Một liệu pháp cổ xưa giúp giảm bớt các biến chứng của COVID-19 và hen suyễn

Những người nhiễm COVID-19 có các triệu chứng nặng hơn và kéo dài hơn thường thuộc loại cơ địa dễ bị dị ứng, chẳng hạn như dị ứng phấn hoa hay hen suyễn. Bài viết này giới thiệu về một liệu pháp điều trị hiệu quả bằng Trung y đối với hội chứng COVID-19 kéo dài và hen suyễn.

Bạn có cảm thấy mệt mỏi, khó thở, buồn nôn, tim đập nhanh hoặc khó tập trung trong thời gian dài sau khi khỏi bệnh COVID-19 không? Những triệu chứng này có thể là dấu hiệu của COVID kéo dài hoặc hội chứng hậu COVID. COVID kéo dài có thể ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của mỗi người, khiến nhiều người có triệu chứng nặng khó thực hiện được các công việc hàng ngày. Trong một số trường hợp, thậm chí có thể có nguy cơ tử vong.

Hiện nay, y học Tây phương không có cách chữa trị COVID kéo dài, nhưng Trung y có thể làm giảm các triệu chứng khác nhau của tình trạng này một cách hiệu quả. Ông Lý Chiêu Hiền, là bác sĩ Trung y đăng tên tại Hồng Kông, đã giới thiệu về các trường hợp thành công và phương pháp điều trị các triệu chứng COVID kéo dài trong chương trình trên YouTube. Ngoài ra, ông còn chia sẻ một số lời khuyên bổ ích về việc kết hợp điều chỉnh kế hoạch ăn uống và xoa bóp các huyệt cụ thể có thể làm giảm hiệu quả các triệu chứng của bệnh hen suyễn.

(Ảnh: Freepik)
(Ảnh: Freepik)

Hầu hết những người bị nhiễm COVID-19 đều cảm thấy khỏe hơn trong vòng vài ngày hoặc vài tuần kể từ khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên và hồi phục hoàn toàn trong vòng 12 tuần. Nhưng đối với một số người, các triệu chứng có thể kéo dài hơn, đôi khi là nhiều năm. Các triệu chứng mới cũng có thể xuất hiện, bao gồm đau ngực và bụng, đau khớp và cơ, khó ngủ, đau đầu, khó tập trung, mệt mỏi, trầm cảm và lo lắng.

Mối liên hệ giữa COVID kéo dài với giới tính, tuổi tác và thể trạng

Theo ông Lý, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng COVID-19 kéo dài ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn nam giới.

Một nghiên cứu được công bố trên Tập san JAMA Network Open số ra năm 2022 đã phân tích dữ liệu từ hơn 16,000 người trưởng thành ở Hoa Kỳ có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. Các phát hiện cho thấy phụ nữ và người lớn tuổi dễ bị nhiễm COVID kéo dài hơn.

Một nghiên cứu trên 800,000 bệnh nhân COVID-19 (bao gồm hơn 200,000 bệnh nhân COVID kéo dài) được công bố trên Tập san Các vấn đề Sức khỏe vào tháng Ba cũng đưa ra kết luận tương tự. Ngoài ra, những người “bị COVID trong thời gian dài” có nhiều bệnh đi kèm hơn, trong đó béo phì, cao huyết áp, bệnh phổi kinh niên, tiểu đường và trầm cảm là những yếu tố nguy cơ chính.

Theo ông Lý, các triệu chứng COVID kéo dài của phụ nữ chủ yếu biểu hiện ở đường hô hấp như nghẹt mũi và đau họng. Có người còn có các triệu chứng như mất ngủ, rụng tóc và trầm cảm. Mặt khác, ở nam giới, các triệu chứng biểu hiện rõ hơn ở các bệnh nội tiết và thận, chẳng hạn bệnh viêm thận hoặc tiểu đường sau khi nhiễm COVID-19.

Ngoài ra, ông Lý cũng cho thấy rằng, theo lý thuyết về thể trạng của Trung y, những người có tình trạng trầm trọng hơn sau khi nhiễm COVID-19 thường là người có thể trạng đặc biệt. Theo thuật ngữ y học hiện đại, có thể hiểu đây là loại cơ thể dễ bị dị ứng hơn, chẳng hạn như dị ứng phấn hoa hay hen suyễn. Những người có thể trạng này khi bị nhiễm COVID kéo dài, các triệu chứng sẽ trầm trọng hơn và tình trạng bệnh dễ kéo dài hơn.

Điều trị COVID kéo dài bằng Trung y

Ông Lý đã giới thiệu một trường hợp điều trị thành công COVID kéo dài bằng Trung y. Bệnh nhân là một phụ nữ ở độ tuổi 30, đã cho kết quả âm tính khoảng sáu đến bảy ngày sau khi được chẩn đoán dương tính. Vì vậy, cô quyết định trở lại làm việc.

Khi nhiễm bệnh, cô có nhiều đờm, ho và đau họng. Vào thời điểm cô có kết quả âm tính, những triệu chứng này đã biến mất. Tuy nhiên, do công việc cần phải thuyết nói nên vài ngày sau khi đi làm trở lại, cô lại bị khản tiếng, mất tiếng.

Không có gì lạ khi bệnh nhân gặp phải các triệu chứng khác sau khi xét nghiệm âm tính với COVID-19 so với lần nhiễm bệnh ban đầu, tuy nhiên điều này có vẻ khó hiểu.

Ông Lý cho biết, nhiều người hiện đang phải đối mặt với tình trạng hậu COVID-19. Theo Trung y, khi bệnh chuyển sang trạng thái khác, người bệnh nên nghỉ ngơi đầy đủ. Tuy nhiên, trong trường hợp cụ thể này, bệnh nhân vẫn tiếp tục dùng dây thanh quản mặc dù đang bị khí phế hư, dẫn đến không thể chữa lành toàn bộ thanh quản và cuối cùng dẫn đến khản tiếng. Ngoài ra, bệnh nhân bị khô miệng và đổ mồ hôi vào ban đêm, Trung y cho rằng thuộc về tình trạng phế âm hư nhược.

Học thuyết âm dương trong lý thuyết cơ bản của Trung y tin rằng, mọi sự vật hoặc hiện tượng trong tự nhiên đều có các đặc tính tương ứng âm và dương. Những đặc điểm đối lập này thể hiện theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như sự đối lập của đất và trời, lạnh và nóng. Hai năng lượng âm và dương tuy đối lập nhau nhưng cũng phụ thuộc lẫn nhau, và sự cân bằng giữa âm và dương là điều cần thiết. Khi âm dương cân bằng, con người sẽ khỏe mạnh, tràn đầy sức sống, cơ thể được điều hòa và ổn định. Tuy nhiên, khi sự cân bằng đó bị phá vỡ, nhiều vấn đề sức khỏe có thể phát sinh.

Trong trường hợp này, ông Lý đã dùng một toa thuốc bổ phổi, dưỡng âm và làm dịu cổ họng. Sau khi uống khoảng 3 đến 5 liều là người bệnh đã có kết quả tốt. Ông Lý nhấn mạnh rằng khi dùng thuốc thảo dược một cách hợp lý, có tính đến nhu cầu cụ thể của bệnh nhân sẽ mang lại kết quả nhanh chóng và hiệu quả.

(Ảnh: Lili.Q/Shutterstock)
(Ảnh: Lili.Q/Shutterstock)

Liệu pháp ăn kiêng giúp giảm bớt các triệu chứng COVID kéo dài

Ông Lý nhấn mạnh tầm quan trọng của việc điều chỉnh cách ăn uống của mọi người theo nhu cầu cụ thể, tương tự như cách điều trị cá nhân hóa.

Lấy ví dụ về trường hợp phế âm hư nói trên, ông cho biết: nếu bạn thường ho về đêm hoặc khô miệng, canh Ngọc trúc và Bách hợp là những dược liệu Trung Hoa thường được dùng để giảm bớt các triệu chứng này. Đối với những người bị khó thở nhẹ hoặc hen suyễn, có thể dùng Trần bì và Hạnh nhân giúp bồi bổ và điều chỉnh chức năng nội tạng.

Ông giải thích thêm rằng Trung y chú ý đến khái niệm thực phẩm là dược liệu. Người ta tin rằng các loại thực phẩm có tác dụng chữa bệnh ở các mức độ khác nhau, tương tự như dược liệu cũng vậy nhưng có sự khác nhau về liều lượng. Trong liệu pháp ăn kiêng, liều lượng ít hơn một chút nhưng vẫn cải thiện đáng kể sức khỏe tổng thể. Ví dụ như khi xuất hiện một số triệu chứng tương đối nhẹ thì không cần thiết phải đi khám bác sĩ, có thể kết hợp các công thức nấu canh hoặc dược liệu khác nhau để tự bồi bổ, nhờ đó làm giảm bớt các triệu chứng.

Xoa bóp bấm huyệt giúp giảm các triệu chứng hen suyễn

Ông Lý nói rằng đối với các triệu chứng của bệnh hen suyễn, chỉ cần ấn vào một huyệt là có hiệu quả, đó là huyệt Định xuyên.

Một liệu pháp cổ xưa giúp giảm bớt các biến chứng của COVID-19 và hen suyễn
Huyệt Định xuyên (Ảnh: The Epoch Times)

Theo Trung y, kinh mạch là các kênh dẫn năng lượng lưu thông trong cơ thể con người. Kinh mạch có nhiệm vụ vận chuyển khí và huyết đi khắp cơ thể. Khí và huyết là các chất cơ bản cấu tạo và duy trì sự sống của con người. Cơ thể có mười hai kinh mạch chính, mỗi kinh mạch tương ứng với một cơ quan nội tạng. Các cơ quan nội tạng được kết nối với bề mặt cơ thể con người thông qua các kinh mạch. Dọc theo kinh mạch có những điểm cụ thể được gọi là huyệt. Thông qua châm cứu và xoa bóp kích thích các huyệt tương ứng có thể điều trị các bệnh của tạng phủ tương ứng.

Ông Lý cho biết, trong Trung y có một loại huyệt được gọi là “huyệt kinh phụ.” Những huyệt này không nằm trong 12 kinh mạch chính nhưng những huyệt này đặc biệt hiệu quả trong điều trị một số bệnh cụ thể.

Huyệt Định xuyên là một trong những huyệt độc đáo bên ngoài kinh mạch. Theo ông Lý, huyệt Định xuyên có chiều rộng khoảng một nửa ngón tay cái ở cả hai bên của mỏm gai của đốt sống cổ thứ bảy (xương gồ lên nhất ở sau gáy khi nhìn xuống). Khi xoa bóp và kích thích huyệt Định xuyên sẽ có cảm giác hơi nhức.

Ông Lý lưu ý rằng những người bị bệnh hen suyễn do cảm lạnh, biểu hiện bởi các đợt bệnh thường xuyên hơn, kéo dài vào mùa đông và những người có đờm trắng có bọt có thể dùng liệu pháp cứu ngải trên huyệt Định xuyên. Một lựa chọn khác là chườm nóng vào huyệt Định xuyên nhưng cần cẩn thận để tránh bị bỏng.

Ông Lý cũng nhấn mạnh rằng những bệnh nhân hen suyễn nên chú ý giữ ấm vùng cổ và họng.

*Lưu ý: Một số loại thảo mộc được đề cập trong bài viết này có thể không quen thuộc, nhưng thường có bán trong các tiệm tạp hóa và thực phẩm tốt cho sức khỏe ở Á Châu. Điều quan trọng là thể trạng của mỗi người là khác nhau nên phương pháp điều trị tương ứng cũng khác nhau; Nên tham khảo ý kiến ​​bác sĩ Trung Y chuyên ngành để lựa chọn các liệu pháp điều trị phù hợp.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là quan điểm của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times. Epoch Health hoan nghênh các cuộc thảo luận chuyên nghiệp và tranh luận thân thiện. Để gửi ý kiến, vui lòng làm theo các nguyên tắc này và gửi qua biểu mẫu của chúng tôi tại đây.

Khánh Nam biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

May Cheng
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô May Cheng là một nhân vật truyền thông cấp cao, từng là người dẫn chương trình phát thanh cho chương trình D100 Hong Kong "Trapeze". Sinh ra trong một gia đình làm nghề Trung Y, cô đã say mê Trung Y từ khi còn nhỏ và phát triển niềm đam mê lớn với nghề. Cô đã học các khóa học liên quan đến Trung Y và hiện là người dẫn chương trình "The 100 Doctors, The 100 Treatments" (Tạm dịch: “100 bác sĩ, 100 phương pháp điều trị".)
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn