Các ngân hàng: Nhiều người tiêu dùng Mỹ quá hạn thanh toán thẻ tín dụng, thanh toán khoản vay
Theo các giám đốc điều hành tại các ngân hàng lớn của Hoa Kỳ, cùng với sự suy thoái của nền kinh tế, người tiêu dùng bắt đầu chậm trả nợ bằng thẻ tín dụng và các khoản vay, với tỷ lệ nợ quá hạn tăng nhẹ.
Lợi nhuận tại Bank of America Corp, JPMorgan Chase, Wells Fargo, và Citigroup Inc. cao hơn dự báo của các nhà phân tích khi các đại tập đoàn cho vay này kiếm được nhiều doanh thu hơn từ các khoản thanh toán lãi suất của khách hàng trên thẻ tín dụng. Tuy nhiên, những người đứng đầu ngành không mong đợi thời kỳ tốt đẹp sẽ kéo dài khi suy thoái kinh tế xuất hiện và việc khách hàng chậm thanh toán gia tăng.
Hôm thứ Sáu (14/04), trong một cuộc gọi hội nghị để thảo luận về kết quả kinh doanh quý 1 của ngân hàng, Giám đốc Tài chính của Wells Fargo Mike Santomassimo cho biết: “Chúng tôi nhận thấy một số xu hướng cho thấy sức khỏe tài chính của người tiêu dùng đang dần yếu đi so với một năm trước.”
Ông Charlie Scharf, giám đốc điều hành của ngân hàng này, cho biết, trong khi các khoản nợ quá hạn và xóa nợ ròng — nợ khó có khả năng thu hồi của ngân hàng — đã tăng chậm như dự kiến, thì nợ của người tiêu dùng và doanh nghiệp nhìn chung vẫn mạnh mẽ.
Nợ tiêu dùng
Bankrate cho biết trong giai đoạn đầu của đại dịch, nợ thẻ tín dụng đã giảm 17% — một phần nhờ vào các chương trình kích thích, cứu trợ khẩn cấp, và việc giảm chi tiêu của người tiêu dùng.
Nhưng theo Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, trong ba tháng cuối năm 2022, số dư thẻ tín dụng ở Hoa Kỳ đã tăng 61 tỷ USD lên 986 tỷ USD, vượt quá mức cao nhất trước đại dịch là 927 tỷ USD.
Điều này khiến nợ thẻ tín dụng vào cuối năm 2022 cao hơn gần 20% so với cuối năm 2021, theo báo cáo hàng quý mới nhất của TransUnion.
Việc sử dụng một tấm thẻ tín dụng có thể cung cấp sự bảo vệ cho những người có khả năng thanh toán số dư hàng tháng, nhưng chi phí cho những người không có khả năng thanh toán lại là cao.
Ông Greg McBride, nhà phân tích của Bankrate, cho biết: “Điều không tốt là mang theo số dư nợ, lãi phải trả, và chậm thanh toán. Không ai muốn phải trả 20% mỗi tháng.”
Ông McBride cho biết, lạm phát là một yếu tố khác góp phần làm tăng nợ, có nghĩa là “chi phí sinh hoạt hàng ngày đang vượt xa mức lương.”
Lỗ tín dụng tiềm năng
Các ngân hàng đã thắt chặt các tiêu chuẩn cho vay của mình và dành nhiều tiền hơn để trang trải các khoản lỗ tiềm năng từ việc cho vay.
Wells Fargo đã dành 1.2 tỷ USD trong quý đầu tiên để trang trải các khoản lỗ tiềm năng từ hoạt động cho vay.
Bank of America đã trích lập dự phòng 931 triệu USD cho các khoản lỗ tín dụng trong quý, cao hơn nhiều so với mức 30 triệu USD của một năm về trước nhưng thấp hơn khoản dự phòng 1.1 tỷ USD trong quý 4/2022.
JPMorgan đã tăng hơn gấp đôi số tiền mà ngân hàng này dự phòng cho các khoản lỗ tín dụng trong quý đầu tiên so với một năm trước, lên 2.3 tỷ USD, phản ánh khoản xóa nợ ròng 1.1 tỷ USD.
Các nhà phân tích của UBS do ông Erika Najarian dẫn đầu dự đoán, các điều kiện kinh tế xấu đi sẽ dẫn đến “sa sút tín dụng trong suốt năm 2023 và 2024 với các khoản lỗ rốt cuộc vượt quá mức trước đại dịch do một cuộc suy thoái kinh tế sắp xảy ra.” Tuy nhiên, họ cho biết, các vụ vỡ nợ được dự báo là sẽ ở “dưới mức đỉnh từng trải qua trong các cuộc suy thoái trước đó.”
Thắt chặt các tiêu chuẩn cho vay
Nhà phân tích Betsy Graseck của Morgan Stanley viết: “Khi những nhà cho vay quy mô vừa và lớn trở nên thận trọng hơn trong việc bảo lãnh, thì khoản xóa nợ ròng của họ có thể sẽ chạm đỉnh trong vài quý tới.” Bà viết, “Điều này có nghĩa là tăng trưởng cho vay chậm hơn” vào năm 2023 và 2024.
Quá trình này là một hành động cân bằng tinh tế đối với những nhà cho vay, những người có thể làm tổn hại đến lợi nhuận của họ nếu họ thắt chặt tín dụng quá nhiều.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters và The Associated Press
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times