Đừng để bệnh Gout kiểm soát cuộc sống của bạn: Liệu pháp cổ xưa giúp giảm đau nhanh chóng

Cơn đau dữ dội và sưng tấy đột ngột ở ngón chân cái có thể là triệu chứng của cơn gout. Mặc dù y học hiện đại chưa có cách chữa khỏi bệnh gout, nhưng nhiều bệnh nhân cảm thấy điều trị bằng Trung y mang lại hiệu quả.

Bà Yuen Oi-lin, một bác sĩ Trung y có chứng chỉ hành nghề ở Hồng Kông, cho biết trong chương trình “The 100 Doctors, The 100 Treatments” (tạm dịch: “Bách bệnh, trăm y pháp”) rằng châm cứu và đốt ngải cứu (đốt moxa trên da) thường có thể làm giảm bệnh gout trong một lần điều trị. Ngoài ra, uống Tứ Thần Thang để bồi bổ tỳ vị có thể giúp bạn hồi phục sức khỏe.

Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh [Hoa Kỳ] (CDC), bệnh gout hình thành do acid uric trong máu dư thừa, kết tinh tại các khớp gây viêm và đau. Cơn đau trong cơn gout thường ở ngón chân cái, nhưng đôi khi nó cũng có thể ảnh hưởng đến khớp ngón chân út, mắt cá chân và đầu gối.

Ngoài đau, các triệu chứng của bệnh gout còn bao gồm hiện tượng đỏ, nóng và sưng. Mặc dù y học hiện đại chưa có thuốc chữa khỏi bệnh gout nhưng có thể cung cấp một số loại thuốc giúp giảm hàm lượng acid uric trong máu, ngăn ngừa sự hình thành sỏi acid uric, đồng thời làm giảm viêm và giảm đau thông qua các loại thuốc chống viêm.

Bệnh gout ảnh hưởng đến hơn ba triệu người ở Hoa Kỳ. Khả năng phát triển tình trạng này và các biến chứng của nó cao hơn ở nam giới, phụ nữ sau mãn kinh và những người mắc bệnh thận. Một số yếu tố nguy cơ của bệnh gout bao gồm béo phì, tăng huyết áp (huyết áp cao), tăng lipid máu (cholesterol và triglyceride cao) và bệnh tiểu đường. Ngoài ra, các yếu tố di truyền đóng một vai trò trong sự phát triển của bệnh gout và có thể xảy ra ở một số gia đình.

Bà Yuen cho biết bệnh gout đôi khi được gọi là “căn bệnh của người giàu”, bởi vì nó xảy ra do tiêu thụ thực phẩm và đồ uống giàu chất béo như thịt đỏ và rượu cũng như do ăn quá nhiều. Đặc biệt, uống quá nhiều rượu sẽ gây hại cho hệ tiêu hóa.

Bệnh gout được xếp vào loại bệnh chuyển hóa. Theo quan điểm của Trung y, bệnh nhân gout thường mắc chứng tỳ hư. Do đó, phương pháp điều trị cốt lõi được Trung y áp dụng chủ yếu tập trung vào việc kiện tỳ và loại bỏ “khí ẩm,” cũng như bồi bổ thận để khôi phục chức năng trao đổi chất của cơ thể trở lại bình thường.

Trong Trung y, lá lách không chỉ được coi là một cơ quan mà còn là một khung chức năng. Ngoài chức năng miễn dịch, lá lách còn chịu trách nhiệm về hệ tiêu hóa, có chức năng chuyển hóa thức ăn và nước uống thành các chất nhỏ hơn, hấp thụ và vận chuyển đến các cơ quan khác trong cơ thể.

Nếu chức năng của lá lách suy yếu và quá trình chuyển hóa nước trong cơ thể không thể diễn ra bình thường thì sẽ xảy ra hiện tượng “ẩm ướt” mà theo Trung y, đây là sản phẩm bệnh lý của quá trình chuyển hóa nước không bình thường.

Bà Yuen chỉ ra rằng Trung y thường áp dụng châm cứu để điều trị bệnh gout, phương pháp này có thể điều chỉnh các chức năng của lá lách, dạ dày và thận cùng nhau. Hầu hết bệnh nhân cảm thấy giảm đau và sưng tấy sau một lần châm cứu, một số bệnh nhân giảm đau hoàn toàn sau 5 lần châm cứu.

Trong một phân tích tổng hợp năm 2016 được công bố trên tạp chí Evidence-Based Complementary and Alternative Medicine, dữ liệu thử nghiệm lâm sàng được tổng hợp, ngẫu nhiên, có kiểm soát về châm cứu và đốt ngải cứu trong điều trị bệnh gout cho thấy cả hai phương pháp đều an toàn và hiệu quả trong điều trị bệnh.

So với nhóm dùng thuốc Tây, nhóm châm cứu cho thấy hiệu quả giảm acid uric cao hơn, cải thiện cơn đau rõ rệt hơn và ít phản ứng phụ hơn. Các huyệt thường được sử dụng trong trường hợp này bao gồm Túc tam lý (ST 36), Tam âm giao (SP 6), và điểm mềm gần tổn thương—huyệt a Thị (huyệt a Thị không có vị trí xác định và là những điểm mà bệnh nhân cảm thấy đau khi khám sờ nắn).

Chú ý tránh một số thực phẩm, thêm liệu pháp ăn kiêng

Bà Yuen chỉ ra rằng trong khi điều trị bằng Trung y, bệnh nhân phải kiêng uống rượu, nếu không bệnh gout có khả năng quay trở lại.

Theo dữ liệu từ CDC, những người bị bệnh gout nên ăn ít thực phẩm giàu purine, vốn được phân hủy thành acid uric. Thực phẩm giàu purine bao gồm thịt đỏ, nội tạng và một số loại hải sản như cá ngừ, cá mòi và sò điệp.

Ngoài ra, nên tránh đường tinh luyện. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người tiêu thụ nhiều đồ uống có đường có nguy cơ mắc chứng tăng acid uric máu cao hơn.

Tứ thần thang điều hòa lá lách và dạ dày, loại bỏ acid uric

Bà Yuen gợi ý rằng bệnh nhân gout có thể dùng bài thuốc Tứ Thần Thang để điều trị bằng phương pháp ăn kiêng. Tứ Thần Thang gồm bốn thành phần là hạt khiếm thực (hạt cây hoa súng), hạt sen, khoai mỡ và Phục linh — tất cả đều được biết là có hiệu quả trong việc bồi bổ lá lách và thận.

Thầy thuốc Trung Y Hồ Nãi Văn tại phòng khám Trung y Thượng Hải Đồng Đức Đường Đài Loan ở Đài Bắc, cùng vợ mình đã giới thiệu cách nấu Tứ thần thang trong chương trình trực tuyến “Bài giảng của Hồ Nãi Văn” như sau:

Nguyên liệu:

  • Hạt khiếm thực 60g
  • Khoai mỡ Trung Quốc 30g
  • Hạt sen 60g
  • Phục linh 25g
  • Lúa mạch 30g
  • Nước 1.5l
Các thành phần chính của Tứ Thần Thang gồm: hạt kiếm thức, khoai mỡ Trung Quốc, Phục linh, hạt sen, lúa mạch. (Ảnh: Cong Anni/The Epoch Times)
Các thành phần chính của Tứ Thần Thang gồm: hạt kiếm thức, khoai mỡ Trung Quốc, Phục linh, hạt sen, lúa mạch. (Ảnh: Cong Anni/The Epoch Times)

Cách nấu:

Cho 1.5 lít nước vào nồi nấu. Các nguyên liệu còn lại rửa sạch, cho vào nồi. Đun sôi ở nhiệt độ cao và tiếp tục đun nhỏ lửa thêm 40 phút nữa ở nhiệt độ thấp.

Tứ Thần Thang có thể nấu với thịt để tăng hương vị. (Ảnh: Cong Anni/The Epoch Times)
Tứ Thần Thang có thể nấu với thịt để tăng hương vị. (Ảnh: Cong Anni/The Epoch Times)

Bác sĩ Hồ Nãi Văn chỉ ra rằng có thể thêm thịt vào súp Tứ Thần Thang để tăng hương vị. Món ưa thích của người Đài Loan bao gồm lòng heo hoặc ba chỉ và sườn heo, còn ức gà và xương gà cũng có thể được thêm vào để tạo ra một hỗn hợp hương vị khác.

Bác sĩ Hồ đã từng điều trị cho một bệnh nhân gout – một phụ nữ 78 tuổi, người cũng bị huyết áp cao, lượng đường trong máu cao và các triệu chứng khác ngoài acid uric cao. Theo gợi ý của ông, bệnh nhân này ăn súp Tứ Thần Thang cùng với các món ăn khác trong cả ba bữa mỗi ngày. Hai năm sau, trong một cuộc hẹn tái khám và thông báo rằng bệnh gout của bà đã được chữa khỏi, huyết áp của bà không còn cao nữa và lượng đường trong máu của bà đã trở lại bình thường.

Ngoài Tứ Thần Thang, ông Hồ cho biết người ta có thể nấu cháo với lúa mạch và gạo vì lúa mạch có tác dụng lợi tiểu và có thể loại bỏ acid uric. Tuy nhiên, ông cảnh báo phụ nữ mang thai nên tránh ăn lúa mạch vì nó có thể gây co bóp tử cung và sảy thai.

*Một số loại thảo mộc được đề cập trong bài viết này có thể không quen thuộc, nhưng chúng thường có bán ở các siêu thị Á châu.

Lưu ý: Vì những người khác nhau có thể chất khác nhau, nên tham khảo ý kiến ​​bác sĩ hoặc chuyên gia Trung y.

Minh Thư biên dịch.

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Teresa Zhang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Teresa Zhang là ký giả tạị Hồng Kông. Cô đã viết về các chủ đề sức khỏe cho The Epoch Times Hong Kong từ năm 2017, chủ yếu tập trung vào Trung y. Cô cũng báo cáo về các vấn đề hiện tại liên quan đến Hồng Kông và Trung Quốc. Liên hệ với cô tại [email protected]
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn