Triết lý về luân hồi: Phúc đức được truyền lại cho con cháu đời sau
Đạo lý “Tổ tiên tích đức hành thiện, con cháu được hưởng phúc báo” đã khắc sâu trong tiềm thức của con người chúng ta. Hôm nay chúng tôi sẽ kể về một câu chuyện về đạo lý này.
Vào thời nhà Nguyên, có một người không có học vấn, không nghề nghiệp, chỉ thích vui chơi. Tuy nhiên, ông ta lại không có hứng thú với các trò cá cược, cũng không thích sắc tình, chỉ thích mỗi thú vui chơi chim. Vì để mua được những con chim ưng ý, ông không tiếc bỏ ra số tiền lớn. Thế rồi có một số tên gian thương biết được chuyện này, bèn xui khiến ông ta mua những con chim đắt đỏ, vì vậy số tiền ông phải bỏ ra cho thú vui này nhiều vô số.
Sau này, ông ta cuối cùng cũng tìm được một người vợ rất có đức hạnh, nhờ vậy tâm tính của ông cũng ổn định được vài năm. Nhưng sau đó “bệnh cũ” tái phát, ông ta lại bắt đầu phung phí tiền bạc để mua các loại chim cảnh, điều này khiến cho người vợ thường xuyên phải buồn rầu tức giận. Mọi người xung quanh cũng thường hay khuyên nhủ ông ta, nhưng cũng chỉ như “nước đổ lá khoai”.
Về sau, người vợ thật sự không thể chịu đựng được nữa, bèn đi đến một ngôi chùa nọ tìm gặp ni cô để xem bói. Vị ni cô già từ tốn nói:
“Thật ra chồng của cô làm như vậy là bởi vì kiếp trước cuộc sống của ông ấy quá gò bó. Khi đó, gia đình quá yêu chiều ông ấy, giữ ông ở trong vườn suốt cả ngày, không cho đi ra ngoài. Cả ngày ông ấy chỉ biết ngắm hoa ngắm chim, nhưng lại chẳng thể cầm nắm chúng.
Bởi vì cha mẹ của ông ấy khi đó rất giàu có, cũng rất tốt bụng, chỉ là quá cưng chiều cậu con trai. Thế nhưng cậu bé lại đoản mệnh, chưa được 10 tuổi thì đã mất rồi. Cha mẹ của cậu bé vô cùng đau lòng, nghĩ rằng nếu có kiếp sau, họ nhất định sẽ bù đắp tất cả mọi nguyện vọng của cậu con trai này.
Bởi vì gia đình của họ được tổ tiên phù hộ, nên rất giàu có, nhưng đến khi ông ấy luân hồi đến kiếp này thì lại không nguyện ý làm quan, vậy là thỏa thích chơi bời. Tuy nhiên, tất cả đều có giới hạn và mức độ của nó. Cô hãy về nhà khuyên nhủ chồng mình, nay cũng trưởng thành rồi, không còn là trẻ con nữa, nên hiểu chuyện đi thôi. Sau này khi cô sinh cho ông ấy một người con trai, ông ấy sẽ ổn định lại thôi, sẽ không chơi hoài như vậy nữa.”
Người vợ nghe xong những lời này, trong lòng cũng hiểu được ngọn nguồn của mọi chuyện.
Qua hai năm sau, người vợ quả thực đã sinh cho ông ta một cậu con trai. Từ nay đã thực sự yên bề gia thất, ông ta không còn thích vui chơi, bay nhảy với những con chim kia nữa. Về sau, người con trai lớn lên học hành đỗ đạt và trở thành quan huyện. Dưới sự dạy dỗ của người mẹ, người con cũng hiểu được rằng, sống trên đời phải biết tiết chế bản thân, biết thấu tỏ đạo lý để tích lũy thật nhiều phúc đức cho con cháu đời sau.
Lãnh Vọng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Đài Loan