Táo đỏ và gừng là sự kết hợp hoàn hảo!

Khuôn mặt của bạn trông nhợt nhạt khi soi gương? Không thể ngủ ngon vào ban đêm và bị lạnh tay chân vào mùa đông? Trong những trường hợp này, hãy ăn vài trái táo đỏ để bồi bổ!

Mỗi ngày ăn 7 trái táo đỏ: Nhuận khí huyết, giúp tinh thần tốt lên

Theo quan điểm dinh dưỡng hiện đại, táo đỏ là một kho vitamin tự nhiên, bạn cũng không sợ bị tăng cân nếu ăn chúng. Là một loại thảo dược của Trung Y, táo đỏ có thể kéo dài tuổi thọ và có rất nhiều lợi ích.

Tác dụng của táo đỏ: Nhuận khí huyết, tăng cường miễn dịch, bổ tỳ vị, hỗ trợ tiêu hóa, tăng cảm giác thèm ăn, cải thiện chứng táo bón, dưỡng tâm an thần và giúp dễ ngủ.

Táo đỏ còn được gọi là “tỳ chi quả” (loại quả của tỳ – lá lách), có tác dụng bồi bổ tỳ vị, rất thích hợp cho những người hay khó tiêu, tiêu chảy thường xuyên, đầy hơi hoặc táo bón. Khi tỳ vị được cải thiện, làn da sẽ tươi trẻ hơn, đồng thời còn có thể ngăn ngừa tình trạng tóc rụng, giúp tóc mọc đen bóng.

Cuộc sống của những nhân viên văn phòng thường căng thẳng, có nhiều cảm xúc tiêu cực, thường lướt điện thoại di động tới nửa đêm dẫn đến thiếu năng lượng làm việc vào ngày hôm sau. Vậy phải làm như thế nào để cải thiện? Giải pháp chính là ăn 7 trái táo đỏ mỗi ngày! Táo đỏ có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch, giảm mệt mỏi, giúp tinh thần phấn chấn hơn.

Có thể bỏ hạt táo đỏ rồi cho nước vào đun sôi thành trà, sau đó cho vào phích, mang đến phòng làm việc uống bất cứ lúc nào để giữ tinh thần sảng khoái.

Kết hợp hoàn hảo với gừng! Công dụng của 4 loại trà táo đỏ

Táo đỏ có thể kết hợp với các loại thảo dược khác để phát huy được nhiều tác dụng hơn:

1. Trà gừng táo đỏ: Trừ hàn thấp, không còn lạnh tay chân

Táo đỏ sinh thấp (ẩm), gừng loại trừ ẩm; táo đỏ ngăn ra mồ hôi, gừng làm đổ mồ hôi; táo đỏ bổ khí, còn gừng thì tán khí. Hai dược liệu này là một sự kết hợp hoàn hảo, dùng chúng cùng một lúc có thể đạt được hiệu quả cân bằng, tránh được bổ khí quá nhiều mà gây tắc nghẽn trong cơ thể.

Nguyên liệu: 8 trái táo đỏ, 5-10 lát gừng.

Cách làm: Sau khi đun cùng lúc 2 thứ là có thể dùng.

Gừng cả vỏ là vị thuốc lợi tiểu, vì vậy không nên gọt vỏ gừng. Uống loại trà này có thể cải thiện tình trạng tay chân lạnh vào mùa đông và tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể, ngoài ra còn có thể điều chỉnh chức năng tiêu hóa, giảm đầy hơi và viêm dạ dày.

2. Trà táo đỏ cam mạch: Thức uống tăng lực giúp vui vẻ

Trà táo đỏ cam mạch có thể làm cho tâm trạng của người uống trở nên vui vẻ, phù hợp với nhân viên văn phòng công việc căng thẳng, phụ nữ có các triệu chứng mãn kinh hoặc bị trầm cảm sau sinh.

Nguyên liệu: 10 trái táo đỏ, 6g cam thảo nướng, 30g tiểu mạch (lúa mì), 1,000ml nước.

Cách làm: Cho tất cả nguyên liệu vào nồi đun nhừ, sau đó đổ thêm hai chén nước vào nồi. Sau khi nấu có thể cho thêm chút đường nâu hoặc uống trực tiếp không đường.

Tốt nhất nên chọn loại cam thảo đã được nướng với mật ong. Táo đỏ có tác dụng an thần, cam thảo và lúa mì có thể sơ can giải uất (thông gan và giảm trầm cảm).

Bác sĩ Hồ Nãi Văn thường khuyên bệnh nhân nên uống cùng gia đình, bởi vì khi một người ốm, cả gia đình cùng vui vẻ uống trà cùng nhau thì người bệnh sẽ nhanh hồi phục hơn.

Trà táo đỏ cam mạch có thể giúp tâm trạng dễ chịu và cải thiện khả năng miễn dịch. Trung Y cho rằng “chính khí tồn nội, tà bất khả can” (chính khí đầy đủ thì bệnh tật không thể xâm phạm), khả năng của hệ thống miễn dịch được cải thiện thì virus và vi trùng sẽ không thể xâm nhập vào cơ thể.

Trà táo đỏ cam mạch có thể giúp tâm trạng dễ chịu và cải thiện khả năng miễn dịch. (Ảnh do bác sĩ Hồ Nãi Văn cung cấp)

3. Trà táo đỏ ngân nhĩ: Ích khí nhuận phế, hỗ trợ tuyến phòng thủ đầu tiên của cơ thể

COVID-19 (virus Trung Cộng, viêm phổi Vũ Hán) chủ yếu xâm nhập qua đường hô hấp, vậy nên phổi là tuyến phòng thủ đầu tiên của cơ thể. Táo đỏ có tác dụng ích khí nhuận phế, thêm Ngân nhĩ sẽ có tác dụng bảo vệ phổi và phòng dịch.

Nguyên liệu: 20g ngân nhĩ, 20 trái táo đỏ.

Cách làm: Ngân nhĩ và táo đỏ cho vào nồi đun cùng nhau, có thể cho thêm Bách hợp hoặc hạt sen.

Vì táo đỏ vốn đã ngọt nên không cần cho thêm đường, nhất là đối với những người kiêng ăn đường. Nếu thích vị ngọt hơn một chút, bạn có thể cho thêm đường phèn.

4. Trà táo đỏ trần bì: Nhuận tràng, cả người thư thái

Trong thời gian dịch bệnh, mọi người đều phải chịu nhiều áp lực, dạ dày cũng dễ bị tổn thương. Một số người có thể bị đau dạ dày, viêm dạ dày, đầy hơi hoặc trào ngược dạ dày thực quản. Vì vậy, uống trà táo đỏ trần bì là rất thích hợp.

Nguyên liệu: 10g trần bì (vỏ quýt khô), 4-5 trái táo đỏ.

Cách làm: Sau khi bỏ hạt táo đỏ thì cắt thành từng miếng nhỏ, cắt vỏ quýt khô thành từng sợi, hoặc nhờ trực tiếp nhân viên tiệm thuốc Đông y cắt thành sợi nhỏ. Cho cả hai thứ vào bình, đổ nước vừa đun sôi vào, đậy nắp trong 15 phút là có thể uống.

Trần bì có thể điều chỉnh khí của tỳ vị, ngâm cùng với táo đỏ có thể giúp dạ dày thoải mái, đồng thời giải phóng áp lực cho toàn bộ cơ thể.

Trần bì có thể điều chỉnh khí của tỳ vị, ngâm cùng táo đỏ có thể cải thiện tình trạng khó chịu ở đường tiêu hóa. (Ảnh do bác sĩ Hồ Nãi Văn cung cấp)

Cách chọn quả táo đỏ chất lượng tốt

Để táo đỏ có tác dụng tốt cho sức khỏe thì chất lượng là rất quan trọng. Để chọn được trái táo đỏ tốt thì cần dùng cả mắt, mũi và tay:

  1. Nhìn màu: Trái táo màu đỏ tự nhiên, màu sắc hơi đậm, trái táo không tốt sẽ có màu đỏ tươi.
  2. Nhìn bề mặt: Trái táo đỏ tốt có bề mặt và hình dạng hoàn chỉnh, nếp gấp nhỏ. Trái táo đỏ kém chất lượng có thể có nếp gấp quá sâu hoặc không có nếp gấp.
  3. Nhìn cùi: Sau khi bóc vỏ, nếu cùi có màu vàng đất và liên kết chặt chẽ với hạt thì đó là trái táo đỏ ngon. Nếu cùi có màu sẫm và đã tách khỏi hạt thì đó là trái táo không còn ngon nữa.
  4. Ngửi mùi vị: Trái táo đỏ chất lượng tốt sẽ có mùi thơm và ngọt, trái táo đỏ kém chất lượng sẽ có mùi hăng, thậm chí có vị chua, mốc.
  5. Sờ bề mặt: Trái táo đỏ tốt không chỉ có bề mặt nhẵn, khô mà khi ấn vào còn có cảm giác chắc tay, tức là cùi chắc và căng mọng. Trái táo đỏ không tốt, bề mặt dễ rơi ra những vụn nhỏ, khi ấn vào sẽ bị lõm và không phục hồi trở lại, không còn độ đàn hồi.
    Táo đỏ và gừng là sự kết hợp hoàn hảo!
    Táo đỏ có rất nhiều tác dụng như nhuận khí huyết, bổ tỳ vị, dưỡng tâm an thần, v.v.. (Ảnh: Shutterstock)

3 nhóm người không nên ăn nhiều táo đỏ

Mặc dù táo đỏ rất tốt nhưng có 3 nhóm người cần lưu ý về lượng dùng:

Phụ nữ bị phù nề do kinh nguyệt: Ăn táo đỏ sẽ khiến cơ thể bị phù nề nặng hơn, ăn quá nhiều dễ sinh đờm và thấp khó, đờm ẩm dễ lưu lại trong cơ thể và rất khó bài tiết ra ngoài. Tuy nhiên không có vấn đề gì với việc thêm táo đỏ vào đơn thuốc.

Người hỏa khí vượng: Vì táo đỏ có tính hơi ấm nên những người dễ bị khô miệng, hôi miệng, nứt miệng, nổi mụn nếu ăn nhiều sẽ càng vượng hỏa, triệu chứng càng nặng.

Người thường bị táo bón, tiêu chảy: Thịt và vỏ táo đỏ rất giàu chất xơ, tuy nhiên ăn nhiều không dễ tiêu hóa và có thể gây táo bón. Vì vậy, người thường xuyên táo bón nên ăn ít, người thường xuyên bị tiêu chảy ăn nhiều sẽ gây gánh nặng cho dạ dày.

Tác giả: Bác sĩ Trung Y Hồ Nãi Văn (Hu Naiwen)
Lý Thanh Phong biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn