Quyết minh tử: Loại dược liệu bình dân có tác dụng bổ gan, sáng mắt, hạ huyết áp

Quyết minh tử (hạt của cây Thảo quyết minh hay còn gọi là cây muồng, cây đậu ma) là một loại dược liệu Trung y giá rẻ nhưng lại có công dụng rất thiết thực. Loại hạt này có tác dụng thanh lọc gan, làm sáng mắt, vì vậy bình thường người ta thường dùng nó để pha nước uống.

Ngoài ra, Quyết minh tử còn có tác dụng điều tiết miễn dịch, ức chế vi khuẩn, hạ huyết áp, điều hòa mỡ máu. Công dụng của loại thảo dược này không ít, nhưng cũng có những kiêng kỵ cần lưu ý khi dùng. Trong dân gian Quyết minh tử được sử dụng như thế nào để có thể vừa dưỡng sinh vừa không bị tổn hại đến sức khỏe?

Những năm gần đây, rất thịnh hành uống trà Quyết minh tử để giảm cân, bởi vì phương pháp này đơn giản, giá cả nguyên liệu rẻ, hiệu quả giảm cân nhanh, hơn nữa lại không có tác dụng phụ. Trà Quyết minh tử đã trở thành lựa chọn hàng đầu của giới nữ trong việc giảm cân.

Loài “cỏ dại” tầm thường đã thay đổi vận mệnh của tú tài nghèo

Quyết minh tử còn có một truyền thuyết mang đến may mắn cho một vị tú tài. Thời xưa có một vị tú tài nghèo, vì muốn cầu công danh nên chăm chỉ học tập, gần đến 60 tuổi thì mắc bệnh về mắt, khi đọc sách không thấy rõ chữ, ngay cả đi đường cũng phải chống gậy, vì thế, người trong thôn gọi ông là “tú tài mù”. Vận mệnh như thế, tú tài đành chấp nhận, suốt ngày chỉ ngồi ngẩn ngơ trước cửa nhà mình.

Vào mùa xuân nọ, có một người thương nhân từ phương Nam đến mua dược liệu đi ngang qua cửa nhà tú tài, thấy trước cửa nhà mọc lên một vạt “cỏ dại” um tùm. Vị thương nhân bèn hỏi tú tài: “Ông bán cho tôi những loại cỏ này được không?”

Tú tài cho rằng người thương nhân đang trêu đùa mình, bèn nói: “Ông trả cho tôi bao nhiêu tiền?” Vị thương nhân mua thuốc nhã nhặn nửa đùa nửa thật nói: “Ông muốn bao nhiêu, tôi sẽ trả cho ông bấy nhiêu!” Tú tài tức giận nói: “Không bán! Trả bao nhiêu tiền cũng không bán!” Thương nhân thấy tú tài tâm tình không tốt, nên thất vọng rời đi.

Khi mùa hè đến, những cây cỏ dại kia trước cửa nhà tú tài đã cao 2-3 thước, trên cây nở đầy hoa màu vàng tươi, tỏa ra từng làn hương thơm ngát. Vị thương nhân mua dược liệu ở phương Nam kia lại tới, vẫn muốn hỏi mua những cây “cỏ dại” kia của tú tài mù. Lúc này tú tài nghĩ những cây cỏ dại này nhất định có tác dụng gì đó, nên chưa muốn bán, muốn tìm hiểu rõ trước rồi quyết định sau. Vì thế ông lại từ chối, vị thương nhân lần nữa thất vọng rời đi.

Rất nhanh đã bước sang mùa thu, những cây cỏ dại trước cửa nhà tú tài đã kết đầy trái hình thoi, chứa những hạt nhỏ sáng óng ánh màu nâu lục, còn có hương thơm. Tú tài mặc dù nhìn không thấy, nhưng ông có thể ngửi được từng làn hương thơm của hạt cây cỏ dại, thầm nghĩ đây nhất định là loại thảo dược quý, vì thế thuận tay hái một nắm rồi đem pha trà uống. Ngày ngày ông đều pha trà uống như thế.

Không ngờ sau một thời gian, bệnh mắt của tú tài dần dần chuyển biến tốt, đầu tiên là đi đường không cần chống gậy, về sau ngay cả đọc sách cũng có thể nhìn rõ được chữ. Mấy tháng sau, vị thương nhân mua thuốc ở phương Nam kia lại lần nữa tới hỏi mua “cỏ dại”. Ông thấy bệnh mắt của tú tài đã koir bèn hỏi: “Ông đã dùng hạt cây cỏ này pha uống phải không?” Tú tài trả lời: “Đúng vậy!” Rồi tú tài đem chuyện vô tình dùng hạt của cây cỏ dại pha uống và không ngờ chữa trị được bệnh mắt, kể cho vị thương nhân nghe.

Vị thương nhân sau khi nghe xong thì nói: “Loại cỏ dại này có tên là Quyết minh, hạt của nó gọi là ‘Quyết minh tử’, vị đắng, mặn, tính hơi hàn, có công dụng thanh lọc gan, sáng mắt, nhuận tràng thông tiện. Có thể trị liệu chứng thận âm hư, mắt mờ hoa mắt, là một loại dược liệu hay hiếm thấy. Bằng không vì sao tôi lại mất công ba lần đến đây để mua chứ?”

Từ đó về sau, tú tài mù thường xuyên dùng quyết minh tử pha thành trà uống, dần dần mắt sáng thân khỏe, cuối cùng thi đậu công danh, hơn nữa còn sống thọ hơn 80 tuổi. Vì thế, ông từng ngâm một bài thơ, miêu tả mối quan hệ không tầm thường giữa ông và cây thảo Quyết minh này, thơ rằng:

“Ngu ông bát thập mục bất minh,
Nhật số dăng đầu dạ điểm tinh;
Tịnh phi sinh đắc hảo nhãn lực,
Chích duyên trường niên ẩm quyết minh.”

Ý nói rằng, ông lão nay đã 80 tuổi nhưng mắt vẫn tỏ tường không nghỉ ngơi, số mệnh ban đầu sinh ra vốn nhãn lực không tốt, nhưng nhờ nhiều năm uống trà Quyết minh mà được như vậy.

5 công dụng chính của Quyết minh tử trong Trung y

Quyết minh tử đã có công dụng tốt như thế, vậy chúng ta nên dùng nó như thế nào để đạt hiệu quả điều dưỡng thân thể?

Trung y cho rằng Quyết minh tử có công dụng thanh nhiệt, sáng mắt, nhuận tràng trị táo bón, có thể làm giảm mỡ. Về mặt lâm sàng, các bác sĩ Trung y thường dùng chúng để chữa trị các chứng bệnh:

1. Nóng gan dẫn tới đỏ mắt, và nhiều chứng bệnh về mắt

Mắt đau sưng đỏ, sợ ánh sáng, chảy nhiều nước, bị nhiệt nóng gây bệnh mắt đỏ.

Trong tình huống như trên, có thể ăn “cháo quyết minh tử hoa cúc” để thanh lọc gan, cải thiện thị lực. Cháo Quyết minh tử hoa cúc được sử dụng để điều trị bệnh tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, viêm kết mạc và các bệnh về mắt khác do thường bị táo bón và nóng gan.

Cháo quyết minh tử hoa cúc

Nguyên liệu: Hoa cúc 10gr, quyết minh tử 10-15gr, gạo tẻ 50gr, đường phèn với lượng vừa phải.

Cách làm: Trước tiên cho quyết minh tử vào nồi đất rang cho đến khi có mùi thơm. Sau khi để nguội, cho hoa cúc vào sắc nước, lọc cặn bã lấy nước thuốc nấu cháo với gạo tẻ. Khi cháo sắp nhừ thì cho đường phèn vào, đun tiếp 1-2 phút là được.

Cách dùng: Mỗi ngày dùng 1 lần, một liệu trình trị liệu là ăn trong vòng 5-7 ngày.

Chú ý: Người tỳ vị hư hàn, bị tiêu chảy thì nên kiêng dùng.

2. Nóng gan, viêm gan dẫn tới cao huyết áp, đau đầu hoa mắt

Mỗi ngày dùng 15-20 gr Quyết minh tử ngâm nước nhiều lần , pha uống thay cho trà, có thể giảm chứng cao huyết áp, đầu váng mắt hoa, cũng có các công dụng như hạ huyết áp, giảm mỡ máu, phân hủy chất béo trong cơ thể giúp giảm cân, ngăn ngừa chứng xơ cứng động mạch.

3. Nhiệt dẫn tới táo bón

Điều trị cho những người trẻ tuổi bị táo bón hoặc thường bị táo bón: 10-15gr Quyết minh tử đã rang, 10gr đường phèn, dùng nước sôi pha, làm trà uống. Mỗi ngày uống 1 thang, mỗi thang có thể dùng pha 3 lần.

Đối với người cao tuổi thường xuyên bị táo bón, dùng 10-15gr Quyết minh tử đã rang, sắc khoảng 10 phút, thêm 20-30gr mật ong khuấy đều, uống một lần vào mỗi buổi sáng hoặc chia ra sáng tối.

4. Mỡ máu cao, bệnh béo phì

Hai loại trà quyết minh tử giảm cân, giảm mỡ máu rất hiệu quả.

* Trà quyết minh lá sen: Quyết minh tử 10-15gr, lá sen 10-20gr, hoa cúc 9gr, cùng nấu với nước khoảng 10 phút, làm thành trà uống. Công dụng: giảm cân, hạ huyết áp, giảm mỡ máu rất hiệu quả.

* Trà quyết minh sơn tra: Sơn tra 9-10gr, quyết minh tử 10-15gr, đun với nước khoảng 10 phút làm trà uống. Có công dụng giảm cân, hạ huyết áp, giảm mỡ máu, hỗ trợ tiêu hóa, tán ứ giảm đau. Cũng có thể dùng để điều trị ăn uống không tiêu, ngực bụng sưng tắc, phụ nữ ứ huyết gây đau bụng v.v…

Ngoài ra, trà quyết minh tử giảm mỡ máu còn có thể dùng theo công thức: quyết minh tử 10-15gr, trạch tả 9-15gr, xích thược 9-12gr, linh chi 9-15gr, sơn tra 9-15gr, mỗi ngày dùng 1 thang, chia ra thành 2 lần sắc với nước uống; hoặc dùng quyết minh tử tươi 30gr, sơn tra 15-30gr, cát căn 9-20gr, sắc với nước hai lần chia đều uống 2 lần.

5. Viêm âm đạo do nấm

Quyết minh tử 30gr, thêm 1,000-2,000ml nước lạnh, ngâm trong 1 giờ đồng hồ, sau đó đun sôi 15-20 phút, lọc lấy nước. Dùng xông rửa bên ngoài âm đạo khoảng 15 phút, mỗi ngày thực hiện 1 lần, một liệu trình trị liệu 10 ngày.

Những người không thích hợp dùng Quyết minh tử

  • Những người tỳ vị hư hàn, đi phân lỏng, đau bụng hư hàn, đau dạ dày do hư hàn;
  • Người khí hư đi phân lỏng;
  • Người bệnh huyết áp thấp;
  • Phụ nữ có thai nếu dùng có thể sẽ dẫn đến sinh non.

Tác dụng phụ của Quyết minh tử

Quyết minh tử có “tính hàn”, không nên dùng trong thời gian lâu dài. Nếu dùng lượng quyết minh tử hơi nhiều sẽ dẫn đến nôn ói, tiêu chảy.

Lưu ý: Không được giã nát quyết minh tử tươi hòa với nước uống.

Quyết minh tử có vị hơi đắng chát, muốn dễ uống hơn thì có thể cho thêm đường trắng, mật ong.

Nếu muốn dùng những bài thuốc trong bài viết này, hãy hỏi ý kiến của bác sĩ Trung y chuyên ngành trước khi sử dụng.

Tác giả: Đàm Vĩ (Bác sĩ Trung y của phòng khám Tế Thế Đường Malaysia)
Hoàng Úc Đình biên tập
Lam Yên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn