Giá trị đến từ một món quà ‘xoàng xĩnh’
Có ai chưa từng nhận một món quà như một chiếc máy hút bụi, một chiếc áo len xấu xí hay một gói pin? Không ai trong chúng ta tránh khỏi việc nhận được một món quà không mong muốn. Tất cả chúng ta đều biết về cảm giác thất vọng, chán nản, thậm chí đôi khi là tức giận đối với người tặng quà!
Vào các dịp lễ, những người bạn tốt hay các thành viên trong gia đình có thể tặng cho con cái chúng ta những món quà mà chúng không thích. Bọn trẻ có lẽ thích một con thú nhồi bông, nhưng thay vào đó lại nhận được một đôi vớ. Hoặc chúng có thể đã hy vọng nhận được chiếc xe hơi điều khiển từ xa sành điệu kiểu mới nào đó, nhưng thay vào đó lại nhận được một gói bút chì. Làm thế nào để chúng ta giúp trẻ đón nhận những món quà không mong muốn với sự biết ơn thay vì nhăn mặt?
Hãy là một tấm gương tốt
Làm mẫu cho con bạn về cách nhận quà và những tấm thiệp với sự trân trọng. Ví dụ khi bọn trẻ mang về nhà quà tặng ngày lễ là những sản phẩm thủ công ở trường, hãy nhận xét về sự chu đáo và ý nghĩa của món quà.
“Bố mẹ yêu cách con nhớ đến màu sắc của bố mẹ yêu thích khi con làm ra tấm thiệp này” hoặc “Bố mẹ rất vui khi con đã dành nhiều thời gian của mình để làm ra đồ trang trí này”. Hãy tập trung vào tình cảm hơn là bản thân món quà, chia sẻ về ý nghĩa đằng sau việc trao nhau những món quà.
Thể hiện sự biết ơn
Chia sẻ sự biết ơn cho cả những điều nhỏ nhặt với con của bạn. Cho chúng thấy bạn cảm thấy thật tuyệt vời và cảm kích thế nào khi được tắm nước nóng vào một buổi tối giá lạnh hoặc khi nhận được một cái ôm ấm áp từ người bạn thân.
Chúng ta có thể thể hiện sự biết ơn với cả những món quà nhỏ bé, không đắt đỏ, rất đỗi bình thường trong cuộc sống, và lòng biết ơn của chúng ta biến điều này thành những trải nghiệm kỳ diệu. Đồng thời hãy dạy bọn trẻ rằng chúng ta cần thể hiện lòng biết ơn trong mọi trường hợp, chứ không phải chỉ đối với những món đồ chơi đắt tiền hay những chuyến đi hoành tráng đến Disneyland.
Giúp bọn trẻ lựa chọn lời nói
Trẻ em thường rất thành thực về ấn tượng của chúng, ngay cả khi phải đánh đổi bằng cảm xúc của người khác. Đặc biệt ở lứa tuổi nhỏ, chúng thường nhận xét về ngoại hình khác biệt của một ai đó hoặc cách chúng biểu đạt không thích đồ ăn ở nhà bà.
Một cụm từ đơn giản để trẻ ghi nhớ như “Lời nói của con có tử tế, chân thành và thực sự cần thiết không?”
Là cha mẹ, chúng ta cũng có thể giúp trẻ luyện tập trước cách ứng xử khi nhận những món quà mà chúng không muốn, không thích hoặc đã có. Trước tiên, hãy hỏi trẻ xem chúng sẽ nói như thế nào trong tình huống như vậy và cho chúng có cơ hội để giải quyết vấn đề.
Sau đó, với vai trò là cha mẹ, chúng ta có thể từng bước tham gia và đưa ra các gợi ý phù hợp: “Nghe tuyệt đấy, nhưng có thể con cũng cần nhớ nói ‘cảm ơn’ ngay cả khi con không nhất định là thích món quà.”
Khuyến khích trẻ kể cho bạn cảm nhận thực sự của chúng
Chúng ta muốn dạy trẻ nên nhã nhặn khi nhận quà từ người khác và khuyến khích lòng biết ơn cũng như cách cư xử tử tế. Tuy nhiên, chúng ta cũng muốn cho các em hiểu rằng các em luôn có thể chia sẻ với cha mẹ, hoặc một người lớn đáng tin cậy khác về những suy nghĩ và cảm xúc thật của mình vào thời điểm thích hợp.
Điều này nhắc nhở trẻ rằng chúng ta luôn muốn hiểu thế giới nội tâm và những cảm nhận của chúng mà không cần trẻ phải loại ra một số điều được xem như là “không được chấp nhận”.
Ví dụ, chúng ta có thể nói với trẻ: “Khi chúng ta ở nhà dì Mary, chúng ta hãy nỗ lực cư xử lịch sự ngay cả khi con không đặc biệt thích những gì con có. Một khi chúng ta về nhà, bố mẹ rất muốn nghe tất cả những gì con cảm nhận về món quà của mình.” Thông điệp lớn hơn ở đây là, với vai trò là cha mẹ, trẻ có thể nói với chúng ta bằng bất cứ điều gì, và chúng ta sẽ luôn cố gắng hết sức để lắng nghe và hướng dẫn chúng.
Khuyến khích tham gia phục vụ cộng đồng
Mặc dù tặng quà là một phần quan trọng trong các dịp lễ, nhưng nó không phải là điều quan trọng nhất. Kỳ nghỉ là để mọi người trao tặng và biết ơn những gì chúng ta được ban phước lành.
Phục vụ cộng đồng cho phép chúng ta chia sẻ tinh thần quảng đại theo cách chúng ta cho là cần thiết nhất. Hãy cho phép con bạn tham gia vào các hoạt động phục vụ cộng đồng phù hợp với lứa tuổi trong kỳ nghỉ. Bọn trẻ có thể thích làm tình nguyện viên tại một điểm cứu trợ thực phẩm hoặc một bếp ăn hoặc có thể dành thời gian với động vật tại một khu cứu trợ động vật địa phương.
Hoạt động tình nguyện không đặt trọng tâm vào việc quà tặng và giúp trẻ em thấy rằng cảm giác cho đi thậm chí còn vui hơn là được nhận. Hoạt động tình nguyện cũng có thể giúp trẻ hiểu được giá trị của tất cả những gì chúng ta đang có, thay vì muốn nhiều hơn thế.
Bạch Vân biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times