Nghiên cứu của Thụy Điển: Việc phong tỏa do COVID-19 gây tổn thất lớn về kinh tế và sức khỏe

Việc đóng cửa trường học trong thời kỳ đại dịch được coi là một “chính sách kém hiệu quả” vì trẻ em không phải đối mặt với nguy cơ cao từ virus.

Theo một nghiên cứu gần đây của Thụy Điển, việc áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt trong đại dịch COVID-19 đã dẫn đến tỷ lệ tử vong vượt mức cao hơn ở các quốc gia này, đồng thời gây thiệt hại cho nền kinh tế của họ.

Nghiên cứu được công bố trên Economic Affairs journal (Tập san Các Vấn Đề Kinh Tế) vào ngày 11/2 – xem xét các tác động về mặt kinh tế và sức khỏe của việc phong tỏa vì COVID-19 ở Thụy Điển – đã phát hiện ra rằng các chính sách về COVID-19 ít hạn chế hơn của Thụy Điển đã dẫn đến tỷ lệ tử vong vượt mức thấp hơn so với nhiều quốc gia Âu châu, những nước áp đặt các biện pháp phong tỏa chặt hơn. Thụy Điển cũng ít bị tác động tiêu cực hơn đến tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong thời kỳ đại dịch.

Các nhà nghiên cứu kết luận rằng nhiều nhà hoạch định chính sách đã mắc phải hai sai lầm chính.

“Đầu tiên, họ đưa ra các biện pháp phong tỏa quá nghiêm ngặt nhưng có tác động tích cực không đáng kể đến sức khỏe mặc dù vào thời điểm đó đã có bằng chứng cho thấy những lợi ích hạn chế của các biện pháp rộng rãi như vậy.

“Thứ hai, họ phản ứng với sự suy thoái trong hoạt động kinh tế bằng các chính sách tài chính và tiền tệ mở rộng quá mức.”

Các nhà nghiên cứu đã xem xét về tỷ lệ tử vong vượt mức ở Thụy Điển trong khoảng thời gian từ tháng 01/2020 đến tháng 07/2022 và so sánh với các quốc gia Âu châu khác trong nhóm Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Họ nhận thấy, “Thụy Điển và các quốc gia Bắc Âu khác có tỷ lệ tử vong vượt mức cộng dồn thấp nhất trong số tất cả các quốc gia Âu Châu vào cuối giai đoạn lấy mẫu. Các quốc gia như Phần Lan và Na Uy, với tỷ lệ phong tỏa trung bình thấp nhất, có tỷ lệ tử vong vượt mức thấp nhất và thực tế cho thấy tỷ lệ tử vong vượt mức âm.”

“Đến tháng 3/2020, Thụy Điển là quốc gia có các biện pháp phong tỏa nới lỏng hơn so với các quốc gia khác và sau đó là tỷ lệ phong tỏa trung bình, có tỷ lệ tử vong vượt mức cộng dồn thấp nhất vào thời cuối đại dịch.”

Nghiên cứu cho biết, các quốc gia áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt hơn không có tỷ lệ tử vong vượt mức thấp hơn.

Ví dụ: việc đóng cửa trường học có thể là một “chính sách kém hiệu quả” vì trẻ em “bị ảnh hưởng tương đối nhẹ bởi Covid-19 và không phải là nguồn lây lan virus chính.”

Nghiên cứu lưu ý, trong số 20,000 ca tử vong ở Thụy Điển trong đại dịch, chỉ có 21 người trẻ hơn 19 tuổi tử vong, ngay cả khi tất cả các trường tiểu học vẫn mở cửa trong suốt đại dịch.

Ý nghĩa kinh tế

Trong các tác động kinh tế thì “mô hình tiêu cực rõ ràng” đã được phát hiện dựa trên việc quan sát tốc độ tăng trưởng GDP từ năm 2019 đến năm 2021.

“Các quốc gia có tỷ lệ phong tỏa cao hơn có mức tăng trưởng kinh tế kém hơn.”

Thụy Điển được cho là đang làm tốt hơn những nước khác.

“Thụy Điển, với tỷ lệ phong tỏa trung bình là 39 trong giai đoạn 2020 – 2021, cho thấy mức tăng trưởng GDP tích lũy yếu là 3% trong hai năm 2020 – 2021. Nghiên cứu cho biết, so với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm trước đại dịch là 2.6%, nền kinh tế Thụy Điển đã mất khoảng 1 năm tăng trưởng. Tuy nhiên, “các quốc gia có tỷ lệ phong tỏa cao hơn sẽ mất từ ​​1 đến 3 năm tăng trưởng kinh tế.”

“Nói cách khác, nền kinh tế Thụy Điển bị ảnh hưởng do đại dịch, nhưng vẫn có thể duy trì tốc độ tăng trưởng dương vì Thụy Điển không áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt như các quốc gia khác.”

Các biện pháp phong tỏa cũng có tác động đến tài khóa. Thâm hụt ngân sách của Thụy Điển do các hạn chế về COVID-19 chưa đến 3% GDP. Các quốc gia áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt hơn có mức thâm hụt cao hơn. Chẳng hạn, Vương quốc Anh có mức thâm hụt ngân sách là 27%, Ý là 17% và Pháp là 16%.

Sau đại dịch, Thụy Điển có tỷ lệ nợ/GDP là 36% vào cuối năm 2021, chỉ cao hơn một chút so với mức 35% trước đại dịch. Đến cuối năm 2022, con số đó đã giảm xuống còn 34%.

Ngược lại, tỷ lệ nợ/GDP của Pháp sau đại dịch còn cao hơn cả Hy Lạp vào năm 2009 khi bắt đầu cuộc khủng hoảng nợ ở Âu châu.

Nghiên cứu cho biết, “Các biện pháp tài khóa mở rộng chưa từng có có thể là cần thiết để trợ giúp các doanh nghiệp và hộ gia đình vượt qua đại dịch và các đợt phong tỏa. Tuy nhiên, chi phí tài chính của các biện pháp này trở nên cực kỳ cao ở những quốc gia chọn tỷ lệ phong tỏa cao hơn.”

Các nhà nghiên cứu khuyến nghị rằng bất kỳ phản ứng nào đối với cuộc khủng hoảng đại dịch trong tương lai “cũng nên tập trung vào tầm nhìn dài hạn.”

“Về lâu dài không phải tất cả chúng ta đều tử vong – nhiều người phải sống với hậu quả của việc ứng phó với khủng hoảng đại dịch. Điều quan trọng là các chính sách ứng phó với khủng hoảng không được gây hại nhiều hơn là có lợi.”

Nghiên cứu được thực hiện bởi hai giáo sư Frederick N.G. Andersson và Lars Jonung, từ Đại học Lund ở Thụy Điển.

Ông Andersson là nhà kinh tế vĩ mô chuyên về các chuyển đổi kinh tế dài hạn. Ông Jonung là giáo sư danh dự tại Khoa Kinh tế của trường đại học và từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng Chính sách Tài chính Thụy Điển trong giai đoạn 2012 – 2013.

Một loạt tác hại của việc phong tỏa

Những nghiên cứu khác cũng cho thấy các tác hại chi tiết liên quan đến việc phong tỏa.

Một báo cáo do tổ chức tư vấn Trung tâm Công bằng Xã hội (CSJ) công bố năm ngoái cho thấy đại dịch COVID-19 chính là “thuốc nổ” thổi bùng “khoảng cách giữa những người có thể vượt qua và những người bị mắc kẹt ở đáy” ở Vương quốc Anh.

“Trong thời gian phong tỏa: số cuộc gọi tới đường dây trợ giúp lạm dụng gia đình đã tăng 700%; bệnh tâm thần ở người trẻ tăng từ 1/9 lên 1/6; và gần 1/4 là những đứa trẻ vị thành niên; tỷ lệ nghỉ học đã tăng 134%,” báo cáo cho biết.

Ngoài ra, “thêm 1.2 triệu người nhận trợ cấp trong độ tuổi lao động; thêm 86% người tìm kiếm sự giúp đỡ để cai nghiện; các tù nhân bị nhốt hơn 22 giờ mỗi ngày và cứ ba phút lại có một hộ gia đình trở thành vô gia cư.”

Trong một cuộc phỏng vấn với Bill Maher năm ngoái, Scott Galloway, giáo sư tiếp thị tại Trường Kinh doanh Stern của Đại học New York, thừa nhận rằng quyết định thúc đẩy các chính sách phong tỏa khắt khe hơn trong đại dịch COVID-19 của ông là sai lầm.

“Tôi đã tham gia hội đồng quản trị trường học của các con tôi trong thời gian xảy ra đại dịch COVID. Tôi muốn có một chính sách phong tỏa nghiêm ngặt hơn, và nhìn lại, tôi đã sai. … Thiệt hại đối với trẻ em do phải nghỉ học dài hơn còn lớn hơn rủi ro.”

Khánh Nam biên dịch.

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times.

Naveen Athrappully
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Anh Naveen Athrappully là một phóng viên tin tức đưa tin về các sự kiện kinh doanh và thế giới cho The Epoch Times.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn