tuổi có thể chất thuộc Kiều Dương, nên dễ bị ngoại tà xâm nhập. Mỗi lần trẻ nhỏ ngoại cảm phong hàn khiến cho tay chân run rẩy, hàm răng cắn chặt, vì bệnh phát nhanh chóng và bệnh chứng cấp tính nên thời cổ gọi đây là “cấp kinh phong”. Lúc này có thể dùng Tam Lăng Châm châm vào các huyệt Nhân Trung, Thập Tuyên, Dũng Tuyền, sau đó nặn ra máu, bệnh tình sẽ nhanh chóng cải thiện. Thủ thuật này cũng phải do thầy thuốc thao tác.

Cây kim châm chính là binh khí nhỏ thời cổ đại

Vì sao dùng kim châm để chích lại có thể đạt được hiệu quả lập tức như vậy? Theo quan điểm của giáo sư Huỳnh Long Tường, trưởng khoa châm cứu viện khoa học Trung y của Trung Quốc, cây kim thời cổ đại có gờ có góc, rất bén nhọn, giống như “binh khí” co nhỏ lại vậy. Cổ nhân cho rằng, binh khí giống như bảo kiếm, đao kiếm ở thắt lưng đều có thể xua đuổi tà yêu.

Trung y cho rằng con người sinh bệnh chủ yếu là vì ngoại tà xâm nhập vào cơ thể. Vì vậy, dùng kim châm có hình kiếm hay hình đao để trị liệu mang theo ý nghĩa xua đuổi tà yêu. Thuật chích máu nổi tiếng với hiệu quả kỳ diệu, cây kim châm của thủ thuật này hóa ra có nguồn gốc như vậy đấy!

Tham khảo tư liệu: “Thích huyết thuật ở dân gian Trung Quốc”, “Tư trị thông giám” quyển 203.

Hồng Hi thực hiện
Bách Hợp biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn