Nghiên cứu: Nam giới tăng cân sau khi kết hôn

Người dân Tây phương có xu hướng tăng “chất béo hạnh phúc” sau khi kết hôn, nhưng một nghiên cứu mới đã xác nhận rằng, hiện tượng này cũng xảy ra ở Trung Quốc, đặc biệt là ở nam giới.

Một nghiên cứu mới tiết lộ điều mà nhiều người vẫn nghi ngờ: Nam giới tăng cân sau khi kết hôn.

Được biết đến một cách rộng rãi với cái tên là “chất béo hạnh phúc,” hiện tượng này thường xảy ra ở một số xã hội Tây phương phát triển. Nghiên cứu này đã thực hiện để xem liệu hiệu ứng này có xảy ra ở Trung Quốc hay không. Kết quả cho thấy, hôn nhân có liên quan đến việc tăng 5.2% tình trạng thừa cân ở nam giới và tăng 2.5% tình trạng béo phì ở các cặp vợ chồng từ 18 đến 45 tuổi.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy nguyên nhân chính gây tăng cân là do ít tập thể dục và ăn nhiều thực phẩm có hàm lượng calorie cao.

Ngược lại, không có xu hướng tăng cân rõ ràng ở phụ nữ Trung Quốc sau khi kết hôn.

Nghiên cứu được công bố trên Economics & Human Biology (Tập san Kinh tế & Sinh học Người) cho thấy chỉ số BMI của nam giới tiếp tục tăng trong vòng 5 năm đầu sau khi kết hôn trước khi ổn định.

Để xác định ảnh hưởng của hôn nhân đến cân nặng, nhóm nghiên cứu đã xem xét dữ liệu từ Khảo sát về Dinh dưỡng và Sức khỏe Trung Quốc. Cuộc khảo sát do Trung tâm Dân số Carolina tại University of North Carolina và Viện Dinh dưỡng và An toàn Thực phẩm Quốc gia tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc thực hiện, dữ liệu này bao gồm các thông tin có giá trị hơn 25 năm về dinh dưỡng, hoạt động thể chất, và sức khỏe của người dân Trung Hoa.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy cả nam giới và phụ nữ kết hôn từ năm 1989 đến năm 2015 đều tăng cân, mặc dù nam giới tăng cân nhiều hơn. Kết quả cũng cho thấy rằng những người đã kết hôn tăng cân nhiều hơn những người chưa lập gia đình. Ví dụ, chỉ số BMI trung bình của nam giới đã kết hôn cao hơn một điểm (22.41) so với nam giới chưa kết hôn (21.40). Chỉ số BMI trung bình ở phụ nữ đã kết hôn là 21.86, trong khi ở phụ nữ chưa kết hôn là 20.94. Ngoài ra, tình trạng béo phì ở người đã lập gia đình cao hơn người chưa lập gia đình; tỷ lệ này ở nam giới đã kết hôn là 5.76% so với 3.96% ở nam giới chưa kết hôn. Tỷ lệ béo phì ở phụ nữ đã kết hôn là 3.75% so với 1.90% ở phụ nữ chưa kết hôn.

Các tác giả lưu ý rằng phần lớn các cặp đã kết hôn có xu hướng ăn nhiều hơn, dành ít thời gian tập thể dục hơn và dành nhiều thời gian để xem TV hơn hoặc tham gia vào một số hoạt động ít vận động khác. Trên thực tế, nam giới và phụ nữ chưa kết hôn dành thời gian cho thể thao gần gấp đôi so với những người đã kết hôn.

Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng sự gia tăng chỉ số BMI và tình trạng béo phì sau khi kết hôn của người dân Trung Hoa “phù hợp với hầu hết các nghiên cứu của Tây phương và cho thấy rằng việc bước vào mối quan hệ hôn nhân đóng một vai trò quan trọng trong những thay đổi về thể chất của một người trong suốt cuộc đời của họ.”

Tình trạng béo phì tiếp tục đe dọa sức khỏe quốc gia

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), tại Hoa Kỳ, gần 1/3 người trưởng thành được coi là thừa cân và hơn 40% người dân được coi là béo phì. Cứ 11 người trưởng thành thì có một người bị béo phì trầm trọng. Những nguy cơ sức khỏe liên quan đến tình trạng béo phì bao gồm bệnh tim, tai biến mạch máu não, tiểu đường loại 2 và một số loại ung thư, được coi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong sớm, có thể phòng ngừa được, theo CDC.

Nhóm nghiên cứu cho biết, những phát hiện này nêu bật tầm quan trọng của việc khuyến khích hoạt động thể chất và quản lý sức khỏe trong gia đình, đồng thời gợi ý với các cơ quan y tế và chính sách y tế cộng đồng nên ra thông điệp hướng tới các cặp vợ chồng mới cưới.

Nhóm nghiên cứu lưu ý rằng, hôn nhân có thể được coi là “một kênh can thiệp” để giải quyết các nhu cầu quản lý cân nặng tiềm ẩn. Những can thiệp vào hành vi có thể đặc biệt có lợi trước khi một cặp vợ chồng có con.

Suy cho cùng thì tình trạng béo phì ở trẻ em cũng đang gia tăng. CDC báo cáo tỷ lệ béo phì ở trẻ em đã tăng vọt lên gần 20%. Tình trạng béo phì ở trẻ em có thể gây ra những vấn đề tương tự ở trẻ em như người lớn, bao gồm huyết áp cao, cholesterol cao, tiểu đường loại 2, hen suyễn, ngưng thở khi ngủ và các vấn đề về khớp.

“Do mối tương quan giữa tình trạng béo phì và các bệnh khác nhau, các thành viên trong gia đình, đặc biệt là nam giới, nên ưu tiên quản lý sức khỏe và thể lực, đồng thời nuôi dưỡng các mối quan hệ thân mật trong gia đình qua hôn nhân,” nhóm nghiên cứu cho biết và nói thêm rằng “các biện pháp can thiệp có mục tiêu và cá nhân hóa hơn có thể phù hợp hơn với phụ nữ.”

Khánh Nam biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Amie Dahnke
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Amie Dahnke là một nhà văn và biên tập viên tự do ở tiểu bang California. Bà đưa tin về báo chí cộng đồng và tin tức chăm sóc sức khỏe trong gần một thập niên và đã đạt Giải thưởng Xuất bản Báo chí California cho các tác phẩm đã đăng.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn