Tóc phản ánh tình trạng của sức khỏe, 5 cách vừa dưỡng sinh vừa dưỡng tóc

Mái tóc khỏe không chỉ làm tăng thêm vẻ đẹp dung mạo, mà còn có tác dụng bảo vệ cơ thể, chống lạnh vào mùa đông, chống nắng vào mùa hè, những độc tố trong cơ thể cũng có thể được đào thải qua tóc.

Ngoài ra, trong tóc còn ẩn chứa “mật mã sức khỏe” kết nối với toàn bộ cơ thể, nếu hiểu được những mật mã này thì có thể giải quyết tận gốc các vấn đề về tóc cũng như các vấn đề sức khỏe khác của cơ thể.

Tóc có mối liên hệ mật thiết với lục phủ ngũ tạng và các kinh mạch trong cơ thể, đây chính là mật mã sức khỏe của tóc, điều này được diễn giải như sau.

Thận, can, tỳ chi phối sức khỏe của tóc

Thận: Tóc được ví là “Thận chi hoa”, nghĩa là tóc là tinh hoa của thận. Thận tinh là nền tảng của cả cơ thể, chủ màu đen, thận tinh sung túc thì tóc đen nhánh bóng mượt, thận tinh không đủ thì tóc sẽ bị bạc. Thận tinh có thể chuyển hóa thành thận khí, thận khí có chức năng cố định và hấp thụ, có thể làm cho tóc mọc vững chắc trên da đầu, khi thận khí suy yếu thì tóc sẽ bắt đầu rụng nhiều.

Can (gan): “Can tàng huyết” (gan tàng trữ và điều tiết huyết dịch), mà tóc là “huyết chi dư” (tóc là phần dư ra của huyết), cho nên tóc phát triển cần gan huyết nuôi dưỡng, gan huyết không đủ, tóc phát triển sẽ chậm, thậm chí khô và dễ gãy. Bởi vì gan huyết cùng với thận tinh có thể chuyển hóa lẫn nhau, cho nên gan huyết không đủ cũng sẽ dẫn đến thận tinh và thận khí không đủ, do đó tóc sẽ trở nên bạc và rụng.

Tỳ vị: Tỳ vị là gốc rễ hậu thiên, nguồn gốc sinh hóa khí huyết. Người có tỳ vị hư nhược thì khí huyết không đủ, khí huyết không đủ cung cấp cho gan, sẽ dẫn đến gan huyết không đủ, tóc cũng sẽ trở nên bạc, rụng, khô xơ dễ gãy. Cho nên, muốn có được một mái tóc khỏe mạnh thì nên điều dưỡng cho tốt tỳ vị.

Khi con người ở giai đoạn 10-20 tuổi, tóc thường ở vào trạng thái tốt nhất, bởi vì đây là thời kỳ thận tinh trong cơ thể sung túc nhất, chức năng các tạng phủ cũng mạnh nhất.

Sau khi bị bệnh nặng, hoặc phụ nữ sau sinh nở, chất tóc trở nên kém, đặc biệt là sau khi trải qua giải phẫu hoặc điều trị bằng hóa chất, tóc sẽ rụng nhiều, thậm chí rụng hết, vì tinh huyết bị tiêu hao quá nhiều, không đủ cung cấp nuôi dưỡng cho tóc.

Có nhiều người tuổi còn trẻ mà tóc đã bạc trắng. Đây là do thận tinh tiên thiên không đủ, cộng thêm áp lực quá lớn, dẫn tới can khí tích tụ, can huyết không đủ, làm nặng thêm tình trạng thận tinh không đủ.

Vị trí khác nhau trên da đầu đối ứng với các kinh mạch khác nhau

Một số người không gặp vấn đề về toàn bộ mái tóc, mà chỉ có vấn đề về tóc tại từng vị trí, điều này có liên quan đến các kinh mạch tương ứng trong cơ thể.

Mạch Đốc chạy theo đường chính giữa đầu, Bàng quang kinh chạy dọc theo hai bên mạch Đốc, hai bên đầu là nơi Đảm kinh đi qua, Can kinh phân bố ở trên đỉnh đầu, Vị kinh phân bố trước trán. Hiểu được sự phân bố của các kinh mạch ở trên đầu, thì có thể tìm ra được vấn đề xảy ra ở các kinh mạch và tạng phủ tương ứng.

◎ Hói đầu: Có người tóc mọc xung quanh đầu rất tốt, duy chỉ có vùng trên đỉnh đầu thì không có tóc. Những người này thường có chứng can hỏa quá vượng, thận khí bị hao tổn. Kiểu người này mới nhìn thì tinh lực dồi dào, tính dục quá vượng, nhưng dễ bị bệnh cao huyết áp và tim mạch.

Tại sao phụ nữ rất ít hói đầu? Vì phụ nữ có các chức năng sinh lý như kinh nguyệt, khí hư, mang thai và sinh nở, can khí cần vận chuyển đến các bộ phận tử cung, buồng trứng và vú, không còn quá nhiều can khí xung lên đỉnh đầu, nên sẽ không xuất hiện hiện tượng hói đầu.

◎ Tóc rụng từng mảng: Có người bị rụng tóc từng mảng, là do ăn uống quá độ, gan uất tụ hóa hỏa sinh phong, phong hỏa vận chuyển trong kinh mạch. Hình dáng kinh mạch rất giống với một cái cây, sau khi từ bên trong tạng phủ phát triển ra thì dần dần cha thành nhánh, bộ phận nhỏ nhất được gọi là ‘bì bộ’, giống như lá của cây, phân bố trên da. Phong là thứ có lực di động, nó mang theo hỏa vận chuyển đến điểm cuối cùng của kinh mạch là bì bộ, sau đó làm hao tổn tinh huyết của bì bộ, làm tổn thương chân tóc, làm cho tóc rụng từng mảng. Một số người bị rụng từng mảng lông mày, lông mi, râu hoặc một số vùng lông trên cơ thể.

◎ Rụng tóc hình chữ M: Một số người bắt đầu rụng tóc từ thái dương trước, sau đó tăng dần, cho đến khi hói đến đỉnh đầu. Thái dương là khu vực phân bố Đảm kinh. Những người thích ăn đồ ngọt, đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ chiên rán thì gan và túi mật có nhiều nhiệt ẩm, sẽ làm tắc nghẽn khí huyết vận chuyển đến chân tóc, gây rụng tóc ở những vị trí này.

Một số người tóc hai bên thái dương bị bạc, còn tóc ở các vị trí khác vẫn có màu đen nhánh. Những người này thường có tính tình nóng nảy hoặc hay uất ức, hỏa gan quá vượng.

Còn có trường hợp tóc trước trán bạc, những người như vậy thường có tỳ vị yếu, thường có các triệu chứng như trướng bụng, ợ chua, đi phân lỏng, vì trán là nơi phân bố Vị kinh (kinh mạch dạ dày).

6 loại tà khí gây tổn hại đến chân tóc

Sáu tà khí bên trong và bên ngoài cơ thể (còn gọi là lục dâm, lục tà) gồm: Phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa (gió, lạnh, nóng, ẩm, khô, nhiệt) cũng sẽ ngăn cản khí cơ của cơ thể, dẫn đến đường vận chuyển chất dinh dưỡng cho tóc bị cản trở, ảnh hưởng sự phát triển của tóc.

Ví dụ, khi nhiệt ẩm tích tụ dưới da đầu, da đầu sẽ tiết dầu rất mạnh. Uống rượu bia, thức khuya, ăn đồ chiên rán, đồ nướng đều sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thấp nhiệt trong cơ thể. Lúc này chân tóc giống như ngâm trong đất nóng ẩm thối rữa, dù có nhiều chất dinh dưỡng nhưng nhiệt độ quá cao và không thông thoáng, thì rễ cây sẽ bị thối rữa, tóc sẽ rụng.

Ngoài ra, khi phong hỏa quá lớn, phong hỏa sẽ theo huyết dịch vận chuyển đến chân tóc, tiêu hao tinh huyết, sẽ gây ra các vấn đề như rụng tóc, ngứa da đầu, sinh gàu v.v…

5 bài thuốc Trung y vừa dưỡng sinh vừa giúp tóc chắc khỏe

Nếu biết được tóc ở vị trí nào có vấn đề, thì sẽ biết được kinh mạch tạng phủ nào có vấn đề. Căn cứ vào vấn đề của tóc để tự xem lại tình trạng cảm xúc, ăn uống, làm việc và nghỉ ngơi, đồng thời hàng ngày thực hiện một số cách điều dưỡng, thì sẽ có thể cải thiện sức khỏe của mái tóc.

Dưới đây là 5 cách điều dưỡng sức khỏe có thể giúp tóc chắc khỏe:

  1. Cháo kiện tỳ dưỡng vị:

Nguyên liệu: Gạo tẻ 50gr, đại táo 5 quả, gừng tươi 10gr, vỏ quế 10gr.

Cách nấu: Mỗi sáng sớm dùng các nguyên liệu kể trên nấu cháo, khi ăn cho thêm chút muối, dầu oliu và bột tiêu.

Thích hợp cho những người tỳ vị yếu.

  1. Trà thư gan giải tỏa u uất

Nguyên liệu: Dương cam cúc 3gr, hoa hồng 3gr, mật ong.

Cách pha: Dùng nước sôi pha dương cam cúc và hoa hồng, 5 phút sau thêm mật ong với lượng thích hợp, uống mỗi ngày.

Thích hợp với những người dễ hồi hộp căng thẳng, hay lo lắng.

Tóc phản ánh tình trạng của sức khỏe, 5 cách vừa dưỡng sinh vừa dưỡng tóc
Người dễ căng thẳng, lo lắng, có thể dùng dương cam cúc và hoa hồng pha trà uống để dưỡng tóc. (Ảnh: Shutterstock)
  1. Đậu đen ngâm giấm

Nguyên liệu: Đậu đen xanh lòng 100gr, giấm gạo 300ml.

Cách ngâm: Rang đậu đen đến khi vỏ bung ra, để nguội cho vào bình thủy tinh có nắp đậy, rồi đổ giấm vào, đậy nắp kín. Khoảng sau 1 tuần là có thể dùng được.

Thích hợp với những người thận tinh không đủ, căn cứ vào khả năng tiêu hóa của cơ thể, mỗi ngày ăn từ 1-30 hạt đậu đen ngâm giấm này.

  1. Cách chải đầu dưỡng tóc

Mỗi ngày chải tóc 300 lượt trở lên. Tóc ẩm dùng lược gỗ, tóc khô dùng lược sừng trâu để chải. Người bị thấp nhiệt nhiều nên dùng lược sừng trâu đen, người thể hư dùng lược sừng bò vàng.

  1. Vỗ da đầu dưỡng tóc

Mỗi ngày vào sáng sớm sau khi thức dậy, vỗ nhẹ vào da đầu khoảng 100 lần. Lưu ý: cần vỗ theo thứ tự từ trước đầu ra phía sau đầu.

Nội dung bài viết do Bác sĩ Thư Vinh (người sáng lập phòng khám Doctor Rong tại Anh quốc) cung cấp
Lý Thanh Phong biên tập
Lam Yên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn