Sơ cứu và điều trị đột quỵ theo Trung y

Đột quỵ là một tình trạng y tế xảy ra khi các mạch máu trong não bị tắc nghẽn hoặc bị vỡ. Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ năm ở Hoa Kỳ và là căn nguyên chính dẫn đến tàn tật. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cho thấy việc nhiễm COVID-19 có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.

May mắn thay, ngày càng có nhiều bằng chứng cho rằng việc kết hợp châm cứu với thảo dược Trung y có thể là cách tiếp cận mới giúp ngăn ngừa đột quỵ và cao huyết áp.

Dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) tiết lộ rằng, ở Hoa Kỳ, cứ sau 40 giây lại có người bị đột quỵ và cứ sau 3.5 phút lại có người tử vong vì đột quỵ. Mỗi năm, hơn 790,000 người Mỹ bị đột quỵ, với khoảng 610,000 người bị đột quỵ lần đầu và 185,000 người bị từ lần thứ hai trở lên.

Tăng nguy cơ đột quỵ hậu nhiễm COVID-19

Một bài đánh giá được công bố trên American Journal of Preventive Cardiology vào tháng 09/2020 cho biết tại Hoa Kỳ, đột quỵ ở người trẻ tuổi (được định nghĩa trong báo cáo là những người từ 18 đến 44 tuổi) chiếm khoảng 10 đến 15% tổng số người bị đột quỵ.

Một nghiên cứu được công bố trên tập san Nature Medicine vào tháng 9/2022 cho biết trong giai đoạn cấp tính hậu nhiễm COVID-19, “nguy cơ gặp phải một loạt các di chứng thần kinh bao gồm đột quỵ do thiếu máu cục bộ và xuất huyết não đã gia tăng.” So với nhóm đối chứng, những người hậu nhiễm virus có nguy cơ bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ tăng 50%. Đột quỵ thiếu máu cục bộ chiếm phần lớn trong tất cả các cơn đột quỵ và có thể gây ra triệu chứng thất ngôn, rối loạn nhận thức, các vấn đề về thị lực, tê bì một bên cơ thể, tổn thương não vĩnh viễn, yếu liệt và tử vong.

Hướng dẫn nhanh để xác định đột quỵ và nắm bắt cửa sổ điều trị vàng

Mỗi phút sau cơn đột quỵ đều vô cùng quý giá. Theo CDC, hiểu biết về các dấu hiệu và triệu chứng cảnh báo của đột quỵ có thể giúp bạn hoặc người quen hành động nhanh chóng và nắm bắt “cửa sổ điều trị vàng.” Xác định và chẩn đoán đột quỵ trong vòng ba giờ kể từ khi có triệu chứng đầu tiên sẽ giúp bệnh nhân giảm các nguy cơ tổn thương lâu dài đối với các chức năng thể chất.

Hãy ghi nhớ quy tắc F.A.S.T.:

  • F (Face drooping – Méo mặt): Một bên mặt của bạn có bị méo hoặc bị tê không? Kiểm tra sự đối xứng của mặt khi cười và xem miệng có bị méo hay không.
  • A (Arm weakness – Yếu tay): Bạn có bị yếu hoặc tê đột ngột ở một bên tay hoặc chân không? Kiểm tra bằng cách nâng cả hai tay lên và xem một cánh tay có bị khó nâng hoặc rơi xuống hay không.
  • S (Speech difficulty – Nói khó): Bạn có đột ngột nói khó hoặc nói lắp không? Hãy thử nói “xin chào” và có thể nói rõ ràng không.
  • T (Time – Thời gian): Gọi 911 ngay lập tức nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào ở trên. Điều này cho phép các chuyên gia y tế bắt đầu điều trị cấp cứu trong khi đưa bạn đến bệnh viện.

Kết hợp Đông Tây y để phòng ngừa và điều trị tai biến mạch máu não

Hiệp hội Đột quỵ Hoa Kỳ tuyên bố rằng 80% các cơn đột quỵ là có thể phòng ngừa được.

Một bài báo đánh giá được công bố trên Tập san Khoa học Phân tử Quốc tế năm 2017 cho biết phương pháp châm cứu đã được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị như một giải pháp thay thế và bổ sung để điều trị đột quỵ và cải thiện quá trình chăm sóc đột quỵ.

Các thử nghiệm lâm sàng và phân tích tổng hợp cho thấy châm cứu có thể tăng sức mạnh cơ bắp, cải thiện khả năng giữ thăng bằng, giảm co cứng và cải thiện tình trạng suy yếu tổng thể sau đột quỵ. Huyệt Bách Hội (GV 20), Túc Tam Lý (ST 36), và Nhân Trung (GV 26) là một số huyệt thường được dùng để điều trị đột quỵ và được chứng minh là có hiệu quả trong các nghiên cứu y học hiện đại.

Liệu pháp cứu ngải trên huyệt Túc Tam Lý và huyệt Quyết Âm Du để giảm huyết áp phòng ngừa đột quỵ

Dương Kế Châu, một nhà châm cứu từ triều đại nhà Minh, đã viết rất nhiều về việc ngăn ngừa và điều trị đột quỵ trong tác phẩm của mình, “Châm cứu Đại thành – Trị chứng tổng yếu.”

Văn bản cổ lưu ý rằng các dấu hiệu cảnh báo có thể xảy ra trước một cơn đột quỵ và sự kết hợp giữa liệu pháp đốt ngải cứu và thuốc thảo dược Trung Quốc có thể được dùng để ngăn ngừa và điều trị đột quỵ.

Theo các bài viết của Dương Kế Châu, một người có thể bị đau nhức tái phát, có cảm giác nặng nề và tê ở cẳng chân (bắp chân) từ một đến bốn tháng trước khi bị đột quỵ và những triệu chứng này thường tồn tại trong một thời gian dài trước khi thuyên giảm.

Để giải quyết vấn đề, nên áp dụng phương pháp đốt ngải cứu cho các huyệt Túc Tam Lý và huyệt Quyết Âm Du trên cả hai chân, sau đó rửa sạch vùng đó bằng nước sắc làm từ gừng, bạc hà, lá đào và lá liễu. Điều này có thể giúp trục xuất “gió” ra khỏi cơ thể.

Theo Trung y, bệnh tật được cho là do mất cân bằng trong sáu yếu tố, đó là gió, lạnh, nóng mùa hè, ẩm ướt, khô và lửa. Đột quỵ được cho là có liên quan đến “gió”, có thể bị trục xuất khỏi cơ thể thông qua châm cứu và đốt ngải cứu.

Sơ cứu và điều trị đột quỵ theo Trung y
Đốt ngải cứu trên các huyệt Túc Tam Lý và huyệt Quyết m Du thường xuyên có thể giúp giảm huyết áp và ngăn ngừa đột quỵ.(The Epoch Times)

Cuốn sách cũng đề cập rằng thời điểm tốt nhất để đốt ngải cứu các huyệt Túc Tam Lý và huyệt Quyết Âm Du là vào thời điểm chuyển mùa từ xuân sang hè và hè sang thu. Đốt ngải cứu thường xuyên, thậm chí đến mức gây ra sẹo, có thể mang lại kết quả tối ưu.

Cuốn sách cũng cho biết, phòng ngừa và điều trị đột quỵ cần điều độ trong ăn uống, lối sống và thói quen hàng ngày. Thật không may, một số người có xu hướng bỏ qua những hạn chế về ăn uống và thậm chí có thể say mê rượu và những thú vui khác, điều này có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Một câu nói phổ biến của Đông y là: “Nếu bạn muốn khỏe mạnh, đừng bao giờ để huyệt Túc Tam Lý của bạn bị khô.” Điều này có nghĩa là để duy trì sức khỏe tốt, nên thường xuyên thực hiện đốt ngải cứu trên huyệt Túc Tam Lý cho đến khi nó tạo ra các vết phồng rộp có máu, mủ và chất lỏng.

Những người thường xuyên thực hiện liệu pháp cứu ngải trên các điểm Túc Tam Lý và Quyết Âm Du ít bị các bệnh liên quan đến tuổi tác như tăng huyết áp và tiểu đường. Trước đây, tôi từng dạy châm cứu cho các học trò của mình. Một trong số họ đã dùng kỹ thuật này một cách xuất sắc và thực hiện đốt ngải cứu cho một người bạn bị huyết áp cao dai dẳng, đến mức để lại sẹo và thậm chí chảy máu. Sau khi điều trị, huyết áp của người bạn trở lại bình thường, chứng tỏ tác dụng hạ huyết áp đáng kể của phương pháp đốt ngải cứu trên huyệt Túc Tam Lý.

Cứu ngải trên huyệt Túc Tam Lý đặc biệt có lợi cho những người cao tuổi uống rượu thường xuyên, có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh tăng huyết áp và ngăn ngừa đột quỵ.

Một nghiên cứu được công bố trên Báo cáo khoa học vào năm 2021 cho thấy rằng châm cứu có thể là một phương pháp tiềm năng để điều trị chứng tăng huyết áp và cần phải nghiên cứu sâu về cơ chế hoạt động của nó. Nghiên cứu cho thấy rằng châm cứu có thể ảnh hưởng đến sự biểu hiện của các gen liên quan đến huyết áp ở chuột bị tăng huyết áp tự phát và làm giảm huyết áp bằng cách điều chỉnh angiotensin, chức năng nội mô mạch máu và tình trạng viêm.

Sơ cứu và điều trị đột quỵ theo Trung y

Ngoài mục đích phòng ngừa đột quỵ, Trung y có nhiều kinh nghiệm trong việc sơ cứu đột quỵ. Dưới đây là năm phương pháp sơ cứu đột quỵ và với các kỹ thuật phù hợp, chúng ta có thể tự cứu mình hoặc những người khác đang đối mặt với đột quỵ.

1. Điều trị đột quỵ bằng một cái hắt hơi đơn giản

Theo điển tịch Trung y “Y tông kim giám – Tạp bệnh tâm pháp yếu quyết”, một phương pháp để điều trị cơn đột quỵ khởi phát đột ngột là dùng bột Thông quan tán. Điều này liên quan đến việc thổi bột vào lỗ mũi của bệnh nhân, có thể khiến họ hắt hơi. Các thành phần trong Thông quan tán có thể tạo ra cảm giác ngứa trong mũi, khiến bệnh nhân hắt hơi và có khả năng hồi phục ý thức.

Nếu Thông quan tán không có sẵn, có thể dùng khăn giấy hoặc thứ có lông nhỏ, chẳng hạn như cọ vẽ, để kích thích lỗ mũi và khiến bệnh nhân hắt hơi. Điều này có khả năng giúp bệnh nhân tỉnh lại ngay lập tức.

2. Cứu nạn đột quỵ nhanh bằng kỹ thuật một ngón tay

Một phương pháp hiệu quả để điều trị bệnh nhân đột quỵ bị mất ý thức là ấn vào huyệt Nhân Trung, còn được gọi là huyệt Thuỷ câu trong châm cứu Trung y. Huyệt này nằm ở điểm giữa của nhân trung, là rãnh giữa mũi và môi trên. Huyệt này khi ấn vào có thể vô cùng đau đớn.

Nếu ai đó bị đột quỵ và ngã quỵ, chúng ta nên tránh di chuyển bệnh nhân vì có thể làm tình trạng xuất huyết não trở nên trầm trọng hơn. Thay vào đó, chúng ta nên gọi 911 ngay lập tức và để các chuyên gia y tế cẩn thận nhấc bệnh nhân lên cáng để vận chuyển đến bệnh viện.

3. Châm máu 10 đầu ngón tay khi cấp cứu đột quỵ

Ngoài ra, còn có một phương pháp cấp cứu đột quỵ khác gọi là “Thập tuyên phóng huyết,” tức là lấy máu ở mười đầu ngón tay, và “Thập nhị tỉnh phóng huyết,” tức là lấy máu từ mười hai tỉnh huyệt (giếng huyệt) trên tay. Trung y cho rằng kinh lạc là các thông đạo vận hành lưu thông năng lượng của cơ thể, kết nối các cơ quan nội tạng với các chi, và các huyệt nằm ở đầu của các chi gọi là “tỉnh huyệt.”

4. Đốt ngải cứu trên 7 huyệt khi đột quỵ

“Châm cứu Đại thành – Trị chứng tổng yếu” cũng đề cập rằng có một cách để cứu người trong trường hợp bị đột quỵ, đó là thực hiện đốt ngải cứu trên bảy huyệt: hai huyệt Túc tam lý, hai huyệt Quyết Âm Du, một huyệt Bách Hội (như trong hình), và hai huyệt nằm ở tai trước (như trong hình).

Ngoài ra, các thầy thuốc thời xưa cũng đề xuất một kỹ thuật gọi là phương pháp đốt ngải cứu đối bên, tức là cứu ngải ở bên không bị ảnh hưởng. Ví dụ, nếu các chi bên trái bị ảnh hưởng, thì sẽ thực hiện cứu ngải ở bên phải và ngược lại.

Sơ cứu và điều trị đột quỵ theo Trung y
Huyệt Bách Hội.(The Epoch Times)
Sơ cứu và điều trị đột quỵ theo Trung y
Huyệt nằm ở phía trước tai. (The Epoch Times)

5. Dùng Bán Hạ Thiên Ma Bạch Truật thang để ngăn ngừa đột quỵ thứ phát

Những người có tiền sử đột quỵ có thể dùng Bán Hạ Thiên Ma Bạch Truật thang để ngăn ngừa đột quỵ thứ phát. Ngoài ra, những người bị lưu thông máu lên não kém, huyết áp thấp, hay mệt mỏi và lú lẫn vào buổi chiều cũng có thể dùng thuốc sắc này.

Bán Hạ Thiên Ma Bạch Truật thang có thể giúp loại bỏ đờm và bổ khí. Tác dụng loại bỏ đờm giúp loại bỏ chất béo trong máu, do đó ngăn ngừa tăng huyết áp hơn nữa. Mặt khác, nó cũng có thể làm tăng huyết áp ở những người bị huyết áp thấp. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải tham khảo ý kiến ​​​​bác sĩ để biết liều lượng thích hợp không nên tự dùng thuốc.

*Một số loại thảo mộc được đề cập trong bài viết này có thể không quen thuộc, nhưng chúng thường có bán ở các siêu thị châu Á.

Lưu ý: Để biết kế hoạch điều trị và đơn thuốc cụ thể, vui lòng tham khảo ý kiến ​​​​bác sĩ chuyên môn.

Kim Khuê biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Anne Lee
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn