Câu chuyện Trung y: Ai cũng đều có nước mắt riêng cần lau

Mỗi người đều có nước mắt riêng cần lau, trong những bài thơ cổ, chúng ta cũng thường thấy những dòng lệ. Ví dụ như:

“Chấp thủ tương khán lệ nhãn, cánh vô ngữ ngưng ế” (Cầm tay nhìn nhau mắt đẫm lệ, nghẹn ngào không thốt nên lời) của Liễu Vĩnh.

Tướng quân bạch phát chinh phu lệ” (Tướng quân tóc bạc, chinh phu khóc) của Phạm Trọng Yêm.

Lệ ngân điểm điểm ký tương tư” (Lệ ngân từng giọt gửi tương tư) của Lưu Vũ Dương.

…….

Một phụ nữ 50 tuổi, là giám đốc điều hành một công ty kinh doanh. Thời trẻ, bà cùng với chồng vượt qua bao khó khăn vất vả để lập nghiệp, hai bàn tay trắng đã dựng nên sự nghiệp, thành lập công ty thương mại quốc tế. Bà là một người vợ hiền đức, được ví như Sơn Hải Quan (một trong những cửa ải chính của Vạn Lý Trường Thành) của công ty. Mọi việc lớn nhỏ trong công ty, chỉ cần qua tay bà, thì đều có thể biến dữ hóa lành, biến chiến tranh thành tơ lụa. Bà khôn khéo giỏi giang, thành tựu sự nghiệp, nắm uy quyền một phương.

Bà bị bệnh vẩy nến kéo dài nhiều năm, lại thêm ở giai đoạn mãn kinh, cho nên thân thể vô cùng khó chịu. Sau khi điều hành công ty đi vào khuôn khổ ổn định, bà đã rút khỏi chức vụ, lui về hậu trường.

Hai mươi mấy năm qua, bà đều đi khám và điều trị bệnh vảy nến ở khoa Da liễu của Tây y. Có một lần, bà đi cùng bạn bè từ miền Bắc đến đây khám bệnh. Toàn bộ tay, chân, phần cổ của bà thô ráp giống như da cá sấu, trên da nổi lên từng đốm đỏ có hình vảy cá, tựa như nếu không cẩn thận thì những đốm da đó sẽ bị bong tróc ra. Bà còn bị các chứng bệnh như dị ứng mũi, đau đầu gối, chứng ruồi bay trước mắt, khô mắt, mắt trái nhỏ hơn mắt phải, mí mắt trái hơi sụp xuống, thường hay nấc cụt.

Bà sợ lạnh sợ nóng, vừa đến mùa đông, tay chân của bà đều lạnh buốt, lập tức trở nên trắng bệch hoặc tím tái, môi trắng nhợt, chính là các triệu chứng của hội chứng Raynaud, có khi toàn thân phát nhiệt. Do rối loạn kinh nguyệt, bụng dưới thường bí bức căng đau, giấc ngủ thường bị những cơn bốc hỏa và mồ hôi trộm đột ngột làm tỉnh giấc. Ngoài ra, bà còn bị bệnh viêm phổi kẽ.

Kể xong bệnh tình của mình, mắt bà ngấn lệ. Một cuộc chiến chưa có hồi kết với bệnh “vảy nến,” cuộc sống ấy thật sóng gió biết bao!

Bệnh vảy nến là gì?

  • Bệnh vảy nến không phải là một loại bệnh ngoài da, mà là một biến chứng viêm da kinh niên, da bị tăng sừng hóa. Đây là một căn bệnh liên quan đến sự mất cân bằng trong hệ thống miễn dịch.
  • Đây cũng là một loại bệnh toàn thân, là căn bệnh có tỷ lệ tái phát cao, dai dẳng lâu ngày và khó điều trị. Làn da có các triệu chứng như khô ráp, nổi đốm đỏ, bong vảy, ngứa ngáy…, nhưng không nhiễm trùng.
  • Tỷ lệ mắc bệnh giữa nam và nữ là như nhau. Phụ nữ dễ phát bệnh trong giai đoạn dậy thì và tiền mãn kinh. Nam giới thường dễ phát bệnh trong độ tuổi từ 20-30 tuổi, sau 60 tuổi sẽ là một đỉnh điểm khác.
  • Tỷ lệ mắc bệnh vảy nến ở Đài Loan là 0.5%, phổ biến nhiều nhất trong độ tuổi từ 20-35 tuổi, ít gặp ở trẻ dưới 3 tuổi.
  • Hiện nay, ở Đài Loan có khoảng 100,000 người mắc bệnh vảy nến, cho đến nay vẫn chưa có phương pháp điều trị triệt để, chỉ có thể điều trị theo cách khống chế.

Đặc tính của bệnh vảy nến

  • Do hệ miễn dịch hoạt động quá mức, làm sai lệch thông tin, dẫn đến xuất hiện hiện tượng tự tấn công, hệ miễn dịch tấn công các cơ quan bình thường trong cơ thể.
  • Bình thường các tế bào da được thay mới sau 20-30 ngày, nếu trường hợp tế bào da bị hệ miễn dịch tấn công, thì chu kỳ sống chỉ 7 ngày.
  • Các tế bào biểu bì trưởng thành không hoàn chỉnh, tế bào da mới tăng trưởng nhanh chóng, lớp sừng bất thường, quá trình trao đổi chất diễn ra quá nhanh.
  • Lớp biểu bì tập trung các tế bào bạch cầu đa hình, các tế bào biểu bì tích tụ chồng chất, gây viêm da, xuất hiện ranh giới rõ ràng, tăng các đốm ban đỏ, hoặc nổi các nốt sần đỏ, phạm vi lan rộng dần.
  • Trên các đốm đỏ có một lớp vảy trắng phủ lên, dễ dàng bong tróc. Các tế bào da cũ tiếp tục tồn tại dưới dạng vảy, giống như một lớp vụn bạc trắng, bong tróc ra từng lớp, cho nên gọi là bệnh vảy nến.
  • Ban đỏ dưới da trơn nhẵn đồng đều, sau khi bong vảy sẽ xuất hiện những chấm đỏ nhỏ được sắp xếp theo quy tắc, đó là các mạch máu nhỏ dưới lớp da bị giãn nở, xuất huyết từng đốm.

Nguyên nhân của bệnh vảy nến

Bệnh vảy nến được sinh ra như thế nào? Nguyên nhân vẫn đang được nghiên cứu.

Các vết đỏ của vảy nến là sự tấn công của loại bệnh nào đó lên mạch máu, còn việc bong tróc da là sự tác động của bệnh nào đó lên lớp biểu bì. Vì sao có phản ứng tấn công tái diễn lặp đi lặp lại? Đến nay nguyên nhân vẫn chưa được làm rõ, chỉ có thể suy đoán như sau:

  • Di truyền: Nếu có cha hoặc mẹ bị bệnh vảy nến, thì tỷ lệ con cái mắc bệnh là 8.1%. Nếu cả cha lẫn mẹ đều mắc bệnh này, tỷ lệ con cái mắc bệnh là 41%.
  • Ngoại thương: Da bị thương bên ngoài, vết cào, vết trầy xước, vết thương do phẫu thuật, vết thương bên ngoài sau khi được khâu.
  • Lây nhiễm: Vùng cổ họng bị nhiễm liên cầu khuẩn (Streptococcus) có thể dễ dàng gây ra bệnh vảy nến thể giọt.
  • Các loại thuốc: Steroid, thuốc chống sốt rét, thuốc chữa bệnh tim, thuốc hạ huyết áp nội tiết tố, thuốc điều trị loạn thần Lithium salts.
  • Nội tiết: Phụ nữ tuổi dậy thì và thời kỳ mãn kinh có tỷ lệ mắc bệnh khá cao, bệnh tình được cải thiện trong thời kỳ mang thai.

Phân loại bệnh vảy nến:

  • Bệnh vảy nến thông thường: thường còn được gọi là bệnh vảy bạc, chiếm hơn 90% trong các trường hợp bị bệnh vảy nến.
    Đặc trưng: Da xuất hiện các mảng đỏ có ranh giới rõ ràng, trên đó có các vảy da màu trắng bạc giống như vảy cá.
    Vị trí thường gặp: vị trí phổ biến là da trên đầu, sau tai, khuỷu tay, đầu gối, móng tay. Thỉnh thoảng xuất hiện trên tay chân, thân thể, quy đầu.
  • Bệnh vảy nến thể giọt (Guttate): Bề ngoài giống như bệnh vảy nến thông thường, thường xuất hiện trong đường hô hấp. Sau khi bị nhiễm liên cầu khuẩn, đột nhiên xuất hiện rất nhiều ổ bệnh, trên tay chân, thân thể, có kích thước khoảng từ 1cm hoặc khoảng từ 0.1-1.5cm, thường gặp ở người trẻ và trẻ em.
  • Bệnh vảy nến đỏ da: Da toàn thân ửng đỏ, bong tróc vảy da, dễ bị sốt, do mất lượng lớn protein dẫn đến chân bị sưng phù. Mất nước làm gia tăng gánh nặng cho chức năng tim phổi. Dễ gây nhiễm trùng phụ thuộc. Hoặc do mất nước, dẫn đến mất cân bằng chất điện giải. Chức năng tim, gan, thận bất thường, gây ra triệu chứng khó chịu toàn thân.
  • Bệnh vảy nến mụn mủ: dạng này thường ở các vị trí ngón tay, bàn tay, lòng bàn chân, bàn chân, có sự tập trung của bạch cầu trung tính, trên vùng đỏ có các mụn mủ màu vàng không có vi khuẩn, thường đi kèm với triệu chứng sốt, cảm giác mệt mỏi. Trong trường hợp nghiêm trọng, bệnh vảy nến mụn mủ có thể lan rộng khắp cơ thể, cần phải điều trị đặc biệt.
  • Bệnh vảy nến nếp gấp: bệnh này thường xuất hiện trên tay chân.

Những nhầm lẫn về bệnh vảy nến với các bệnh khác:

Triệu chứng của bệnh vảy nến biến đổi đa dạng, mỗi bệnh nhân có biểu hiện bệnh riêng, không nhất thiết đều có triệu chứng biểu hiện điển hình.

  • Bệnh vảy nến xuất hiện trên vùng da đầu: Khó phân biệt với viêm da tiết dầu.
  • Bệnh vảy nến xuất hiện trên tay chân: Giống như bệnh chàm ở tay chân, phát triển thành một phần trên cơ thể, cũng có những trường hợp giống viêm da mẩn ngứa mạn tính (psoriasis), hoặc nấm da trên cơ thể.
  • Bệnh vảy nến xuất hiện trên móng tay: Dễ bị nhầm lẫn với bệnh nấm móng.
  • Chỉ tiêu để chẩn đoán chính xác bệnh vảy nến: Khi gảy nhẹ tróc vùng da bị bệnh, sẽ xuất hiện hiện tượng rướm máu nhẹ.

Tính nguy hiểm của bệnh vảy nến:

  • Người bị bệnh vảy nến sẽ dễ mắc các chứng bệnh béo phì, cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường gấp đôi so với người bình thường.
  • Người mắc bệnh vảy nến nghiêm trọng có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim cao gấp ba lần so với người bình thường.
  • Triệu chứng của bệnh vảy nến, người bị nhẹ thì sẽ được cải thiện vào mùa hè. Trường hợp nặng sẽ xuất hiện vùng da đỏ phủ khắp cơ thể, gây viêm da, bong tróc. 75% bệnh nhân dễ tái phát.
  • Khoảng 10% – 20% bệnh nhân vảy nến có nguy cơ mắc viêm khớp nhiễm nấm, viêm khớp gây sưng đau.
  • Bệnh vảy nến dễ đi kèm với viêm khớp, béo phì, mỡ máu cao, biến chứng chuyển hóa, bệnh tim mạch, tiểu đường, bệnh miễn dịch tự thân (như bệnh viêm đường ruột Crohn), bệnh móng tay gây biến dạng móng tay, bệnh trầm cảm.
  • Bệnh vảy nến thường được điều trị bằng Corticosteroid, đạt hiệu quả trong thời gian ngắn, nhưng dễ gây nghiện. Nếu một khi ngừng sử dụng Corticosteroid, bệnh vảy nến sẽ tái phát và trở nên nghiêm trọng hơn. Đồng thời sử dụng Corticosteroid lâu dài có thể dễ gây tăng huyết áp, tiểu đường, nhiễm trùng do nhiễm khuẩn.

Vị nữ giám đốc không dám hy vọng trị khỏi bệnh vảy nến, chỉ mong được yên ổn là tốt rồi. Nếu không, mỗi ngày đều bị “roi da” tra tấn, khó có thể gặp gỡ người khác, khổ không thể tả. Bệnh cứng đầu khó chữa, lại còn lâu năm không khỏi như vậy, phải bắt đầu điều trị từ đâu? Can (gan) chủ sơ tiết, giải độc, lại chủ cảm xúc. Gan được xem như một vị tướng quân, vậy nên cần phải mời tướng quân gan dẫn đầu, ra trận tranh hùng. Hoạt động của hệ thống miễn dịch chủ yếu diễn ra trong đường ruột, nếu hệ vi khuẩn đường ruột bị rối loạn, có thể gây ra sự rối loạn tín hiệu của hệ thống miễn dịch, đạn đạo không bắn vào quân địch mà lại bắn nhầm vào người nhà. Làm sao có thể vô lý như vậy?

Điều trị bằng châm cứu

Điều lý vấn đề sơ tiết của gan, đồng thời điều trị sự biến đổi tâm lý và hội chứng thời kỳ mãn kinh của bà, châm các huyệt Tam Âm Giao, Hành Gian, Thái Trùng. Phế (phổi) chủ da và lông, đối với những bệnh lý bên ngoài da thì chọn Phế kinh, mượn nó khơi dòng truyền đến bên ngoài da, đồng thời trị bệnh viêm phổi kẽ của bà, châm huyệt Trung Phủ. Thúc đẩy tuần hoàn máu, vận chuyển các chất đã chuyển hóa, phòng ngừa bệnh tim mạch, đồng thời điều trị triệu chứng tức ngực của bà, châm huyệt Thiên Trung.

Bệnh ngoài da thường liên quan đến phong tà, cảm mạo dễ gây ra bệnh vảy nến hoặc làm tăng triệu chứng của bệnh vảy nến, đồng thời điều trị dị ứng mũi, châm các huyệt Bách Hội, Phong Trì, Khúc Trì, Hợp Cốc. Tăng cường sức khỏe, điều lý dạ dày, ổn định sự tăng giảm khí cơ trung tiêu (đoạn giữa dạ dày), tránh tình trạng rối loạn vi khuẩn, đồng thời điều trị chứng nấc cụt, châm các huyệt Trung Quản, Nội Quan, Công Tôn, Túc Tam Lý, Tam Âm Giao.

Bệnh vảy nến là do máu nhiễm độc, huyết ứ, châm các huyệt Khúc Trì, Huyết Hải, Tam Âm Giao, Trúc Tân. Sau đó, châm thêm các huyệt Tình Minh, Toàn Trúc, Thái Dương nhằm trị chứng khô mỏi mắt. Vấn đề mắt nhỏ và mí mắt sụp xuống, châm huyệt Ty Trúc Không xuyên đến huyệt Ngư Yêu, châm huyệt Toàn Trúc xuyên đến huyệt Ngư Yêu. Khớp gối căng trướng, châm các huyệt Phục Thố, Tất Nhãn, Dương Lăng Tuyền.

Cố gắng mỗi tuần thực hiện châm cứu một lần, tùy theo bệnh chứng mà tăng hoặc giảm. Hướng dẫn bà tự xoa ấn các huyệt Khúc Trì, Huyết Hải, Tam Âm Giao, mỗi lần 36 cái.

Những điều cần chú ý:

  • Mỗi ngày cần tắm nắng khoảng 10 phút vào lúc sáng sớm và lúc chạng vạng tối, không nên phơi lâu dễ bị bỏng nắng.
  • Hạn chế ăn uống đồ lạnh, thực phẩm gây kích thích, các thực phẩm như sữa bò, hải sản giáp xác, xoài, bí ngô, măng tre, khoai môn, đậu phụng, bánh mì, bánh ngọt. Các loại hạt cũng không nên ăn khi triệu chứng phát triển nghiêm trọng, vì quá nhiều chất béo dễ gây viêm.
  • Da quá khô, nên dùng mỡ heo ăn kèm với cơm.
  • Bệnh vảy nến, viêm da tiết dầu ở vùng đầu, dùng dịch mật tươi của heo bôi lên đầu rồi để khoảng 5 phút, sau đó rửa sạch.
  • Hạn chế gây ra miệng vết thương cho da, tránh bị côn trùng cắn, vết cắt hoặc tổn thương do va đập.
  • Đi ngủ trước 11 giờ tối, mặc quần áo chất cotton thông thoáng.
  • Khi da ngứa, hãy vỗ nhẹ bằng tay, không nên gãi, vì càng gãi sẽ càng ngứa, gây tổn thương da, chất dịch chảy rỉ ra sẽ có thể gây nhiễm trùng cho vùng da khác không bị bệnh. Miệng vết thương ở da do gãi rách dễ bị nhiễm khuẩn. Sử dụng nước thiên la (nước nhựa cây mướp) để phun lên lòng bàn tay trái, ấn đường, huyệt Đại Chùy ở vùng cổ, sau đó phun lên vùng bị đau.
  • Vỗ vào lòng khuỷu tay, nách, khoeo chân mỗi lần 36 cái, giúp hệ thống bạch huyết thanh lọc độc tố.
  • Tay chân lạnh, dùng sức xòe mở hai bàn tay giữ trong 9 giây, sau đó nắm chặt tay thành nắm đấm giữ trong 9 giây, lặp lại 5 lần, tay sẽ trở nên ấm áp. Dùng sức mở rộng hai ngón chân giữ trong 9 giây, cố gắng bám chặt ngón chân xuống đất trong 9 giây, lặp lại 5 lần, chân sẽ trở nên ấm áp, cũng có thể đứng nhón đầu ngón chân 36 lần.

Cách tắm rửa khi bị bệnh ngoài da:

  • Khi tắm, không nên dùng nước quá nóng, tắm nước nóng rất thoải mái, có tác dụng giảm ngứa, nhưng sẽ gây ngứa vào buổi tối khiến giấc ngủ không ngon, vì nước nóng sẽ làm trôi chất béo trên bề mặt da, làm da trở nên khô. Tắm nước có nhiệt độ khoảng 35°C là thích hợp nhất.
  • Không nên tắm bằng nước lạnh, không ngâm mình trong bồn tắm, không nên tắm ở phòng tắm hơi.
  • Không nên tắm quá lâu, khi tắm không nên sử dụng xà bông có mùi hương, không nên sử dụng sữa tắm, dầu gội đầu.
  • Chỉ sử dụng nước sạch để tắm rửa sẽ không làm sạch hoàn toàn. Nên sử dụng xà bông có tính kiềm, cũng có thể dùng để giặt quần áo. Trước tiên, tắm ướt cơ thể, xoa xà bông trong tay để tạo bọt, sau đó xoa bọt xà bông lên toàn bộ cơ thể rồi tắm sạch, cả quá trình này nên thực hiện trong khoảng thời gian 5 phút.
  • Sau khi tắm xong, lấy một thìa nước ấm, thêm vào hai giọt mỡ dê, hoặc dầu cho trẻ em, hoặc dầu olive, khuấy đều rồi dùng hỗn hợp đó xoa nhẹ nhàng lên toàn bộ cơ thể. Không sử dụng sữa dưỡng da để xoa lên thân thể.

Trong ba tháng đầu, tôi thực hiện châm cứu cho bà mỗi tuần một lần, về sau là hai tuần châm cứu một lần. Da của bà có lúc tốt lúc xấu, nhưng ít ra tình trạng xấu nhất vẫn có thể chấp nhận được. Vì tình trạng bệnh có cải thiện, bà dẫn theo chồng mình là chủ tịch công ty đến để khám các vấn đề như bụng bị trướng đau, dễ mệt mỏi, đau lưng thường xuyên.

Một lần, bà đến phòng khám một mình, khi gặp tôi, mí mắt bà sưng đỏ, tôi bèn hỏi: “Chị làm sao vậy? Chị vẫn ổn chứ?” Ngay khi tôi vừa hỏi xong, bà chưa kịp trả lời thì nước mắt đã chực trào. Một người phụ nữ mạnh mẽ cũng rơi lệ, là vì ai mà đau lòng?

Thì ra từ khi bà lui về không còn trực tiếp điều hành công ty, nữ thư ký thân cận và chồng bà lâu ngày nảy sinh tình cảm, xuân tình phơi phới, củi khô bén lửa, thế lửa mãnh liệt, nhưng giấy không gói được lửa.

Sau nhiều lần truy vấn, chứng cứ vô cùng xác thực, sự thật khiến bà không thể nào chấp nhận được. Người đã cùng bà đồng cam cộng khổ, tay trắng dựng nên sự nghiệp, người đàn ông tốt nhất trên đời ấy, vì sao có thể phản bội bà chứ? Cảm giác thất vọng dâng trào, nỗi buồn chất chứa cõi lòng, không thể nào kiềm chế! Tôi nắm tay bà, khẽ vỗ về bờ vai bà và nói: “Tôi hiểu, thật đáng tiếc!”

Tôi ngừng lại một chút rồi nói tiếp: “Trước tiên, chị hãy ổn định vị trí chính thất của mình. Đàn ông có sự nghiệp thành công, khó tránh khỏi việc gặp dịp thì chơi. Hãy xem, cảm xúc của chị quá kích động, làm cho bệnh vảy nến trở nên tệ hơn rồi.” Vẻ tức giận đột nhiên dâng lên trong đôi mắt của bà, mắt bà trợn to, nhìn rất đáng sợ!

Nhà có vợ hiền, người đàn ông sẽ không ngang ngược. Sau khi sự việc bị vỡ lở, cô thư ký đã từ chức, nhưng dư âm của nó như cơn sóng tầng tầng lớp lớp.

Bà nói: “Chồng tôi đã thừa nhận rồi!” Tôi rất ngạc nhiên đáp: “Ông ấy coi như không tệ, dám làm dám chịu. Đàn ông biết nhận sai sẽ không bỏ gia đình. Tôi đề nghị, chị hãy xem chuyện này như một khúc nhạc đệm trong cuộc sống, tốt nhất từ nay về sau không nên nhắc lại nữa, để tránh ảnh hưởng tình cảm về sau.”

Nói một cách đơn giản, gương vỡ lại lành, nhưng dù sao vẫn lưu lại vết sẹo. Trên vết sẹo đó chứa đầy những mảnh vụn thủy tinh, không cẩn thận sẽ bị những mảnh vụn này gây tổn thương.

Để duy trì hình ảnh gia đình hạnh phúc, bà không dám tiết lộ chút tin tức nào cho cả cha mẹ, chị em, bạn bè thân thiết về chuyện chồng mình ngoại tình. Bà chỉ dám nói với tôi, tôi đã trở thành “bãi rác” Phúc Đức Khang (Công viên phục hồi và bảo vệ môi trường Phúc Đức Khang tại thành phố Đài Bắc, Đài Loan). Trong suốt gần nửa năm, mỗi lần đến phòng khám, bà đều khóc lóc kể lể về chuyện này, không thể nào buông xuống được. Làm sao để giải quyết tình trạng này đây?

Đổi cách nói, tôi hỏi bà: “Nếu không, chị muốn như thế nào? Loại chuyện tương tự như thế này, từ xưa đến nay, trong và ngoài nước, vào giờ này khắc này, khắp nơi trên thế giới đều đang xảy ra. Chung quy phải tìm một lối ra, nhảy thoát khỏi nó, giải thoát cho chính mình.” Bà không thể cam lòng, điều đó đang phá nát sự hài hòa của mối nhân duyên. Tâm nghi kỵ của bà, đã phá hủy hạnh phúc tương lai, làm sao có thể vượt qua những tháng ngày sau này?

Có một lần khi đến phòng khám, tình trạng bệnh dạ dày của người chồng trở nên nặng hơn, áp lực công việc cộng với gió bão gia đình, quá nặng nề! Ông nói rằng ông đã cố gắng để bù đắp sai lầm, chỉ còn biết cười khổ chịu đựng!

Sau khi khám, người chồng rời đi trước để lấy xe đến đón vợ. Trong lúc chờ đợi, bà tiếp tục thổ lộ với tôi về nỗi đau trong lòng mình. Tôi hỏi bà: “Chẳng lẽ trong chuyện này chị không có trách nhiệm, không có điều gì phải xét lại sao?” Vẻ mặt của bà tỏ vẻ vô tội, chịu khổ chịu oán, quan tâm chu đáo, còn phải tự xét lại điều gì chứ?

Chuyển ý nghĩ, tôi nói: “Có thể ở kiếp trước chị đã thiếu nợ ông ấy, chị đã từng ngoại tình, cũng đối xử với ông ấy như thế. Hoặc có thể là kiếp trước chị thiếu nợ người phụ nữ đó, chị đã từng cướp đoạt người đàn ông của cô ấy, cũng đã gây tổn thương cho cô ấy như thế. Và kiếp này phải trả cho xong món nợ tình ấy.” Song, bà không thể tiếp nhận tư tưởng nhân quả luân báo này.

Phải làm sao mới có thể thoát ra được đây? Tôi nói: “Phụ nữ thì phải độc lập trong tình cảm, không nên làm nô lệ của tình cảm. Hạnh phúc của chị, không phải chỉ khi được chồng yêu thì mới hạnh phúc. Ông ấy yêu chị, sau đó ngoại tình, bầu trời của chị liền sụp đổ. Cho dù tình cảm vợ chồng có tốt đẹp bao nhiêu, cho dù có hay không có người yêu chị, thì chị đều có thể độc lập trong chuyện tình cảm của mình.”

“Phương diện tinh thần không giới hạn trong tình cảm vợ chồng, tình yêu nam nữ. Cần phải hòa hợp với chính mình, thật sự đối mặt với bản thân. Tự mình nắm giữ hạnh phúc của chính mình, không phải là nắm giữ hết thảy, hoặc phụ thuộc vào việc một người đàn ông khác có thực lòng với chị hay không.” Bà đứng ở bên cạnh, đôi mắt đẫm lệ, im lặng lắng nghe.

“Chị yêu ông ấy, là chị có trách nhiệm đối với tình cảm của chính mình. Còn việc ông ấy có yêu chị hay không, đó là chuyện của ông ấy. Với lại hiện nay xem ra, chồng chị đã hồi tâm chuyển ý, chị hãy tha thứ cho ông ấy một lần. Chị có chí khí, nhưng lại không rộng lượng. Chỉ vì chuyện này mà cuộc sống bị đảo lộn hoàn toàn, chị chính là đối thủ lớn nhất, tàn nhẫn nhất của chính bản thân mình. Đã hơn một năm rồi, chị còn không buông tha cho chính mình.”

“Hãy yêu lấy bản thân mình, đối mặt với thói đời biến dị, và những cám dỗ sai trái, cả nam và nữ đều là nạn nhân. Trên đời này không có thuốc hối hận, hãy mau thanh tỉnh lại thôi!”

Từng dòng nước mắt của bà lại tuôn rơi, nhỏ xuống ướt cả áo.

Đã hơn hai năm trôi qua, tình trạng bệnh ngoài da của bà xem như đã ổn định, nhưng do cảm xúc thất thường dẫn đến những tái phát nhỏ. Thời kỳ mãn kinh đã trôi qua bình an. Nước mắt đã cạn, nhưng ưu sầu khó giải hết. Trong màn đêm yên tĩnh, chỉ có tiếng khóc nức nở không thành lời. Mặc dù khi đến phòng khám, trên gương mặt của bà đã nở nụ cười, nhưng nụ cười ấy là ở trên mặt chứ không phải từ trong tâm, nhất là khi cả hai vợ chồng cùng đến khám bệnh.

Trong cuộc đời bà, lực chấn động của chuyện chồng ngoại tình chỉ diễn ra chừng 30 giây, nhưng dư chấn của nó là cả một đời. Bà càng bước đi càng cô độc, càng sống thì phạm vi lại càng thu hẹp, không biết nên oán ai đây?

(Bài viết được trích từ cuốn sách “Bát diện đương phong – Tuyệt xử phùng sinh” của bác sĩ Trung y Ôn Tần Dung, do Nhà xuất bản Bác Đại – Đài Loan ấn hành).

Trang bìa cuốn sách “Bát diện đương phong”. (Ảnh: Do nhà xuất bản Bác Đại cung cấp)
Trang bìa cuốn sách “Bát diện đương phong”. (Ảnh: Do nhà xuất bản Bác Đại cung cấp)

Lý Quân biên tập

Lam Yên biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Ôn Tần Dung
BTV Epoch Times Hoa Ngữ
Bác sĩ Trung y Ôn Tần Dung hiện là Giám đốc Phòng khám Trung y Minh Huệ ở thành phố Đài Trung, Đài Loan. Bà đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong tiếp xúc và điều trị bằng Trung y, đã thực hiện trên 3 triệu mũi kim châm cứu. Bà lĩnh hội sâu sắc sự huyền diệu vô cùng của Trung y. Bà đã tập hợp những kinh nghiệm quý báu từ việc hành nghề y trong nhiều thập niên của mình để viết thành sách. Sau khi được ấn hành, các tác phẩm này rất được đón nhận. Trong đó, bà phân tích từ nông cạn đến thâm sâu bệnh lý, hướng điều trị. Đồng thời bà rất chú trọng và quan tâm đến trạng thái tâm lý, cảm xúc của bệnh nhân, cố gắng giải khai những khúc mắc tâm lý của họ, vì bà quan niệm rằng “Vạn bệnh do tâm sinh.” Bà cũng là một trong những tác giả chuyên trang Trung y trên ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn