Bác sĩ Trung y Ôn Tần Dung: Tất cả bệnh tật đều bắt nguồn từ một chữ ‘Tình’

Lời của biên tập viên: Sau khi xuất bản ba cuốn sách đầu tiên về Trung y và nhận được rất nhiều lời tán thưởng, một năm sau, bác sĩ Trung y người Đài Loan Ôn Tần Dung đã cho ra mắt cuốn sách thứ tư – “Minh huệ y đạo: Tình lý pháp thiên,” kết hợp kinh nghiệm tư vấn y tế, nghiên cứu một cách thâm sâu lý thuyết y học và tâm đắc thể hội tu luyện trong nhiều năm. Trong cuốn sách mới của bác sĩ Ôn, rất nhiều ca bệnh và dược liệu đã được ghi lại. Cuốn sách không chỉ nói về nguyên nhân của bệnh tật, công thức tự chữa bệnh khỏe người và phương pháp dưỡng sinh bằng ăn uống, mà còn cung cấp những hiểu biết có giá trị về việc cải thiện tâm linh và con đường tự tại…

Nói về nguyên nhân khiến con người mắc bệnh, bác sĩ Ôn Tần Dung, người có lượng bệnh nhân khám ngoại trú rất đông mỗi ngày, cho biết: “Phòng khám ngoại trú cho thấy 80% bệnh nhân đến khám bệnh có gia đình bất hòa, trong số này lại có đến 90% là vợ chồng bất hòa.”

Tơ tình dẫn đến sinh bệnh

Bác sĩ Ôn Tần Dung cho biết: Cuốn sách này nói về “tình lý pháp thiên”, mỗi chúng ta đều có cảm tình. Người ta bị bệnh, thông thường là do tình cảm lôi kéo. Chỉ cần là người thì sẽ có tình, ai cũng không vượt qua được quan ải “tình” này. Nhất tư nhất niệm của chúng ta đều là tình, thích hay không thích, khi làm việc và nghỉ ngơi đều thấm đẫm ở trong cái tình này.

Cuốn “Hoàng đế nội kinh” nói: “Tâm chủ minh, chủ minh tắc hạ an”, ý rằng tâm làm chủ mà sáng suốt, thì các bộ phận bên dưới đều an ổn; “chủ bất minh, tắc thập nhị quan nguy, sử đạo bế tắc nhi bất thông, hình nãi đại thương”, nghĩa là: tâm bất minh thì 12 tạng sẽ nguy, khiến các đường dẫn bị lấp mà không thông, thân hình bị thương. Tâm trí của con người là chủ thể của cảm xúc và thậm chí là của cả cơ thể. Khi con người đắm chìm trong thất tình lục dục và không thể tự mình vực dậy, thì sẽ mắc đủ thứ bệnh tật.

Bác sĩ Ôn giải thích rằng, khi người ta gặp khúc mắc trong tình cảm, thì phần lớn là do cuộc sống quá phức tạp và quan hệ với những người khác không hợp dẫn đến xung đột; nếu không thì là do cuộc sống quá đơn giản, nhàm chán, không chịu được cảm giác cô đơn, rơi vào trạng thái sầu não uất ức. Do trường kỳ có các cảm xúc nóng giận, bốc đồng, buồn phiền, lo lắng, sợ hãi… mà không cách nào cân bằng được, dẫn đến ngũ tạng bất an, cuối cùng sinh ra bệnh tật.

Bác sĩ Ôn nói: “Vậy nên ba căn bệnh lớn của thế kỷ 21 về sau, thứ nhất là ung thư và thứ hai chính là trầm cảm. Trên thực tế, chúng tôi cũng nhận thấy rằng trầm cảm dẫn đến ung thư chiếm tỷ lệ tới 90%. Tức là trong lòng người đó có oán hận, hận lâu mà không được bày tỏ, hoặc chưa được cân bằng hợp lý, nữ giới rất có thể sẽ bị ung thư vú hoặc u xơ tử cung, đây là tình huống thực tế. Bất kể lý thuyết của Tây y có nói gì đi nữa, những gì chúng tôi nhìn thấy chính là như vậy”.

Mọi bệnh tật đều do tâm tạo ra, và tâm cũng có thể chữa khỏi mọi bệnh tật. Bác sĩ Ôn giải thích rằng bên trái của chữ “Tình” (情) là bộ Tâm đứng (忄, cách viết khác của chữ tâm ), và bên phải là chữ “Thanh” (青) trong thanh sắc: “Thanh, màu xanh chính là mộc, tương ứng với Can (gan) trong ngũ tạng”. Cũng như khi tâm trạng chán nản, đi chơi nơi núi non sông nước, ngắm nhìn non xanh nước biếc sẽ giúp tâm trạng thoải mái hơn. Trong quá trình điều trị, “tình” cũng là liều thuốc đặc trị cho bệnh nhân. Dù là gia đình, tình bạn, tình yêu, v.v. đôi khi còn hữu hiệu hơn cả thuốc men.

Bác sĩ Ôn nói: “Chính vì vậy tôi mới phát hiện ra rằng, muốn xem tình trạng của bệnh nhân có thuyên giảm sớm hơn hay không, trước tiên chúng ta nên xem ai là người đã đưa họ đến khám bệnh. Có lúc chỉ cần nhìn vào tình trạng tương tác giữa họ là có thể biết được nguyên nhân của bệnh là từ đâu. Đôi khi khám bệnh, bệnh nhân kể một danh sách dài những lý do sinh bệnh và nguyên nhân hậu quả, tầng tầng trùng vây. Tôi nói rằng đó không phải là bệnh của bạn, bởi vì trong tâm bạn có oán hận, bệnh mới không thuyên giảm… Gia đình hòa thuận, con cái vui vẻ, bệnh của họ cũng sẽ khỏi tương đối nhanh”.

Bác sĩ Trung y Ôn Tần Dung: Tất cả bệnh tật đều bắt nguồn từ một chữ ‘Tình’
Cuốn sách mới của bác sĩ Ôn Tần Dung- “Minh huệ y đạo: Tình lý pháp thiên”. (Ảnh do Nhà xuất bản Bác Đại cung cấp)

Chỉnh lý tốt tâm tình sẽ trị lý được bệnh tình

Bác sĩ Ôn lấy ví dụ, một khi tức giận, Can kinh (kinh mạch gan) sẽ bị tổn thương đầu tiên, Can kinh ngưng trệ sẽ ảnh hưởng đến tình trạng của mắt; tiếp đến là đường tiêu hóa bật báo động, chán ăn hoặc khó chịu, sau đó ảnh hưởng đến đại tiểu tiện, như táo bón, tiêu chảy, tiểu gấp nhưng không tiểu được, v.v. Cô nói: “Tình là thứ khiến con người tổn thương”.

Bởi vì tình cảm rối rắm, cảm xúc hỗn loạn nghĩa là không tìm được nơi thân tâm an định, nếu có thể hóa giải, khơi thông khúc mắc thì người đó sẽ sáng tỏ thông suốt, bệnh không cần thuốc cũng khỏi. Trong bệnh án ở cuốn sách mới của bác sĩ Ôn có ghi lại rằng, có một người phụ nữ quyền quý không cần phải làm việc nhưng lại ủ rũ suốt nhiều năm vì vấn đề mẹ chồng-nàng dâu, dẫn đến hậu quả là bệnh mắt khó chữa. Sau khi nghe bác sĩ Ôn nói thì như nhận ra được điều gì đó, bệnh về mắt cũng lập tức cải thiện. Cô cho biết: “Thế nên có một số bệnh nhân, tôi chỉ nghe tâm tình của họ và chỉnh lý một chút tâm tư, bệnh của họ liền đã khỏi một nửa. Không phải tôi giúp họ chữa bệnh, mà là họ đã tìm được chính mình, sau khi lý thuận, thông tình đạt lý thì tâm sẽ cảm thấy thanh thản”.

Bác sĩ Ôn khiêm tốn cho biết, bệnh là do bệnh nhân tự chữa khỏi, cơ thể con người vốn có cơ chế tự chữa lành, phương pháp điều trị của Trung y chính là điều chỉnh cơ chế tự chữa lành của bệnh nhân: “Bạn vốn đã có khả năng đó rồi, tôi không cần làm gì nhiều, chỉ là đường dây nào nối chưa tốt, hoặc là dây bị lỏng, tôi sẽ giúp bạn chỉnh lại. Sau khi bạn hồi phục, bạn sẽ tự chữa lành vết thương cho mình, thông thường thì sau khi chúng tôi chỉnh lại là họ khỏi rồi. Là người bệnh tự mình chữa khỏi cho bản thân mình”.

Như thế nào gọi là “tự mình chữa khỏi cho bản thân mình”? Cô giải thích thêm: “Đem trách nhiệm này, đem căn bệnh này cho bệnh nhân tự mình chịu trách nhiệm. Tôi sẽ nói với họ rằng, bạn sinh ra bệnh này, bạn cần tự mình chịu trách nhiệm, không thể đều để bác sĩ chịu trách nhiệm. Vậy nên, tôi sẽ cho họ bài tập về nhà, chẳng hạn như hàng ngày nên bấm huyệt đạo nào, ngủ mấy giờ, có thể ăn gì, không nên ăn gì, tập thể dục như thế nào, v.v. Do đó, thông thường tâm tình thông thuận thì bệnh đã tốt hơn một nửa rồi, sau đó mới tiếp tục chữa bệnh”.

Bác sĩ Ôn cho biết, mặc dù một số tình trạng chấn thương bên ngoài không phải là do cảm xúc dẫn tới, nhưng nếu bạn có tâm trạng tốt thì chấn thương sẽ nhanh lành hơn, ngay cả các bệnh truyền nhiễm cũng không ngoại lệ. Bởi vì bệnh tật cũng sẽ bắt nạt người yếu ớt, khi một người suy sụp tinh thần, nó sẽ bắt nạt người đó. Ví dụ như nhiễm cảm lạnh, tại sao trong văn phòng nó lại truyền cho người đó mà không phải cho những người khác? Hoặc khi ở trên bàn ăn, tại sao không có ai bị tiêu chảy, mà chỉ có mình bị tiêu chảy? Nhất định là do người bệnh có những kẽ hở, có điểm yếu, vi khuẩn mới thừa cơ chui vào. Còn một người lạc quan, ôn hòa, có trái tim mạnh mẽ thì không những không dễ bị nhiễm bệnh, mà dù chẳng may bị chấn thương cũng sẽ nhanh chóng bình phục.

Tùy kỳ tự nhiên

Vậy thì nên dùng “lý” như thế nào để giải quyết, xoa dịu cảm xúc và phục hồi sức khỏe cho bệnh nhân? Bác sĩ Ôn nói: “Chính là ‘tùy kỳ tự nhiên’”.

Cái gọi là “tự nhiên”, chính là chỉ nguyên lý vận hành của trời đất và vũ trụ. Bởi vì cơ thể con người sinh ra trong vũ trụ, nên tất phải đạt được sự cộng hưởng hài hòa với vũ trụ, quan điểm này tuyệt nhiên khác hẳn với Tây y. Tây y lý giải cơ thể con người từ tầng diện vật chất và trên giải phẫu, đứng trên cơ điểm là Trái Đất mà nhìn con người, thì nhìn ra là “người Trái Đất”. Trung y thì nhìn con người từ phương diện linh hồn và tinh thần, nhìn cơ thể con người từ góc độ vũ trụ, bởi vậy những gì nhìn thấy là “người vũ trụ”.

Bác sĩ Ôn giải thích: “Trung y cho rằng con người có hồn, thần, ý, phách và chí, đó là hệ thống ẩn tàng, hệ thống này sẽ đảm nhận việc cộng hưởng tần số với vũ trụ và kết nối các cơ quan nội tạng thông qua các đường kinh lạc. Con người mắc bệnh, có đôi khi chính là họ mất cân bằng với tần số cộng hưởng của vũ trụ. Vì vậy, chúng ta nói gì cũng phải thuận theo ý trời, còn tình cảm thì cũng cần phải để tùy kỳ tự nhiên chứ không nên ép buộc”.

Vậy, làm thế nào để “tùy kỳ tự nhiên”? Ví dụ trong hôn nhân, nếu về mặt tình cảm không được như ý thì cũng đừng ép buộc nhau, cuộc sống của bạn nên hòa hợp với tự nhiên càng nhiều càng tốt, trời mọc thì đi làm, trời lặn thì đi nghỉ. Thay vì uống thuốc vitamin C, tốt hơn là bạn nên ăn trái cây. Ăn thực phẩm tự nhiên thay vì thực phẩm tinh chế và thực phẩm chế biến; uống nước điều độ và tránh ăn quá nhiều.

Bác sĩ Ôn nói: “Ví dụ, chúng ta sử dụng máy điều hòa chính là không tự nhiên, quá sợ nắng cũng là không tự nhiên, tập thể dục trong nhà cũng không phải tự nhiên, bởi vì tập thể dục yêu cầu đầu đội trời chân đạp đất, gọi là đỉnh thiên lập địa, như thế mới sẽ cộng hưởng với tần số vũ trụ của đại tự nhiên. Trong phòng tập, bạn chỉ có thể tập cho đến khi khí đi dưới da, khí xuyên qua cơ bắp, chỉ có bộ phận này mà thôi, không vận động được nội tạng, không vận động được cơ và xương, phải vận động bên ngoài mới có tác dụng này. Còn về thời gian tập thể dục, không nên ra ngoài tập thể dục sau khi trời tối, vì trời đất luân phiên giữa âm và dương, cơ thể con người chúng ta cũng luân phiên giữa âm và dương, sau khi luân phiên xong thì không nên ra ngoài hoạt động, nhất là đối với người cao tuổi”.

Bác sĩ Ôn lấy một chủ công ty xây dựng làm ví dụ, cô phát hiện ông ấy ăn uống thanh đạm, thường xuyên vận động nhưng không ngờ lại bị đột quỵ. Khi hỏi ông ấy tập thể dục vào thời gian nào, ông ấy nói không chỉ ra ngoài vào lúc 4 giờ sáng mà còn đi tập thể dục vào buổi tối. Bác sĩ Ôn nói: “Như thế là trái với tự nhiên, đem dương khí phát tiết ra, bởi vì dương khí của cơ thể con người ban đêm cần phải nhập âm. Nếu tập thể dục vào ban đêm, dương khí sẽ giải phóng ra rồi”.

Ngoài việc đi trái với lý vận hành của trời đất, bác sĩ Ôn còn quan sát thấy rằng con người đang tách rời khỏi thiên nhiên và dần đánh mất chính mình, “vô thức” cũng là một trong những nguyên nhân, do trạng thái mê mờ nên dễ bị khống chế bởi sự thiếu hiểu biết và sợ hãi.

Bác sĩ Ôn nói:

“Ví dụ, cuộc sống của chúng ta ban đầu rất tốt, một khi bác sĩ nhận định bạn bị cao huyết áp và bạn sẽ phát bệnh, bạn sẽ phải uống thuốc suốt đời. Thực tế, huyết áp của bạn sẽ thay đổi từ sáng đến tối. Tuy nhiên, các xét nghiệm y tế đều bị giới hạn nghiêm ngặt từ lượng đường trong máu đến các chỉ số sức khỏe khác nhau, điều này khiến bạn sợ hãi, đây chính là bị khống chế, tất cả chúng ta cũng đều giống như thế, đó là sự vô thức của tập thể. Sử dụng điện thoại di động cũng như vậy. Mọi người thường cầm điện thoại của mình khi rảnh rỗi và nhấc điện thoại lên để xem khi không có việc gì làm, mọi người đều đang bị khống chế”.

Bác sĩ Ôn cảm thán, theo tuổi thọ bình thường ngày nay, trước khi kết thúc cuộc đời ở độ tuổi 80, thì một người có thể sống hơn 30,000 ngày, trừ đi 1/3 thời gian ngủ và 1/3 thời gian dành cho công việc, thì chỉ còn lại hơn 10,000 ngày là có thể tự do sử dụng. Nhưng hầu hết mọi người đều là sống trong vô thức, và chỉ thực sự sống có ý thức rõ ràng trong vài trăm ngày.

Cô nói: “Chúng ta tìm không ra đáp án cho cuộc sống, không biết đến thế giới này để làm gì, cũng không biết sẽ đi đâu. Con người đều rất lười biếng, bạn nói tôi thế nào thì là như thế, tôi không muốn động não. Mặc dù bây giờ thông tin rất phát triển nhưng cũng có rất nhiều tin giả, đây là sự đáng thương của chúng ta. Tuy nhiên, vì môi trường bên ngoài không thể kiểm soát được, chúng ta nên quay lại điều chỉnh tâm tình của mình trước, tự hướng nội, ít nhất là đừng sống trong sợ hãi, đó cũng là một cách làm tích cực”.

Trần Bách Niên thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn