Nghiên cứu: Phụ nữ dưới 50 tuổi có nhiều khả năng bị ung thư phổi hơn nam giới

Đàn ông Mỹ từng có tỷ lệ ung thư phổi cao hơn, nhưng nghiên cứu mới cho thấy ngày càng có nhiều phụ nữ gặp căn bệnh nguy hiểm này.

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, số lượng bệnh nhân được chẩn đoán bị ung thư phổi đã thay đổi, với tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở phụ nữ trẻ thay vì nam giới trẻ tuổi. Điều đáng lo ngại là nghiên cứu mới cho thấy xu hướng này cũng đang lan sang các nhóm phụ nữ ở độ tuổi lớn hơn.

Các tác giả của bài báo đăng trên Journal of the American Medical Association (Tập San Ung Thư Của Hiệp Hội Y Khoa Hoa Kỳ – JAMA) đã kiểm tra tỷ lệ mắc bệnh ung thư phổi và phế quản từ năm 2000 đến năm 2019 theo từng khoảng thời gian 5 năm, tập trung vào giới tính, tuổi tác và năm chẩn đoán của bệnh nhân.

Kết quả phân tích cắt ngang cho thấy tỷ lệ mắc bệnh ung thư phổi ở nam giới giảm mạnh hơn từ năm 2000 đến năm 2004 và từ năm 2015 đến năm 2019. Ngược lại, tỷ lệ mắc bệnh ở phụ nữ từ 35 đến 54 tuổi lại tăng lên trong những giai đoạn này, chứng tỏ điều mà các nhà nghiên cứu gọi là [xu hướng] “đảo ngược trong tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới” [Trước đây cao, bây giờ thấp hơn].

Ở những bệnh nhân từ 50 đến 54 tuổi, tỷ lệ trên 100,000 người ở nam giới giảm hơn gấp đôi so với nữ giới, với mức giảm lần lượt là 44% và 20%. Nghĩa là tỷ số nữ và nam tăng từ 0.73 trong những năm 2001–2004 lên 1.05 trong những năm 2015–2019. Phụ nữ chỉ có tỷ lệ mắc bệnh thấp hơn nam giới [khi so sánh ở] những người từ 55 tuổi trở lên. Tuy nhiên, khoảng cách đã thu hẹp khi thời gian trôi qua.

Nghiên cứu được xây dựng dựa trên một bài viết năm 2018 do Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ tài trợ.

Nghiên cứu: Phụ nữ dưới 50 tuổi có nhiều khả năng bị ung thư phổi hơn nam giới
(“Những thay đổi về tỷ lệ mắc ung thư phổi theo giới tính và nhóm tuổi trong từng mốc 5 năm từ 2000-2004 đến 2015-2019,” Tác giả: Ahmedin Jemal, DVM, PhD; Elizabeth J. Schafer, MPH; Hyuna Sung, PhD; Priti Bandi, Tiến sĩ; Tyler Kratzer, MPH; Farhad Islami, MD, Tiến sĩ; Rebecca L. Siegel, MPH; Ảnh được cho phép bởi JAMA Oncology)

Xu hướng đáng lo ngại

Những phát hiện này khiến các nhà nghiên cứu lo ngại không chỉ vì ngày càng có nhiều phụ nữ bị ảnh hưởng hơn mà còn vì không phải tất cả các bệnh ung thư phổi và phế quản đều bắt nguồn từ việc hút thuốc lá. Nhiều nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa rõ.

Tiến sĩ Ahmedin Jemal, phó chủ tịch cao cấp về giám sát và khoa học công bằng sức khỏe tại Hiệp Hội Ung Thư Hoa Kỳ, đồng thời là tác giả chính của bài viết cho biết, “Chúng tôi không biết tại sao hiện giờ tỷ lệ mắc ung thư phổi trong những người trẻ và trung niên ở phụ nữ lại cao hơn nam giới, vốn ngược lại [so với] trước đây. [Mặc dù] tỷ lệ hút thuốc lá (yếu tố nguy cơ chính gây ung thư phổi ở Hoa Kỳ) ở phụ nữ trẻ không cao hơn so với nam giới trẻ tuổi.”

Phụ nữ Á Châu có nguy cơ [bị bệnh] do di truyền?

Phụ nữ Á Châu có thể bị ung thư phổi do yếu tố di truyền – ngay cả khi họ chưa bao giờ hút thuốc lá.

Trong một bài viết trên tập san Nature Genetics, các nhà nghiên cứu đã trình bày những khám phá về ba gene di truyền khiến phụ nữ Á Châu không hút thuốc [nhưng vẫn] bị ung thư phổi, khác với bệnh ung thư phổi liên quan đến hút thuốc.

Tổng quan nghiên cứu bao gồm 14 nghiên cứu, [với số người tham gia] gồm hơn 10,000 phụ nữ Á Châu chưa bao giờ hút thuốc và nhóm đối chứng. Kết quả cho thấy những điểm khác biệt trong DNA của những người tham gia tại ba vị trí – hai trên nhiễm sắc thể số 6 và một trên nhiễm sắc thể số 10 – có liên quan đến ung thư phổi ở phụ nữ Á Châu không bao giờ hút thuốc.

Thống kê hút thuốc

Theo Trung Tâm Kiểm Soát Và Phòng Ngừa Dịch Bệnh Hoa Kỳ (CDC), hút thuốc lá vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh và tử vong có thể phòng ngừa được ở Hoa Kỳ. [Trong đó], 90% tổng số ca tử vong do ung thư phổi (gần nửa triệu ca mỗi năm) có liên quan đến hút thuốc lá. Hút thuốc lá gây thiệt hại cho hệ thống chăm sóc sức khỏe khoảng 600 tỷ USD mỗi năm. Tính đến năm 2021, gần 11% người Mỹ hút thuốc.

Tiến sĩ Jemal đã nhắc lại những con số thống kê đáng lo ngại của CDC trong cùng một bản tin, nhằm kêu gọi những nỗ lực lớn hơn để tìm kiếm giải pháp.

Ông nói, “Ung thư phổi vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư ở Hoa Kỳ, với 80% trường hợp [bị bệnh] và tử vong là do hút thuốc lá.” Để giảm bớt gánh nặng bệnh tật ở phụ nữ trẻ và trung niên, Tiến sĩ Jemal cho biết cần có nhiều nguồn lực hơn để đẩy mạnh việc cai thuốc lá từ [các tổ chức] y tế cộng đồng và các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, đồng thời mở rộng phúc lợi Medicaid để chi trả chi phí của các chương trình phòng ngừa và sàng lọc phổi [thay cho người dân].

Ông nói thêm, “Ngoài ra, cần nghiên cứu sâu hơn để làm sáng tỏ nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc ung thư phổi cao hơn ở phụ nữ trẻ và trung niên.”

Những cách giúp bạn bỏ thuốc lá

Có thể phải mất từ 8 đến 11 lần cố gắng mới bỏ được thuốc lá, nhưng chúng ta có thể làm được điều này. CDC khuyến nghị các phương pháp để [cai thuốc lá] thành công:

1. Tạo môi trường không hút thuốc

  • Vứt tất cả thuốc lá trong nhà, xe hơi và tại nơi làm việc trước khi bạn cai thuốc.
  • Vứt bỏ những đồ vật bạn [thường] sử dụng khi hút thuốc, như bật lửa, diêm và gạt tàn.
  • Giặt quần áo và bất kỳ thứ gì có mùi khói thuốc lá.

2. Nói với mọi người rằng bạn đang cố gắng bỏ thuốc lá

  • Nói với những người thân quen rằng bạn dự định bỏ thuốc lá.
  • Hãy yêu cầu họ ủng hộ quyết định của bạn, đặc biệt là những đồng nghiệp hiện đang hút thuốc, bằng cách yêu cầu họ không hút thuốc xung quanh bạn và hạn chế mời bạn hút thuốc.
  • Hãy nói điều này cho nhóm chăm sóc sức khỏe của bạn, bao gồm bác sĩ chăm sóc ban đầu, nha sĩ, nhân viên tư vấn, dược sĩ và y tá. Họ có thể trợ giúp và đưa ra gợi ý về cách bỏ thuốc.

3. Hãy chú ý đến những cám dỗ

  • Tránh xa những nơi bán thuốc lá.
  • Tránh những tình huống bạn sẽ bị cám dỗ hút thuốc và ở những nơi có sẵn thuốc lá.
  • Hủy đăng ký nhận bất kỳ công ty tiếp thị thuốc lá nào gửi cho bạn các chương trình khuyến mãi hoặc tờ rơi quảng cáo sản phẩm của họ qua email.

Vân Hi biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Mary Gillis
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Mary Elizabeth Gillis là ký giả về sức khỏe và chuyên gia về tim phổi với hơn một thập niên kinh nghiệm. Sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ về sinh lý học ứng dụng, bà lấy bằng thạc sĩ khoa học báo chí tại Đại học Columbia.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn