Căng thẳng thời thơ ấu có liên quan đến tăng nguy cơ bị bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch khi trưởng thành

Một nghiên cứu mới phát hiện ra rằng những người trưởng thành từng trải qua mức độ căng thẳng cao và kéo dài khi còn nhỏ có nhiều khả năng có các chỉ số sức khỏe xấu.

Một nghiên cứu mới cho biết, trạng thái tâm lý căng thẳng ở mức cao liên tục trong thời thơ ấu có thể góp phần làm tăng nguy cơ bị bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch khi trưởng thành.

Nghiên cứu được công bố trên Journal of the American Heart Association (Tập san của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ) tiết lộ rằng khi mọi người gặp căng thẳng khi còn nhỏ, họ có nhiều khả năng bị béo phì và có nguy cơ gặp các vấn đề về trao đổi chất cao hơn, bao gồm bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch.

Theo Trung tâm Kiểm soát Phòng ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), những phát hiện này là lời kêu gọi hành động rõ ràng nhằm giảm căng thẳng ở trẻ em, đặc biệt khi tỷ lệ trầm cảm và lo lắng ở trẻ em ngày càng tăng theo thời gian, cũng như các bệnh về tim mạch, chuyển hóa, bao gồm cả bệnh tim mạch và bệnh tiểu đường là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Hoa Kỳ.

Để xác định mối liên hệ giữa căng thẳng thời thơ ấu và nguy cơ chuyển hóa tim mạch, nhóm nghiên cứu đã theo dõi 276 người tham gia Nghiên cứu Sức khỏe Trẻ em Nam California. Nghiên cứu kéo dài 18 năm bắt đầu vào năm 2003 và bao gồm 154 nam và 122 nữ. Gần hai phần ba (62%) số người tham gia là người da trắng, khoảng 47% là người gốc Tây Ban Nha, 5,4% là người Á châu và dưới 2% là người da đen. Chỉ dưới 1/2 số người tham gia có cha mẹ có tiền sử bệnh tim mạch.

Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng những người trưởng thành từng trải qua mức độ căng thẳng cao và kéo dài khi còn nhỏ có nhiều khả năng có các chỉ số sức khỏe xấu hơn. Cụ thể, những phát hiện này cho thấy mối liên hệ tích cực giữa căng thẳng được cảm nhận ở thời thơ ấu và béo phì ở tuổi trưởng thành. Nhóm nghiên cứu đánh giá tình trạng béo phì dựa trên chỉ số khối cơ thể (BMI), lượng mỡ trong cơ thể và tỷ lệ albumin/globulin, thước đo tổng lượng protein trong máu. Phụ nữ từng bị căng thẳng khi còn nhỏ có nhiều khả năng bị béo phì khi trưởng thành hơn nam giới.

Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy căng thẳng có thể ảnh hưởng đến huyết áp. Những người tham gia trải qua mức độ căng thẳng gia tăng có chỉ số huyết áp tâm trương cao hơn những người có mức độ căng thẳng thấp hơn.

Căng thẳng dẫn đến tăng nguy cơ bệnh tim mạch

Theo nghiên cứu, mối liên hệ giữa căng thẳng và nguy cơ bị bệnh tim mạch có hai cách giải thích. Đầu tiên, những người bị căng thẳng nhiều hơn có khả năng thực hiện các hành vi gây tổn hại đến sức khỏe của họ, chẳng hạn như ăn nhiều calorie, nhiều chất béo trong khi không tập thể dục.

Nhóm nghiên cứu viết: “Những yếu tố nguy cơ hành vi này có thể dẫn đến tăng nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa tim mạch.”

Cách thứ hai dựa trên lý thuyết rằng căng thẳng tạo ra tình trạng viêm trong cơ thể. Các hormone gây căng thẳng như catecholamine và corticosteroid sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch. Tình trạng viêm quá mức, dai dẳng có thể gây căng thẳng cho hệ tim mạch, gây tổn thương nội mô hoặc làm cứng động mạch.

Nhu cầu về cơ chế đối phó lành mạnh quan trọng hơn bao giờ hết

Kết quả nghiên cứu “gợi ý rằng việc thúc đẩy các chiến lược đối phó lành mạnh để kiểm soát căng thẳng ngay từ đầu đời … có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc ngăn ngừa bệnh tim.”

Căng thẳng thời thơ ấu có thể xảy ra bất cứ lúc nào các em phải thích nghi hoặc thay đổi. Căng thẳng đôi khi có thể gây ra bởi những thay đổi tích cực, chẳng hạn như khi bắt đầu một hoạt động mới, nhưng hầu hết căng thẳng liên quan đến những thay đổi tiêu cực, như sự qua đời của một thành viên trong gia đình hoặc bệnh tật. Căng thẳng ở mức độ nhỏ có thể tốt nhưng căng thẳng quá mức có thể ảnh hưởng đến cách trẻ suy nghĩ, hành động và cảm nhận.

Các yếu tố gây căng thẳng hàng ngày cho trẻ em bao gồm:

  • Lo lắng chuyện học hành.
  • Quản lý trách nhiệm, như trường học, công việc hoặc các hoạt động ngoại khóa.
  • Giao tiếp ngang hàng và bị bắt nạt.
  • Vấn đề về lòng tự trọng.
  • Chuyển nhà, chuyển trường hoặc giải quyết vấn đề nhà ở.
  • Trải qua tuổi dậy thì.
  • Chứng kiến cha mẹ ly hôn hoặc ly thân.
  • Vấn đề tiền bạc ở nhà.
  • Sống ở một nơi không an toàn.

Những yếu tố gây căng thẳng này có thể dẫn đến những trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu, còn được gọi là ACE (adverse childhood experiences.) Theo CDC, ACE là những sự kiện gây tổn thương có thể xảy ra trong thời thơ ấu và có thể ảnh hưởng lâu dài đến trẻ em. Khoảng 64% người trưởng thành ở Hoa Kỳ cho biết đã trải qua ít nhất một sự kiện ACE trước 18 tuổi và gần 1 trong 6 người cho biết đã trải qua 4 sự kiện ACE trở lên.

CDC báo cáo rằng ACE gây tốn kém cho nền kinh tế, tạo thêm gánh nặng 748 tỷ USD cho vùng Bermuda, Canada và Hoa Kỳ.

Thu Anh biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Amie Dahnke
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Amie Dahnke là một nhà văn và biên tập viên tự do ở tiểu bang California. Bà đưa tin về báo chí cộng đồng và tin tức chăm sóc sức khỏe trong gần một thập niên và đã đạt Giải thưởng Xuất bản Báo chí California cho các tác phẩm đã đăng.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn