Tin Việt Nam ngày 26/9: Hơn 10,000 ca mắc mới, 184 ca tử vong, sẽ làm việc với các nước để công nhận lẫn nhau về ‘hộ chiếu vaccine’, Sài Gòn giữ lại 3 bệnh viện dã chiến có ICU
Nội dung chiều 26/9
Hoa Kỳ cam kết viện trợ Việt Nam số lượng lớn vaccine COVID-19
Sáng 26/9, tại buổi tiếp nhận vaccine, thiết bị và vật tư y tế được chuyển về Việt Nam cùng đoàn công tác của Chủ tịch nước, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang cho biết, trong khuôn khổ chuyến công tác, Việt Nam đã nhận từ phía Hoa Kỳ cam kết một lượng lớn vaccine qua cơ chế Covax trong kỳ phân bổ sắp tới.
Bên cạnh đó, Pfizer cam kết chuyển đủ 31 triệu liều vaccine đã ký với Việt Nam trong năm 2021 và 20 triệu liều vaccine cho trẻ em khi có đầy đủ dữ liệu về hiệu quả và tính an toàn.
Ngoài vaccine, nhiều đối tác và kiều bào tại Hoa Kỳ hỗ trợ vật phẩm y tế với trị giá 8.8 triệu đô la.
Sài Gòn kiến nghị được ‘mở cửa’ theo quy định riêng
Ngày 26/9, sau khi Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thanh Long trình bày Dự thảo ‘thích ứng an toàn với dịch’, Tp HCM đã kiến nghị Chính phủ cho phép áp dụng quy định riêng để có thể mở cửa kinh tế.
Về 3 chỉ số bắt buộc và 4 cấp đánh giá nguy cơ trong Dự thảo của Bộ Y tế, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, với tình hình dịch bệnh tại Tp HCM hiện nay, nếu áp dụng hướng dẫn này thì thành phố sẽ nằm nhóm nguy cơ 3 hoặc 4. Như vậy, việc ‘mở cửa’ kinh tế sẽ gặp khó khăn.
3 chỉ số trong Dự thảo gồm: (1) Có ít nhất 80% dân số trên 50 tuổi được chích đủ liều vaccine; (2) Tất cả trạm y tế xã, phường, thị trấn có oxy và có kế hoạch lập trạm y tế lưu động cũng như Tổ chăm sóc người nhiễm; (3) Các tỉnh/thành có kế hoạch lập cơ sở điều trị COVID-19 theo mô hình tháp 3 tầng, bảo đảm tối thiểu 2% số giường hồi sức cấp cứu trên tổng ca bệnh dự báo cao nhất.
4 cấp độ nguy cơ dịch bệnh trong Dự thảo gồm: (1) Màu xanh (cấp nguy cơ thấp – bình thường mới); (2) Màu vàng (cấp nguy cơ trung bình); (3) Màu cam (cấp nguy cơ cao); (4) Màu đỏ (cấp nguy cơ rất cao).
Chỉ số đánh giá nguy cơ dựa trên tiêu chí như: Số ca nhiễm mỗi tuần trên 100,000 người; tỷ lệ người từ 18 tuổi được chích vaccine. Nếu chưa đạt tỷ lệ chích ngừa 80% cho người trên 50 tuổi phải tăng lên một cấp (trừ khi đang ở cấp độ 4 hoặc khu vực không có ca nhiễm).
Doanh nghiệp phản hồi về quy định ‘sống chung với dịch’ của Bộ Y tế
Sau khi Bộ Y tế trình bày Dự thảo ‘thích ứng an toàn với dịch’, hiệp hội các doanh nghiệp đã lập tức có phản hồi.
Cụ thể, đại diện cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, bản dự thảo này khá rõ ràng và khoa học, tuy nhiên, đây mới là hướng dẫn chung chứ chưa có sự riêng biệt giữa các vùng, nên thiếu tính linh hoạt. Do đó, vẫn mang mục tiêu ‘Không COVID-19’, chứ không hoàn toàn là ‘sống chung với dịch’.
Theo hiệp hội, dự thảo quy định quá chặt các vùng dịch, lấy xét nghiệm nhiều kể cả khi đã chích đủ vaccine, dẫn đến lãng phí không cần thiết. Trong khi đó, nếu áp dụng ngay cấp độ 1 (tức là bình thường mới) cho các vùng đang kiểm soát tốt dịch nhưng chưa chích đủ vaccine sẽ có nguy cơ vỡ trận.
Hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị cần có một giai đoạn chuyển tiếp ngắn hạn khoảng 3-5 tháng cho các tỉnh/thành/khu vực đang kiểm soát tốt dịch theo hướng không phong tỏa diện rộng, trước khi mở cửa hoàn toàn để ‘sống chung với dịch’.
Ngoài ra, tỷ lệ lấp đầy giường bệnh và giường ICU nên là 1 chỉ số quan trọng để đánh giá tình hình. F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nên được điều trị tại nhà.
Đồng Nai phát hiện 50 F0 tại 1 phường, hướng dẫn DN hoán đổi người
Sáng 26/9, phường Trảng Dài, Tp Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) cho biết, trên địa bàn phường vừa ghi nhận trên 50 ca dương tính mới, nhiều ca chưa xác định nguồn lây.
Trước đó, từ ngày 21/9, phường Trảng Dài gỡ quy định cách ly, phong tỏa diện rộng, lực lượng y tế tiếp tục xét nghiệm theo kế hoạch và tiếp tục ghi nhận trên 50 ca nhiễm mới. Hiện, tổng số mắc tại phường Trảng Dài là hơn 750 ca, được xác định là vùng cam.
Theo Sở Y tế Đồng Nai, tính đến sáng 26/9, toàn tỉnh ghi nhận 45,716 ca nhiễm, trong đó có hơn 23,000 trường hợp khỏi bệnh, xuất viện.
Về khôi phục sản xuất bảo đảm an toàn phòng dịch, ngày 25/9, tỉnh Đồng Nai ra văn bản hướng dẫn chi tiết cho các doanh nghiệp (DN) đang thực hiện “3 tại chỗ” trên địa bàn được hoán đổi người làm việc.
Theo hướng dẫn, việc hoán đổi này tùy thỏa thuận giữa DN và người làm việc với số lượng hoán đổi do DN quyết định. Việc hoán đổi phải bảo đảm các nguyên tắc phòng dịch như: ở vùng xanh và chích ít nhất 1 liều vaccine hoặc điều trị khỏi COVID-19 trong vòng 180 ngày.
Đối với các DN đang tạm ngưng hiện muốn hoạt động trở lại thì chọn 1 trong 2 phương án: Đăng ký “3 tại chỗ” hoặc cho người làm việc đi về hàng ngày.
Với phương án đi về hằng ngày bằng phương tiện cá nhân, người lao động phải thực hiện đúng lộ trình từ nơi lưu trú đến DN, không dừng, đỗ hoặc ghé vào các khu vực khác ngoài lộ trình.
Bắc Giang tiếp tục đón gần 1,000 công dân về từ vùng dịch
Sáng 26/9, tỉnh Bắc Giang cho biết, tiếp tục đón công dân đang sinh sống tại Tp HCM, Bình Dương và Đồng Nai về quê bằng máy bay. Cụ thể, đón 699 công dân tại Tp HCM; 160 công dân tại Bình Dương và 60 công dân tại Đồng Nai.
Theo quy định, tất cả công dân trở về sẽ cách ly tập trung 14 ngày tại các khu cách ly tập trung của các huyện, thành phố (công dân thuộc địa bàn nào về cách ly tại nơi đó), sau đó tiếp tục thực hiện cách ly tại nhà 7 ngày.
Trước đó, đầu tháng 9, Bắc Giang đã đón được 618 công dân về địa phương.
Xem thêm