Nghiên cứu: Phơi nhiễm với hóa chất độc hại khi đeo khẩu trang phòng chống COVID-19

Một số người coi khẩu trang là tiêu chuẩn vàng trong đồ bảo hộ chống COVID-19. Tuy nhiên, điều này có thể gây ra nhiều vấn đề hơn mong đợi.

Kết quả từ một nghiên cứu được công bố trên Tập san Ecotoxicology and Environmental Safety (Chất Độc Sinh Thái và An Toàn Môi Trường) vào tháng Năm, đã cho thấy khẩu trang đeo bó sát thải ra chất độc gây nguy hại đáng kể cho người dùng.

Các nhà nghiên cứu từ Nam Hàn đã đo số lượng và nồng độ các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) phát ra từ một số loại khẩu trang khác nhau, bao gồm khẩu trang cotton và khẩu trang KF94 — một loại khẩu trang dùng một lần phổ biến tương tự như khẩu trang N95.

Bốn loại VOC được phát hiện trong khẩu trang KF94 có nồng độ cao hơn 22.9–147 lần so với các loại khẩu trang khác làm từ vải như cotton. Tổng số VOC gấp 14 lần so với khẩu trang cotton. Trong một số khẩu trang KF94, con số đạt tới ngưỡng đủ cao để gây rủi ro nghiêm trọng cho sức khỏe con người.

Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA), VOC là hóa chất nhân tạo có thể bay hơi ở nhiệt độ phòng, thường “được sử dụng và sinh ra trong sản xuất sơn, dược phẩm và chất làm lạnh.”

Hít phải các VOC có thể gây ra những hệ quả sau:

  • Kích ứng mắt, mũi và họng.
  • Khó thở.
  • Nhức đầu.
  • Buồn nôn.
  • Tổn thương hệ thần kinh trung ương và các cơ quan khác.
  • Ung thư (một số trường hợp ở động vật và các trường hợp nghi ngờ hoặc đã biết ở người).

Nồng độ VOC cao hơn ở thời điểm và nhiệt độ nhất định

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng nồng độ VOC dao động tùy thuộc vào nhiệt độ môi trường và thời điểm KF94 được lấy ra khỏi bao bì. Khi nhiệt độ của khẩu trang KF94 tăng lên 104ºF (40ºC), nồng độ tăng từ 119 đến 299%. Nồng độ giảm 80% sau khi lấy khẩu trang ra khỏi bao bì 30 phút.

Các tác giả nhấn mạnh rằng có thể giảm được nguy cơ từ việc đeo khẩu trang.

Họ viết, “Rõ ràng là phải đặc biệt chú ý đến VOC liên quan đến việc sử dụng khẩu trang KF94 [và tác động của khẩu trang] đối với sức khỏe con người”.

Các tác giả kết luận, “Dựa trên những phát hiện của chúng tôi, chúng tôi đề nghị rằng trước khi đeo khẩu trang KF94, mỗi sản phẩm nên được mở ra và không đeo trong ít nhất 30 phút, từ đó giảm tổng nồng độ VOC xuống mức không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.”

Các chất độc khác và hội chứng kiệt sức do đeo khẩu trang

Một nghiên cứu năm 2022 cũng nêu bật các hóa chất độc hại được tìm thấy trong một số khẩu trang và một danh sách dài những hậu quả có thể xảy ra khi đeo.

Phthalate là hóa chất được sử dụng rộng rãi có khả năng hủy hoại hệ thống nội tiết và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Mặc dù phthalate được cho là làm khẩu trang linh hoạt và mềm dẻo hơn, nhưng chúng ta phải trả giá đắt khi lựa chọn thoải mái hơn là an toàn.

Thay vì liên kết hóa học với vật liệu, phthalate được sử dụng như một chất phụ gia có thể hít, nuốt hoặc hấp thụ qua da. Tiếp xúc với chất này có hại cho sự phát triển thần kinh và sinh sản.

Các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc đã phát hiện thấy chất phthalate độc hại trong 56 mẫu khẩu trang được thu thập từ một số quốc gia. Theo kết quả từ nghiên cứu được công bố trên Tập san Hazardous Materials (Vật Liệu Nguy Hiểm), gần 90% mẫu có chứa chất gây ung thư tiềm ẩn, cho thấy rủi ro có thể lấn át mọi lợi ích của việc đeo khẩu trang, trừ khi nồng độ và loại hóa chất được kiểm soát trong giới hạn an toàn.

Một tổng quan toàn diện được công bố trên Front Public Health vào tháng Tư cho thấy tác động tiêu cực đáng kể của cả khẩu trang phẫu thuật và khẩu trang N95. Các tác dụng phụ liên quan đến việc đeo khẩu trang bao gồm:

  • Độ bão hòa oxy giảm.
  • Giảm thông khí phút.
  • Tăng lượng carbon dioxide trong máu.
  • Tăng nhịp tim, huyết áp và nhiệt độ da.
  • Mức độ khó chịu cao hơn.
  • Khó thở.
  • Nhức đầu.
  • Mụn.
  • Kích ứng da.
  • Chóng mặt.

Các tác giả đánh giá đã viết, “Khẩu trang cản trở việc hấp thụ O₂ và loại bỏ CO₂ cũng như làm tổn hại đến khả năng bù trừ hô hấp. Các kết quả xác nhận một cách độc lập sự tồn tại hội chứng kiệt sức do khẩu trang (MIES) và các rối loạn chức năng chuyển hóa sinh lý theo sau. MIES có thể gây ra những hậu quả lâm sàng lâu dài, đặc biệt đối với các nhóm dễ bị tổn thương. Cho đến nay, một số triệu chứng liên quan đến khẩu trang có thể đã bị hiểu sai thành các triệu chứng COVID-19 kéo dài. Trong mọi trường hợp, MIES có thể trái ngược với định nghĩa về sức khỏe của WHO.”

Một tháng sau, nghiên cứu đã bị rút lại. Lý do rút lại được đưa ra là “bài báo không đáp ứng các tiêu chuẩn về tính đúng đắn khoa học và biên tập của Tập san Frontiers in Public Health (Lĩnh vực Sức Khỏe Cộng Đồng).”

Sự trở lại của “lệnh” đeo khẩu trang?

Quyết định đeo khẩu trang đang trở thành một chủ đề nóng trên khắp Hoa Kỳ khi quốc gia này chứng kiến số ca nhiễm gia tăng và có sự xuất hiện của một biến thể COVID mới là EG.5. Câu hỏi về việc có nên bắt buộc đeo khẩu trang một lần nữa lại tràn ngập xã hội, khi các quy định bắt buộc âm thầm quay lại.

Đại học Morris Brown College đã khôi phục quy định đeo khẩu trang như một biện pháp phòng ngừa kéo dài hai tuần do số trường hợp được báo cáo ở khu vực Atlanta ngày càng tăng. Theo tài khoản Instagram chính thức của trường, sinh viên và giảng viên đều phải đeo khẩu trang. Giảng viên có thể bỏ khẩu trang nếu ở trong văn phòng một mình.

Một số hệ thống bệnh viện đã khôi phục quy định đeo khẩu trang. Bệnh viện UMass Memorial đã xác nhận trong một tuyên bố vào tuần trước rằng họ sẽ áp dụng lại việc đeo khẩu trang cho nhân viên, bệnh nhân và khách được miễn.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đề nghị đeo khẩu trang khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng kín. Quyết định dựa trên số trường hợp nhập viện do COVID trong quận này. CDC cũng đề nghị người lớn tuổi và những người bị suy giảm miễn dịch, hoặc bất kỳ ai có nguy cơ cao bị bệnh nặng do COVID-19 đều nên đeo khẩu trang.

Đại Hải biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Mary Gillis
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Mary Elizabeth Gillis là ký giả về sức khỏe và chuyên gia về tim phổi với hơn một thập niên kinh nghiệm. Sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ về sinh lý học ứng dụng, bà lấy bằng thạc sĩ khoa học báo chí tại Đại học Columbia.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn