Thầy thuốc kể chuyện: Ánh đèn mờ trong tâm

Thi nhân Vương Quốc Duy thời Thanh từng nói: Từ xưa đến nay, bậc đại học giả muốn thành tựu sự nghiệp vĩ đại, tất phải trải qua ba loại cảnh giới:

Cảnh giới thứ nhất:

“Tạc dạ tây phong điêu bích thụ,
Độc thượng cao lâu, vọng tẫn thiên nhai lộ.”

(Trích bài thơ “Điệp luyến hoa” của Án Thù – thời Tống)

Tạm dịch:

Đêm qua gió tây làm rụng cây biếc,
Một mình lên lầu cao, nhìn hết con đường khuất phía chân trời.

Cảnh giới thứ hai:

“Y đái tiệm khoan chung bất hối,
Vi y tiêu đắc nhân tiều tụy.”

(Trích bài thơ “Điệp luyến hoa” của Lưu Vĩnh – thời Tống)

Tạm dịch:

Đai áo rộng dần, đến cuối cùng không hối tiếc,
Vì nàng mà khiến mình tiều tuỵ.

Cảnh giới thứ ba:

“Chúng lý tầm tha thiên bách độ,
Mạch nhiên hồi thủ, na nhân khước tại đăng hỏa lan san xử.”

(Trích bài thơ “Thanh ngọc án” của Tân Khí Tật thời Tống)

Tạm dịch:

Tìm nàng giữa đám đông trăm ngàn lần,
Bỗng nhiên quay đầu lại, người ấy ở đó, dưới ánh lửa tàn.

Đây cũng là ba cảnh giới tâm cảnh sau khi cuộc đời trải qua hiện thực tàn khốc.

Một người phụ nữ 49 tuổi, làm việc ở một cơ quan nhà nước, giữ chức vụ quản lý liên quan đến các công việc công. Công việc bận rộn, cô lại chăm chỉ chịu khó trong công việc, được cấp trên đánh giá cao và khen ngợi. Cô ngày ngày cần mẫn miệt mài làm việc, cũng không màng nghỉ ngơi giữa buổi. Gần đây, có một chủ đề khiến cô chú ý, mọi người cũng đều bàn luận sôi nổi.

Có một vị doanh nhân ở Paris, Pháp, đã mua bảo hiểm có trị giá hàng trăm triệu. Sau khi doanh nhân này chích ngừa một liều vaccine COVID-19 thử nghiệm thì qua đời. Công ty bảo hiểm từ chối thanh toán tiền bảo hiểm cho gia đình ông, người nhà của ông đệ đơn kiện lên tòa án. Tòa án phán quyết, tác dụng phụ của liều vaccine COVID-19 thử nghiệm hẳn là đã được công bố công khai. Tòa án nhấn mạnh, pháp luật của nước Pháp không bắt buộc mọi người chích ngừa vaccine, người qua đời đã tự nguyện chích vaccine. Vì vậy, tòa phán quyết trường hợp của vị doanh nhân này về cơ bản là một kiểu tự sát.

Dịch bệnh COVID-19 bùng phát, cô thấp thỏm lo sợ đi chích vaccine. Ngày hôm sau, cô sốt lên đến 39oC. Trong thời gian dịch bệnh diễn ra, bị sốt là một việc rất hệ trọng, khiến đồng nghiệp ở văn phòng, người thân ở nhà đều lo sợ. Mọi người sợ hãi không thôi. Không lâu sau đó, đồng nghiệp nhìn thấy khi cô đi bộ, giống như chân không chạm đất, bước lảo đảo không vững. Cô tự cảm thấy vô lực từ phần eo trở xuống. Ban đêm, cô hoàn toàn không mắc tiểu, khi cố gắng đi tiểu thì chỉ đi được 2-3 giọt; cô còn đau ngực, nên lập tức đi bệnh viện khám bệnh.

Bác sĩ lập tức cho cô nhập viện, dùng kim châm vào bụng trái, chân trái và bàn chân trái của cô, vậy mà cô hoàn toàn không có cảm giác gì, cũng không biết đau. Nhập viện đến ngày thứ tư, trải qua một loạt các xét nghiệm, cuối cùng sau khi dùng máy điện não quét cắt lớp, mới xác định được nguyên nhân bệnh. Bác sĩ nói rằng đó là do chích vaccine gây ra viêm tủy sống cấp tính, tổn thương từ đốt sống cổ thứ ba đến đốt sống ngực thứ hai. Do chích vaccine mà dẫn tới bệnh tật, nghe tin này xong, cô thực sự không ngờ đến, cảm thấy thật oan uổng!

Bác sĩ đã dùng Steroid liều lượng lớn để điều trị, sau 8 ngày cô được xuất viện. Sau khi xuất viện, hàng ngày cô bị đau eo lưng, cảm giác căng cứng và tê ở đốt sống ngực rất mạnh, nghiêm trọng đến mức không thể nằm ngủ được, ngày ngày mất ngủ, rất khổ sở. Lại thêm công việc bận rộn, cô cảm thấy dường như không thể chịu đựng nổi.

Viêm tủy sống cấp tính là gì

  • Còn được gọi là viêm tủy sống ngang cấp tính, là một trong những loại viêm tủy sống phổ biến nhất trong lâm sàng.
  • Đây là một loại bệnh tự miễn.
  • Đa số thường xảy ra ở những người lứa tuổi trung niên, với độ tuổi phát bệnh cao nhất là từ 10-19 tuổi và từ 30-39 tuổi, không phân biệt giới tính. Bệnh dễ xảy ra vào các thời kỳ giao mùa như thu đông, đông xuân. Bệnh phổ biến hơn trong số những người làm nông nghiệp.
  • Vị trí tổn thương của bệnh chủ yếu ở đoạn ngực, tiếp theo là ở cổ, ít gặp ở đoạn thắt lưng và xương cùng.

Nguyên nhân của bệnh viêm tủy sống

Đến nay vẫn chưa biết được nguyên nhân của bệnh, chỉ dự đoán về các nguy cơ sau khi mắc phải:

  • Chích vaccine.
  • Nhiễm virus, bao gồm Epstein-Barr virus (EBV), cytomegalovirus (CMV), và nhiễm Mycoplasma.
  • Nhiễm các bệnh như cảm cúm, thủy đậu, sởi, Rubella, viêm tuyến nước bọt thông thường.
  • Sau khi nhiễm bệnh, không phát hiện được kháng thể virus trong dịch tủy sống.
  • Suy đoán rằng sau khi nhiễm virus, sẽ gây ra các loại phản ứng tự miễn dịch khác.

Các triệu chứng của viêm tủy sống cấp tính

  • Một tháng trước khi bệnh phát tác thường xuất hiện sốt, nhiễm trùng đường hô hấp, tiêu chảy, cảm giác khó chịu trên toàn cơ thể.
  • Đau ở gốc thần kinh ở vùng bị bệnh, cảm giác bị bó thắt ở vùng bị bệnh.
  • Rối loạn chức năng thần kinh, tay chân không có lực và mất cảm giác.
  • Liệt nửa người tạm thời. Một số bệnh nhân không có triệu chứng, đột nhiên bị liệt.
  • Bị liệt ở chi dưới, rối loạn cảm giác dọc theo các dây thần kinh, đại tiểu tiện khó khăn.
  • Vỏ tủy sưng, xung huyết, trở nên mềm, sợi lõi biến chất.
  • Tế bào viêm xung quanh mạch máu xâm nhập, màng xương sống mềm xung huyết, trở nên đục.
  • Mặt cắt tủy sống xám trắng chất giới tuyến không rõ ràng, xuất huyết dạng chấm.
  • Sốc tủy sống: suy giảm vận động ở bên dưới vùng bị đau, mất cảm giác, rối loạn chức năng cơ vòng bàng quang và trực tràng.

Tiên lượng bệnh viêm tủy sống cấp tính

  • Bệnh khởi phát đạt đỉnh điểm sau 4 giờ đến 21 ngày.
  • Nếu không có biến chứng nặng, thì sau 3-6 tháng có khả năng hồi phục cơ bản.
  • Giữ được tình trạng bình thường đã là may mắn, bệnh khó trị khỏi, sẽ để lại di chứng cả đời.
  • Xuất hiện các biến chứng như nhiễm trùng đường tiểu, lở loét, nhiễm trùng phổi.
  • Nếu là viêm tủy sống ở đốt sống cổ cao, thì tiên lượng xấu, có thể tử vong do suy hô hấp tuần hoàn trong thời gian ngắn.
  • Trường hợp viêm tủy sống nghiêm trọng, gây ra sự phá hủy các tế bào thần kinh tủy sống, tạo thành tổn thương không thể phục hồi, có thể gây liệt chân hoặc cảm giác bất thường.
  • Do tủy sống bị thiếu máu kéo dài, dẫn đến tình trạng thiếu máu thứ phát khiến tủy sống mềm và teo nhỏ, khó khôi phục, có thể gây ra tình trạng liệt và co giật vĩnh viễn.
  • Số ít trường hợp viêm tủy sống có thể xâm nhập đến thần kinh thị giác, chất trắng của não, rồi lan đến tủy sống. Gây ra viêm thần kinh thị giác tủy sống, chứng đa xơ cứng, viêm tủy sống tái phát.
  • Xuất hiện các hiện tượng phản xạ tổng thể như đổ mồ hôi, dựng lông, đại tiểu tiện mất kiểm soát, đều là dấu hiệu tiên lượng xấu.

Bệnh tự miễn là gì

  • Hệ miễn dịch là lực lượng tự vệ của cơ thể, là cơ chế phòng vệ, khi các loại vi khuẩn, virus, tế bào ung thư từ bên ngoài xâm nhập vào cơ thể, thì hệ miễn dịch lập tức sản xuất và tiết ra kháng thể để tấn công và tiêu diệt kẻ thù thâm nhập này.
  • Bệnh tự miễn là căn bệnh khi hệ thống miễn dịch không phân biệt được giữa “ta” và “kẻ thù,” tấn công các tế bào bình thường của cơ thể, tự tấn công bản thân mình. Được gọi là ung thư mạn tính.
  • Bệnh lý có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể.
  • Các vùng thường bị nhiễm bệnh: mạch máu, cơ bắp, da, khớp xương, mô liên kết, tuyến nội tiết.
  • Bệnh lý này được mô tả lần đầu tiên vào năm 1900, và được xếp vào danh sách các bệnh lý hiếm gặp.
  • Hiện tại có ít nhất hơn 120 loại thuộc bệnh này.
  • Bệnh lý phổ biến: tiểu đường type 1, chứng khô hanh, viêm da và cơ bắp, bệnh vảy nến, bệnh lupus ban đỏ hệ thống toàn thân, bệnh Kawasaki, bệnh tuyến giáp, chứng đa xơ cứng, bệnh Crohn, viêm ruột kết lở loét mãn tính, viêm khớp mạn tính.
  • Bệnh này được đưa vào danh sách các bệnh gây tổn thương nghiêm trọng trong hệ thống bảo hiểm y tế, và xếp là căn bệnh nghiêm trọng thứ ba tại Đài Loan.
  • Bệnh này ở phụ nữ chiếm 75%, tỷ lệ cao hơn nam giới, thường bắt đầu phát bệnh vào giai đoạn trưởng thành.
  • Hàng năm, có khoảng 4,000 trường hợp bệnh mới tại Đài Loan, tăng 73% trong vòng mười năm.
  • Điều trị chỉ có thể giảm nhẹ triệu chứng, không thể chữa khỏi.

Điều trị bằng châm cứu

Hệ thống miễn dịch hoạt động chủ yếu ở Thiếu âm và xuất ra ở Thiếu dương. Trong trường hợp có bệnh liên quan đến hệ thống miễn dịch, trước tiên phải điều tiết hệ miễn dịch để tránh tình trạng hỗn loạn, châm cứu ở các huyệt Bách hội, Phong trì, Khúc trì, Hợp cốc, Tam âm giao, Công Tôn. Xuất ra ở kinh Thiếu Dương, châm cứu ở huyệt Linh tuyền. Để thư giãn gân, châm các huyệt Hợp cốc, Thái xung, Dương lăng tuyền.

Để điều chỉnh tác dụng của loại Corticosteroid ở vỏ thượng thận của Thiếu âm, châm huyệt Dũng tuyền. Bổ sung khí huyết ở tủy sống, châm các huyệt Túc tam lý và Tam âm giao. Tủy sống của đốt sống ngực bị viêm đau, châm tại các huyệt Hoa đà Giáp tích, Thiên tôn, Dương lăng tuyền, Hậu khê. Thắt lưng thường xuyên đau nhức, châm ở các huyệt Trung chử, Yêu du, Ủy trung, Thừa sơn.

Tâm trạng của cô cảm thấy sợ hãi, bất an, châm các huyệt Bách hội, Hợp cốc, Thái xung, Ấn đường. Ngực thường đau tức, châm các huyệt Nội quan, Công tôn, Tâm du. Muốn giảm các tác dụng phụ bất lợi của vaccine, châm các huyệt Hợp cốc, Huyết hải, Tam âm giao, Trúc tân. Trong 14 ngày đầu, mỗi ngày đều thực hiện châm cứu, sau đó mỗi tuần châm cứu 2 lần, dùng thêm thuốc sắc uống.

Cô sống ở miền Nam, từ nơi làm việc đến phòng khám phải mất khoảng một giờ đi xe, từ phòng khám trở về nhà cũng phải mất một giờ đi xe. Cô hầu như không có thời gian dành cho gia đình và thời gian nghỉ ngơi. Sau 10 ngày châm cứu, đại khái tình trạng tinh thần của cô đã tốt lên, đau nhức ở thắt lưng có thể đẩy lùi đến chiều mới phát đau. Tôi yêu cầu cô mỗi tuần thực hiện 2 lần châm cứu.

Ánh mắt của cô lộ vẻ sợ hãi và nói rằng, cô không dám ngừng châm cứu, chỉ cần hôm nào châm cứu thì đêm đó cô có thể ngủ yên, nếu không mỗi ngày cô đều bị cảm giác đau tê thắt ở đốt sống ngực hành hạ đến không thể ngủ được.

Điều trị quá mức là không cần thiết, tôi phân tích: “Cô vừa hết giờ làm là liền đến châm cứu, lại quay về đến nhà cũng gần 9 giờ tối rồi. Cô không có thời gian dành cho gia đình, không có thời gian dành cho chồng con, cũng không có thời gian dành cho bản thân. Vội vội vàng vàng ăn cơm, tắm rửa, dọn dẹp một chút, liền chuẩn bị đi ngủ. Sáng sớm hôm sau phải đi làm, lại bắt đầu một ngày bận rộn. Như vậy quá mệt mỏi. Hạnh phúc gia đình và thời gian nghỉ ngơi đều là liều thuốc đặc biệt hữu hiệu.”

Cô vẫn tiếp tục đến châm cứu liên tục trong bốn ngày, không dám gián đoạn. Vì vậy, tôi giới thiệu một phòng mạch gần nhà của cô để cô đến đó châm cứu, nhằm giảm bớt việc đi lại vất vả. Tuy nhiên, sau một lần đến đó thì cô không chịu quay lại đó thêm lần nào nữa, vẫn kiên quyết muốn được châm cứu mỗi ngày tại phòng mạch của tôi, như vậy cô mới cảm thấy an tâm.

Các bệnh tự miễn có liên quan rất lớn với tính cách. Tôi nói: “Chính cô mới là liều thuốc đặc hiệu cho bản thân cô. Cô mới là bác sĩ giỏi nhất cho chính cô.” Cô nghe xong liền bối rối vì không hiểu.

Muốn hành động thì phải động tâm, tôi chợt nghĩ rồi nói: “Cô là người cầu toàn, so đo tính toán, thận trọng từng chi tiết, những chuyện nhỏ nhặt cũng có thể khiến cô nổi giận. Mà cuộc sống chính là những chuyện nhỏ nhặt không đáng kể. Hệ thống miễn dịch của cô luôn trong trạng thái chiến đấu. Khi căng thẳng, mệt mỏi, cơ thể dễ bị mất cân bằng, nếu không bị tiêu chảy thì sẽ là táo bón, nếu không đi sai đường, thì chính là cầm nhầm đồ vật, v.v…

Hệ thống miễn dịch cũng vậy, nếu quá lao lực, mệt mỏi, cũng sẽ phát sinh sai sót, phản ứng quá mức, chẳng khác nào để giết một con kiến ​​nhỏ mà dùng đến một chiếc xe tăng, khiến cho bản thân phải hao tốn rất nhiều tinh lực.”

Cô nghe xong thì sững sờ một lúc, sau đó hỏi: “Vậy phải làm sao bây giờ?”

Tôi vỗ vỗ nhẹ vào vai cô và nói: “Mọi việc đều tùy duyên là tốt rồi, cuộc sống đơn giản là được. Con cái khỏe mạnh vui vẻ là được, đừng vì thành tích mà thúc ép con trẻ. Chồng mình trở về nhà thì tốt rồi, không cần vì về hơi trễ một chút liền không vui. Có việc làm là tốt rồi, không nên vì không được thăng chức mà sinh ra buồn phiền, khó chịu. Để ý quá nhiều, thì cảm xúc dễ nhạy cảm.”

Cô lúng túng cười nói: “Làm thế nào mà bác sĩ lại biết được tình hình của tôi vậy?”

Tôi nói thêm: “Hệ thống miễn dịch hoạt động theo tâm trạng của cơ thể. Khi cả cơ thể và tinh thần của cô ở trạng thái cân bằng, bình thản, nó sẽ không dễ dàng bực bội nổi nóng. Nóng giận sẽ khiến cho các cơ quan trong cơ thể cũng bị ảnh hưởng bởi sự giận dữ đó. Trong lòng an bình, thì hệ miễn dịch cũng được an ổn, sẽ giúp bảo vệ được sức khỏe của cơ thể.”

Phía sau cuộc sống của mỗi người đều là do mệnh, tu mệnh cho tốt, thì vận may sẽ tự đến thôi.

Sau mệnh chính là Đạo, nếu mang tấm lòng thiện lương, thì đó chính là chính Đạo.

Sau khi cô thay đổi tâm thái, trên gương mặt cô cuối cùng cũng xuất hiện nụ cười vốn đã vắng từ lâu, cảm giác tê thắt ở cột sống cũng giảm bớt rất nhiều. Điều vui mừng nhất là chồng của cô lại có thể nhận được sự ôn nhu dịu dàng từ vợ mình. Một tháng sau, cô cảm thấy gần như khỏi bệnh rồi. Khi ấy, tình hình dịch bệnh lại trở nên nghiêm trọng, chồng của cô lo lắng cho việc đi lại của cô, vì vậy cô quyết định ngừng điều trị.

Trăm ngàn lần đi tìm thầy thuốc trị bệnh giữa chốn đông người, bỗng nhiên quay đầu nhìn lại, thì nhận thấy rằng sức khỏe nằm ngay ở chỗ ánh đèn mờ trong tâm mình.

(Bài viết được trích từ cuốn sách “Cửu cửu quy chân – thượng thiện nhược thủy” của bác sĩ Trung y Ôn Tần Dung, do Nhà xuất bản Bác Đại – Đài Loan ấn hành).

Trang bìa cuốn “Cửu cửu quy chân”. (Ảnh: Do Nhà xuất bản Bác Đại cung cấp).
Trang bìa cuốn “Cửu cửu quy chân”. (Ảnh: Do Nhà xuất bản Bác Đại cung cấp).

Lam Yên biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Ôn Tần Dung
BTV Epoch Times Hoa Ngữ
Bác sĩ Trung y Ôn Tần Dung hiện là Giám đốc Phòng khám Trung y Minh Huệ ở thành phố Đài Trung, Đài Loan. Bà đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong tiếp xúc và điều trị bằng Trung y, đã thực hiện trên 3 triệu mũi kim châm cứu. Bà lĩnh hội sâu sắc sự huyền diệu vô cùng của Trung y. Bà đã tập hợp những kinh nghiệm quý báu từ việc hành nghề y trong nhiều thập niên của mình để viết thành sách. Sau khi được ấn hành, các tác phẩm này rất được đón nhận. Trong đó, bà phân tích từ nông cạn đến thâm sâu bệnh lý, hướng điều trị. Đồng thời bà rất chú trọng và quan tâm đến trạng thái tâm lý, cảm xúc của bệnh nhân, cố gắng giải khai những khúc mắc tâm lý của họ, vì bà quan niệm rằng “Vạn bệnh do tâm sinh.” Bà cũng là một trong những tác giả chuyên trang Trung y trên ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn