‘Hội chứng COVID-19 kéo dài’ gây suy giảm nhận thức, thiền định có thể giúp phục hồi

Rất nhiều người bình phục sau khi nhiễm COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) đã xuất hiện “Hội chứng COVID-19 kéo dài”, hay còn gọi là “di chứng hậu COVID”. Các chuyên gia y tế khuyến cáo mọi người nên đi kiểm tra và điều trị sớm.

Theo định nghĩa lâm sàng do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố vào tháng 10/2021, “Hội chứng COVID-19 kéo dài” thường xảy ra ở những người đã được chẩn đoán bị nhiễm hoặc có thể bị nhiễm COVID-19, thông thường “xuất hiện trong vòng 3 tháng kể từ khi nhiễm virus, tồn tại ít nhất 2 tháng, và không thể giải thích bằng các chẩn đoán khác”.

Các triệu chứng của “Hội chứng COVID-19 kéo dài” có thể bao gồm: mệt mỏi, khó thở, đau hoặc tức ngực, thay đổi vị giác và khứu giác, đau khớp, chứng sương mù não, v.v.

Bà Ngô Tinh Nghi (Wu Jingyi), Chủ tịch Hiệp hội Trị liệu Chức năng Đài Loan chỉ ra rằng, sương mù não là một chứng rối loạn nhận thức, biểu hiện chủ yếu ở sự suy giảm trí nhớ và khả năng tập trung. Người bệnh thường khó tập trung vào một việc gì đó, suy nghĩ chậm chạp, thậm chí không thể nói ra được điều mình muốn nói.

Một nghiên cứu mới từ Bệnh viện St Vincent ở Sydney, Australia cũng phát hiện ra rằng, “Hội chứng COVID-19 kéo dài” có thể gây ra tình trạng sương mù não và thậm chí là mất trí nhớ ở bệnh nhân. Nghiên cứu đã theo dõi 128 bệnh nhân trong 12 tháng, và phát hiện có khoảng 20% ​​bệnh nhân bị sương mù não nghiêm trọng hoặc mất trí nhớ trong thời gian lên đến một năm.

Vào ngày 16/6 vừa qua, Hội đồng Dịch vụ Xã hội Hồng Kông đã tổ chức một “Tọa đàm trực tuyến về chăm sóc người cao tuổi trong môi trường có dịch”, trong đó đã thảo luận về mối quan hệ giữa di chứng sau khi nhiễm virus và sa sút trí tuệ.

Ông Từ Trọng Anh (Xu Zhongyi), giáo sư tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Trung văn Hồng Kông gần đây đã nói rằng, ngay cả những người trẻ tuổi hoặc người trưởng thành có các triệu chứng nhẹ khi nhiễm COVID cũng có nguy cơ rất cao mắc chứng sa sút trí tuệ sau khi hồi phục.

Ông đề nghị bệnh nhân thực hiện phân tích hình ảnh võng mạc tự động (ARIA) để tầm soát chứng “sương mù não”, đồng thời khuyến khích người nhà và bệnh nhân rèn luyện khả năng nhận thức bằng cách chơi các trò chơi cờ bàn để phòng và ngăn chặn tình trạng chuyển biến xấu.

Báo cáo chung của Tiến sĩ George Slavich (nhà tâm thần học ở Đại học California tại Los Angeles) và Tiến sĩ David Black (chuyên gia y tế dự phòng tại Đại học Nam California) cho thấy rằng, ở những người sau khi thiền định, telomere trong tế bào của họ dài hơn so với những người bình thường. Telomere ngắn đi là biểu thị cho việc tế bào đang già đi và tiêu vong, kết quả của báo cáo này cho thấy thiền định đã làm chậm tốc độ lão hóa của tế bào.

Trong nghiên cứu của mình, cô Sara Lazar, nhà thần kinh học kiêm trợ lý giáo sư tại Trường Y Harvard cũng phát hiện ra rằng, ở những người thiền định trường kỳ đến tuổi 50, vùng vỏ não trước trán (Prefrontal Cortex, chất xám của thùy trán) nhiều như những người 25 tuổi vậy. Chất xám của thùy trán nắm giữ trí tuệ của con người, trong quá trình lão hóa, khối lượng chất xám ở đây sẽ giảm dần dẫn đến suy giảm trí lực và khả năng nhận thức.

Lý Gia Duy, Liên Thư Hoa thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn