Hóa chất độc hại dùng làm nhựa có trong nhiều thuốc kê toa

Loài người thường phải vất vả một phen mới nhận ra được tác động của những yếu tố vô hình đối với sức khỏe. Ví dụ, trong khi nhận thức được tác hại của thực phẩm chế biến sẵn do những hậu quả có thể thấy được, chúng ta lại thường đánh giá thấp tác động của vô số yếu tố không thể thấy trong cuộc sống hàng ngày.

Một trong số các yếu tố vô hình kể trên là hóa chất nhân tạo, chẳng hạn như phthalates, vốn có ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tổng thể của chúng ta. Phthalate thường được sử dụng để tăng độ bền của nhựa và thường có mặt trong những sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình như dầu gội đầu, keo xịt tóc và bột giặt.

Điều nhiều người chưa biết là phthalate còn có trong nhiều loại dược phẩm dễ tiếp cận. Điều này làm dấy lên lo ngại về những rủi ro tiềm ẩn khi tiếp xúc với phthalate, vì chúng có liên quan đến các vấn đề sức khỏe khác nhau, bao gồm các vấn đề về sinh sản và phát triển, rối loạn nội tiết tố và thậm chí là một số loại ung thư.

Tại sao ban đầu chúng ta sử dụng phthalate?

Trong khi thợ làm bánh dựa vào bơ để tạo ra nhiều loại bánh ngọt khác nhau, thì các nhà hóa học thường dựa vào các phthalate đa năng để tạo ra các sản phẩm khác nhau, bao gồm cả dược phẩm. Theo một bài báo đăng trên tập san World Journal of Gastroenterology, “Các công ty dược phẩm sản xuất thuốc chữa bệnh đường tiêu hóa (GI) thường sử dụng phthalate do khả năng khoanh vùng phóng thích thuốc của chất này.” Về cơ bản, phthalate làm tăng hiệu quả của một số loại thuốc thông qua các cơ chế khác nhau.

Phthalate có khả năng tương thích cao với nhiều loại nguyên liệu và dầu. Chúng cũng có thể làm chậm quá trình bay hơi và giúp sản phẩm ổn định lâu dài.

Theo ông Homer Swei, phó chủ tịch cấp cao của Khoa học Sống Khỏe thuộc Nhóm Công tác Môi trường, những đặc tính này làm cho phthalate trở nên hấp dẫn nhờ khả năng hòa tan công thức dạng lỏng và làm chất hoá dẻo cho các sản phẩm và bao bì nhựa. Ông nói thêm, chúng có thể giúp duy trì tính toàn vẹn của thành phần, điều chỉnh việc phóng thích và phân phối các thành phần chức năng, đồng thời làm tăng độ bền.

Các chất độc hại trong sản phẩm bổ sung và thuốc không kê toa

Một báo cáo nghiên cứu điều tra việc sử dụng phthalate làm thành phần trong thuốc đã phát hiện nhiều loại sản phẩm kê toa và không kê toa cũng như chất bổ sung từ các danh mục trị liệu khác nhau đều có chứa nhiều loại phthalate. Báo cáo cho thấy rằng phthalate được sử dụng trong các sản phẩm này dưới dạng thành phần “không hoạt động.” Mục đích của bất kỳ thành phần không hoạt động nào trong thuốc thường là để cải thiện hiệu quả của các hoạt chất làm giảm triệu chứng, giảm bớt vị đắng của thuốc hoặc bảo quản thuốc cho đến ngày hết hạn.

Mặc dù phthalate có trong cả thuốc kê toa và thuốc không kê toa, nhưng chúng thường được sử dụng trong các loại thuốc được thiết kế để điều trị các triệu chứng đường tiêu hóa liên quan đến các tình trạng như trào ngược acid. Hơn 20 triệu người Mỹ dùng các loại thuốc này, chúng được gọi là thuốc ức chế bơm proton (PPI).

Tuy nhiên, một số chuyên gia y tế bày tỏ lo ngại rằng phthalate trong các loại thuốc này có thể gây tác dụng phụ. Tiến sĩ Luíza Mirpuri, một chuyên gia nổi tiếng về phthalate cho biết: “Việc tiếp xúc với liều lượng thấp như trong thuốc có thể thay đổi biểu hiện gen bằng cách lập trình lại hệ thống phân tử trong tế bào, mức độ protein, biểu hiện thụ thể và quá trình methyl hóa DNA. “Tất cả những thứ này đều được biết là có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.”

Nghiên cứu sâu hơn là cần thiết để hiểu đầy đủ mức độ của những rủi ro tiềm ẩn này.

Hóa chất gây rối loạn nội tiết tố

Phthalate được phân loại là hóa chất gây rối loạn nội tiết, có thể cản trở hoạt động bình thường của nội tiết tố nam và nữ.

Nghiên cứu đã thiết lập mối liên hệ giữa phơi nhiễm phthalate và vô sinh nam và nữ, dị tật bẩm sinh và ung thư.

Sự e ngại về tác động của chúng đối với sức khỏe con người đã khiến các cơ quan quản lý ở Liên minh Âu Châu, Nhật Bản và Canada cấm hoặc hạn chế đáng kể việc sử dụng nhiều loại phthalate.

Phthalate có gây ung thư vú không?

Để khám phá tác động tiềm tàng của phthalate đối với sức khỏe con người, một nhóm các nhà nghiên cứu Đan Mạch đã tiến hành một nghiên cứu để kiểm tra xem liệu có mối liên quan giữa việc tiếp xúc với phthalate qua dược phẩm và tỷ lệ ung thư vú cao hơn hay không.

Giả thuyết của nghiên cứu dựa trên sự hiểu biết rằng phthalate, được biết đến với đặc tính bắt chước estrogen, có khả năng ảnh hưởng đến sự xuất hiện của ung thư vú dương tính với thụ thể estrogen.

Trong một đánh giá toàn diện liên quan đến gần 10 triệu phụ nữ, các nhà nghiên cứu phát hiện thấy phụ nữ tiếp xúc với lượng phthalate cao có nguy cơ bị ung thư vú cao gấp hai lần. Các tác giả của nghiên cứu lưu ý: “Kết quả của chúng tôi cho thấy phụ nữ nên tránh tiếp xúc với dibutyl phthalate ở mức độ cao, chẳng hạn như điều trị lâu dài bằng dược phẩm có công thức chứa dibutyl phthalate.” Dibutyl phthalate được sử dụng để làm tăng tính linh hoạt và mềm mại của nhựa.

Mặc dù nghiên cứu này là nghiên cứu đầu tiên điều tra mối tương quan giữa phthalate trong thuốc và tác động của chúng đối với bệnh ung thư vú, nhưng những phát hiện trong đó phù hợp với ngày càng nhiều bằng chứng chứng minh mối quan hệ song song một cách nhất quán.

Giám sát của FDA bị nghi ngờ

Mặc dù Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) được cho là có sự giám sát nghiêm ngặt trong quy trình quản lý đối với các loại thuốc có chứa phthalate khi đưa vào thị trường, nhưng một bài báo đăng trên tập san Environmental Health Prospects đã chú ý đến thực tế là một số phthalate nhất định không được chấp thuận về mặt kỹ thuật để sử dụng chung như tá dược, hay còn gọi là thành phần không hoạt động. Nhưng thay vào đó, chúng được phép đưa vào các sản phẩm thuốc đã được chấp thuận ở mức tối đa.

Hơn nữa, theo bài báo, việc đánh giá toàn diện công thức của các loại thuốc không kê toa như một số loại thuốc trị trào ngược acid không được bảo đảm. Các loại thuốc không kê toa không yêu cầu đánh giá thành phần giống như các loại thuốc tương tự nhưng kê theo toa, miễn là không có thành phần mới nào được thêm vào.

Mặc dù FDA có thể biết các thành phần trong một số loại thuốc, nhưng các nhà sản xuất không bắt buộc phải tiết lộ danh sách thành phần đầy đủ cho công chúng do luật bảo vệ bằng sáng chế. Do đó, người tiêu dùng có thể không biết liệu một loại thuốc cụ thể có chứa phthalates hay không.

Theo Tiến sĩ Mirpuri, có lo ngại rằng các cơ quan quản lý, chẳng hạn như FDA, có thể không nắm bắt đầy đủ các rủi ro sức khỏe tiềm ẩn liên quan đến phthalate. Bà nói: “Họ nói rằng việc tiếp xúc với liều lượng thấp là vô hại. Với tư cách là một bác sĩ, tôi thấy điều này là không thể chấp nhận được.” Bà trích dẫn tài liệu chứng minh rằng phthalate ở liều lượng thấp có thể làm giảm khả năng sinh sản của nam giới và đẩy nhanh quá trình tổn thương gan.

Tiến sĩ Mirpuri đã so sánh giữa phthalates và DDT, một loại thuốc trừ sâu được sản xuất rộng rãi trong quá khứ nhưng hiện đã bị cấm do đặc tính gây ung thư. Theo Tiến sĩ Mirpuri, điểm giống nhau nằm ở chỗ ban đầu cả hai chất đều không được công nhận là chất gây ô nhiễm hoặc chất gây ô nhiễm đáng kể. Tuy nhiên, phthalates và DDT có chung khả năng tồn tại, tích lũy và thể hiện các hiệu ứng độc hại phức tạp.

“Tôi tin rằng chúng sẽ là một ‘Silent Spring’ (Mùa Xuân Vắng Lặng-ND)” khác,” bà nói thêm.

Đại Hải biên dịch

Quý vị vui lòng tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Vance Voetberg
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Vance Voetberg là ký giả tự do của The Epoch Times tại Tây Bắc Thái Bình Dương. Anh có bằng Cử nhân khoa học trong ngành báo chí và mong muốn trình bày những tin tức liên quan đến sức khỏe trung thực, truyền cảm hứng. Anh là người sáng lập blog dinh dưỡng “Running On Butter.”
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn