WHO: Các ca bệnh nhiệt đới nghiêm trọng bùng nổ không hồi kết

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng số ca sốt xuất huyết có thể đạt mức cao kỷ lục trong năm nay.

Một quan chức của WHO cho biết ngày 21/07, tỷ lệ sốt xuất huyết đang gia tăng trên toàn cầu, với số ca nhiễm được báo cáo kể từ năm 2000 tăng gấp tám lần, đạt 4.2 triệu ca vào năm 2022.

Trong tháng Một, WHO tuyên bố rằng sốt xuất huyết là bệnh nhiệt đới lây lan nhanh nhất trên thế giới và cho rằng đây có thể là “mối đe dọa đại dịch.”

Theo báo cáo của Bộ Y tế vào tháng Ba, căn bệnh lần đầu được phát hiện ở thủ đô Khartoum của Sudan, trong khi Âu Châu báo cáo số ca tăng đột biến và Peru tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở hầu hết các khu vực.

Ông Raman Velayudhan, một chuyên gia tại bộ phận kiểm soát các bệnh nhiệt đới bị bỏ qua của WHO, nói với các nhà báo ở Geneva hôm 21/07 rằng, khoảng một nửa dân số thế giới hiện có nguy cơ bị bệnh.

Ông Velayudhan cho biết qua liên kết video, các trường hợp được báo cáo cho WHO đạt mức cao nhất chưa từng có vào năm 2019 với 5.2 triệu ca ở 129 quốc gia.

Năm nay, thế giới đang trên đà ghi nhận “thêm 4 triệu ca bệnh,” phụ thuộc chủ yếu vào gió mùa Á Châu. Ông cho biết gần 3 triệu ca được báo cáo ở Mỹ Châu, đồng thời lo ngại về sự lây lan từ phía nam sang Bolivia, Paraguay và Peru.

Argentina, nơi phải đối mặt với một đợt bùng phát sốt xuất huyết nghiêm trọng nhất trong những năm gần đây, đang khử trùng muỗi bằng bức xạ để thay đổi DNA của muỗi trước khi thả về tự nhiên.

Ông Velayudhan nói, “Khu vực Mỹ Châu chắc chắn cho thấy tình hình bất lợi và chúng tôi hy vọng khu vực Á Châu có thể kiểm soát được bệnh.”

Các quan chức của Liên minh Âu Châu cho biết tính đến ngày 08/06/2023, khoảng 2.1 triệu ca được báo cáo trên khắp thế giới, với 974 ca tử vong.

Bà Coralith Garcia, giáo sư tại trường Y khoa thuộc Đại học Cayetano Heredia ở Peru, nói với Fox News trong tuần này: “Sốt xuất huyết đang xảy ra ở các khu vực đô thị, nơi trước đây chưa từng tồn tại virus.” Bà nói thêm rằng virus đang gia tăng ở Peru vì “chúng nhiều đến mức bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra.”

Một con muỗi Aedes aegypti trên da người trong phòng thí nghiệm của Trung tâm Đào tạo Nghiên cứu Y tế và Đào tạo Quốc tế ở Cali, Colombia, ngày 25/01/2016. (Ảnh: Luis Robayo/AFP/Getty Images)
Một con muỗi Aedes aegypti trên da người trong phòng thí nghiệm của Trung tâm Đào tạo Nghiên cứu Y tế và Đào tạo Quốc tế ở Cali, Colombia, ngày 25/01/2016. (Ảnh: Luis Robayo/AFP/Getty Images)

Bà Garcia nói, “Nhưng Peru là nước có tỷ lệ tử vong do COVID cao nhất [trên] thế giới và hiện chúng tôi có một số bệnh nhân tử vong vì sốt xuất huyết, điều này cho thấy hệ thống y tế của Peru rất yếu kém.”

Sốt xuất huyết là gì?

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), sốt xuất huyết là bệnh do virus dengue 1, 2, 3 hoặc 4 gây ra. Căn bệnh lây truyền chủ yếu qua muỗi Aedes aegypti, loại muỗi mà CDC cho biết thường hoạt động vào ban ngày.

Triệu chứng phổ biến nhất của sốt xuất huyết bao gồm sốt kèm buồn nôn, nôn, phát ban, đau nhức, gồm đau mắt, đau cơ và đau xương. CDC cho biết các triệu chứng thường kéo dài từ hai đến bảy ngày.

Không có loại thuốc đặc hiệu nào để điều trị sốt xuất huyết, đôi khi được gọi là cơn sốt vỡ xương. CDC lưu ý rằng hầu hết các ca sốt xuất huyết tại Hoa Kỳ xảy ra ở những người đi du lịch tại nơi khác, mặc dù sự lây lan của bệnh đã xuất hiện ở Arizona, Hawaii, Texas và Florida.

Tiến sĩ David O. Freedman, cựu giáo sư của Đại học Alabama ở Birmingham, cho biết hầu hết bệnh nhân sốt xuất huyết đều hồi phục mà không cần nhập viện.

Ông nói với Fox News: “Ở một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân, ngay khi hết sốt, giai đoạn thứ hai (giai đoạn nguy hiểm) bắt đầu khi dịch huyết tương thoát khỏi hệ tuần hoàn và đi vào các khoang cơ thể, chẳng hạn như khoang ngực và bụng.” Trong giai đoạn này, mọi người nên theo dõi bốn triệu chứng sau: đau bụng, nôn mửa, tràn dịch trong khoang cơ thể, chảy máu từ miệng hoặc nơi khác, và hôn mê, ông nói.

Bệnh nhân cũng có thể bị “phát ban toàn thân, một triệu chứng thường phát triển trong giai đoạn nguy hiểm hoặc giai đoạn hồi phục sớm,” Tiến sĩ Freedman nói thêm rằng “nếu bệnh nhân vượt qua giai đoạn nguy hiểm, thường là nhờ vào can thiệp y tế, thì giai đoạn thứ ba, giai đoạn hồi phục, sẽ xảy ra trong khoảng ba đến bốn ngày sau đó.”

Vaccine?

Trong khi đó, công ty sản xuất dược phẩm Takeda Pharmaceutical hồi đầu tháng này cho biết họ đã tự nguyện rút đơn ghi danh ứng cử viên vaccine sốt xuất huyết sau khi thảo luận với Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ. Công ty có trụ sở tại Nhật Bản đã trích dẫn các vấn đề về thu thập dữ liệu, vốn không thể giải quyết trong chu kỳ xem xét hiện tại.

Nhà sản xuất thuốc tuyên bố, kế hoạch tương lai cho ứng cử viên TAK-003 tại Hoa Kỳ sẽ được đánh giá thêm, tùy theo nhu cầu của khách du lịch và những người sống ở các khu vực lưu hành bệnh sốt xuất huyết của Hoa Kỳ, chẳng hạn như Puerto Rico.

Dengvaxia của Sanofi, vaccine sốt xuất huyết đầu tiên trên thế giới, đã được cấp phép vào năm 2015. Tuy nhiên, việc dùng vaccine của công ty Pháp bị thu hẹp đáng kể sau khi xuất hiện thông tin cho rằng vaccine làm tăng nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng ở trẻ “có huyết thanh âm tính” hoặc những người không phơi nhiễm với sốt xuất huyết trước khi chích ngừa.

Vaccine của Takeda, có nhãn hiệu là QDENGA, được cấp phép tại Liên minh Âu Châu vào năm ngoái, có thể dùng cho những người từ 4 tuổi trở lên để ngăn ngừa bất kỳ loại nào trong số bốn loại huyết thanh của bệnh sốt xuất huyết. Theo công ty, vaccine này đã được phê duyệt ở Anh, Brazil, Argentina, Indonesia và Thái Lan.

Reuters đã đóng góp cho báo cáo này.

Thanh Ngọc biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Tin tức Việt Nam sẽ được BTV Epoch Times Tiếng Việt tổng hợp và cập nhật từng ngày, xin mời Quý độc giả cùng đón đọc.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn