Nghiên cứu: Các vấn đề về não dài hạn ở bệnh nhân COVID có thể liên quan đến mức độ trầm trọng của bệnh chứ không phải do COVID

Mặc dù triệu chứng suy giảm nhận thức có thể kéo dài 18 tháng sau khi nhiễm COVID-19, nhưng các nhà nghiên cứu nhận thấy những người nhập viện vì các tình trạng khác cũng phải đối mặt với những thách thức tương tự.

Một nghiên cứu mới báo cáo rằng chức năng não có thể bị suy giảm trong 18 tháng sau khi một người khỏi bệnh COVID-19, đặc biệt nếu người đó phải nhập viện. Tuy nhiên, suy giảm nhận thức do COVID gây ra không trầm trọng hơn suy giảm nhận thức do các bệnh khác.

Nghiên cứu đoàn hệ này được xuất bản trên JAMA Network Open, cho thấy bộ não của những bệnh nhân nhiễm COVID-19 (nặng đến mức phải nhập viện) bị tổn thương thần kinh lâu dài bao gồm các chẩn đoán tâm thần mới như lo lắng và trầm cảm, mệt mỏi và các vấn đề về giấc ngủ. Các nghiên cứu trước đây cho thấy những triệu chứng này xảy ra ở 12% đến 50% số người sau một năm nhiễm bệnh. Phù hợp với những phát hiện đó, nghiên cứu này cho thấy khoảng 38% người tham gia nghiên cứu vẫn có các triệu chứng về nhận thức sau 18 tháng theo dõi.

Kết quả cung cấp cái nhìn sâu sắc về các triệu chứng COVID kéo dài và cách virus có thể ảnh hưởng đến bộ não theo thời gian. Mặc dù số người phải nhập viện vì COVID-19 đã ít hơn nhưng trong tuần cuối cùng của tháng 12 đã có hơn 20,000 người Mỹ phải nhập viện vì virus này.

Mức độ trầm trọng của bệnh, không nhất thiết là bệnh nào, có thể ảnh hưởng đến suy giảm nhận thức

Các nhà nghiên cứu đã xem xét 120 bệnh nhân nhập viện vì COVID-19 tại hai bệnh viện ở Copenhagen trong khoảng thời gian từ tháng 3/2020 đến tháng 3/2021. Bệnh nhân có độ tuổi trung bình là 61 tuổi và hơn một nửa số bệnh nhân (58%) là nam giới. Người ta so sánh những bệnh nhân COVID với nhóm đối chứng gồm những bệnh nhân nhập viện, bao gồm 50 người bị viêm phổi không do COVID, 50 người bị nhồi máu cơ tim và 25 người được chăm sóc đặc biệt không liên quan đến COVID.

Cả nhóm bệnh nhân COVID và nhóm đối chứng đều được đánh giá mức độ suy giảm nhận thức, trải qua các cuộc phỏng vấn tâm thần và kiểm tra thần kinh, đồng thời được đánh giá về tình trạng mệt mỏi sau khi họ xuất viện.

Khi so sánh nhóm nhiễm COVID với nhóm đối chứng nhập viện không do COVID, nhóm nghiên cứu nhận thấy cả hai nhóm đều có kết quả tương tự nhau trong các bài kiểm tra nhận thức, tâm thần và thần kinh sau 18 tháng ra viện. Tuy nhiên, nhóm COVID kém hơn về chức năng điều hành tổng thể và khứu giác. Nhóm nghiên cứu lưu ý rằng những bệnh nhân lớn tuổi nhiễm COVID-19 có nguy cơ suy giảm nhận thức cao hơn so với những người khỏe mạnh. Bệnh nhân COVID cũng gặp nhiều vấn đề về tâm thần, giấc ngủ và các vấn đề liên quan đến trí nhớ hơn trong thời gian theo dõi từ 6 tháng đến 18 tháng.

Mặc dù có thể hiểu rằng bệnh nhân COVID gặp nhiều vấn đề về nhận thức hơn so với những người khỏe mạnh, nhưng cả những người nhập viện vì COVID và không phải COVID đều có biểu hiện suy giảm nhận thức tương đương, khiến các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng [mức độ] suy giảm nhận thức phụ thuộc nhiều vào mức độ trầm trọng của bệnh và thời gian nhập viện hơn là nhiễm hay không nhiễm COVID-19.

Nghiên cứu mới bổ sung thêm bằng chứng cho thấy COVID-19 góp phần làm suy giảm nhận thức, bao gồm giảm trí nhớ, sự chú ý và rối loạn giấc ngủ. Một nghiên cứu do Trường Y Harvard thực hiện vào tháng 4/2022 đã lưu ý rằng những bệnh nhân nhập viện vì COVID-19 gặp khó khăn khi nhớ lại các từ và lưu ý rằng sự suy giảm nhận thức của họ tương đương với mất 10 điểm IQ. Nghiên cứu cho thấy những bệnh nhân phải thở bằng đặt nội khí quản gặp phải tình trạng sương mù não nhiều hơn.

COVID-19 tác động đến các vùng não quan trọng

Theo một bài báo tháng 7/2023 trên tập san Frontiers in Neurology, các nhà khoa học tin rằng virus SARS-CoV-2 gây tổn thương các vùng não quan trọng như hồi hải mã và vùng đai trước của vỏ não. Những phần não này chịu trách nhiệm về học tập và trí nhớ, cũng như các quá trình nhận thức cơ bản khác như đưa ra quyết định, học hỏi và phân tích chi phí-lợi ích.

Làm thế nào virus gây tổn hại cho não vẫn đang được nghiên cứu. Bài báo của Frontiers in Neurology đưa ra giả thuyết rằng COVID-19 tạo ra tình trạng viêm thần kinh, làm gián đoạn các mạch và kết nối thần kinh; nói cách khác, virus làm gián đoạn các bộ phận của não, đặc biệt là hệ thần kinh giao cảm, chịu trách nhiệm phản ứng với căng thẳng. Theo các nhà nghiên cứu, hệ thần kinh giao cảm bị gián đoạn, kết hợp với chức năng nhận thức bị tổn thương, có thể khiến não dễ bị tổn thương.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), việc hiểu được cơ chế ảnh hưởng của COVID-19 đến não có thể giúp các bác sĩ điều trị tốt hơn cho những bệnh nhân COVID kéo dài (gặp phải các triệu chứng COVID ít nhất bốn tuần sau khi nhiễm trùng lần đầu). Các triệu chứng của COVID kéo dài thường liên quan đến vô số vấn đề về sức khỏe tâm thần và liên quan đến não, bao gồm mệt mỏi hoặc mệt mỏi cản trở cuộc sống hàng ngày, trầm cảm, thay đổi mùi hoặc vị, đau đầu và khó suy nghĩ hoặc tập trung – đôi khi được gọi là sương mù não.

Vân Hi biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Amie Dahnke
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Amie Dahnke là một nhà văn và biên tập viên tự do ở tiểu bang California. Bà đưa tin về báo chí cộng đồng và tin tức chăm sóc sức khỏe trong gần một thập niên và đã đạt Giải thưởng Xuất bản Báo chí California cho các tác phẩm đã đăng.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn