Cháo gan lợn có công dụng bổ gan sáng mắt, cải thiện chứng quáng gà

Gan lợn giúp dưỡng gan và sáng mắt, hơn nữa còn giàu vitamin A. Dùng gan lợn và gạo tẻ nấu thành cháo gan lợn có thể cải thiện chứng quáng gà. Gan lợn còn có thể xào, hầm canh, phối hợp với các thực phẩm hoặc vị thuốc Trung y khác để đạt được các tác dụng bổ mắt.

Xuất xứ: “Thiên kim yếu phương – thực trị”

Nguồn gốc: Gan của Lợn, tên khoa học Sus scrofa domestica Brisson, họ Lợn.

Dược tính: Vị ngọt, đắng, tính ôn. Thuộc kinh Can, Vị, Tỳ (gan, dạ dày, lá lách).

Tác dụng: Dưỡng gan sáng mắt, bổ khí kiện tỳ.

Cách dùng: Nấu hoặc sắc nước uống, 60-150g. Chế thêm rau, có thể xào, nấu canh, rau trộn, luộc, v.v.

Những điều cấm kỵ khi dùng gan lợn

Hàm lượng cholesterol trong gan lợn khá cao, không thích hợp dùng cho người bệnh cao huyết áp, bệnh mạch vành và bệnh nhân mỡ máu cao.

Không dùng gan lợn biến sắc vì bệnh hoặc có nốt sần.

Nghiên cứu hiện đại về dinh dưỡng trong gan lợn

Thành phần: Chứa protein, chất béo, carbohydrate, canxi, phốt pho, sắt và các nguyên tố khác như vitamin A, vitamin B1, vitamin B2, vitamin C, niacin, v.v.

Dược tính: Có tác dụng bảo vệ gan. Ví dụ, yếu tố tăng trưởng tế bào gan được điều chế từ gan lợn sữa có tác dụng kích thích sinh trưởng tế bào gan và thúc đẩy quá trình tổng hợp DNA của tế bào gan.

Tác dụng của gan lợn trong các tài liệu cổ đại

“Thiên kim yếu phương – Thực dược” viết: “Chủ minh mục” (có tác dụng cải thiện thị lực).

“Bản thảo cương mục” viết: “Bổ gan sáng mắt, trị can hư phù thũng”.

“Bản thảo cầu nguyên” viết: “Chữa can hư, mắt mờ, mắt đỏ, quáng gà”.

“Quảng tây dược dụng động vật” viết: “Chữa phụ nữ bệnh gan, phong nhiệt mắt mờ, chứng cam tích ở trẻ nhỏ”.

Một số món ăn chữa bệnh mắt dùng gan lợn

1. Dùng cho người bệnh khô nhuyễn giác mạc (do thiếu vitamin A), quáng gà và khô kết mạc.

Chuẩn bị gan lợn 100g. Rửa sạch gan lợn rồi thái miếng, thêm 2 bát nước sắc còn 1 bát, nêm muối vừa ăn, uống canh và ăn gan lợn, mỗi ngày một lần. Món này giúp bổ gan, dưỡng huyết và sáng mắt.

Cháo gan lợn: Gan lợn 100g (rửa sạch, thái nhỏ, ngâm trong xì dầu, thêm gừng tươi thái nhỏ, trộn đều), gạo tẻ 100g.

Trước tiên cho gạo tẻ vào nấu cháo, khi gạo chín thì cho gan lợn vào, đun sôi thêm chút nữa. Sau đó cho hành băm, muối và dầu mè, phân thành 2 phần dùng vào buổi sáng và tối, mỗi ngày nấu một lần. Món này bổ gan dưỡng huyết, ích khí sáng mắt.

Một cách làm khác là dùng gan lợn 40g (rửa sạch, thái miếng) và Thương Truật 10g. Cho cả hai thứ vào trong nồi, thêm lượng nước thích hợp nấu trong 20 phút; uống canh, gan lợn thì chấm xì dầu, dùng ngay hoặc phân làm 2 phần để dùng, mỗi ngày nấu một lần. Món này bổ gan dưỡng huyết, kiện tỳ sáng mắt.

Cháo gan lợn có công dụng bổ gan sáng mắt, cải thiện chứng quáng gà
Gan lợn có ích cho mắt, nhưng hàm lượng cholesterol khá cao, không thích hợp dùng cho người bệnh cao huyết áp, bệnh mạch vành và bệnh nhân mỡ máu cao. (Ảnh: Shutterstock)

2. Dùng cho bệnh viêm kết mạc mãn tính

Huyền sâm nấu gan lợn:

Gan lợn 500g (rửa sạch, không thái), Huyền Sâm 15g (đựng trong túi vải, buộc miệng).

Cho hai thứ vào nồi, thêm lượng nước thích hợp, nấu khoảng 1 tiếng; sau đó vớt gan lợn ra, thái thành miếng mỏng, giữ nước sắc lại.

Cho dầu vào chảo, đến lúc dầu sôi cho tiếp hành băm, gừng tươi băm, xào cho đến khi thơm rồi cho gan lợn thái mỏng vào, thêm chút rượu gạo, xì dầu, đường và nước sắc gan lợn – huyền sâm với lượng thích hợp. Đun lửa to, cuối cùng cho thêm bột bắp ướt để nước súp trong suốt là được, dùng như món ăn.

Món này có tác dụng dưỡng huyết, sinh dương, thanh nhiệt; Thích hợp nhất cho người bị viêm kết mạc mãn tính kèm khô mắt, mắt mờ.

Món này cũng có thể dùng để bồi bổ sức khỏe cho bệnh nhân viêm màng bồ đào mãn tính.

Canh gan lợn lá dâu:

Gan lợn 100g (rửa sạch, thái miếng), lá dâu 15g (khô, đựng trong túi vải, buộc miệng).

Trước tiên cho lượng nước thích hợp vào trong nồi, đun sôi, cho gan lợn, lá dâu vào. Chờ sau khi gan lợn chín, lấy túi lá dâu ra, nêm muối vừa ăn; uống canh và ăn gan lợn, phân thành 2 phần dùng buổi sáng và tối.

Món này có tác dụng sơ phong thanh nhiệt, dưỡng gan bổ mắt; Thích hợp nhất cho người viêm kết mạc mãn tính kèm khô mắt, ngứa mắt.

3. Dùng cho bệnh đục thủy tinh thể lão niên giai đoạn đầu

Canh gan lợn câu kỷ:

Gan lợn 100g (rửa sạch, thái miếng), câu kỷ 50g (ngâm trong nước cho mềm).

Làm nóng chảo, cho dầu tinh chế vào, xào gan lợn thái miếng, cho thêm rượu gạo, gừng tươi, hành, muối rồi tiếp tục xào; Thêm lượng nước thích hợp, cho câu kỷ vào cùng nấu. Nấu đến khi gan lợn chín hẳn, nêm một ít tiêu bột là được; Dùng như món canh.

Món này có tác dụng bổ gan huyết, bổ thận tinh, sáng mắt.

4. Dùng cho người bị chứng mệt mỏi thị giác do các tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị), và chứng mỏi thị giác do thiết bị điện tử (hội chứng VDT), máu không dưỡng đủ cho mắt.

Gan lợn 200g (rửa sạch, thái miếng), 2 quả trứng, hành lá.

Trước tiên đem gan lợn nấu canh, chờ gan lợn chín, đổ trứng đánh tan vào, khuấy đều, cho hành vào đun thêm một lúc, nêm muối vừa ăn là được. Dùng như món ăn bình thường, mỗi ngày nấu một lần.

Món này có tác dụng bổ gan dưỡng huyết, tăng phát thanh dương, sáng mắt; cũng có thể dùng để phòng trị chứng cận thị ở thanh thiếu niên.

5. Dùng sau khi phẫu thuật khối u ác tính ở mắt và hóa trị, xạ trị.

Canh cà chua, mã thầy, nấm, gan lợn: Dùng cùng với nấm, mã thầy (năng ngọt) và cà chua, có có tác dụng ích khí bổ huyết, thanh nhiệt, gia tăng sức khỏe.

6. Dùng để phòng chữa mắt thâm quầng

Canh gan lợn mộc nhĩ trắng: Dùng cùng với mộc nhĩ trắng, táo đỏ; có tác dụng ích khí lợi huyết, mịn da.

Mật lợn

Mật của lợn, vị đắng, tính hàn; Thuộc về kinh Can, Đảm, Phế, Đại tràng. Chức năng thanh nhiệt, nhuận táo, giải độc.

Ứng dụng trong thực liệu chữa bệnh mắt: Có thể dùng cho người viêm kết mạc cấp tính, nhiệt độc khá nặng. Mật lợn 1 quả, đường trắng lượng thích hợp. Lấy dịch mật cho vào trong bát, chưng cho chín, cho thêm đường, mỗi ngày nấu một lần. Món này có tác dụng thanh nhiệt giải độc, nhuận táo.

(Trích từ “Hộ nhãn bản thảo đại bách khoa”, Nhà xuất bản Cao Bảo, Dài Loan.

Tác giả: Nhiếp Thiên Tường (Bác sĩ Trung Y, Phó chủ nhiệm Nhãn khoa)
Lý Thanh Phong biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn