Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện: Chính sách đất công cộng của TT Biden thiên vị cho các nhà đầu tư ‘bảo tồn môi trường thiên nhiên’ toàn cầu
Việc chính phủ áp dụng ma trận lợi ích-chi phí để đánh giá giá trị của ‘giới tự nhiên’ làm dấy lên những lời chỉ trích từ lưỡng đảng trong phiên điều trần tại Hạ viện được chêm vào nhiều thuật ngữ viết tắt.
Cách đây một thế hệ, những người ủng hộ đất công cộng liên bang trên khắp miền Tây Hoa Kỳ đã cảnh báo với những chiếc “mũ bảo hộ màu xanh” trên những chiếc trực thăng không nhãn hiệu màu đen tham gia vào một kế hoạch bí mật, một âm mưu của Liên Hiệp Quốc nhằm kiểm soát việc tiếp cận các vùng đất liên bang rộng lớn của Hoa Kỳ.
Điều đó có thể là điên rồ, nhưng nỗi lo về việc Liên Hiệp Quốc “quản lý” đất công cộng ở Hoa Kỳ vẫn tồn tại, chỉ có điều lần này, không phải “những chiếc mũ bảo hộ màu xanh” trên trực thăng mà là các kế toán viên và các nhà tài chính toàn cầu với những chiếc bút đỏ được cho là đang phá hoại chủ quyền của Mỹ.
Vì vậy, các dân biểu Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện cũng khẳng định như vậy. Họ nói rằng chính phủ Tổng thống (TT) Biden đang tích cực trợ giúp và tiếp tay cho quá trình “thực dân hóa xanh” này, bất chấp lưỡng đảng phản đối việc áp dụng ma trận phân tích lợi ích-chi phí do Liên Hiệp Quốc phát triển. Ma trận này sử dụng “kế toán vốn tự nhiên” (NAC) và “định giá các dịch vụ hệ sinh thái” (ESV) để xây dựng chính sách, các quy định, và quy tắc về đất công cộng liên bang.
Trong một phiên điều trần hôm 07/03 trước Tiểu ban Giám sát và Điều tra thuộc Ủy ban Tài nguyên Thiên nhiên của Hạ viện, Dân biểu John C. Mike Collins (Cộng Hòa-Georgia) cho biết, “Chính phủ TT Biden liên kết với các nhà hoạt động sinh thái và tổ chức bất vụ lợi chống sử dụng [đất công cộng] cấp tiến, với mục tiêu cuối cùng là loại bỏ việc sản xuất nhiên liệu hóa thạch bằng mọi cách … và phong tỏa đất và nước công cộng của chúng ta, bất kể thiệt hại gây ra cho quốc gia của chúng ta.”
Ông Collins, giữ chức chủ tịch khi Dân biểu Paul Gosar (Cộng Hòa-Arizona) vắng mặt, cho biết mặc dù lưỡng đảng ủng hộ cắt giảm các bộ máy quản lý quan liêu, nhưng chính phủ TT Biden lại đang thêm vào những lớp hành chính mới trong mọi quyết định về việc sử dụng đất công cộng.
“Ngay tức thì, đây là một ý tưởng tồi tệ, sẽ tác động đến các quyết định chính sách của liên bang trên diện rộng, đồng thời tạo ra một rào cản khác cản trở các dự án phát triển tài nguyên quan trọng,” ông nói. “Ngoài ra, chỉ thị đưa [NCA và ESV] vào phân tích lợi ích-chi phí sẽ cung cấp cho các nhà hoạt động hay kiện cáo một vũ khí khác trong kho vũ khí kiện tụng và dàn xếp chống sử dụng [đất công cộng] của họ.”
NCA và ESV
Hồi tháng 01/2023, chính phủ TT Biden đã thông qua NCA và ESV trong “Chiến lược Quốc gia nhằm Phát triển Số liệu thống kê cho Các quyết định Kinh tế-Môi trường,” được mô phỏng theo mô hình Hệ thống Kế toán Kinh tế Môi trường của Liên Hiệp Quốc (UN-SEEA).
Chiến lược này chỉ thị cho các cơ quan sử dụng đất liên bang, chẳng hạn như Cục Quản lý Đất đai (BLM) và Cơ quan Lâm nghiệp, phải xem “thiên nhiên là một loại tài sản” và đưa “các tài sản thiên nhiên vào bảng cân đối kế toán quốc gia,” bản ghi nhớ phiên điều trần của Đảng Cộng Hòa trong tiểu ban này nêu rõ.
Theo chiến lược này, các cơ quan buộc phải “đưa các bảng kế toán vốn tự nhiên và số liệu thống kê kinh tế-môi trường liên quan vào hệ thống thống kê kinh tế rộng lớn hơn của Hoa Kỳ” theo “cách tiếp cận theo từng giai đoạn 15 năm.”
Theo bản ghi nhớ này, “Mặc dù việc thiết lập các tiêu chuẩn kế toán công bằng là cần thiết cho hoạt động tài chính, nhưng những người chỉ trích lại cho rằng các tiêu chuẩn kế toán khách quan, công bằng không thể được áp dụng để tính đến vốn tự nhiên và các dịch vụ hệ sinh thái.”
Bản ghi nhớ nêu rõ rằng những “kế hoạch” như vậy “đơn giản là những cách để kiếm tiền từ thiên nhiên bằng các phương pháp kế toán chủ quan. Ngoài ra, cả cánh tả lẫn cánh hữu đều nêu lên những lo ngại rằng NCA và ESG có thể chuyển các quyết định liên quan đến việc sử dụng và kiểm soát đất đai từ các cộng đồng địa phương và các bên liên quan sang giới tinh hoa tài chính và những lợi ích của ngoại quốc.”
Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện khẳng định rằng chính phủ TT Biden thực hiện chiến lược này để chỉ thị các cơ quan sử dụng đất liên bang “mà không cân nhắc kỹ lưỡng những tác động phổ biến” trong các phân tích lợi ích-chi phí, những phân tích sẽ có “ảnh hưởng rất lớn đến các hành động của liên bang và hậu quả của chính sách,” bản ghi nhớ khẳng định.
Những người chỉ trích — gồm một loạt các nhóm tự do thiên tả — khẳng định NCA và ESV là không đầy đủ, không cần thiết, và phức tạp đến mức không thể hiểu nổi.
Bản ghi nhớ của ủy ban Đảng Cộng Hòa chỉ trích rằng cả hai công cụ này đều là những nỗ lực nhằm “tài chính hóa thiên nhiên.” Họ gọi hai công cụ này là “một hình thức nguy hiểm của chủ nghĩa thực dân hóa xanh được kiểm soát bởi các nhà tài chính quốc tế và giới tinh hoa toàn cầu đang tìm cách nắm chặt lấy đất đai từ các bên liên quan ở địa phương.”
Theo chiến lược này, các cơ quan buộc phải “đưa các khoản kế toán vốn tự nhiên và số liệu thống kê kinh tế-môi trường liên quan vào hệ thống thống kê kinh tế rộng lớn hơn của Hoa Kỳ” theo “cách tiếp cận theo từng giai đoạn 15 năm.”
Dự án nhằm bảo vệ ‘giá trị’ của thiên nhiên
Những người đề xướng thì xác nhận NCA và ESV là những công cụ cần thiết để đánh giá và bảo vệ “vai trò của thiên nhiên” trong các nền kinh tế và cộng đồng hiện đại.
Họ cho biết NCA đưa ra dữ liệu nhất quán, được tạo ra một cách có hệ thống nhằm làm nổi bật các quyết định chính sách “liên ngành” về quản lý tài nguyên thiên nhiên trong bối cảnh bền vững về kinh tế và kinh doanh.
Những người ủng hộ ESV lập luận rằng việc tính toán giá trị kinh tế của “các dịch vụ hệ sinh thái” sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách và các nhà quản lý tài nguyên “đưa ra các quyết định hợp lý có tính đến các kết quả quan trọng về môi trường và sức khỏe con người vào phần quan trọng nhất.”
Một trong những người đề xướng là Giáo sư Kinh tế Tài nguyên Thiên nhiên của Trường Môi trường Yale, ông Eli Fenichel. Ông đã ca ngợi các lợi ích của CPA và ESG trên Tập san Hiệp hội các Nhà kinh tế Tài nguyên và Môi trường.
Những người khác ủng hộ những chương trình đánh giá này bao gồm “người lập mô hình” Björn Döhring, Tổng giám đốc Các vấn đề Kinh tế và Tài chính của Ủy ban Âu Châu trong một báo cáo hồi 02/2023, phân tích chính sách hồi tháng 12/2021 của nhà kinh tế nghiên cứu thuộc Dịch vụ Địa chất Hoa Kỳ Ken Bagstad, và nhà kinh tế học Arjan Ruijis của Cơ quan Đánh giá Môi trường Hà Lan trong phân tích ‘Kế toán vốn tự nhiên để có chính sách tốt hơn’ của ông.
Những hệ thống này hiện được đưa vào những hướng dẫn về ‘Các trung tâm Khí hậu, Các dịch vụ Hệ sinh thái’ của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cũng như các đề cương chính sách khác của cơ quan liên bang.
Dân biểu Melanie Stansbury (Dân Chủ-New Mexico) cho biết không có gì mới trong NCA và ESV.
“Trong nhiều thập niên, lưỡng đảng đã có một nỗ lực nhằm thực sự đong đếm đầy đủ các lợi ích hệ thống của môi trường của chúng ta,” bà nói, và lưu ý rằng “nỗ lực này đã được ủng hộ dưới thời chính phủ TT Bush … được chính phủ TT Trump tiếp tục khi họ lên nắm quyền, và chính phủ TT Biden hiện đang tiếp tục những nỗ lực đó.”
“Đây không phải là một cuộc tấn công mang tính đảng phái vào môi trường hay đất công cộng, mà là một hệ thống kế toán để đưa ra các quyết định công bằng và phù hợp.”
Bà Stansbury cho biết những người chỉ trích đang tấn công các hệ thống định giá mà không hiểu những hệ thống này là gì.
“Khi chúng ta phát triển các dự án cơ sở hạ tầng rộng lớn về nước, đường sá, và các cơ sở hạ tầng khác giúp cho đất nước này trở nên vĩ đại, thì chúng ta đã làm như vậy với một tổn thất lớn đối với môi trường, đối với các tài nguyên văn hóa, và giờ đây chúng ta hiểu rằng, trong thế kỷ 21, chúng ta phải tính đến các dịch vụ đó khi chúng ta đưa ra quyết định. Đó chính là nội dung của các dịch vụ hệ sinh thái,” bà nói.
Bảo tồn là một ‘cách sử dụng chính’
Vài người tham gia hội thảo khen ngợi rằng bà Stansbury đã hiểu NCA và ESV, bởi vì không mấy người có thể hiểu được hàng trăm trang quy định này có ý nghĩa gì trong thế giới thực.
Ủy viên Quận Fergus (Montana) Ross Butcher đã kể lại trong lời khai của mình về cách chiến lược này được thể hiện trong một đề nghị thay đổi quy tắc hồi tháng 04/2023 của Cục Quản lý Đất đai sẽ phân loại bảo tồn là “cách sử dụng chính” thứ bảy trên đất công cộng liên bang.
Bản đề xướng “Khảo sát về Lịch sử, Bối cảnh, và Sự tuân thủ Quy tắc Sức khỏe Cảnh quan và Bảo tồn BLM (CLHR)” chứng tỏ” BLM đi lệch khỏi thẩm quyền được quốc hội ủy quyền của họ,” ông nói.
Ông Butcher cho biết Đạo luật Chăn thả Taylor, Đạo luật Quản lý Chính sách Đất đai Liên bang (FLPMA), và Đạo luật Cải thiện Vùng đất chăn thả Công cộng (PRIA) đã hướng dẫn các chính sách đất công cộng liên bang trong một thế kỷ.
Ông cho biết, theo các đạo luật đó, “nhiệm vụ cốt lõi của BLM” theo Đạo luật Chăn thả Taylor là quản lý đất cho việc chăn thả gia súc trong nước, phát triển phạm vi chăn thả, và “ổn định ngành chăn nuôi phụ thuộc vào việc tiếp cận phạm vi chăn thả như mục đích sử dụng đất chính, chứ không phải bảo tồn động vật hoang dã.”
Bản đề xướng CLHR “có những khuyết điểm không thể dung hòa và không nên được thông qua,” ông Butcher nói, đồng thời lưu ý rằng đề xướng này “về thực chất giống với” Quy tắc về Lập kế hoạch Quản lý Tài nguyên 2.0 của BLM năm 2016 đã bị Quốc hội bác bỏ.
Khi một quy tắc đã bị Quốc hội bác bỏ, thì các cơ quan liên bang bị cấm áp dụng một quy tắc tương tự hoặc quy tắc mới. Ông cho biết đó là luật nhưng đó không phải là điều mà chính phủ TT Biden đang làm ở đây.
Ông Butcher nói: “Chỉ riêng thực tế này đã khiến việc áp dụng quy tắc CLHR trở thành bất hợp pháp.”
Ông trích dẫn một báo cáo từ Boundary Line Foundation có trụ sở tại Chicago bác bỏ quyết định của Bộ trưởng Nội vụ và Văn phòng Các vấn đề Thông tin và Quy định của Bộ Nội vụ (DOI) rằng CLHR sẽ không có tác động tài chính nào đối với các thành phần đất công cộng.
Ông Butcher nói rằng, đánh giá đó rõ ràng là không nhìn thấy tác động tiêu cực đáng kể mà quy định này sẽ gây ra đối với các nền kinh tế địa phương vốn “dựa vào mô hình lợi nhuận được duy trì cho nhiều mục đích sử dụng, được định nghĩa trong FLPMA. Quan điểm cho rằng sẽ có ít tác động là điều vô lý rành rành.”
“Bước đầu tiên trong việc kiếm tiền và bán các tài sản tự nhiên đòi hỏi phải phát triển một bảng kiểm kê tài sản tự nhiên và một hệ thống để giữ những tài sản cho giá trị bảo tồn của chúng,” ông nói. “Việc đưa ra mục đích sử dụng chính thứ bảy, bảo tồn, đối với những vùng đất liên bang dự trữ này rất phù hợp với kế hoạch kiếm tiền từ đất công cộng của chúng ta.”
“Kế hoạch này không những không nêu lên được bất kỳ thẩm quyền nào để đề ra các hành động,” ông Butcher kết luận, “mà còn mâu thuẫn trực tiếp với mục đích theo luật định rằng đất công cộng phải được sử dụng cho các mục đích sản xuất.”
‘Toàn chính phủ (nhiều hơn)’
Ông Marlo Oaks, Thống đốc Ngân khố tiểu bang Utah, cho biết việc áp dụng NCA và ESV đang khuyến khích các nhà đầu tư toàn cầu kêu gọi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) liên bang tạo ra một loại hình công ty mới dành cho đầu tư công cộng — một Công ty Tài sản Tự nhiên — “để quản lý đất đai không phải cho hoạt động kinh tế, mà là để tối đa hóa ‘các dịch vụ sinh thái.’”
Ông cho biết hồi tháng Chín, Sở giao dịch Chứng khoán New York đã gửi một đề nghị như vậy tới SEC. Ông nói rằng đề nghị này vẫn chưa được phê chuẩn, nhưng những người đề nghị sẽ không lùi bước.
Ông Oaks nói, việc thành lập các Công ty Tài sản Thiên nhiên được giao dịch công khai, được kiểm kê và định giá theo các hướng dẫn của NCA và ESV đặt ra “một rủi ro đáng kể khi tạo ra một hệ thống để đất công cộng và đất tư nhân bị loại bỏ vĩnh viễn khỏi mục đích sử dụng sản xuất nhằm giải quyết một danh sách dài các giá trị tài nguyên không được định nghĩa rõ ràng, chẳng hạn như như quy định khí hậu, tài nguyên cảnh quan, và tài nguyên tiện nghi trực quan.”
Mặc dù được “đội lốt” là chủ nghĩa tư bản thị trường tự do nhưng những phương tiện đầu tư như vậy sẽ “xiết chặt các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Mỹ,” ông nói. “Mặc dù điều này sẽ không tốt cho tất cả người Mỹ, nhưng các nền kinh tế địa phương và tiểu bang và các cơ sở thuế (tax base) ở các tiểu bang miền Tây giàu tài nguyên như Utah với quyền sở hữu đất đai liên bang là chủ yếu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.”
Bà Kathleen Sgamma, chủ tịch Liên minh Năng lượng Phương Tây có trụ sở tại Denver, đồng ý với bà Stansbury rằng NCA và ESV không có gì mới, đặc biệt kể từ khi ông Biden nhậm chức hồi tháng 01/2021 và áp đặt “các phương pháp tiếp cận toàn chính phủ” đối với vấn đề biến đổi khí hậu, nghiện ma túy, khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, nhà ở, sự đa dạng, công bằng, công lý môi trường, “và bất kỳ các vấn đề xã hội nào khác.”
Bà làm chứng rằng, cách tiếp cận “toàn chính phủ” đó về cơ bản có nghĩa là toàn chính phủ nhiều hơn nữa bằng việc thêm “hết lớp thủ tục quan liêu này đến lớp thủ tục quan liêu khác.”
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times