Nghiên cứu: Tỷ lệ nhiễm COVID-19 cao hơn ở người đeo khẩu trang thường xuyên

Những người đeo khẩu trang có tỷ lệ lây nhiễm cao hơn tới 40%, mâu thuẫn với các nghiên cứu trước đó và đối lập với câu chuyện về quy định bắt buộc đeo khẩu trang.

Theo một nghiên cứu gần đây của Na Uy, những người đeo khẩu trang bảo vệ có nhiều khả năng bị nhiễm COVID-19 hơn.

Nghiên cứu đã được bình duyệt này được công bố trên tập san Epidemiology and Infection (Dịch tễ học và Nhiễm trùng) vào ngày 13/11, phân tích việc dùng khẩu trang của 3,209 cá nhân đến từ Na Uy. Các nhà nghiên cứu đã theo dõi người tham gia trong 17 ngày và sau đó khảo sát về thói quen dùng khẩu trang. Nhóm nghiên cứu nhận thấy tỷ lệ xét nghiệm dương tính với COVID-19 cao hơn ở người dùng khẩu trang thường xuyên.

Trong số những người “không bao giờ hoặc gần như không” đeo khẩu trang, 8.6% cho kết quả dương tính. Con số này tăng lên 15% ở những người “đôi khi” dùng khẩu trang và 15.1% ở những người “gần như hoặc luôn luôn” đeo khẩu trang.

Điều chỉnh các yếu tố như tình trạng chích ngừa, nghiên cứu xác định những người đôi khi hoặc thường xuyên đeo khẩu trang có tỷ lệ mắc COVID-19 cao hơn 33% so với người không bao giờ hoặc gần như không đeo khẩu trang. Tỷ lệ này tăng lên 40% ở những người hầu như hoặc luôn luôn đeo khẩu trang.

Tuy nhiên, khi điều chỉnh theo “sự khác biệt về rủi ro cơ bản theo thời gian,” nguy cơ của việc đeo khẩu trang hóa ra “ít rõ ràng hơn,” với tỷ lệ lây nhiễm chỉ cao hơn 4% ở người đeo khẩu trang.

Các nhà nghiên cứu viết: “Các kết quả này mâu thuẫn với nghiên cứu ngẫu nhiên và không ngẫu nhiên trước đó về hiệu quả của khẩu trang trong việc phòng tránh nguy cơ lây nhiễm.”

“Hầu hết các nghiên cứu đều báo cáo rằng việc đeo khẩu trang giúp giảm nguy cơ nhiễm COVID-19. Một số nghiên cứu quan sát báo cáo mức giảm nhiều lần trong khi một thử nghiệm ngẫu nhiên cộng đồng không chứng minh được mức giảm đáng kể về mặt thống kê và một thử nghiệm ngẫu nhiên cộng đồng theo cụm chỉ cho thấy mức giảm khiêm tốn.”

Các nhà khoa học đã nêu ra một hạn chế lớn trong nghiên cứu của họ: Những cá nhân dùng khẩu trang có thể làm vậy để bảo vệ người khác khỏi bị nhiễm bệnh. Điều này giải thích “mối liên quan thuận giữa nguy cơ lây nhiễm và việc dùng khẩu trang.”

Theo nghiên cứu, sự khác biệt về hành vi và thực tế mà cuộc khảo sát vốn dựa trên việc tự báo cáo cũng góp phần dẫn đến sai lệch.

Nghiên cứu cho biết cũng có khả năng những người đeo khẩu trang cảm thấy an toàn khi đeo và do đó không tuân theo các quy định khác như giãn cách xã hội, từ đó tăng nguy cơ bị COVID-19.

“Phát hiện của chúng tôi cho thấy việc đeo khẩu trang có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là mối liên quan này có thể là do sự khác biệt không thể quan sát và điều chỉnh giữa những người đeo và không đeo khẩu trang,” các nhà nghiên cứu cho biết.

“Vì vậy, cần phải thận trọng khi diễn giải kết quả từ nghiên cứu này và các nghiên cứu quan sát khác về mối quan hệ giữa khẩu trang và nguy cơ lây nhiễm. Các khuyến nghị về việc đeo khẩu trang trong cộng đồng phần lớn được đưa ra dựa trên bằng chứng có độ chắc chắn thấp từ các nghiên cứu quan sát.”

Các nhà nghiên cứu kêu gọi tiến hành nhiều thử nghiệm và nghiên cứu hơn để hiểu rõ hơn về hiệu quả của khẩu trang trong phòng ngừa lây truyền mầm bệnh qua đường hô hấp.

Nghiên cứu được tài trợ hoàn toàn bởi Viện Y tế Công cộng Na Uy và không có xung đột về lợi ích liên quan.

Quy định về khẩu trang

Nghiên cứu mới được đưa ra vào thời điểm một số khu vực ở Bắc Mỹ đang khôi phục quy định về khẩu trang trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 gia tăng.

Vào đầu tháng 11, nhiều khu vực vùng Bay Area đã ban hành các quy định về khẩu trang tại cơ sở chăm sóc sức khỏe trước mùa bệnh về đường hô hấp, khi các bệnh nhiễm trùng như COVID-19, cúm và virus hợp bào hô hấp dự kiến sẽ lây lan.

Các tiểu bang California, San Francisco, Alameda, Santa Clara, San Mateo, Marin, Contra Costa, Napa, Sonoma và Solano đã ban hành quy định đeo khẩu trang và quy tắc này vẫn có hiệu lực cho đến tháng 03 hoặc tháng 04 năm sau.

Trong khi ở một số nơi, chỉ nhân viên của cơ sở y tế phải đeo khẩu trang, những nơi khác lại yêu cầu bệnh nhân và du khách cũng cần tuân thủ.

Trường Rosemary Hills ở Maryland thông báo vào tháng 09 rằng họ đã phân phát khẩu trang KN95 cho học sinh và giáo viên, đồng thời bắt buộc đeo khẩu trang trong ít nhất 10 ngày sau khi ba học sinh trong một lớp có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.

Một tháng trước đó, các quan chức của trường trung học cơ sở Kinterbish ở Cuba, Alabama, đã yêu cầu học sinh, nhân viên và du khách đeo khẩu trang “do số ca nhiễm COVID trong khu vực tăng chậm.”

Bảy bệnh viện ở Canada cũng khôi phục quy định đeo khẩu trang vào tháng trước để “ngăn chặn sự lây truyền của COVID-19.”

Tại British Columbia, Giám đốc Y tế Tỉnh Bonnie Henry thông báo rằng nhân viên y tế, tình nguyện viên và du khách cần đeo khẩu trang “y tế” trong tất cả các cơ sở chăm sóc sức khỏe công cộng bắt đầu từ ngày 03/10.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh khuyến nghị việc đeo khẩu trang để chống lại COVID-19. “Khẩu trang là một công cụ y tế cộng đồng quan trọng và lưu ý rằng bất kỳ chiếc khẩu trang nào cũng tốt hơn là không có khẩu trang,” CDC cho biết trong bản cập nhật hồi tháng 08/2021.

Một số tiểu bang thông báo rõ rằng sẽ không bắt buộc đeo khẩu trang. Vào tháng 08, Thống đốc Texas Greg Abbott cho biết trong một bài đăng X rằng sẽ “KHÔNG có quy định về khẩu trang ở Texas.”

Tổng y sĩ tiểu bang Florida Joseph Ladapo nhấn mạnh vấn đề về sự kém hiệu quả của các chính sách đeo khẩu trang.

“Quý vị gọi việc áp dụng lại các chính sách đeo khẩu trang đã được chứng minh là không hiệu quả hay khởi động lại các giải pháp giới nghiêm được cho là gây hại là gì? Quý vị không gọi đó là lương tri,” ông nói trong một bài đăng trên X. “Những chính sách khủng khiếp này chỉ có tác dụng với sự hợp tác của quý vị. Còn việc từ chối tham gia thì sao.”

Một số nghiên cứu đã đặt câu hỏi về việc khẩu trang có thể ngăn chặn sự lây truyền virus. Một bài tổng quan được công bố vào cuối tháng 01 tại Thư viện Cochrane đã phân tích 78 thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng cho thấy khẩu trang y tế/phẫu thuật không “làm giảm rõ rệt tỷ lệ nhiễm virus đường hô hấp.”

Trong một cuộc phỏng vấn với Viện Brownstone vào tháng 02, ông Tom Jefferson, trợ giảng cấp cao tại Đại học Oxford và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết rằng chưa có “thử nghiệm thích hợp” nào về khẩu trang, với nghiên cứu ngẫu nhiên, quy mô lớn được thực hiện để kiểm tra tính hiệu quả của chúng. Thay vào đó, một số chuyên gia chỉ sau một đêm đã bắt đầu duy trì “sự sợ hãi với đại dịch.”

Thanh Ngọc biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Naveen Athrappully
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Anh Naveen Athrappully là một phóng viên tin tức đưa tin về các sự kiện kinh doanh và thế giới cho The Epoch Times.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn