Thời cổ đại bị gãy xương thì phải làm sao? Trung y dùng cành liễu chữa khỏi trong vòng 3 tuần

Trong các loại thảo mộc thông thường, cành liễu có công hiệu trừ phong lợi thấp, giải độc tiêu sưng. Thời cổ đại, vào mùa xuân, mọi người thường thu hái cành liễu tươi, đem phơi khô cất dự phòng, điều trị bệnh phong thấp đau nhức, vàng da, phát ban, sâu răng, viêm nướu sưng đau … rất hiệu quả. Ngoài ra, cành liễu còn có tác dụng làm “nẹp sắt y tế” trong những tình huống khẩn cấp.

Trong y học hiện đại, điều trị gãy xương đôi khi cần dùng nẹp thép, đinh sắt, còn phải bó thạch cao để cố định. Trung y thời cổ đại, điều trị xương gãy nát có nhiều ý tưởng sáng tạo tuyệt vời, trong đó phải kể đến phương pháp nối xương gãy bằng cành liễu.

Nối xương gãy bằng cành liễu

Theo sách sử ghi chép, phương pháp nối xương gãy bằng cành liễu là cắt một đoạn cành liễu, lột bỏ vỏ, gọt thành hình đầu xương. Sau đó, khoan rỗng bên trong ruột cành liễu thành hình khoang xương. Tiếp đó, dùng máu gà sống đang còn nóng bôi lên hai đầu cành liễu và bề mặt đoạn xương bị gãy, rồi đặt cố định cành liễu ở giữa bề mặt hai đoạn xương bị gãy, dùng để thay thế cho đoạn xương gãy nát đã loại bỏ.

Cành liễu dùng để nối xương phải lột hết lớp vỏ ngoài, mà bản thân lớp vỏ của cành liễu (liễu bạch bì) cũng là một vị thuốc. (Ảnh: Shutterstock)
Cành liễu dùng để nối xương phải lột hết lớp vỏ ngoài, mà bản thân lớp vỏ của cành liễu (liễu bạch bì) cũng là một vị thuốc. (Ảnh: Shutterstock)

Sau khi các thầy thuốc Trung y đặt đoạn xương cành liễu xong, lại rắc “thạch thanh tán” lên các mô cơ thịt để thúc đẩy sự phát triển của xương và cơ. Cuối cùng, thầy thuốc thực hiện thủ thuật khâu lại cơ thịt, đồng thời bôi “tiếp huyết cao” lên vị trí nối, rồi kẹp một tấm gỗ lên để cố định. Bởi vì các mô sợi của cành liễu rất giống với cấu trúc của bè xương, nên chúng có thể dẫn dắt các bè xương phát triển trở lại, trong vòng ba tuần là có thể làm cho xương liền lại.

Xương cành liễu không chỉ có tác dụng như thanh nẹp sắt trong y tế hiện đại, mà còn dần dần được vôi hóa trở thành một phần xương trong cơ thể người.

Dùng đồng tự nhiên thúc đẩy xương phục hồi như cũ

Ở thời cổ đại không có kính hiển vi, cũng không có dụng cụ thiết bị để phân biệt các loại nguyên tố kim loại khác nhau. Tuy nhiên, theo sách y học “Bản thảo thập di” thời Đường ghi chép, các thầy thuốc thời đó đã phát hiện nguyên tố đồng có thể giúp xương phục hồi như cũ và tiếp tục sinh trưởng nối liền lại với nhau. Vì vậy đối với bệnh nhân bị gãy xương, thầy thuốc khuyên nên dùng đồng tự nhiên.

Đồng tự nhiên còn gọi là thạch tủy duyên hoặc đồng khối lập phương, là một dược liệu của Trung y, có nguồn gốc từ pyrite tự nhiên. Thành phần chính của nó là Sắt disulfide (FeS2). Trong Trung y, nó chủ yếu được dùng để điều trị gãy xương, có hiệu quả làm tan máu ứ đọng, giảm đau, nối xương liền gân. Phương pháp điều chế là dùng lửa nung rồi nhúng giấm cho nguội, thực hiện trình tự như vậy bảy lần.

Y học hiện đại đã phát hiện, đồng tự nhiên có thể thúc đẩy sự tăng sinh của tủy xương cũng như các tế bào dạng lưới và huyết sắc tố trong máu, giúp đẩy nhanh quá trình liền xương. Tuy nhiên, Trung y hàng ngàn năm trước làm sao có thể nhận biết được điều này? Điều này đã lưu lại rất nhiều khoảng trống khiến chúng ta phải nghiên cứu tìm kiếm câu trả lời.

Hồng Hi thực hiện

Lam Yên biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn