Tiết lộ sức khỏe lá gan: Những biểu hiệu bệnh gan trên hai bộ phận của cơ thể và cách dưỡng gan

Bệnh gan thường diễn biến thầm lặng nên khó phát hiện. Trong bài viết này, Bác sĩ Trung y Ngô Quốc Bân sẽ chỉ ra cách phát hiện bệnh gan và phương pháp dưỡng gan.

Lá gan khỏe mạnh là điều rất quan trọng đối với chức năng tổng thể của cơ thể. Trong khi Tây y coi gan là một cơ quan đơn lẻ, thì Trung y coi gan là một hệ thống toàn diện bao gồm hệ tuần hoàn, hệ tiêu hóa, hệ thần kinh, hệ nội tiết, và nhiều hơn nữa.

Theo Trung y, một trong những chức năng sinh lý chính của gan là giúp cho khí của các tạng được vận hành dễ dàng thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi cho sự tuần hoàni chuyển và phân phối các dưỡng chất thiết yếu như khí, huyết và dịch cơ thể. Gan cũng chịu trách nhiệm điều chỉnh “các chức năng thăng và giáng của tỳ vị (lách và dạ dày),” bài tiết mật và điều hòa cảm xúc.

Nói cách khác, khi chức năng gan bình thường thì khí lưu chuyển thông suốt, hoạt động sinh lý của các mô và cơ quan trong cơ thể được cân bằng. Nếu gan bị tổn hại, khí huyết gián đoạn có thể dẫn đến sự mất cân bằng các chức năng cơ thể và dẫn đến huyết áp cao, chóng mặt, khó chịu ở ngực, rối loạn mất ngủ, loạn thần, trầm cảm, dễ kích động v.v…

Đánh giá chức năng gan qua móng tay và mắt

Gan đóng vai trò quan trọng trong việc thải độc nhưng lại là cơ quan thầm lặng, không có dây thần kinh nên rất khó phát hiện những bất thường. Trung y sử dụng lý thuyết Tạng Tượng để đánh giá chức năng gan dựa trên các biểu hiện bên ngoài. Theo Trung y: “Sinh khí của gan được phản ánh qua móng tay, ảnh hưởng của gan thể hiện ở mắt, cảm xúc của gan thể hiện qua sự tức giận và dịch của gan thể hiện dưới dạng nước mắt.”

Theo lý thuyết Tạng Tượng, “Tạng” chỉ các cơ quan nội tạng nằm bên trong cơ thể, trong khi “Tượng” chỉ những biểu hiện bên ngoài của tình trạng sinh lý và bệnh lý. Tạng Tượng là học thuyết chuyên nghiên cứu về chức năng sinh lý, sự biến đổi bệnh lý và mối quan hệ tương hỗ giữa các cơ quan trong cơ thể con người.

Vậy Trung y đánh giá chức năng gan từ móng tay và mắt như thế nào?

Tiết lộ sức khỏe lá gan: Những biểu hiệu bệnh gan trên hai bộ phận của cơ thể và cách dưỡng gan
Trung y có thể đánh giá chức năng gan bằng cách quan sát móng tay và mắt. (Ảnh: The Epoch Times)

1. Đánh giá chức năng gan qua móng tay

Theo sách Trung y kinh điển là Hoàng Đế Nội Kinh, màu sắc và bề ngoài của móng tay có thể cung cấp thông tin chi tiết về lượng huyết trong gan dồi dào hay thiếu hụt và cho biết sức khỏe tổng thể của chức năng gan. Điều này áp dụng cho cả móng tay và móng chân. Ví dụ:

  • Móng tay bóng và đỏ, cùng với kết cấu chắc khỏe, cho thấy gan dồi dào huyết và dinh dưỡng tốt cho cân. Điều này chứng tỏ chức năng gan khỏe mạnh.
  • Móng tay nhợt nhạt, mềm, mỏng và dễ bị biến dạng hoặc gãy cho thấy thiếu huyết và thiếu dinh dưỡng cho cân. Điều này chứng tỏ chức năng gan kém.

2. Đánh giá chức năng gan qua mắt

Trong Trung y, những cơ quan cảm giác được coi là cổng vào của các Tạng. Người ta tin rằng mắt phản ánh trạng thái của gan, lưỡi phản ánh trạng thái của tim, miệng phản ánh trạng thái của lá lách, mũi phản ánh trạng thái của phổi và tai phản ánh trạng thái của thận. Khi các cơ quan nội tạng hoạt động kém hoặc gặp bất thường, những dấu hiệu cụ thể sẽ xuất hiện ở các cơ quan cảm giác tương ứng. Do đó, mắt đóng vai trò là chỉ dấu quan trọng để đánh giá chức năng gan.

Chức năng thị giác của mắt phụ thuộc vào sự nuôi dưỡng tinh khí từ các cơ quan nội tạng, trong đó gan đóng vai trò chủ đạo. Trong Hoàng Đế Nội Kinh có ghi rằng “Khí của gan thông lên mắt; gan hòa hợp thì mắt mới thấy rõ màu sắc.” Điều này ngụ ý rằng khi gan hoạt động tốt, mắt sẽ tự nhiên sáng và rực rỡ, cho tầm nhìn rõ ràng. Ngược lại, các vấn đề về mắt có thể chỉ ra nguyên nhân căn bản là chức năng gan.

Dưới đây là hai trường hợp lâm sàng chứng minh sự liên quan mật thiết giữa gan và mắt.

Một bệnh nhân nam ngoài 50 tuổi, có tiền sử làm việc nhiều ca đêm trong những năm còn trẻ, đã phải nhập viện hai lần do viêm gan, đợt thứ hai nặng hơn đợt đầu. Khoảng một tuần sau khi xuất viện, ông bị mờ cả hai mắt, kèm theo thấy bóng tối che khuất tầm nhìn. Khi được bác sĩ nhãn khoa kiểm tra, ông được chẩn đoán mắc bệnh teo dây thần kinh thị giác (optic nerve atrophy).

Trong một trường hợp khác, một bệnh nhân nữ ở độ tuổi 50 mắc hội chứng mù màu bẩm sinh, dẫn đến khả năng nhận thức màu sắc rất kém và thế giới chỉ có hai màu đen và trắng. Ngoài ra, cô ấy cũng bị mờ mắt dai dẳng. Sau liệu trình châm cứu và điều trị bằng thuốc kéo dài ba tuần, thị lực của cô dần dần cải thiện. Một ngày nọ, cô đã có bước đột phá đáng kể khi lần đầu tiên nhìn thấy bầu trời màu xanh, khiến cô tràn ngập niềm vui sướng vô bờ bến. Tuy nhiên, sau khi tranh cãi gay gắt với anh trai của mình, thị lực của cô lập tức bị mờ trở lại (vì cơn thịnh nộ làm suy yếu gan), huỷ đi tiến triển đạt được từ lần điều trị trước đó.

Sau đó, cô tiếp tục điều trị thêm sáu tháng nữa. Dù thị lực của cô đã cải thiện và màu sắc nhận biết được trở nên sống động và rực rỡ hơn, nhưng cô nhận thấy rằng độ tương phản và độ sống động của bầu trời xanh không sắc nét như trước khi cô nổi cơn thịnh nộ. Kể từ thời điểm đó, cô ấy đã kiềm chế để không mất bình tĩnh, đồng thời nhận ra ảnh hưởng to lớn của sự tức giận đối với sức khỏe.

Tăng chức năng gan bằng kỹ thuật khai thông kinh mạch

Theo Trung y, kinh lạc là đường dẫn các luồng năng lượng trong cơ thể. Chúng đóng vai trò cốt yếu trong việc vận chuyển khí huyết – những chất cơ bản cấu tạo và duy trì sự sống của con người – đi khắp cơ thể. Cơ thể bao gồm 12 kinh lạc chính, mỗi kinh lạc tương ứng với một cơ quan cụ thể. Các cơ quan nội tạng được kết nối với bề mặt cơ thể thông qua các kinh lạc này. Dọc theo kinh lạc, có những điểm cụ thể được gọi là huyệt vị, có chức năng riêng. Bằng cách kích thích các huyệt tương ứng thông qua các kỹ thuật như châm cứu và xoa bóp, có thể điều trị các bệnh liên quan đến các cơ quan cụ thể.

Vỗ lên các kinh lạc gan và túi mật khoảng 100 đến 200 lần mỗi ngày có thể giúp cải thiện chức năng gan và túi mật đồng thời thúc đẩy quá trình trao đổi chất.

Trên thực tế, việc vỗ lên các kinh lạc gan và túi mật hàng ngày đã cho thấy hiệu quả điều trị rõ rệt, đặc biệt là trong giai đoạn cấp tính hoặc tiến triển bất thường về chức năng gan hay vàng da.

Vị trí vỗ kinh lạc gan: Dọc theo mặt trong đùi, theo con đường của kinh lạc gan.

Vị trí vỗ kinh lạc túi mật: Vỗ dọc theo đường kinh lạc, bắt đầu từ phía trên và di chuyển xuống phía dưới cho đến trước mắt cá chân ngoài trên mu bàn chân.

Tiết lộ sức khỏe lá gan: Những biểu hiệu bệnh gan trên hai bộ phận của cơ thể và cách dưỡng gan
Vỗ các kinh lạc gan và túi mật khoảng 100 đến 200 lần mỗi ngày có thể giúp cải thiện chức năng gan và túi mật, thúc đẩy quá trình trao đổi chất. (Ảnh: NTDHealth)

Trung y có thể đánh giá chức năng gan bằng cách quan sát móng tay và mắt. (Ảnh: The Epoch Times)

Ba mẹo quan trọng giúp duy trì sức khỏe của gan theo Trung y

Để tăng sức khỏe của gan và bảo đảm chức năng thải độc tối ưu, bạn có thể thay đổi ba khía cạnh sau trong cuộc sống hàng ngày của mình:

1. Khía cạnh chính của dưỡng gan là kiểm soát cơn giận

Trọng tâm chính của việc nuôi dưỡng gan là kiềm chế sự tức giận. Thay vì trở nên khó chịu hay tức giận trước bất kỳ hoàn cảnh bất lợi nào, hãy học cách điều chỉnh cảm xúc của bạn và đối mặt với chúng với một tâm thế bình tĩnh và không phàn nàn.

Trong Trung y, người ta tin rằng con người trải qua bảy cảm xúc được gọi là vui, giận, lo lắng, suy nghĩ, buồn bã, sợ hãi và kinh hoàng. Ngoài ra, mỗi cảm xúc tương ứng với một cơ quan cụ thể và những cảm xúc này được coi là thể hiện hoạt động tinh thần của các cơ quan tương ứng.

Gan có liên quan đến cảm xúc tức giận trong Trung y. Hoàng Đế Nội Kinh có ghi “Bệnh gan khiến người dễ cáu gắt.” Điều này cho thấy rằng những bệnh nhân gan dễ bị tức giận hơn, dẫn đến khí bị ứ đọng và dòng chảy bị suy giảm. Trường hợp bệnh nhân nữ được đề cập trước đó càng chứng minh điều này, sự mất bình tĩnh đã dẫn đến những ảnh hưởng bất lợi đến thị lực của cô. Điểm quan trọng là chúng ta phải thuộc lòng bài học này và tránh tức giận quá mức, vì điều này có thể góp phần vào sự phát triển của bệnh gan.

Nếu bạn thấy mình cáu kỉnh bất thường mà không rõ nguyên nhân, bạn nên uống trà hoa hồng. Để chuẩn bị trà hoa hồng, chỉ cần ngâm 6 đến 10g cánh hoa hồng vào ấm trà với nước sôi, đậy nắp ấm và để ngâm một lúc trước khi uống trà.

2. Duy trì lối sống lành mạnh với sự cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi hợp lý

Trong Trung y, người ta tin rằng 12 kinh lạc chính tuân theo sự sắp xếp thời gian và lộ trình cụ thể. Có 12 thời thần (mỗi thời thần tương đương hai giờ hiện đại) trong một ngày và chúng tương ứng với 12 kinh lạc chính trong cơ thể con người. Trong mỗi “thời thần,” kinh lạc tương ứng trải qua một dòng khí và huyết tăng cao, dẫn đến hoạt động gia tăng trong các cơ quan liên quan. Khái niệm này tương tự như nhịp sinh học ngày nay đã được công nhận trong cơ thể con người.

Chúng ta nên đi ngủ trước 10:30 tối. Kinh lạc túi mật hoạt động trong khoảng thời gian “tý” (11 giờ tối đến 1 giờ sáng), trong khi kinh mạch gan hoạt động từ 1 giờ sáng đến 3 giờ sáng. Duy trì lịch trình ngủ đều đặn là rất quan trọng để nuôi dưỡng gan và túi mật. Trong lối sống hiện đại, thức khuya trở nên phổ biến, nhưng việc thức khuya kéo dài ngoài thời “tý” có thể dẫn đến suy giảm chức năng miễn dịch và nhiều tình trạng sức khỏe khác. Nếu bạn bị căng thẳng tinh thần kinh niên hoặc quá mệt mỏi về thể chất, bạn nên điều chỉnh giờ đi ngủ của mình thành 9 giờ tối.

Ngoài ra, Trung y tin rằng nuôi dưỡng thận có liên quan đến nuôi dưỡng gan và thời gian ngủ tối ưu cho sức khỏe của thận là từ 9 giờ tối đến 3 giờ sáng. Những người làm công việc nặng nhọc hoặc thức khuya quá 9 giờ tối dễ bị cạn kiệt năng lượng của thận hơn. Sự cạn kiệt quá mức có thể dẫn đến các triệu chứng như rối loạn mất ngủ, huyết áp cao và thậm chí là bệnh Parkinson.

Hoạt động tình dục nên được tiết chế: Không nên tham gia vào hoạt động tình dục khi một trong hai người bị viêm gan cấp tính hoặc kinh niên. Trong giai đoạn hồi phục của viêm gan cấp tính, cũng như giai đoạn tương đối ổn định của viêm gan kinh niên và xơ gan, nên tạm ngừng sinh hoạt tình dục. Điều này là do hoạt động tình dục có thể gây tăng huyết áp, thở nhanh, tim đập nhanh, gắng sức và dẫn đến cung cấp oxy cho gan không đủ (gọi là “thủy (thận) không nuôi được mộc (gan)” trong Trung y), kết quả là cản trở quá trình phục hồi của bệnh nhân và có khả năng làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh.

Cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi: Những bệnh nhân gan cấp tính và kinh niên nên tránh làm việc quá sức và ưu tiên nghỉ ngơi đầy đủ. Đồng thời, nên tham gia các hoạt động thể chất vừa phải để rèn luyện thể lực và nâng cao hệ miễn dịch cho cơ thể.

3. Lưu tâm đến các lựa chọn và hạn chế trong cách ăn uống

Ngoài việc điều chỉnh cảm xúc, phát triển các thói quen lành mạnh và cân bằng giữa công việc cũng như nghỉ ngơi, cách ăn uống đóng một vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng gan. Cùng với việc bỏ thuốc lá và rượu, bạn nên ăn nhẹ và ăn đồ ăn dễ tiêu hóa. Nên tránh ăn thực phẩm cay như ớt, cũng như một số loại thịt như gà trống, vịt và thịt cừu. Ngoài ra, nên tránh các loại thực phẩm như khoai sọ, măng, hành lá, tỏi, cá đuôi gai, tôm, xoài, sầu riêng, nhãn, vải.

Thiên Vân biên dịch

Quý vị tham khảo chi tiết tại The Epoch Times.

Dr. Wu Kuo-Pin
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Bác sĩ Wu Kuo-pin (Ngô Quốc Bân) là giám đốc Phòng khám Trung y Tâm y đường, Đài Loan. Năm 2008, ông bắt đầu học chuyên ngành Trung y và lấy bằng cử nhân tại Đại học Trung Y ở Đài Loan.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn