Trung Quốc: Công ty con của Tập đoàn Fosun đối mặt với các cáo buộc gian lận IPO
Giám đốc tài chính (CFO) của một công ty Trung Quốc niêm yết tại Hồng Kông, Babytree, đã vạch trần vụ IPO (chào bán chứng khoán lần đầu tiên ra công chúng) được cho là gian lận của công ty ông, và một tổ chức tài chính Hồng Kông niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) mà ông cho là đồng phạm. Công ty này đã giúp hàng chục công ty Trung Quốc niêm yết trên các sàn chứng khoán tại Hồng Kông và Hoa Kỳ.
Hôm 11/04, Giám đốc tài chính Từ Xung (Xu Chong) của Tập đoàn Babytree đã cáo buộc rằng một số công ty trực thuộc của Fosun, bao gồm cả Babytree, đã có hành vi gian lận trong các đợt IPO của họ. Babytree, một nền tảng cộng đồng và thương mại điện tử dành cho mẹ và bé của Trung Quốc, đã được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông (HKEX) vào ngày 27/11/2018.
Ông Từ cáo buộc rằng trong quá trình IPO, một số giám đốc chủ chốt đã quyết định mở rộng quy mô của đợt IPO do thiếu đăng ký cho các lệnh [niêm yết] tài chính của công ty. Công ty này đã đồng ý với một công ty đầu tư, AMTD, để đăng ký mua 70 triệu USD trong đơn đặt hàng IPO và hứa sẽ “trả lại” toàn bộ 70 triệu USD cho AMTD vào ngày niêm yết và phát hành IPO. Vào ngày mà ông Từ tố giác câu chuyện trên, hội đồng quản trị của Babytree thông báo rằng ông sẽ bị cách chức Giám đốc tài chính của công ty này.
Nhà kinh tế Hoa Kỳ Davy Jun Huang nói với The Epoch Times hôm 15/04 rằng, về căn bản, những gì các công ty đó bị cáo buộc đã làm là trả tiền cho bên thứ ba để mua cổ phần và cổ phiếu của chính họ, từ đó đánh lừa thị trường tin rằng công ty có giá trị đầu tư hoặc đáp ứng các quy định về niêm yết. Nói cách khác, các công ty như Babytree đã bị cáo buộc gian lận quy mô trong các đợt IPO của họ. Hình thức hoạt động này đã hình thành từ gần 20 năm nay và “không phải chuyện hiếm” trong lĩnh vực tài chính kế toán.
AMTD giúp hàng chục công ty niêm yết thành công
Tập đoàn AMTD được thành lập bởi tỷ phú giàu có nhất Hồng Kông Lý Gia Thành (Ka-shing Li). Sau khi giới thiệu một cổ đông mới, là Morgan Stanley Private Equity Asia (MSPE), quyền quản lý hàng ngày của công ty được chuyển giao cho doanh nhân Thái Chí Kiên (Calvin Choi) sống tại Hồng Kông, người hiện đang kiểm soát Tập đoàn AMTD. Hồi tháng 08/2019, Tập đoàn AMTD đã được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán New York.
Kể từ năm 2016, Tập đoàn AMTD đã giúp nhiều công ty công nghệ và ngân hàng Trung Quốc niêm yết trên thị trường chứng khoán Hoa Kỳ và Hồng Kông. Tuy nhiên, các công ty của AMTD đã bị đồn đại là hoạt động kém hiệu quả hoặc có tham nhũng trong điều hành. Ví dụ, vào ngày 30/12/2019, sau khi niêm yết với giá phát hành là 2.48 HKD trên mỗi cổ phiếu, Ngân hàng Quý Châu đã phá sản trong ngày; vốn hóa thị trường của ngân hàng này đã bốc hơi gần 1.9 tỷ HKD trong bốn ngày sau khi niêm yết.
Tập đoàn AMTD cũng đã hoàn thành đợt IPO cổ phiếu loại H (H-Share) tại Hồng Kông cho Ngân hàng Giang Tây vào năm 2018. Vào tháng 03/2022, ông Trần Hiểu Minh, cựu Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Giang Tây đã bị điều tra vì cáo buộc vi phạm pháp luật. Vào tháng 12/2022, ông Trần bị buộc tội lạm dụng tài sản tài chính của nhà nước để tư lợi, sử dụng thẩm quyền chấp thuận khoản vay tài chính để thu lợi bất chính và nhận các khoản tiền hối lộ lớn.
Ông Hoàng cho biết: “Nếu thông tin của ông Từ Xung là sự thật thì đây sẽ là một vụ lừa đảo tài chính rõ rệt hoặc thậm chí là một vụ lừa đảo được lên kế hoạch cẩn thận.”
Ông chủ của một công ty khác bị kết án tù
Mặc dù các cáo buộc của ông Từ Xung vẫn chưa được chứng minh đầy đủ, nhưng tiết lộ của ông về một công ty khác đã âm mưu với Babytree để thực hiện hành vi lừa đảo, công ty mà có giám đốc đã bị bắt vì tội lừa đảo và các tội danh khác vào năm 2019, đã làm tăng thêm độ tin cậy cho lời buộc tội của ông Từ. Công ty này là Công ty Quản lý Đầu tư mạo hiểm CSM Quảng Đông, và ông Từ cáo buộc rằng công ty này cũng tham gia giúp Babytree gian lận IPO.
Ông Trương Vỹ (Zhang Wei), người sáng lập CSM Quảng Đông, đã bị bắt ngày 10/04/2019 với các tội danh liên quan đến băng đảng, tống tiền, và lừa đảo trực tuyến. Ngày 26/11/2021, ông Trương bị kết án tù chung thân với 11 tội danh, bao gồm tổ chức đường dây tội phạm và chiếm đoạt công quỹ trái phép.
Ông Hoàng tin rằng nền tảng tài chính của ông Trương Vỹ đang tiến hành gây quỹ bất hợp pháp, cho vay tài chính, và gian lận tài chính dưới danh nghĩa quản lý tài sản. Nếu Babytree tham gia với tư cách là một nhà đầu tư tượng trưng để giúp CSM Quảng Đông đánh lừa công chúng, thì khả năng phạm tội tài chính sẽ rất cao.
Gian lận là hiện tượng phổ biến
Trong nhiều năm, ĐCSTQ đã ra lệnh cho các công ty Trung Quốc không giao nộp bản gốc giấy chứng nhận tài chính của họ cho các cơ quan quản lý của Hoa Kỳ, tạo ra một môi trường thuận lợi để họ thực hiện hành vi gian lận và khiến các công ty niêm yết của Trung Quốc trở nên khét tiếng vì làm như vậy.
Vào tháng 06/2013, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) đã buộc tội China Media Express, công ty điều hành một mạng lưới quảng cáo trên các chuyến tàu tốc hành liên thành phố và phi trường của Trung Quốc, đã báo cáo sai lệch về các hoạt động, tài chính, và lợi nhuận của mình. Ngoài việc thổi phồng quá mức tài sản tiền mặt của mình, công ty này còn tuyên bố sai trong hồ sơ công khai và thông cáo báo chí rằng hai công ty đa quốc gia là nhà quảng cáo của họ, trong khi thực tế thì không phải vậy.
Vào tháng 09/2014, SEC đã cáo buộc AgFeed, một công ty sản xuất phân bón của Trung Quốc, đã báo cáo sai doanh thu từ các hoạt động tại Trung Quốc từ năm 2008 đến ngày 30/06/2011. Hành động này đã làm tăng doanh thu được báo cáo công khai của công ty này lên khoảng 239 triệu USD. Các giám đốc điều hành của công ty đã sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để thổi phồng doanh thu, bao gồm sử dụng hóa đơn bán hàng giả và “bán” những con heo thực sự không tồn tại.
Vào tháng 12/2020, SEC đã buộc tội chuỗi cà phê Trung Quốc Luckin Coffee cố ý ngụy tạo hơn 300 triệu USD doanh số bán lẻ từ tháng 04/2019 đến tháng 01/2020 thông qua ba chương trình mua sắm riêng biệt sử dụng các đối tác kinh doanh để tạo ra các giao dịch bán hàng giả.
SEC đã phạt Luckin 180 triệu USD sau khi một số nhân viên của Luckin cố gắng che giấu hành vi gian lận bằng cách thổi phồng chi phí của công ty lên hơn 190 triệu USD, tạo cơ sở dữ liệu hoạt động sai đồng thời thay đổi sổ sách kế toán và ngân hàng để phản ánh doanh số bán hàng không có thật.
Vào tháng 12/2020, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật về Trách nhiệm Giải trình của các Công ty Ngoại quốc mà SEC đã sử dụng làm cơ sở để buộc Trung Quốc phải đồng ý cho Ủy ban Giám sát Kế toán Công ty Đại chúng Hoa Kỳ (PCAOB) vào tháng 08/2022 tiến hành đánh giá toàn diện các hồ sơ kiểm toán của các công ty Trung Quốc niêm yết tại Hoa Kỳ đáp ứng các tiêu chuẩn của Hoa Kỳ.
Thị trường tài chính của Trung Quốc là một ổ gian lận
Ông Hoàng cho biết: “Hành vi làm sai lệch thông tin để bán cổ phiếu ra công chúng đã diễn ra trong một thời gian dài và các nước phương Tây đã trải qua một cuộc chiến rất dài chống lại vấn nạn này trên thị trường tài chính. Giờ đây, cổ phiếu khái niệm của Trung Quốc và thị trường tài chính Trung Quốc đang trở thành những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.”
Ông Hoàng nói, ở Trung Quốc, thị trường tài chính hoạt động theo cách có thể khiến mọi người trở nên giàu có chỉ sau một đêm và là nơi giới thượng lưu quyền lực trong nước tìm kiếm các khoản đầu tư có rủi ro cao và lợi nhuận cao. Đây cũng là nơi xảy ra tình trạng gian lận nghiêm trọng nhất và mức độ giám sát đã không theo kịp tình trạng gian lận. Ngoài ra, số lượng giao dịch là rất lớn.”
Tuyên truyền của ĐCSTQ bị kiểm soát rất nghiêm ngặt và sẽ luôn che chắn cho thị trường tài chính của đất nước. Chính quyền này sẽ từ chối thừa nhận rằng thị trường của họ là một ổ gian lận. Người dân đầu tư vào các công ty lừa đảo thường bị thiệt hại nặng nề và không bao giờ được đền bù.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times