Thưởng thức bánh Trung thu cùng trà ngon để loại bỏ dầu mỡ, giải ngán, đậm vị

Tết Trung thu lại đến, đủ các loại các kiểu bánh Trung thu khiến mọi người choáng ngợp. Ăn một miếng nhỏ bánh Trung thu, kèm với một chén trà xanh, vừa có thể thưởng thức vị ngon của bánh, vừa giúp giảm áp lực cho dạ dày.

Trong chương trình trực tuyến “Khóa giảng của bác sĩ Hồ Nãi Văn,” bác sĩ Trung y Hồ Nãi Văn của phòng khám Trung y Đồng Đức Đường Thượng Hải ở Đài Bắc, Đài Loan, cho rằng, ăn bánh Trung thu kết hợp với uống trà có thể giúp tiêu hóa, loại bỏ dầu mỡ, giảm cảm giác ngán.

Trong cuốn “Bản Thảo Thập Di” thời nhà Đường có viết: “(Trà) cửu thực lệnh nhân sấu, khứ nhân chỉ.” Điều này có nghĩa là uống trà thường xuyên có thể làm cho người ta trở nên gầy, giảm bớt lượng mỡ trong cơ thể. Người xưa cho rằng, sở dĩ lá trà có tác dụng giảm cân là vì trà có thể làm sạch cặn bã trong dạ dày, đào thải mỡ dư thừa và đờm trong cơ thể.

Bác sĩ Hồ cho biết, Lục trà (trà xanh) chưa trải qua quá trình lên men có thể loại bỏ dầu trên khuôn mặt, làm chậm quá trình lão hóa của da; uống Lục trà vào buổi sáng còn có tác dụng dưỡng tâm, giúp tinh thần tỉnh táo. Trà Ô long có thể làm giảm sự hấp thụ đường và chất béo trong cơ thể, làm giảm lượng cholesterol trong máu. Trà Phổ nhĩ lâu năm có ít caffeine, có thể giúp dạ dày dễ chịu, uống vào ban đêm có tác dụng trợ giúp giấc ngủ. Hồng trà có tác dụng sinh nhiệt làm ấm bụng, giúp dạ dày và đường ruột trong việc tiêu hóa, tăng cảm giác thèm ăn.

Bác sĩ Hồ Nãi Văn đưa ra đề nghị:

1. Những loại bánh Trung thu có vị thiên về ngọt như: nhân mứt táo, nhân đậu, hạt sen… có thể được dùng với Lục trà.

2. Những loại bánh Trung thu có nhân chứa nhiều dầu mỡ, như bánh ngũ nhân, bánh lòng đỏ trứng gà và bơ… có thể được dùng với trà Phổ nhĩ, trà Ô long.

3. Những loại bánh Trung thu có vị mặn ngọt, như bánh băng sa Đài Loan, bánh đậu xanh cam, có thể được dùng với Hồng trà, trà Ô long.

Bác sĩ Hồ cũng nhắc nhở rằng, những người bị bệnh tim, cao huyết áp, tiểu đường và tăng chức năng tuyến giáp không nên uống trà đậm.

Làm thế nào để việc thưởng thức bánh Trung thu và uống trà đạt được hiệu quả “1+1 lớn hơn 2”? Ông Dung Đức Như, người sáng lập nhà hàng Du Trà xá nói với phóng viên ấn bản Hoa ngữ của Epoch Times rằng, khi ăn bánh Trung thu kết hợp uống trà, cần cân nhắc đến độ đậm nhạt của trà và độ dầu mỡ của bánh Trung thu, đồng thời ông đề nghị ba sự phối hợp kinh điển như sau:

1. Bánh Trung thu trứng sữa có thể được dùng với Hồng trà, Nham trà.

2. Bánh Trung thu nhân hạt sen có thể được dùng với trà Phổ nhĩ chín.

3. Bánh Trung thu da tuyết (bánh dẻo không nướng, được bảo quản lạnh) có thể được dùng với Bạch trà pha ủ lạnh.

Ông Dung Đức Như đã đăng một bài viết trên trang Facebook của Du Trà xá tại Hồng Kông, cho biết trà Phổ nhĩ chín và trà Phổ nhĩ sống dùng với bánh Trung Thu đều có đặc sắc riêng.

Dùng trà Phổ nhĩ sống và thưởng thức bánh Trung Thu: trà sống chất vị tươi mát, dễ chịu, hồi vị ngọt, có thể giúp làm dịu vị ngọt hoặc cảm giác béo ngậy của bánh trong miệng sau khi ăn bánh.

Dùng trà Phổ Nhĩ chín và thưởng thức bánh Trung Thu: trà chín chất vị nồng đậm, dịu nhẹ, nước trà có chứa hương thơm của gỗ và hương gạo nếp, kết hợp với hương vị thơm nức của vỏ bánh Trung thu khi nướng. Hương vị hòa quyện với nhau, làm tăng độ đậm đà cho vị giác.

Lâm Nguyên và Trương Hiểu Tuệ thực hiện

Lam Yên biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn