Ba thói quen khiến nhân viên văn phòng bị đau vùng cổ và vai

Xoa bóp và thả lỏng chỉ có thể mang lại sự thuyên giảm ngắn hạn chứ không thể giải quyết được căn nguyên của vấn đề.

Bạn thường xuyên bị đau cổ và vai do sử dụng điện thoại di động, sử dụng máy điện toán hay ngồi lâu? Nhiều người cho rằng chỉ cần thả lỏng vai và cổ là có thể giảm bớt được tình trạng cứng cơ ở cổ. Nhưng điều này không hoàn toàn như vậy. Theo một số chuyên gia thì xoa bóp và thả lỏng chỉ có thể mang lại hiệu quả giảm đau nhất thời chứ không thể giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của vấn đề.

Cột sống ở cổ bao gồm bảy đốt sống xếp chồng lên nhau, giúp cổ rất linh hoạt và có thể xoay theo mọi hướng. Những đốt sống này còn chứa các dây thần kinh cột sống quan trọng và rễ thần kinh. Khi các dây thần kinh này bị chèn ép có thể gây tê, yếu ở lưng và thậm chí cả cánh tay. Nếu bạn chỉ cảm thấy cổ bị căng và cứng thì có thể chưa nghiêm trọng đến mức gây ra vấn đề về thần kinh mà chỉ là tình trạng căng các cơ quanh cổ mà thôi.

Xung quanh cổ có rất nhiều cơ, hầu hết đều xuất phát từ gáy nối đến cổ hoặc lưng. Khi các cơ ở lưng trên quá căng, lực căng sẽ kéo dài lên đến cổ và gây cứng khớp. Vì vậy, dù có xoa bóp cũng không thấy cải thiện rõ rệt.

Nhân viên văn phòng ngồi trước máy tính trong thời gian dài thường bị đau vai, cổ do ngồi sai tư thế.

Ba nguyên nhân thường gặp của cơn đau vai và cổ

1. Nâng vai cao lên một cách vô thức

Nếu khoảng cách chiều cao giữa mặt bàn và ghế ngồi quá lớn, khi đưa tay lên mặt bàn để làm việc, vai của bạn sẽ bị nâng lên và các cơ sẽ không thể thả lỏng được.

Tư thế tốt là hai tay buông thõng tự nhiên sang hai bên cơ thể, cẳng tay tạo góc 90 độ so với cánh tay. Tư thế này giúp vai và cổ được thả lỏng khi làm việc.

2. Dựa khuỷu tay

Trong cuộc sống hàng ngày, bạn có thể kiểm tra xem khuỷu tay của mình có thường xuyên tựa vào vật gì đó như tựa vào bàn, tay vịn của ghế, hay tựa vào sofa hay không; những hành động này sẽ vô thức gây ra hiện tượng nâng vai lên cao.

3. Cúi đầu quá mức

Cúi đầu quá mức khi nhìn vào màn hình điện thoại di động và màn hình máy tính cũng có thể gây căng cơ ở cổ và lưng trên. Ví dụ: khi ngồi nhìn điện thoại di động và đặt điện thoại ở ngang rốn, nếu duy trì tư thế này trong 10 phút, thì bạn sẽ làm cơ bắp bị quá tải và gây khó chịu ở cổ.

Ông Trương gợi ý rằng nên đặt ở độ cao của điện thoại di động giữa cằm và ngực. Việc này có thể làm giảm gánh nặng cho cổ. Tuy nhiên, nên lưu ý không nên để điện thoại ngang tầm mắt, vì động tác này cần cánh tay cẳng tay giơ cao cũng sẽ gây đau vai.

Nguyên nhân chính gây đau vai và cổ

Trọng lượng của đầu con người chỉ bằng khoảng 1/10 trọng lượng cơ thể, chỉ dựa vào cơ cổ là không đủ để nâng đỡ đầu. Bạn cần các cơ khác, chẳng hạn như cơ lưng dưới và cơ bụng, để giúp bù đắp.

Bác sĩ Hoàng Hiến Minh, một bác sĩ chuyên khoa Trung y và Tây y tại Đài Loan, đã đề cập trong một chương trình trực tuyến, rằng chứng đau vai và cổ của nhiều nhân viên văn phòng không phải do căng cơ quá mức mà là do cơ vai và cổ bị yếu.

Ông đề nghị nâng cao chức năng tim mạch và cơ cốt lõi thông qua tập thể dục để thực sự giải quyết vấn đề yếu cơ lưng trên để cơ lưng có thể giúp cổ nâng đỡ đầu.

Tuy nhiên, bác sĩ Hoàng nhắc nhở rằng nếu đau vai và cổ là do các bệnh lý như thoái hóa đốt sống cổ, đau dây thần kinh hoặc viêm cơ thì cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn để có phương pháp điều trị.

Điều trị đau cổ vai bằng Trung y

Thầy thuốc Trung y có thể điều trị chứng đau cổ và vai thông qua bấm huyệt và thuốc thảo dược.

Bác sĩ Hồ Nãi Văn, một bác sĩ tại Phòng khám Trung y Đồng Đức Thượng Hải ở Đài Bắc, đã hướng dẫn người xem trên chương trình Truyền hình Tân Đường Nhân (NTDTV) cách ấn vào các huyệt Phong trì (GB20), Kiên tỉnh (GB21) và Xích trạch (LU5) giúp làm dịu các cơ ở vai và cổ, đồng thời cải thiện lưu thông máu.

Ba thói quen khiến nhân viên văn phòng bị đau vùng cổ và vai
Huyệt Phong trì (GB20): ở chỗ lõm giữa hai gân lớn, dưới xương chẩm sau tai và phía trên chân tóc. (Ảnh: Thiết kế bởi The Epoch Times)
Ba thói quen khiến nhân viên văn phòng bị đau vùng cổ và vai
Huyệt Kiên tỉnh (GB21): tại điểm giữa giữa huyệt Đại chùy (GV14) và điểm cao nhất của vai. (Ảnh: Thiết kế bởi The Epoch Times)
Ba thói quen khiến nhân viên văn phòng bị đau vùng cổ và vai
Huyệt Xích trạch (LU5): phía trên nếp gấp khuỷu tay, ở chỗ lõm, cách mặt quay của cánh tay một ngón tay. (Ảnh: Thiết kế bởi The Epoch Times)

Hệ thống kinh lạc có nhiệm vụ vận chuyển năng lượng. Các cơ quan nội tạng được kết nối với các bộ phận cơ thể khác nhau thông qua các kinh lạc này. Một số điểm trên kinh mạch có công năng đặc biệt được gọi là huyệt, và việc kích thích các huyệt tương ứng thông qua châm cứu và xoa bóp có thể điều trị các bệnh của tạng tương ứng.

Các bài thuốc thảo dược Trung hoa Tề cát căn thang và Gia cát căn thang có tác dụng thả lỏng các cơ, không chỉ có tác dụng với người bị đau vai, cổ mà còn có thể dùng để điều trị đau nhức cơ khi vận động.

Khánh Nam biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Weber Lee
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Weber Lee là ký giả của The Epoch Times tại Đài Loan, chuyên viết về Y học Tích hợp và các vấn đề thời sự liên quan đến Đài Loan và Trung Quốc.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn