Chiết xuất vỏ cây liễu có tiềm năng bất hoạt virus COVID-19 và Enterovirus

Nghiên cứu hiện nay cho thấy vỏ cây liễu, từ lâu đã được sử dụng như một phương thuốc tự nhiên, là cách tiềm năng và hiệu quả chống lại các loại coronavirus.

Virus biến đổi không ngừng khiến COVID-19 tiếp tục tồn tại, thúc đẩy nhu cầu tìm kiếm một giải pháp chống virus tự nhiên. Nghiên cứu gần đây đã khám phá tác động chống virus phổ rộng của chiết xuất vỏ cây liễu, với các đặc tính chống viêm, hạ sốt, và giảm đau hàng ngàn năm nay.

Nghiên cứu do một nhóm các nhà khoa học Phần Lan thực hiện, công bố trong Tập san Frontiers in Microbiology (Lĩnh vực Vi sinh vật) vào tháng Mười Một, phát hiện ra rằng chiết xuất vỏ cây liễu làm vô hiệu hóa enterovirus, các coronavirus SARS-CoV-2 và HCoV-OC43.

Chất chống virus tự nhiên

Các nhà nghiên cứu cắt vỏ cây liễu thành những mảnh nhỏ, đông lạnh và nghiền nát, sau đó tạo ra một chiết xuất bằng nước nóng. Sau khi xử lý virus SARS-CoV-2 với chiết xuất vỏ cây liễu và ủ cùng với tế bào, RNA được chiết xuất từ các tế bào nuôi cấy để phân tích.

Kết quả cho thấy lượng RNA virus giảm đáng kể sau khi được xử lý bằng chiết xuất vỏ cây liễu.

Ngoài ra, các loại chiết xuất vỏ cây liễu khác nhau đã được thử nghiệm đều có khả năng ức chế nhiễm SARS-CoV-2. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng kết quả thí nghiệm chứng tỏ tác dụng chống virus mạnh mẽ của chiết xuất vỏ cây liễu đối với SARS-CoV-2 được cô lập từ lâm sàng.

Tác dụng ức chế Coronaviruses và Enteroviruses

Nhiễm coronavirus dẫn đến một loạt các triệu chứng về đường hô hấp, như chảy nước mũi, ho, sốt, viêm phổi, suy hô hấp và trong trường hợp nặng, tử vong. Bảy loại coronavirus được biết đến lây nhiễm vào cơ thể người là SARS-CoV-2, HCoV-OC43, SARS-CoV, MERS-CoV, HCoV-NL63, HCoV-HKU1 và HCoV-229E.

HCoV-OC43 là một trong những coronavirus theo mùa gây ra cảm lạnh thông thường, dẫn đến các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên nhẹ ở người. Cả virus HCoV-OC43 và SARS-CoV-2 đều nhân lên trong tế bào biểu mô hô hấp của người và lây lan qua giọt nước theo đường thở.

Chiết xuất vỏ cây liễu cho thấy tính lây nhiễm của virus HCoV-OC43 giảm từ 3 đến 4 log. Hơn nữa, chiết xuất vỏ cây liễu đã chứng minh tác dụng chống virus ở cả nhiệt độ cao và thấp.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng chiết xuất nước nóng từ vỏ cây liễu có thể ức chế virus lây nhiễm như Coxsackievirus B3, một enterovirus không vỏ bọc.

Tóm lại, nghiên cứu xác nhận rằng chiết xuất vỏ cây liễu ức chế cả virus có vỏ bọc (coronavirus) và virus không vỏ bọc (enterovirus).

Chiết xuất vỏ cây liễu chống lại virus bằng cách tác động trực tiếp lên các hạt nhân virus: làm suy yếu cấu trúc của các coronavirus như SARS-CoV-2 và HCoV-OC43, và tăng cường sự ổn định của cấu trúc enterovirus để ngăn chặn nhiễm trùng. Do đó, các nhà nghiên cứu tin rằng chiết xuất vỏ cây liễu thể hiện tác dụng chống virus mạnh mẽ

Những phép màu y học của vỏ cây liễu

Chiết xuất vỏ cây liễu chứa salicin, được chuyển hóa thành acid salicylic trong cơ thể. Acid salicylic chống viêm và chống virus. Bayer, công ty dược phẩm Đức, đã tiếp tục tổng hợp và sản xuất acid salicylic acetylated, thường được biết đến với tên gọi aspirin.

Vỏ cây liễu đã được sử dụng trong y học có lịch sử lâu đời kéo dài hơn 3,500 năm. Người Ai Cập cổ xưa, người Hy Lạp, người Nam Mỹ, và người Trung Quốc đã kết hợp vỏ cây liễu vào các phương thuốc. Đáng chú ý, người Sumer và người Ai Cập thời xưa đã sử dụng vỏ cây liễu như một loại thuốc giảm đau và hạ sốt. Trong thế kỷ thứ 4 trước Công Nguyên, Hippocrates, được mệnh danh là “Cha đẻ của Y học Phương Tây” và là bác sĩ người Hy Lạp, đã sử dụng vỏ cây liễu để điều trị đau viêm.

Ngoài vỏ, các bộ phận khác của cây liễu, bao gồm cành, lá và hoa, cũng có tác dụng dược tính, làm cho cả cây liễu trở thành một phương thuốc quý.

Trong các y văn Trung y thời xưa, cành liễu đã được sử dụng để điều trị đau răng, sốt ở trẻ em, và loét da. Cành liễu vừa được sắc lấy nước vừa được bôi ngoài da.

Hoa liễu, hạt mịn trong quả liễu, cũng được sử dụng để điều trị vàng da và áp xe, cũng như để cầm máu.

Lá liễu giảm đau, điều trị loét, và chữa nước tiểu đục.

Cành liễu dùng để nối xương phải lột hết lớp vỏ ngoài, mà bản thân lớp vỏ của cành liễu (liễu bạch bì) cũng là một vị thuốc. (Ảnh: Shutterstock)
Cành liễu dùng để nối xương phải lột hết lớp vỏ ngoài, mà bản thân lớp vỏ của cành liễu (liễu bạch bì) cũng là một vị thuốc. (Ảnh: Shutterstock)

Nghiên cứu hiện đại cũng đã chứng minh rằng chiết xuất vỏ cây liễu chống oxy hóa và loại bỏ gốc tự do mạnh mẽ. Ngoài ra, chiết xuất vỏ cây liễu kháng khuẩn Staphylococcus aureus và Escherichia coli.

Các hợp chất polyphenolic trong chiết xuất vỏ thân cây liễu ức chế độc tính và cơ chế cảm biến tới hạn (một quá trình cho phép các nhóm vi khuẩn cảm nhận mật độ dân số và điều phối hành vi) của vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa.

Procyanidin có trong liễu đã được chứng minh có các tác dụng sinh học đa dạng, bao gồm chống oxy hóa, kháng khuẩn, chống khối u, chống ung thư, bảo vệ thần kinh, hạ đường huyết, và giảm lipid. Hơn nữa, procyanidin có tác động tích cực tổng thể đối với sức khỏe đường tiêu hóa.

Thiên Vân biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Ellen Wan
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Bà Ellen Wan đã làm việc cho ấn bản Nhật ngữ của The Epoch Times từ năm 2007.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn